Chuyện bất ngờ của 2 nữ sinh HC Vàng Olympic
Phạm Mai Phương – thí sinh được điểm cao nhất tại Olympic Hóa quốc tế (Icho) 2014 chơi piano rất tốt và tự nhận mình là người lười học nhất đoàn. Phạm Ngân Giang từng là dân chuyên Văn và vẽ khá đẹp.
Bất ngờ chuyện cô gái “lười học nhất đoàn”
Hai HC Vàng Olympic Hóa học quốc tế 2014 (Icho 2014) năm nay đều là các học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam.
Òa khóc sau khi nhận tấm HC Vàng, Mai Phương vui sướng cho biết mình rất tự hào về thành tích đã đạt được.
Mai Phương chụp cùng mẹ tại buổi lễ bế mạc Icho 2014.
“Ở phần lý thuyết em bị sốt nhưng vẫn cố gắng làm bài thật tốt. Còn phần thi thực hành vốn là điểm yếu nhiều năm của đoàn học sinh VN thì năm nay do được tập trung sớm nên mọi người có nhiều thời gian thực hành hơn. Em và các thành viên của đội đều cảm thấy rất tự tin”.
Cô bạn cũng thừa nhận bản thân khá bất ngờ với kết quả này vì trong đội “em là người lười học nhất”.
Mai Phương cho biết em chỉ dành thời gian học cho môn Hóa khi bản thân cảm thấy thích học và có sự tập trung cao độ nhất.
Kể về con gái, cô Bùi Thị Thanh Huyền cho biết: “Mai Phương ở nhà học tập rất độc lập. Em luôn có chủ động trong mọi việc. Trong học tập bố mẹ không bao giờ ép con, thậm chí còn nhắc con chơi vì Phương học nhiều quá. Cách học của Mai Phương hơi khác, giải trí trong lúc học, vừa nghe nhạc, vừa xem phim hài. Em kết thúc học thường vào 23h – 23h30. Hôm nào khuya thì đến 0h”.
Video đang HOT
Mai Phương ngoài đời là cô gái sống rất tình cảm. Trong ảnh: Hình ảnh Mai Phương òa khóc khi chia sẻ niềm vui giành được HC Vàng Olympic Hóa học quốc tế cùng cô giáo.
Cũng theo cô Huyền: “Ngoài học, Mai Phương thích chơi nhạc. Thời gian đầu em học đàn organ, sau lên THCS thì học piano. Gia đình cũng mời thầy về dạy cho em thời gian đầu. Sau đó Mai Phương phải tập trung vào học. Những khi rảnh rỗi, em thường tải trên mạng những bài hát trong các bộ phim mình yêu thích về rồi tự học và chơi cho cả nhà nghe”.
Kỉ niệm cô Huyền nhớ nhất là từ nhỏ Mai Phương đã tỏ ra là cô bé thông minh. Từ mẫu giáo lên đến THPT không có năm nào em không đi tham dự các kỳ thi văn hóa, văn nghệ và giành được nhiều giải cao.
Là chị cả (dưới còn có em trai học lớp 6), Phương cũng thường xuyên bảo ban, chăm em mỗi khi bố mẹ vắng nhà. Em còn là gia sư cho em trai ở các môn khoa học tự nhiên.
Chú Phạm Quang Đạt, bố Mai Phương cười tươi cho biết thêm: “Hồi thi vào lớp 10, Phương đỗ cùng lúc 3 trường: thủ khoa chuyên toán THPT chuyên Khoa học Tự nhiên; chuyên Toán THPT chuyên ĐH Sư phạm HN điểm cũng tốp đầu và chuyên Hóa THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam”. “Cuối cùng em chọn Ams vì thấy học sinh của trường năng động, khá thoải mái và thú vị” – chú Đạt cho biết.
Ước mơ của Mai Phương là có thể xin học bổng theo học ngành hóa học ở Mỹ. Tuy nhiên trước mắt em sẽ theo học ngành cử nhân tài năng tại ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội).
Cô con gái từng dạy ngược lại cho mẹ
Nói về con, cô Nguyễn Phương Hoa mẹ của Phạm Ngân Giang cho biết cô không bất ngờ về tấm HC Vàng của con. Năm lớp 11 Giang đã giành giải Nhất HSG Quốc gia môn Hóa nhưng không vào được vòng thi Olympic quốc tế.
Gương mặt xinh xắn của HC Vàng Olympic Hóa học quốc tế 2014- bạn Phạm Ngân Giang.
Năm nay khi đã có kinh nghiệm hơn, chững chạc hơn và đặc biệt “khi Giang đặt mục tiêu gì thì con thường quyết tâm đạt được” – cô Hoa cho hay.
Cô Hoa cho biết hồi học THCS Ngân Giang học chuyên Văn cũng là hệ THCS của trường Ams. Đến lớp 9, cô yêu cầu con chuyển sang chuyên Hóa.
Còn nhớ khi Giang bị mẹ bắt chuyển sang chuyên Hóa, em cũng rất buồn.
“Thời gian đầu cháu về nhà nói con học kém nhất lớp hóa. Tôi sợ quá bảo con quay về chuyên Văn đi. Giang bình tĩnh nói với mẹ rằng tại sao mẹ đã đặt ra cho con đường đi như vậy mà không để con quyết tâm. Hãy cho con thử một đến hai tháng, nếu không có kết quả gì thì hãy chuyển. Đấy là một kỷ niệm đẹp mà con dạy ngược lại cho mình rằng mẹ đừng có đẽo cày giữa đường” – cô Hoa tâm sự.
