‘Chương trình Toán mới của Việt Nam hiện đại không thua kém nước nào’
GS Đỗ Đức Thái khẳng định chương trình phổ thông môn Toán mới của Việt Nam rất khả thi và hiện đại không thua kém chương trình của bất cứ quốc gia nào trên thế giới.
GS Đỗ Đức Thái, Trưởng khoa Toán – Tin, ĐH Sư phạm Hà Nội, chủ biên chương trình phổ thông mới môn Toán đã có những chia sẻ rất thẳng thắn về những đổi mới của chương trình môn Toán tại Ngày hội Toán học mở được tổ chức tại TP.HCM vào sáng 24/11.
Ông Thái khẳng định chương trình phổ thông môn Toán mới là sự thai nghén trong 6 năm với sự làm việc cần mẫn, hết sức mình của cả đội ngũ soạn thảo. Chương trình mới ra đời không phải là sự vội vàng hay đẻ non như nhiều người lo lắng.
Trưởng khoa Toán – Tin, ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết khi xây dựng chương trình phổ thông mới môn Toán, ban soạn thảo mong muốn đáp ứng được các yêu cầu tinh giản, thiết thực, hiện đại, khơi nguồn sáng tạo.
GS Đỗ Đức Thái, Chủ biên chương trình Toán phổ thông mới, chia sẻ những vấn đề được dư luận quan tâm về chương trình môn Toán. Ảnh: M.N.
Trước hết, chương trình môn Toán phải tinh giản nhưng không phải tinh giảm, tức nó chỉ còn những gì cốt lõi nhất mà người học cần ở giáo dục Toán học phổ thông. Chương trình phải rất thiết thực để giúp người học giải quyết những vấn đề cuộc sống, áp dụng vào cuộc sống.
Về tính hiện đại trong chương trình môn Toán, ông Thái lý giải rằng giáo dục Toán học phổ thông của Việt Nam phải đáp ứng chuẩn mực chung của những nền giáo dục khác trên thế giới về Toán, để học sinh có thể du học, tham gia vào thị trường lao động chung khi đã tốt nghiệp. Điều này là trách nhiệm của những người soạn thảo chương trình.
Video đang HOT
Trong quá trình soạn thảo chương trình môn Toán, đội ngũ soạn thảo đã tham khảo chương trình Toán học phổ thông hiện hành của khoảng 120 quốc gia và trao đổi với chủ biên chương trình Toán của khoảng 60 quốc gia. Do đó, ông Thái khẳng định: “Chương trình Toán học phổ thông mới của Việt Nam hiện đại không thua kém chương trình của bất cứ quốc gia nào”.
Một yêu cầu khác của chương trình là khơi nguồn sáng tạo của học sinh. Ông Thái cho rằng đây là điểm yếu của học sinh nói riêng và con người Việt Nam nói chung. Cách dạy, học, thi cử hiện nay của Việt Nam đào tạo ra những con người tư duy khuôn mẫu, không phải con người sáng tạo, điều đó cản trở đất nước đi lên.
Chủ biên chương trình môn Toán cho rằng việc học sinh Việt Nam tham gia và đạt được thành tích cao ở những kỳ thi học sinh giỏi quốc tế, nhất là kỳ thi Toán học quốc tế (IMO) không thể hiện được thành quả sáng tạo của học sinh như nhiều người nhầm tưởng.
“Đã có những năm chúng ta mới bắt đầu thi IMO trong một trào lưu hoang đường và nó để lại hậu quả lâu dài. Do sự hoang đường đó chúng ta đánh giá thành tựu giáo dục Toán học phổ thông và sức mạnh nền Toán học đất nước thông qua những giải quốc tế ở IMO là điều rất ngớ ngẩn. Và bây giờ vẫn tiếp tục như thế”, Trưởng khoa Toán – Tin, ĐH Sư phạm Hà Nội, nhấn mạnh.
Học sinh tìm hiểu những trò chơi toán học tại Ngày hội Toán học mở 2019. Ảnh: M.N.
Do đó, chủ biên chương trình Toán nói dạy cho học sinh sáng tạo không phải là đẩy các em đi luyện những đề thi học sinh giỏi. Mặt khác, chương trình phải đáp bảo đáp ứng được nhu cầu học Toán của tất cả học sinh Việt Nam.
Ông dẫn ra trường hợp của bà Marie Curie và nhiều viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học của Pháp nhận thấy các trường phổ thông ở Pháp không thể dạy được con mình nên họ đã tự mở lớp dạy cho con của nhau. Lớp đó chỉ có khoảng 15 học sinh, là con của những nhà khoa học lẫy lừng của Pháp thời điểm đó. 5 trong số 15 học sinh đó sau này đã đoạt giải Nobel.
“Chúng ta có một triệu học sinh và chỉ có một phần nhỏ trong một triệu học sinh cần chương trình rất đặc biệt để dạy họ trở thành những nhà toán học xuất sắc. Chúng ta không thể đem phần còn lại thành vật hy sinh cho một người được”, ông Thái nêu ý kiến.
