Chuyện chọn đúng ngành học của các thủ khoa
Các trường đại học, cao đẳng trên cả nước đang lần lượt tổ chức lễ khai giảng. Tại đây, các tân thủ khoa đã chia sẻ những trải nghiệm bổ ích, thú vị về phương pháp học tập và chọn ngành nghề.
Sau ba năm học ngành bác sĩ đa khoa, Nguyễn Hoàng Gia Khánh – thủ khoa đầu vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM với 28,05 điểm khối D07 – cảm thấy bản thân không thể theo đuổi và gắn bó cả cuộc đời với nghề nghiệp mà người khác chọn cho mình. Khánh quyết tâm ôn thi để chọn lại nghề giáo và có chia sẻ đầy bất ngờ tại lễ khai giảng năm học mới 2019-2020.
Quyết tâm theo học ngành do bản thân chọn
Nguyễn Hoàng Gia Khánh đã từng gây chú ý trong mùa tuyển sinh năm 2015 khi là thí sinh có tổng điểm sáu môn thi THPT quốc gia cao nhất cả nước với 53,75 điểm. Thời điểm đó, Khánh đã đồng thời trúng tuyển vào hai trường: Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và Trường ĐH Y Dược TP.HCM nhưng em đã quyết định chọn học ngành bác sĩ đa khoa.
“Dù kết quả học tập của mình suốt gần ba năm qua luôn ở mức cao, trên dưới 8,0 nhưng ngay từ khi bắt đầu học đại học, qua từng năm, mình ngày càng nhận thấy bản thân chưa thực sự phù hợp với ngành học nhưng chưa muốn dừng lại khi chưa cố gắng hết sức. Đến năm thứ ba, khi bắt đầu những buổi học thực tế tại bệnh viện, mình mới thực sự bắt đầu có ý nghĩ không thể gắn bó cả đời với công việc này. Mình bắt đầu thấy không có nhiều hứng thú với việc học, bài vở nhiều và dồn dập nên bản thân bắt đầu căng thẳng” – chàng tân sinh viên chia sẻ.
Và như thế, Khánh đã quyết định xin tạm dừng việc học, quyết tâm ôn thi để có thể theo đuổi ước mơ làm nghề giáo. “May mắn là mình được gia đình và thầy cô giáo ở Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức) tận tình hỗ trợ” – Khánh nói.
“Mình thực sự bất ngờ và hạnh phúc khi được trở thành thủ khoa của trường. Mình sẽ nỗ lực học tập và rèn luyện để có thể trở thành một nhà giáo tốt trong tương lai và cũng chính là thực hiện ước mơ mà mình đã vô tình bỏ lỡ bốn năm tuổi trẻ” – tân thủ khoa ĐH Sư phạm TP.HCM trải lòng.
Còn Huỳnh Thị Chúc Yên, đến từ Cần Thơ, thủ khoa ĐH KHXH&NV TP.HCM với 27,75 điểm khối C vào ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành thì bộc bạch:
Từ khi bước vào lớp 10, Chúc Yên đã được gia đình định hướng học khối B để thi ngành dược, nối nghề theo truyền thống gia đình. Khi đó em chưa chắc chắn sở thích của mình nên chọn theo. Đến năm lớp 11, ở lớp bắt đầu phân chia theo khối học và đi học thêm nữa nên Chúc Yên nhận thấy các môn khối B (lý, hóa, sinh) học rất chán, không có hứng thú. Đến khi học được hai tháng ở lớp 12, em không theo nổi khối B và suy nghĩ nếu cứ tiếp tục như vậy thì có khi không tốt nghiệp THPT được chứ huống gì đậu đại học. Khi đó Chúc Yên nhận ra mình học tốt các môn xã hội ở khối C, cảm thấy thích ngành du lịch vì hợp sở thích được khám phá đây đó nên em quyết định trình bày với cha mẹ và được đồng ý. “Em muốn học cho mình, học thứ mình thích chứ không học theo người khác được. Em bắt đầu đi ôn nhưng vì thích nên em tiếp thu rất nhanh. Em quyết tâm học, mỗi ngày em vừa ôn lại kiến thức cũ vừa học cái mới, ngày nào cũng vậy” – Yên cho biết.
Nguyễn Hoàng Gia Khánh – tân thủ khoa đầu vào ĐH Sư phạm TP.HCM với quyết định chọn lại ngành học đầy bất ngờ. Ảnh: PA
Đừng bó buộc kiến thức vào môn học nào
Video đang HOT
Chàng cựu học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu ĐH Quốc gia TP.HCM Nguyễn Phú Nghĩa là người giành vị trí thủ khoa kỳ thi đánh giá năng lực năm 2019 do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức. Nghĩa cũng là một trong số ít thí sinh có điểm thi THPT quốc gia cao nhất, trúng tuyển ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM với 27,05 điểm ở khối A1.