Và đúng sau một năm, Giang đạt giải Nhì môn Hóa cấp thành phố. Vì vậy cô Hoa khá tin tưởng vào sự quyết đoán và quyết tâm của cô con gái nhỏ bé.
Ngoài thời gian học, Ngân Giang còn nghe nhạc và vẽ. Cô Hoa cho biết Giang vẽ tranh phong cảnh rất đẹp.
Khi Giang lên 4 tuổi thì mẹ phải xa nhà đi học ở nước ngoài. Giang xa mẹ 4 năm. Khoảng thời gian đó Giang gần gũi ông bà ngoại. Ông ngoại em mê vẽ và đã dạy cho cháu những bài học đầu tiên. Cô Hoa còn nhớ hồi lớp 7 Giang từng vẽ tranh và bán đấu giá được 1,5 triệu đồng gây quỹ cho lớp.
Bố mẹ đều là bác sĩ, công việc thường xuyên phải vắng nhà nên cũng như Mai Phương, Giang thường phải thay bố mẹ chăm sóc em gái.
Cô bạn theo lời kể của mẹ là người sống trầm tính, nội tâm. Vì từng phải xa mẹ nên Giang muốn học ở trong nước để gần mẹ nhiều hơn.
Sau kỳ thi này Giang sẽ theo học ngành Bác sĩ Đa khoa mà em đã được tuyển thẳng vào ĐH Y Hà Nội.
Chia sẻ về quyết định này, Giang cho biết thêm: “Từ nhỏ khi nhìn thấy mẹ khám chữa bệnh, giải đáp sức khỏe cho mọi người trong em đã có suy nghĩ bác sĩ là nghề cao quý. Lựa chọn theo nghề này em hi vọng có thể giúp đỡ cho nhiều người hơn, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn”.
Theo Vietnamnet
HS Việt Nam mặc áo cờ đỏ sao vàng khai mạc Olympic Hóa học
Các thành viên trong đoàn Việt Nam đã cách chọn chiếc áo cờ đỏ sao vàng để tham dự buổi lễ khai mạc Olympic Hóa học quốc tế 2014.
Sáng 21/7, 1.500 đại biểu, trong đó có gần 550 các thầy cô giáo và học sinh của 77 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tham dự lễ khai mạc Olympic Hóa học quốc tế lần thứ 46 tại Hà Nội.
Đoàn Việt Nam tham gia IChO 46 gồm 8 thành viên, trong đó có 4 cán bộ và 4 học sinh. Trưởng đoàn là giảng viên Nguyễn Quốc Chính, ĐH Quốc gia TP.HCM. Tự hào là nước chủ nhà của cuộc thi, sáng nay 8 thành viên của đoàn Việt Nam đã chọn màu áo cờ đỏ sao vàng nổi bật để thể hiện tinh thần dân tộc và ý chí quyết tâm để đạt được thành tích cao nhất.
Đoàn Việt Nam ra mắt trong buổi lễ khai mạc.
Năm 2013, 4 học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi này đều có giải. Trong đó, huy chương vàng thuộc về Phan Quang Dũng học sinh trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) và ba huy chương bạc thuộc về Lê Đức Việt học sinh trường THPT chuyên Trần Phú (Hải Phòng), Hồ Quang Khải, Nguyễn Quốc Anh (trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên).
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định cuộc thi Olympic Hóa học quốc tế lần thứ 46 được tổ chức tại Việt Nam là một vinh dự to lớn của nước chủ nhà, thể hiện sự tin tưởng của cộng đồng Hóa học và bạn bè quốc tế.
Thay vì bốn chàng trai như năm 2013, kỳ thi năm nay đoàn Việt Nam xuất hiện hai gương mặt nữ sinh.
Không chỉ khích lệ, thúc đẩy phong trào học tập nói chung và phong trào học Hóa học nói riêng trong thanh, thiếu niên Việt Nam, việc tổ chức IChO 46 năm 2014 còn mang nhiều ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện tốt đường lối đối ngoại, chủ trương hội nhập; là cơ hội quảng bá hình ảnh về đất nước, con người và nền văn hóa truyền thống của Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Ấn tượng với sự chuẩn bị chuyên nghiệp của Việt Nam, GS Peter Wothers, Chủ tịch Olympic Hóa học quốc tế, cũng chia sẻ: "Việt Nam đã khẳng định được vị trí của mình thông qua việc tổ chức cuộc thi quan trọng này".Sau lễ khai mạc, ngày 23/7, các thí sinh sẽ thi thực hành tại ĐH Sư phạm Hà Nội và thi lý thuyết ngày 25/7 tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình từ 8h30 đến 14h30.
Theo zing
75 nước tham gia Olympic Hóa học quốc tế tại Việt Nam Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế lần thứ 46 sẽ được tổ chức tại Việt Nam từ 21-28/7 tại Hà Nội. Olympic Hóa học quốc tế (viết tắt là IChO) là kỳ thi dành cho học sinh phổ thông tuổi dưới 20 của tất cả các nước trên thế giới, được tổ chức thường niên từ năm 1968 (trừ 1971). Theo điều...