Do đó, ông cho rằng không thể lấy những học sinh xuất sắc làm kim chỉ nam để hướng cả chương trình phổ thông và nền giáo dục đi theo những em đó. Chính vì vậy ông phủ nhận ý kiến cho rằng chương trình mới môn Toán làm giảm năng lực toán học của học sinh phổ thông, có nguy cơ làm mất ưu thế của nền toán học Việt Nam trong các kỳ thi quốc tế.
Theo Zing
Học toán xác suất và thống kê từ lớp 2: Liệu có bị quá tải?
Việc học sinh sẽ học toán xác suất và thống kê ngay từ lớp 2 trong chương trình phổ thông mới khiến nhiều phụ huynh lo lắng sẽ quá tải đối với học trò.
PGS-TS Ngô Hoàng Long (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết chương trình môn toán ở chương trình phổ thông mới được tổ chức lại thành 3 mạch kiến thức chính, gồm: Đại số và một số yếu tố giải tích; Hình học và đo lường; Thống kê và xác suất(đặc biệt chú trọng nội dung thống kê). Trong 3 mạch này, sự thay đổi lớn nhất so với chương trình hiện hành là Thống kê và xác suất.
Ở cấp tiểu học, kiến thức này chiếm 3% tổng thời lượng chương trình môn Toán và được nâng dần lên, đến cấp THPT chiếm khoảng 17-18 %.
Việc học sinh phải học xác suất và thống kê quá sớm khiến nhiều phụ huynh băn khoăn - Ảnh: Đặng Trinh
Việc học sinh phải học xác suất và thống kê quá sớm khiến nhiều phụ huynh băn khoăn. Trả lời việc học sinh sẽ học xác suất và thống kê như thế nào ở tiểu học, GS Đỗ Đức Thái, Tổng chủ biên chương trình môn Toán - Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cho rằng các bài học liên quan tới xác suất, thống kê ở lớp 2, lớp 3 nhìn qua các hoạt động học này khá đơn giản. Ví dụ khi chơi cá ngựa, mỗi lần gieo viên xúc sắc, sẽ có kết quả khác nhau, có thể mỗi lần gieo là 6, 5 nhưng có thể là 1, 2... Các thao tác đó cho các em khái niệm về sự "chắc chắn" hay "có thể". Hoặc những câu hỏi "mặt trời có thể mọc vào ban đêm không?" hay "Mặt trăng có mọc vào giữa trưa không? cũng được đưa vào SGK.
Bài học về "thống kê", ở lớp 2, trẻ có thể sẽ thực hiện các yêu cầu đi trong lớp để xem có bao nhiêu bạn đang có tẩy, bút chì, vở và ghi lại con số đã đếm. Đó là cách để trẻ làm quen với thao tác thu thập, kiểm đếm đơn giản.
Ông Đỗ Đức Thái cho rằng việc đưa xác suất, thống kê từ lớp 2 là cần thiết. Vấn đề quan trọng ở đây là mức độ và cách triển khai hoạt động học như thế nào phù hợp. Khái niệm ở khía cạnh khoa học thì có vẻ to tát, nhưng thực chất nó hết sức đơn giản.
Theo TS Nguyễn Đức Hoàng, Hiệu trưởng trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội, khi nghiên cứu chương trình và một số sách giáo khoa toán viết theo chương trình mới thì những nội dung được cho là "xác suất", "thống kê" chỉ là những yêu cầu ở dạng đơn giản có trong cuộc sống hàng ngày mà trẻ tiếp thu được nhằm hình thành khái niệm ban đầu, khả năng quan sát, kiểm đếm, những nhận xét về quy luật tự nhiên trong cuộc sống.
Tuy nhiên, dưới góc độ giáo viên, một giáo viên có kinh nghiệm nhiều năm đứng lớp ở Hà Nội chia sẻ để dạy được các nội dung này không phải là điều dễ dàng. Thực tế, để dạy một thì phải biết mười, trong khi các thầy cô sinh năm 1990 trở về trước không được học về xác suất, thống kê trong chương trình phổ thông. Các thầy cô khác thì cũng lâu rồi không dùng đến các kiến thức liên quan đến xác suất. Để đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới, ngoài tập huấn, các thầy cô cũng phải tự học, tự đào tạo mình để bồi dưỡng, nâng cao kiến thức.
Bên cạnh đó dạy học theo chương trình mới, đòi hỏi giáo viên phải tổ chức lớp học theo các hoạt động để từ đó phát huy năng lực của học sinh, lĩnh hội tri thức mới. Các giáo viên phải có kiến thức khoa học, thực tiễn sâu sắc, có năng lực tổ chức lớp học.
Yến Anh
Theo nguoilaodong
Bộ SGK nào sẽ "lọt" vào nhà trường? Trước khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố các bộ SGK lớp 1 vào hôm nay (22-11), nhiều ý kiến cho rằng việc chọn sách theo kiểu "ấn từ trên xuống" dễ gây ra tiêu cực, gây lãng phí công sức, trí tuệ... Sách giáo khoa (SGK) lớp 1 áp dụng từ năm học 2020-2021 theo chương trình phổ thông mới...