Chuyến bay vào vũ trụ của tướng Phạm Tuân khiến học sinh hào hứng
Sau 38 năm là người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ, Anh hùng Phạm Tuân vẫn nhớ như in về trải nghiệm đó.
Hàng trăm học sinh, sinh viên ở TP HCM ngồi chật cứng hội trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP HCM) ngày 19/5, để gặp gỡ anh hùng Phạm Tuân – người Việt Nam và châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ.
Trung tướng Phạm Tuân. Ảnh: Mạnh Tùng.
Trung tướng không quân Phạm Tuân sinh năm 1947. Năm 30 tuổi ông được cử sang Liên Xô theo học Học viện Không quân Gagarin. Khi lựa chọn người Việt Nam vào vũ trụ, ông cũng là lựa chọn cuối cùng cho đủ bốn suất.
Ông chỉ mất một năm ba tháng để chuẩn bị, gồm việc học kỹ thuật và tập thể lực, cho chuyến bay. Thời gian này được rút ngắn so với các phi công đến từ các nước khác, bởi trước đó ông là phi công lái máy bay quân sự chiến đấu.
Ngày 23/7/1980, cùng với nhà du hành vũ trụ Liên Xô Viktor Vassilyevich Gorbatko, Phạm Tuân được phóng vào không gian từ sân bay vũ trụ Baikonur trên tàu Soyuz 37.
Ông kể, khi tàu vừa được phóng, người bị mất sức hút của trái đất nên máu không lưu thông bình thường mà đưa lên đầu nhiều hơn xuống chân. Khi đó, mặt ông bị sưng phồng vì máu dồn lên đầu. Ba ngày sau, khuôn mặt bị ép xuống nên bị bóc một lớp da. Ông mất ngủ mấy ngày liền, đầu óc lúc nào cũng trong tình trạng căng thẳng.
Con tàu vũ trụ đi 9 phút thì lên đến quỹ đạo và một ngày sau mới lắp ráp xong trạm vũ trụ. Khi đang bay ở vòng thứ 17, xấp xỉ 300 km cần phải cơ động để lên tầng cao xấp xỉ 400 km thì gặp sự cố. Hai phi công trông vào đồng hồ thấy tàu không quay nên hai thầy trò thẫn thờ rồi nghĩ: “Kiểu này phải quay về thôi”.
Bay đến gần Moskva, đến đài liên lạc, hai phi công nhận lệnh bộ phận xử lý dưới đất rằng cứ bình tĩnh chờ hướng dẫn. Một vòng sau đó, họ nhận được hướng dẫn kỹ thuật từ trái đất rồi lắp ghép tàu thành công. “Đó là thử thách đầu tiên của tôi khi lên vũ trụ lần đầu tiên, rất lo lắng nhưng hoàn thành rồi thì thở phào nhẹ nhõm”, tướng Tuân chia sẻ.
Việc di chuyển và làm việc trên tàu vũ trụ rất khó khăn. Chuyện ăn uống cũng khổ khi họ chỉ có đồ khô được chế như những tuýp kem đánh răng để ăn và uống hai lít nước mỗi ngày.
Video đang HOT
Hai ông Viktor Gorbatko (trái) và Phạm Tuân. Ảnh: AFP.
Dứt phần chia sẻ ngắn gọn về chuyến du hành vũ trụ, ông nhận được nhiều câu hỏi của các bạn sinh viên, học sinh và cả những em bé tò mò về hành trình. Bạn Mai Văn Hòa (sinh viên Đại học Công nghệ TP HCM) hỏi: “Thời trẻ, ông có bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành phi hành gia”.
Một học sinh THPT thì hỏi những kỷ niệm không quên trên chuyến tàu vũ trụ này, trong khi một bé gái sáu tuổi khiến hội trường cười sảng khoái vỗ tay khi thắc mắc: “Trên tàu vũ trụ thì ông thấy trái đất hình tròn hay hình cầu?”.
Quê hương của phi công là trái đất
Ông Tuân cho rằng, là con người ở dưới đất thì ai cũng muốn bay lên trời một lần cho biết, trong khi bản thân ông là phi công lại khao khát bay lên vũ trụ. Ông cho biết, trên vũ trụ là một cảm giác bềnh bồng trong không gian, được nhìn trái đất lơ lửng giữa không gian. Đó là cảm giác hiếm có và không thể nào quên.
“Lúc đó, không phải Việt Nam, Liên Xô hay một nước nào, mà trái đất chính là quê hương của các phi công. Sự sung sướng nhất của phi công là sau giờ làm việc rồi thì có ít phút nghỉ ngơi, nghĩ ngợi về trái đất, gia đình, người thân”, ông nói.
Phạm Tuân ở trong không gian trong vòng 7 ngày, 20 giờ và 42 phút. Ông thực hiện tổng cộng 142 vòng quỹ đạo quanh trái đất. Hai nhà du hành vũ trụ đã tiến hành gần 40 thí nghiệm viễn thám hàng không, hòa tan các mẫu khoáng chất và các thí nghiệm cây trồng trên bèo hoa dâu.
Nhắc về người bạn đồng hành – anh hùng Gorbatko – tướng Tuân luôn dành sự trìu mến khi gọi ông là thầy. Trên chuyến tàu đó, Gorbatko là lái chính, điều khiển con tàu còn ông lái phụ, điều chỉnh các thông số, bảng điều khiển. Sau chuyến đi cùng nhau, hai ông trở nên thân thiết và thường xuyên thăm nhau sau đó.
