Chuyện BlackBerry: Sự sụp đổ của một đế chế công nghệ (Phần 1)
Công nghệ đột phá làm thay đổi cục diện thị trường một cách nhanh chóng và quyết liệt, được ví như “con dao hai lưỡi”.
Nếu nắm bắt được thị trường thì doanh nghiệp vươn lên mạnh mẽ, bằng không sẽ thảm bại. Cái tên BlackBerry cũng chịu chung số phận, khi thời hoàng kim đang chiếm 20% thị phần di động toàn cầu, bỗng chốc rơi xuống gần bằng 0 chỉ trong vài năm ngắn ngủi.
Câu chuyện về những thăng trầm của BlackBerry, điển hình cho một đế chế công nghệ, sự trỗi dậy mạnh mẽ và những thất bại kinh điển, sẽ được thể hiện qua loạt bài viết BlackBerry: Sụp đổ từ đỉnh cao thành công. Giới thiệu đến các bạn phần đầu tiên: Ngày đầu dựng nghiệp & Lược sử của RIM (BlackBerry)!
Khởi nghiệp thành công nhờ… am hiểu công nghệ
Lịch sử của BlackBerry bắt đầu từ năm 1984 tại Canada, nơi khai sinh ra công ty Research in Motion, hay viết tắt và thường được biết đến là RIM.
Từ năm 1988, hai sinh viên kỹ thuật Mike Lazaridis và Douglas Friggin đồng sáng lập RIM bắt đầu nghiên nghiên cứu về công nghệ mạng truyền thông không dây và giới thiệu máy nhắn tin hai chiều đầu tiên. Đây là một chiếc máy nhắn tin có bàn phím QWERTY đầy đủ, thiết bị cho phép người dùng nhận và gửi tin nhắn, email thông qua mạng Internet.
Bạn có nhớ bàn phím thần tốc những năm 1990 này không?
Vào thập niên 90, một cuộc đua công nghệ nhằm chiếm lĩnh thị trường thiết bị cầm tay diễn ra mạnh mẽ. Cuộc đua có sự tham gia của Ericsson và IBM, thậm chí còn có Apple với sản phẩm Apple Newton đi kèm chiếc bút stylus – thứ mà sau đó được đánh giá là “thảm họa”.
Khi đó, BlackBerry nhìn nhận thị trường từ một góc nhìn khác, hướng đi mà không một công ty nào nhận ra tại thời điểm đó. Mike (nhà sáng lập RIM) rất am hiểu công nghệ, ông cho rằng với công nghệ truyền tải dữ liệu lúc bấy giờ có băng thông rất hạn chế, nhất là việc truyền dữ liệu một cách “realtime- thời gian thực”.
Có thể liên tưởng đến việc khi bạn gọi điện thoại qua ứng dụng như Facebook Chat hay Zalo nhưng đường truyền yếu, tiếng từ đầu bên kia bị đứt đoạn.
Chính vì hiểu được hạn chế về mặt công nghệ, ông đã tạo ra một công cụ phân chia các bits của dữ liệu trên đường truyền, giúp không làm quá tải dẫn đến nghẽn mạng. Điều này sẽ khiến cuộc thoại diễn ra liền lạc, không đứt đoạn tiếng khi nói chuyện.
Vì vậy, trong khi các công ty khác đang đốt một số tiền khổng lồ để giải quyết bài toán truyền tải dữ liệu trên mạng, các thiết bị BlackBerry với bàn phím QWERTY hoạt động hiệu quả hơn gấp nhiều lần nhưng chỉ với chi phí thấp.
Cơ chế truyền tải của RIM đã được sử dụng trong quân đội, cảnh sát, cứu hỏa và dịch vụ cứu thương. Nó cũng là những tiền đề đầu tiên cho những nghiên cứu bảo mật trên BlackBerry. Một hướng đi cực kỳ khôn ngoan trong bối cảnh thông tin ngày càng có giá trị, nhất là những nhân vật nổi tiếng, các chính khách trên thế giới! Yếu tố then chốt giúp BlackBerry thành công trong thập niên 90.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và chiếc BlackBerry được tùy chỉnh các chức năng bảo mật
Yếu tố còn lại đã giúp tạo ra thành công cho RIM là việc đưa Balsillie về công ty vào năm 1992. Với một bằng MBA của Harvard, Balsillie đã giúp tạo ra cho RIM một góc nhìn kinh doanh mới.