Nghĩa chia sẻ từ lâu em đã xác định chỉ chọn ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM nhưng chỉ bằng cách thi THPT quốc gia. Mãi đến hết năm học lớp 11, em tìm hiểu về ba phương thức xét tuyển đại học vào trường này là ưu tiên xét tuyển, kỳ thi THPT quốc gia và kỳ thi năng lực. Nghĩa chọn cả ba và trúng tuyển cả ba đều vào ngành em thích.
Đừng học vì người khác
“Cứ cố gắng hết mình là sẽ đạt được điều mình muốn. Đừng học vì người khác hay so bì, tự ti với người khác vì nó chỉ làm khả năng mình hạn hẹp hơn thôi.”
Tân thủ khoa ĐH KHXH&NV TP.HCM Huỳnh Thị Chúc Yên
“Khi vào lớp 10, em tự đặt nặng thành tích, thứ hạng trong lớp nhưng khi cha em nói rằng một người muốn thành công còn phải có vốn hiểu biết về xã hội, việc học đều sẽ luôn tốt hơn học lệch. Từ đó em học khá thoải mái và chỉ quyết tâm theo ngành mình yêu thích. Em không đóng khuôn vào bất kỳ môn học nào dù ngành học em chọn là thuộc các môn tự nhiên vì mỗi môn đều có cái hay, chỉ cần chịu khó tìm tòi, lắng nghe giảng là sẽ nắm được” – Nghĩa cho hay.
Với Lê Thị Ngọc Ánh, quê Quảng Nam, thủ khoa Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) với 27,95 điểm ở tổ hợp A1 (toán, lý, Anh) thì kinh tế đối ngoại là ngành mà tân sinh viên này đam mê từ khi mới vào phổ thông. Nhưng vì ngành này lấy điểm rất cao nên Ngọc Ánh dồn hết tâm sức để học với quyết tâm trúng tuyển ngành này của Trường Kinh tế – Luật chứ không nghĩ mình thành thủ khoa của trường.
Hầu như thời gian của Ánh ở năm cuối cấp đều dành cho việc học và trau dồi tiếng Anh. Ngoài học ở trường, Ánh còn đăng ký học ôn online. Thời gian rảnh rỗi, em vào các trang mạng như YouTube nghe nhạc… để học nghe-nói tiếng Anh thật tốt nhằm phục vụ cho ngành học mà em chọn.
“Em học nhiều đến nỗi cha mẹ em cũng phát hoảng, sợ em bị điên luôn nên ngăn em bớt học để giúp em thấy kỳ thi này là bình thường thôi. Nhưng em vẫn tự đặt áp lực cho mình vì em nghĩ phải quyết tâm mới thực hiện được ước mơ. Nếu không cố gắng hôm nay, có khi sau này em sẽ hối hận nên dù phải học nhiều nhưng em vẫn cảm thấy rất hạnh phúc với việc học và nhất là khi em đã trúng tuyển vào ngành mình đã chọn” – Ánh chia sẻ.
PHẠM ANH
Theo PLO
Bỏ ngành y để thi lại sư phạm: Cần 'lắng nghe' mình khi chọn ngành
Sự việc thủ khoa Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm nay từ bỏ ngành y đa khoa sau 3 năm học tập cho thấy việc chọn ngành không phù hợp với bản thân không còn là cá biệt.
Học sinh cần tìm hiểu kỹ ngành nghề trước khi đăng ký thi xét tuyển vào đại học - Ngọc Dương
Thực tế hằng năm sau khi trúng tuyển đã có hàng trăm sinh viên xin chuyển đổi ngành học. Trong khi đó, có những người đi hết nửa chặng đường, thậm chí sau khi hoàn thành khóa học, mới nhận ra mình đã chọn sai ngành.
Bác sĩ thi lại công nghệ thông tin
"Nóng" trên các trang mạng những ngày qua là câu chuyện chuyển ngành họccủa tân thủ khoa Trường ĐH Sư phạm TP.HCM Nguyễn Hoàng Gia Khánh. Ở tuổi 22, sau khi gần hoàn tất 3 năm ngành bác sĩ đa khoa tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM với kết quả học tập đạt loại giỏi, Khánh đã quyết xin bảo lưu 1 năm để ôn thi và nộp đơn xin nghỉ học khi trúng tuyển ngành sư phạm hóa học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM với 28,05 điểm. Đáng nói, ngành học mới mà thí sinh này lựa chọn để làm lại cũng chính là ngành mà trước đó 4 năm từng trúng tuyển nhưng từ bỏ để chọn theo nghề y.
Trong ngày làm thủ tục nhập học Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, vừa qua cũng có trường hợp một thí sinh đã học hết năm thứ 3 ngành y khoa tại Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM) nộp hồ sơ vào ngành công nghệ thông tin. Ngoài ra, còn có thí sinh đã hoàn thành 6 năm học tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM tham dự kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM để tham gia xét tuyển vào ngành công nghệ thông tin của trường.
