Chuyện buồn thưởng Tết giáo viên
Cứ dịp Tết đến, xuân về, hàng nghìn giáo viên trên khắp cả nước lại trông mong, hy vọng vào khoản thưởng Tết, sau cả năm cống hiến. Tuy nhiên, dù ngành Giáo dục cũng hết sức “hô hào”, song thưởng Tết hay tháng lương thứ 13 đối với giáo viên mầm non, phổ thông ở nhiều nơi vẫn là những tiếng thở dài…
Thưởng Tết giáo viên đã trở thành “câu chuyện nóng” trong nhiều năm nay. Ảnh minh họa: Q.Anh
Quan tâm đến giáo viên hoàn cảnh
Tết Mậu Tuất cũng chỉ còn vỏn vẹn chưa đầy 1 tháng nữa là tới, song lúc này nhiều đơn vị, đặc biệt là các doanh nghiệp cũng đã thông báo công khai chuyện thưởng Tết cho cán bộ, nhân viên sau một năm làm việc. Đáng chú ý, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã hân hoan khiến xã hội trầm trồ với khoản thưởng lên tới hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Chí ít, nhiều nơi cũng được tháng lương thứ 13, hay “bèo” nhất cũng vài triệu đồng. Tuy nhiên, cũng như hàng năm, chuyện thưởng Tết cho giáo viên vẫn là điều “bí mật”, thậm chí đến thời điểm hiện tại vẫn chỉ là những đề nghị “trên giấy” của công đoàn giáo dục địa phương.
Để chăm lo Tết cho cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác trong ngành Giáo dục, Công đoàn Giáo dục TPHCM đã vừa yêu cầu Ban chấp hành công đoàn cơ sở phối hợp với thủ trưởng, người sử dụng lao động xây dựng kế hoạch chăm lo Tết, thời gian trả lương, thưởng thi đua, tiền tiết kiệm tăng thu nhập (đơn vị công lập); trả lương, trả thưởng, mức thưởng Tết (đơn vị ngoài công lập), cho nhà giáo, người lao động trong ngành Giáo dục.
Cũng theo yêu cầu của Công đoàn Giáo dục TPHCM, các đơn vị phải nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của nhà giáo, phối hợp giải quyết kịp thời những thắc mắc, khiếu nại về chế độ chính sách, tiền lương, tiền thưởng… Đối với đơn vị ngoài công lập, nếu do hoạt động của đơn vị gặp khó khăn, cần có giải pháp tạo nguồn tài chính trả lương, trả thưởng cho người lao động. Trong trường hợp không có nguồn để trả lương, trả thưởng thì báo cáo ngay để giải quyết. Ngoài ra, việc bình xét nhà giáo khó khăn, không may bị tai nạn, không may bị mất việc được chăm lo thấp nhất là 500.000 đồng/trường hợp.
Video đang HOT
Tương tự, Ban Thường vụ Công đoàn Giáo dục Hà Nội cũng đã có văn bản đề nghị các đơn vị trong toàn ngành thực hiện tốt việc chăm lo đời sống cán bộ giáo viên, nhân viên (CBGV, NV) dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Trong đó lưu ý việc nắm bắt tình hình đời sống của cán bộ giáo viên, nhân viên của đơn vị; đặc biệt là trường hợp diện chính sách, có hoàn cảnh kinh tế gia đình đặc biệt khó khăn, bệnh hiểm nghèo… Công đoàn các đơn vị phối hợp cùng với chính quyền đồng cấp giải quyết kịp thời các chế độ chính sách về tiền lương, tiền thưởng và những khó khăn vướng mắc cho cán bộ giáo viên, nhân viên trước khi đón Tết Nguyên đán.
Mơ về… tháng lương thứ 13!