Trước khi ông đến, công ty luôn thành công về khía cạnh kĩ thuật, tuy nhiên lại không có nhiều kinh nghiệm trong thế giới của những hợp đồng kinh doanh giá trị cao. Balsillie hiểu rõ điều mình cần phải làm: Giữ cho két tiền luôn đầy để các nhà sáng lập có thể tự do sáng tạo.
Video đang HOT
Balsillie dùng chiến lược tiếp thị “du kích”. BlackBerry cho nhân viên đến các hội nghị lớn trên thế giới, tặng cho những doanh nhân đang sử dụng laptop dày và cồng kềnh bằng một chiếc BlackBerry với thời hạn sử dụng miễn phí trong một tháng, dưới vai trò người dùng doanh nghiệp thay thế cho các laptop đang dùng.
Nhờ vậy, BlackBerry dần tạo ra thói quen và có tiếng vang lớn trong giới doanh nghiệp, chiếm lĩnh gần như tất các thị phần.
Không dừng lại ở đó, hướng đi kế tiếp BlackBerry chuyển sang người dùng cá nhân. Họ tích hợp nhiều tính năng cho người dùng hằng ngày. Có thể nhận thấy điều này từ dòng sản phẩm BlackBerry Pearl.
Sản phẩm mới được cải tiến mang đến nhiều trải nghiệm mới, kết hợp các yếu tố đa phương tiện như máy ảnh, kèm các dịch vụ gửi tin nhắn mới được gọi là BlackBerry Messenger (BBM) sử dụng dữ liệu Internet để chuyển các tin nhắn giá rẻ và nhanh hơn. Đây cũng là tiền thân cho ứng dụng iMessage trên iPhone của Apple ngày nay.
BlackBerry Messenger cho phép người dùng thoát khỏi sự hạn chế của số lượng ký tự. Điều này đã khiến cho BlackBerry chẳng mấy chốc có mặt khắp mọi nơi. Chiếm 20% thị phần điện thoại trên toàn cầu và 50% thị trường tại Mỹ. Ngoài ra, BlackBerry từng là kẻ tiên phong trong lĩnh vực Wireless Email.
“Chết” vì quá tự tin và xem nhẹ iPhone
Quay lại năm 2007, khi George W Bush đang là tổng thống Mỹ, bộ phim Transformers đầu tiên được công chiếu và Windows Vista được Microsoft tung ra. Còn trong làng công nghệ, Steve Jobs đang ở trên sân khấu tại San Francisco, cầm trong tay chiếc điện thoại có thể tải nhạc, video và bản đồ trên Internet mà ông gọi là iPhone.
Steve Jobs trình làng iPhone với màn hình cảm ứng năm 2007
Có lẽ thời khắc này cũng là ngày tươi sáng với một số tập đoàn nhưng cũng là ngày đen tối nhất với một số tập đoàn khác. Tuy nhiên, không một ai có thể nhận ra sự nguy hiểm về sự ra mắt của iPhone. Ngay tại Canada, suy nghĩ của hầu hết các lãnh đạo của RIM lúc đó là: “Sản phẩm này sẽ không làm ảnh hưởng đến mảng kinh doanh cốt lõi của RIM. Nó không chắc chắn, nhanh hết pin và bàn phím khó dùng”.
Thực tế đã diễn ra ngoài dự đoán của các hãng và nhiều chuyên gia công nghệ. Hơn 1 triệu chiếc iPhone đã được bán ra chỉ trong 3 tháng đầu năm 2007. Sản phẩm được nhiều người dùng trên khắp thế giới đón nhận nồng nhiệt!
Thành công của iPhone giúp nhà mạng AT&T (đơn vị phân phối iPhone độc quyền) chiếm thêm một miếng bánh thị phần to lớn, khiến nhà mạng Verizon vội vàng hợp tác cùng RIM để cho ra đời một sản phẩm đối đầu, đó là BlackBerry Storm. Để cạnh tranh với iPhone, Storm được trang bị màn hình cảm ứng to. Điểm khác biệt là màn hình của Storm có thể tuỳ biến được nhiều hơn.