Cũng trong năm học này, Trường ĐH Khoa học tự nhiên có một sinh viên vừa tốt nghiệp ngành sinh học nhưng vẫn tham gia xét tuyển để học ngành hóa học chỉ vì ngành này rất thích hợp với mình.
Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho biết năm nào trường này cũng có những sinh viên học bác sĩ đa khoa năm thứ 3, thứ 4 bỏ học để thi lại ngành hóa hoặc sinh học. Thậm chí có những sinh viên đã hoàn tất ngành khác nhưng vẫn đăng ký thi lại vào một ngành hoàn toàn mới thuộc chương trình đào tạo chính quy.
Chưa tìm hiểu kỹ về ngành nghề
Mất 4 - 6 năm để chọn lại ngành học là điều không đơn giản. Là một người trong cuộc, Nguyễn Hoàng Gia Khánh cho biết bản thân khi lựa chọn ngành bác sĩ đa khoa chưa hiểu gì về nó. Đến khi bước chân vào giảng đường, từ năm đầu tiên, Khánh đã nhận thấy bản thân không thực sự phù hợp với ngành học. Nhưng đến năm thứ 3 khi đối mặt với những buổi học thực tế trong bệnh viện thì khái niệm không phù hợp mới thực sự được khẳng định.
"Nghề nào cũng có những bất lợi riêng. Nếu thích, mình có thể vượt qua nhưng nếu không thích mà vẫn phải đối đầu với những bất lợi ấy thì không thể sống vui vẻ với nó được", Khánh nói.
Với những trải nghiệm trong công tác tuyển sinh, thạc sĩ Phùng Quán chia sẻ: "Có nhiều trường hợp nguyện vọng đầu tiên, ngành ưu tiên số 1 là do bố mẹ lựa chọn và ngành thứ 2 mới là lựa chọn của các em. Khi đó, có những em đã theo học ngành cha mẹ mong muốn. Cũng có khi đó là lựa chọn nhưng thiếu tìm hiểu của bản thân sinh viên, chỉ khi đối mặt thực tiễn mới biết mình sai lầm".
Không phải cái gì tốt với nhiều người cũng tốt với mình
Theo PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thực tế này cho thấy việc hướng nghiệp vẫn cần tiếp tục được điều chỉnh. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp vẫn còn bị sức ép của gia đình, của một luồng suy nghĩ phải là nghề này nghề khác. PGS-TS Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh: "Những học sinh giỏi vẫn còn định vị mình theo ngành tốp, ngành có vị thế, có đẳng cấp mà chưa thật sự lắng nghe mình".
Thạc sĩ Phùng Quán thì rút ra rằng: "Khi đứng trước ngưỡng cửa chọn ngành, phụ huynh nên ngồi nói chuyện, trao đổi với con mình để tìm ra ngành học phù hợp cho con. Đừng bắt con theo ý cha mẹ. Nếu chọn sai thì có thể mất rất nhiều thời gian và công sức. Quan trọng là không phải cái gì tốt với nhiều người cũng tốt với mình".
Ý kiến
Cần hiểu rõ năng lực thực tế
Các em đã hiểu rõ năng lực thực tế và điều kiện, hoàn cảnh của bản thân chưa? Đa số học sinh và sinh viên chưa làm được việc đó. Nếu trong quá trình học không còn thấy hứng thú, không cảm thấy đam mê thì cũng cần xem xét các yếu tố: nó đến từ bên trong bản thân mình, hay là do cách giảng dạy của giảng viên không thu hút, cách tổ chức đào tạo của trường...
TS Cổ Tấn Anh Vũ
(Trưởng bộ môn quản lý hàng hải, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM)
Đã lựa chọn hãy đi tới cùng
Không có công việc nào là phù hợp ngay từ ban đầu bởi lúc mơ ước và khi thực hiện là hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, nếu đã lựa chọn hãy đi tới cùng. Nếu đó là ước mơ thì người ta nhất định sẽ thực hiện bằng được. Trong trường hợp thấy lấn cấn, thấy không có hứng thú hoặc thiếu sự đam mê thì phải được nhận ra từ rất sớm bởi điều này không khó để nhận ra. Đừng để hết 3 - 4 năm học rồi mới lựa chọn lại, rất lãng phí thời gian và tiền bạc.
Vũ Thị Kim Ngân
(Thủ khoa khối C năm 2018 Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM)
Theo Thanh niên
TPHCM tổ chức hội thi tìm hướng dẫn viên du lịch giỏi Sở Du lịch TPHCM tổ chức Hội thi "Hướng dẫn viên Du lịch giỏi TPHCM mở rộng năm 2019", dành cho tất cả hướng dẫn viên, sinh viên ngành du lịch, với tổng giải thưởng gần 200 triệu đồng. Thí sinh tham dự Hội thi Hướng dẫn viên Du lịch giỏi TPHCM mở rộng năm 2016. Ảnh: SDL Đối tượng tham gia hội...