Được biết, Tết Đinh Dậu 2017, ở TPHCM có 51/97 trường công lập có tiền Tết với tổng số tiền gần 9 tỉ đồng với trên 5.000 người nhận thưởng. Mức thưởng bình quân gần 1,8 triệu đồng/người, cao nhất là 5 triệu đồng/người và thấp nhất là 500.000 đồng/người. Còn tại Hà Nội, mọi năm, nhiều trường công lập có tiếng cũng chỉ thưởng Tết cho giáo viên chưa đến tiền triệu. Ngay cả một số trường công lập nổi tiếng, mỗi giáo viên cũng chỉ nhận được khoảng 500.000 đồng tiền Tết, kèm theo một bó hoa. Các giáo viên ngoại thành nhận được từ 200.000 – 500.000 đồng gọi là “thưởng Tết”. Ở thành phố đã thế, các trường vùng nông thôn, miền núi còn nhiều khó khăn “thưởng Tết” hầu như không có, hoặc chỉ là chai dầu ăn, gói bánh, kẹo…
Tết Nguyên đán năm nay, nhiều trường công lập không muốn đề cập đến vấn đề thưởng Tết, bởi mức thưởng này cũng là vấn đề “tế nhị”, hầu như các trường không có thưởng Tết mà chỉ là một khoản tiền “khiêm tốn” phổ biến, ngay cả trường có thưởng Tết cũng ngại tiết lộ vì sợ bị mang ra so bì. Theo quy định, ngành Giáo dục không có quỹ để chi tiền thưởng Tết cho giáo viên. Khoản thưởng hằng năm mà các trường chi cho giáo viên thật ra là khoản kết dư cuối năm. Tức là ngân sách cho các trường mỗi năm, sau khi chi cho các hoạt động, phong trào, quỹ lương… còn dư thì động viên chút ít cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong trường. Do đó, thưởng Tết vẫn là câu chuyện xa xỉ đối với nhiều giáo viên, thậm chí ở các thành phố lớn.
Thậm chí, chuyện thưởng Tết hay mơ về tháng lương 13 cũng đã trở thành đề tài “nóng” trên một diễn đàn (hơn 100 nghìn thành viên) mạng xã hội dành cho giáo viên. Dù đưa ra điểm “ưu ái” so với ngành khác là được nghỉ hè 2 tháng nhưng vẫn hưởng lương, song hầu hết các ý kiến thành viên (là giáo viên) cho rằng không có thưởng Tết ở nơi đang dạy học, thay vào đó là một chút tiền vài trăm nghìn đồng hoặc quà, bánh. Nhiều ý kiến trong diễn đàn này cũng đề xuất nên có quy định cụ thể là thưởng tháng lương thứ 13 đối với giáo viên, bởi nhiều ngành, nghề khác cũng đang áp dụng và phù hợp với bảng lương, sự cống hiến lâu năm của từng cá nhân.
Nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, quản lý nhà trường, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội : “Tết đến, hầu như trường nào cũng có kế hoạch chăm lo cho cán bộ, giáo viên và người lao động trong trường. Tuy nhiên, khá phổ biến chỉ là quà cho giáo viên đôi khi là chai rượu, chút bánh kẹo. Tiền Tết hầu như các trường đều không đáng kể và nhiều trường cũng không muốn nhắc đến thực tế này vì không có nguồn để trích thưởng. Quà Tết chỉ là sự động viên, khích lệ thôi, chứ đây là một thực tế buồn khi nghĩ đến các ngành, nghề khác được thưởng nhiều mà giáo viên không có gì ngoài quà và chút “lì xì” Tết”.
về chuyện thưởng Tết cuối năm, nhiều ý kiến cho rằng thay vì mỗi năm nhắc đến thưởng Tết trong ngành giáo dục sẽ có người chạnh lòng, người hồ hởi, thì nên quy định có lương tháng 13 cho giáo viên như nhiều ngành, nghề khác. Đó cũng là nguồn thu chính đáng mà người lao động xứng đáng được hưởng sau một năm lao động vất vả.
Theo Giadinh.net
Tâm sự của một giáo viên về thưởng Tết
Tết đang đến gần. Tôi đi đến đâu bạn bè cũng hỏi thăm rằng năm nay thưởng Tết có cao không. Những lúc ấy, tôi chỉ mỉm cười mà nói rằng trường mình không có thưởng. Rất nhiều người tỏ vẻ không tin, nhưng đó là sự thật.
Cả một năm làm việc mệt mài ai chẳng mong thưởng Tết để đón xuân được vui vẻ, trọn vẹn. Tuy nhiên, đặc thù của ngành Giáo dục là không làm ra sản phẩm nên không có thưởng. Tết của nhà giáo là chỉ là những nụ cười cùng niềm vui tự tạo. Chúng tôi vẫn vui vẻ an nhiên đón mùa xuân mới.