“Đầu năm ngoái chúng tôi còn gặp nhau ở Việt Nam, ông ấy tâm sự có khi đây là chuyến sang nước mình cuối cùng vì sức khỏe đã yếu. Không ngờ, dự cảm đó thành sự thật”, ông Tuân ngậm ngùi khi nhắc đến Gorbatko, người đã qua đời tại Nga vào tháng 5 sau đó.
Trung tướng Phạm Tuân giao lưu với học sinh, sinh viên. Ảnh: Mạnh Tùng.
Kết thúc buổi trò chuyện, tướng Tuân cho rằng cuộc sống vũ trụ khắc nghiệt nên ngoài trình độ kỹ thuật, phi công vũ trụ phải có ý chí bền bỉ, tâm lý vững vàng. Ông mong các bạn trẻ sẽ có nhiều người bay vào vũ trụ hơn để nghiên cứu khoa học, mang lợi ích về cho đất nước.
Phạm Tuân sinh ngày 14/2/1947 tại xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Năm 1965, tốt nghiệp Trường phi công quân sự ở Liên Xô.
Đêm 27/12/1972, ông bắn rơi một máy bay B52 của Mỹ, trở thành người đầu tiên bắn hạ được loại máy bay này từ trên không và trở về an toàn. Năm 1973, được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.
Cùng với nhà du hành vũ trụ Xô viết Viktor Vassilyevich Gorbatko, ông được phóng vào không gian từ sân bay vũ trụ Baikonur trên tàu Soyuz 37 ngày 23/7/1980 và trở về trái đất ngày 31/7/1980.
Ông được phong Anh hùng Lao động Việt Nam năm 1980 và trở thành một trong những người nước ngoài đầu tiên được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô và Huân chương Lenin.
Năm 1989, Phạm Tuân là Phó tư lệnh Chính trị Quân chủng Không quân, rồi được phong hàm Trung tướng, giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng trực thuộc Bộ Quốc phòng. Ông nghỉ hưu từ cuối năm 2007.
Mạnh Tùng
Theo vnexpress.net
Đại học Bách khoa TP HCM có hiệu trưởng trẻ nhất từ trước đến nay
Sáng 14/5, Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM trao quyết định bổ nhiệm PGS Mai Thanh Phong giữ chức hiệu trưởng Đại học Bách khoa.
PGS Mai Thanh Phong (phải) nhận quyết định bổ nhiệm. Ảnh: Mạnh Tùng.
Ông Mai Thanh Phong, 46 tuổi, trở thành hiệu trưởng trẻ nhất từ trước đến nay của Đại học Bách khoa. Quê Hà Tĩnh, ông là Tiến sĩ chuyên ngành Kỹ thuật Hóa học tại Đại học Otto-von-Guericke Magdeburg (Cộng hòa Liên bang Đức).
Năm 2014, ông được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP HCM) phụ trách khoa học công nghệ và đối ngoại, kiêm Giám đốc Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ.
Đại học Bách khoa TP HCM được thành lập từ năm 1957, tiền thân là Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật hình thành từ 4 cơ sở đào tạo: Cao đẳng Công chánh, Cao đẳng Điện học, trường Quốc gia Kỹ sư Công nghệ, trường Việt Nam Hàng hải.
Năm 1995 trường trở thành thành viên của Đại học Quốc gia TP HCM với tên gọi là Đại học Kỹ thuật, 6 năm sau trở lại với tên gọi Đại học Bách khoa. Tính đến nay, trường đã đào tạo hơn 80.000 kỹ sư, cử nhân và 10.000 thạc sĩ, 200 tiến sĩ.
PGS Ngô Thị Phương Lan. Ảnh: hcmussh.edu.vn
Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM cũng bổ nhiệm PGS Ngô Thị Phương Lan giữ chức hiệu trưởng Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, thay cho GS Võ Văn Sen hết nhiệm kỳ.
Bà Lan 44 tuổi (quê Long An) là hiệu trưởng nữ đầu tiên của trường này. Sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành Đông phương học tại trường, bà theo chương trình Thạc sĩ Nhân học văn hóa - xã hội tại Đại học Toronto (Canada) trước khi hoàn thành chương trình Tiến sĩ chuyên ngành Dân tộc học tại trường.
Trước khi được bổ nhiệm hiệu trưởng, bà Lan giữ chức phó hiệu trưởng phụ trách quản lý khoa học và sau đại học, phó trưởng khoa Nhân học.
Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM có lịch sử hơn 60 năm, tiền thân là Đại học Văn khoa và Đại học Khoa học từ Viện Đại học Sài Gòn được sáp nhập thành Đại học Tổng hợp TP HCM.
Đại học này đang có hơn 20.000 người học, với hàng trăm học viên nước ngoài, trở thành trung tâm đào tạo nhân lực ngành khoa học xã hội và nhân văn lớn ở phía Nam.
Mạnh Tùng
Theo vnexpress.net
Đại học Bách khoa Hà Nội: Đào tạo theo nhu cầu xã hội Trao đổi về kỳ tuyển sinh năm 2018, PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội cho biết, trường chú trọng đào tạo các ngành xã hội cần, đồng thời phát triển các chương trình chất lượng cao để hội nhập quốc tế. Trung tâm nghiên cứu, sản xuất ứng dụng vi mạch điện...