Chuyện cảm động về thầy giáo già bán cơm kiếm tiền dạy học cho trẻ em nghèo
Căn phòng chỉ vọn vẹn hơn 25 mét vuông vang lên tiếng đọc bài ê a mỗi tối, ông giáo già chốc chốc lại gõ cây thước vào bảng đen, mấy đứa nhỏ mặt mày nhem nhuốc cuộn mình trong bàn học nhỏ thó…
Đó là lớp học tình thương Hòa Hảo của thầy Đoàn Minh Hùng nằm tại địa chỉ 166 Phan Anh, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú. Lớp học được mở từ 3 năm trước, dù không thay đổi nhiều về cơ sở vật chất thầy “hiệu trưởng” – Đoàn Minh Hùng vẫn vui vì thấy được sự thay đổi từng ngày của các em khi có “miếng chữ” mang theo mưu sinh trên đường đời…
Không phải là lớp học đầy đủ tiện nghi, hoành tráng như những lớp học thêm khác, lớp học của thầy Hùng khiến ai ghé thăm cũng đều ấm lòng mà cũng thật xót xa.
Thầy Đoàn Minh Hùng không phải là thầy giáo, không có tấm bằng sư phạm nhưng những việc làm của thầy khiến những người xung quanh không tiếc lời khen ngợi mà gọi thầy bằng danh xưng cao quý ấy. Thầy xuất thân là một người con vùng Đất Đỏ Cà Mau, tuổi thơ của thầy là những chuỗi ngày lận đận, “khiếm khuyết” tình thương của mẹ và cha. Cuộc sống hôn nhân không trọn vẹn của cha mẹ đã khiến thầy tìm đến Sài Gòn, nhờ cậy cuộc sống xô bồ mà quên đi tuổi thơ đau buồn, khốn khó. Thầy lập gia đình, thuê phòng trọ trong một xóm lao động nghèo cũ kỹ và bắt đầu nghiệp làm thầy hết sức có duyên. Nhìn những đứa trẻ trong xóm hàng ngày đi bán vé số, lượm ve chai mà thèm muốn được đọc quyển sách, được cầm cây bút mà thầy nhói lòng. Vậy là bằng tình thương thầy đã tụ họp những đứa nhỏ và làm nên lớp học tình thương Hòa Hảo những ngày đầu tiên.
Video đang HOT
Lớp học tình thương của thầy nằm ở xóm lao động nghèo nàn, cũ kỹ nơi việc được cắp sách đến trường của những đứa trẻ chỉ là ước mơ..
Tiếng lành đồn xa, lớp học cứ thế đông dần đông dần có khi lên đến hơn 100 em. Nhìn thấy các em ham học như thế thầy vui song thầy cũng lo nhiều hơn… Không gian chật hẹp, bàn ghế không đủ, kiến thức thì có hạn mà học sinh thì càng nhiều với đủ độ tuổi khác nhau. Vậy là không suy nghĩ nhiều từ việc cả gia đình dạy học thầy “chiêu mộ” thêm các bạn sinh viên tình nguyện dạy học cho các em.
Lớp học thầy đông nhất có khi lên đến 130 em, những lúc thế này không chỉ có hai vợ chồng thầy, hai người con trai mà cả những sinh viên thiện nguyện cũng phải dạy “xoay như chong chóng”. Dạy mệt nhưng vui…
Để duy trì lớp học khi nghề nghiệp bấp bênh không ổn định vợ chồng thầy Hùng đã mở thêm quán cơm chay bán vào buổi trưa. Quán đắt khách lắm, nhất là những ngày rằm, mồng một. Người lao động trong xóm nhỏ ăn nhiều một phần vì cơm chay giá rẻ một phần vì họ muốn ủng hộ thầy, ủng hộ việc dạy học miễn phí cho những đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ.
Buổi sáng thầy dậy sớm nấu cơm, buổi trưa bán, buổi tối lại dạy học. Một ngày của thầy cứ quanh quẩn những công việc được lặp đi lặp lại như thế nhưng thầy không hề cảm thấy nhàm chán.
Không chỉ lo kiến thức thầy còn lo miếng ăn cho các bạn nhỏ. Cả gia đình thầy kiếm kế sinh nhai từ quán cơm chay buổi trưa. Tiền thu nhập được chỉ vừa đủ để thầy trang trải sinh hoạt phí và mua tập vở cho các em. Quán cơm chay của thầy đắt khách. Thầy không tự nhận mình nấu ngon, thầy nghĩ người ta tới ăn ủng hộ mình nhiều hơn để duy trì lớp học. Nhưng dù cho thế nào, chỉ cần mỗi tối mấy đứa nhỏ đói bụng cũng có thể lo thêm phần ăn cho chúng là thầy đã vui rồi.
Lớp học bắt đầu từ lức 6 giờ tối, các em nhỏ do cả ngày đi bán vé số lượm ve chai nên khi đến lớp là vào học ngay. Những phần cơm bán buổi trưa để dành lại cho tụi nhỏ chính là bữa tối ấm tình thương của thầy và vợ.
Thỉnh thoảng có người giúp cho vài chục ký gạo, rồi chủ yếu là tập viết, rồi những gói quà nhỏ trong đó có bánh, kẹo, sữa thầy cảm thấy ấm lòng hơn cả những đồng tiền thầy kiếm được từ quán cơm. Thầy cho rằng những món quà đó chứng tỏ người ta không thờ ơ với con trẻ, không thờ ơ tới việc giáo dục mà luôn ủng hộ các em. Đó là điều làm thầy vui.
Ngoài mở lớp học tình thương, Thầy Hùng còn nhận nuôi những trẻ cơ nhỡ, mồ côi. Mỗi em có một hoàn cảnh nhưng điểm tương đồng ở chúng là không có nơi nương tựa. Thầy không ngại khi nhà mình biến thành trại trẻ mồ côi thầy chỉ sợ yêu thương vô hạn nhưng vật chất có hạn, thầy nhiều lúc chỉ bất lực mà không thể làm gì hơn cho các em…
Trong hình thầy và vợ là cô Nguyễn Thị Kim Chi cùng hai đứa bé mà thầy cô đang nuôi dưỡng.
Những đứa trẻ trong lớp học tình thương với nụ cười và đôi mắt ngây thơ, trong sáng. Dù cuộc sống có khốn khó nhưng các em đã may mắn được dạy học bởi một người thầy tâm huyết, gieo chữ gieo tâm…
Câu chuyện về thầy Hùng thật sự là một câu chuyện cổ tích ngoài đời thật. Một câu chuyện nên được lan tỏa để người tốt gặp được những tấm lòng tốt. Để những nhà hảo tâm không góp công cũng góp sức cho lớp học ngày càng hoàn thiện hơn.
Đừng nên nghĩ quá nhiều về những thứ yêu thương xa xỉ ta hãy nghĩ về tình yêu thương đang tồn tại ở quanh ta và biến nó thành hành động nhiều hơn, thiết thực hơn…
Theo yeah1