Thực ra, giáo viên không hẳn không có thưởng. Hiện nay kinh phí các trường đa số là tự chủ. Nếu trường nào chi tiêu hợp lí thì cuối năm dư ra sẽ thưởng cho giáo viên. Những giáo viên ở thành phố thì cơ bản là ổn. Còn những giáo viên ở vùng sâu, vùng xa thì thưởng Tết chỉ mang ý nghĩa tượng trưng. Có trường co kéo khéo thì được vài trăm ngàn, còn lại chỉ là chai dầu ăn, bịch bột ngọt. Nhiều giáo viên hay đùa mình thua cả công nhân. Công nhân còn có tháng lương thứ 13. Còn giáo viên chúng tôi chỉ gói ghém là phần quà mà công đoàn mua tặng.
Thế nhưng chưa khi nào chúng tôi cảm thấy buồn khi không có thưởng. Để tăng thêm thu nhập và có tiền chăm lo cho Tết thì giáo viên chúng tôi cũng xoay sở đủ thứ nghề. Từ chăn nuôi tăng gia đến bán hàng trên mạng. Nào quần áo, hàng đặc sản nhà làm... Ai cũng tất bật với mong muốn có được cái tết trọn vẹn, đủ đầy.
Những ngày này tới trường, thầy cô hồ hởi bàn tán Tết sắp về. Mỗi người đều có những dự định khác nhau. Ai cũng mong kiếm thêm được ít tiền để sắm sửa cho gia đình được đủ đầy, hạnh phúc.
Ngay như bản thân tôi cũng thế, mỗi khi Tết về là cả hai vợ chồng lại cùng nhau cố gắng. Chúng tôi thường tự mình tạo ra niềm vui cho mình. Đầu tiên là tích cực tăng gia để cải thiện gia đình. Tất cả mọi thứ chuẩn bị cho Tết đều được chúng tôi tự làm. Nào là trồng trước nhà vài khóm hoa. Rồi hai vợ chồng tự tay làm giò, chả, bánh mứt. Thôi thì vẫn vui... như Tết.
Nhưng niềm vui ngày tết của giáo viên chúng tôi thì khó có ngành nào có được. Những ngày Tết các em nô nức kéo đến chúc cô bằng những lời chúc chân tình. Thầy trò ngồi bên nhau quanh đĩa bánh kẹo đơn giản mà vui quá chừng. Tình cảm ấy không có tiền bạc nào có thể mua bán được.
Người ta bây giờ thường nhìn nghề giáo bằng ánh mắt không mấy thiện cảm. Người ta bảo nghề giáo vì tiền mà dần mất đi nhân cách. Nhưng tôi luôn nghĩ nghề nào cũng có những "con sâu". Không nên đánh đồng tất cả các giáo viên như thế. Cái quan trọng là mình sống đúng với lương tâm và trách nhiệm của mình. Học trò nhìn nhận sự việc luôn chính xác.
Tôi vẫn luôn vui và hạnh phúc với nghề mình đã chọn. Dẫu Tết về chẳng thưởng được bao nhiêu. Gia tài lớn nhất của thầy cô là sự thành đạt của học trò. Năm nào cũng thế, cứ sáng mồng một, tôi sẽ nhận hàng trăm lời chúc mừng của học trò. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ tôi hạnh phúc vô bờ. Tôi nghĩ, cứ gieo những nhân lành ắt sẽ gặt được những trái ngọt.
Một mùa xuân nữa lại về, khắp các nẻo đường mai vàng lại rực rỡ. Chúc tất cả các thầy cô đón một cái Tết trọn vẹn và vui vẻ.
Theo Dân Trí
Thưởng Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 của giáo viên ra sao? Đến hẹn lại lên, thời điểm giáp tết, như các ngành nghề khác, ngành GDĐT lại xôn xao chuyện thưởng tết của giáo viên, với không ít vui - buồn. ảnh minh họa Công đoàn Giáo dục Hà Nội, TPHCM vừa ra kế hoạch chăm lo Tết Mậu Tuất 2018 cho cán bộ, nhà giáo và người lao động trong ngành giáo dục....