15 tháng sau khi iPhone ra mắt (tháng 11/2008), RIM chính thức bán Storm, đúng vào dịp Giáng sinh. Tuy nhiên, những người trong cuộc và hầu hết các kỹ sư của RIM đều ngầm hiểu rằng, vì chạy đua với thời gian, họ đang bán một sản phẩm chưa hoàn chỉnh.
Ban đầu, họ đạt được thành công ngoài mong đợi. “Đó là sản phẩm đầu tiên bán chạy nhất của chúng tôi với 1 triệu chiếc được bán ra trong vòng 2 tháng. Chúng tôi thậm chí không thể đáp ứng hết các đơn hàng”.
BlackBerry Storm
Tuy nhiên, một thời gian sau đó, gần như mỗi một chiếc trong số 1 triệu chiếc điện thoại Storm được bán ra vào năm 2008 đều bị trả lại. Màn hình cảm ứng Storm không nhạy, trình duyệt chậm, sản phẩm thường bị đơ và phải khởi động lại, không trực quan và khó dùng.
Storm hoàn toàn là một sản phẩm thất bại. Chiếc smartphone này đánh dấu sự tụt dốc của BlackBerry trong những năm tháng sau này!
Tạm Kết
Khởi đầu hết sức thành công, nhưng khi bắt đầu cuộc đua với iPhone nói riêng hay smartphone nói chung, BlackBerry trở thành công ty thất bại đầu tiên. Từ một công ty ở đỉnh cao, được coi là nơi sáng tạo nhất trong giới công nghệ trên thế giới, BlackBerry lại thua trên chính chiếc smartphone do họ tạo ra.
Hãy chờ đón phần 2 để xem sự bối rối trong định hướng của RIM và kết cục của việc “giữ giá trị cốt lõi” trên smartphone BlackBerry sẽ như thế nào? Cho dù vẫn đang tồn tại, nhưng ngày nay, Blackberry đang ở đâu trên bản đồ smartphone?
Trụ sở RIM tại Canada
Xem lại lược sử của RIM (BlackBerry): Từ năm thành lập cho đến khi Apple giới thiệu chiếc iPhone đầu tiên, mở ra kỷ nguyên smartphone.
1984: Thành lập Research in Motion (RIM), tiền thân của BlackBerry ngày nay
1987: Lazaridis nhìn ra công nghệ dữ liệu không dây và quyết định đây sẽ là tương lai của công ty.
1988: Công nghệ dữ liệu không dây đại chúng mang tầm quốc gia đầu tiên tại Bắc Mỹ.
1989: Lazaridis bắt đầu tư vấn cho công nghệ Mobitex.
1990: RIM giới thiệu sản phẩm DigiSync Film KeyKode Reader.
1992: Balsillie trở thành CEO; doanh số bán hàng vượt mức 1 triệu đô.
1994: RIM giới thiệu thiết bị đọc thẻ thanh toán POS sử dụng công nghệ dữ liệu không dây đầu tiên, sử dụng nền tảng Mobitex.
1996: Thiết bị nhắn tin di động đầu tiên với bàn phím của RIM mang tên Inter@ctive Pager ra đời còn được biết đến với tên gọi RIM 900
1997: RIM chính thức phát hành cổ phiếu và trở thành công ty đại chúng
1998: RIM giới thiệu 950 Wireless Handheld, sau này được gọi là BlackBerry.
1999: RIM bắt đầu bán ra sản phẩm mang thương hiệu BlackBerry đầu tiên của mình, BlackBerry 850 thực hiện chức năng nhận/gửi email và duyệt web HTML cơ bản qua Internet với màn hình đơn sắc được ra mắt.
2001: Vụ kiện bằng sáng chế với NTP bắt đầu.
2002: RIM giới thiệu sản phẩm đầu tiên hỗ trợ chức năng gọi điện thoại của mình, BlackBerry 5810
2003: RIM giới thiệu chiếc điện thoại BlackBerry đầu tiên với màn hình màu BlackBerry 7210.
2004: Trở thành một trong những tượng đài của làng di động thế giới với 2 triệu người dùng
2006: Vụ kiện kéo dài suốt 6 năm, Cuối cùng RIM và NTP giải quyết vụ kiện bằng sáng chế với số tiền lên tới 612.5 triệu đô.
2007: Apple cho ra mắt iPhone. RIM và Motorola dính vào một vụ tranh chấp bằng sáng chế.
Thời điểm RIM ở đỉnh cao của công ty, tuy nhiên đây cũng là mốc đánh dấu sự xuống dốc của RIM trên thị trường di động với việc Apple trình làng phiên bản iPhone đầu tiên.
2008: Các dòng điện thoại Bold, Pearl Flip, và Storm ra đời. Cổ phiếu của RIM lên mốc cao nhất trong lịch sử, đạt 149,9USD/cổ phiếu. Tuy nhiên, đỉnh cao này không tồn tại lâu.
Theo Thế Giới Di Động
Chỉ trong 10 năm, Symbian, BlackBerry 'bay màu', Android từ số 0 trở thành số 1 thế giới
Android là hệ điều hành di động phổ biến nhất thế giới với 85% thị phần. Làm thế nào nền tảng của Google đạt thành tích ấn tượng tới vậy?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Video của kênh Data is Beatiful giúp chúng ta hình dung được những biến động trên thị trường hệ điều hành di động từ năm 1999 tới 2019. PalmOS, nền tảng từng chiếm 73,94% thị phần vào năm 1999 dần thất thế rồi biến mất. Quý III/2001, PalmOS nắm 51,28% thị phần, Windows Mobile đứng sau với 31,3%. Symbian và BlackBerry OS xếp thứ ba và tư với 3,32% và 2,79% thị phần.
Năm 2002, cả PalmOS và Windows Mobile bắt đầu đánh mất thị phần vào Symbian. Đến quý I/2003, Symbian vượt qua Windows Mobile. 6 tháng sau đó, Symbian trở thành hệ điều hành số một thế giới với gần 35% thị phần. Quý I/2006, con số này tăng lên 60,08% thị phần. PalmOS xếp sau với 12,72%, Windows Mobile (9,25%), BlackBerry OS (8%).
Tháng 1/2007, khi Steve Jobs lần đầu giới thiệu iPhone, PalmOS bị đẩy xuống vị trí thứ ba còn Symbian vẫn đứng đầu với thị phần gần như không đổi. Quý II/2007, iPhone chính thức lên kệ, iOS chỉ giữ 0,64% thị phần. Cuối năm 2017, có sự xáo trộn trên bảng xếp hạng: Symbian dẫn đầu với 59% thị phần, Windows Mobile và BlackBerry cùng chiếm vị trí số hai, iOS đứng thứ ba và PalmOS về chót. Năm 2008, BlackBerry OS độc chiếm vị trí số hai, Symbian bắt đầu mất thị phần. Android xuất hiện lần đầu vào quý IV/2008, đứng thứ sáu. Thị trường có thêm đối thủ mới là webOS của Palm.
Sang quý II/2009, Android tiến lên vị trí thứ năm với 2,18% thị phần. Các hệ điều hành đứng đầu là Symbian (48,58%), BlackBerry (19,05%), iOS (13,71%). Motorola Droid, Nexus One giúp Android tăng hạng trong quý I/2010. Quý tiếp theo, Android vượt qua iOS, chỉ còn đứng sau Symbian và BlackBerry OS. Ba tháng sau, nền tảng này lại tiếp tục vượt BlackBerry. Cuối cùng, quý I/2011, Android chính thức đánh bại mọi đối thủ khác dành ngôi vương. Từ đó tới nay, chưa có nền tảng nào đánh bật được Android.
Tính đến quý III/2019, Android đang chiếm 85,23% thị phần, iOS có 10,63% thị phần. Symbian, BlackBerry và Palm đã "bay màu".
Theo ITC News
Người Việt ngày càng chịu chơi mua điện thoại xịn Tại Việt Nam, cứ hai người cầm smartphone giá trên 15 triệu thì một chiếc là iPhone, chiếc còn lại tới từ Samsung. Người Việt mua điện thoại trên 15 triệu đồng ngày càng mạnh tay. Theo số liệu mới nhất từ GFK, tháng 8 vừa qua, người Việt mạnh tay chi tiền cho các mẫu điện thoại có giá trên 15 triệu...