Chương trình tiếng Anh “đua nở”
Chương trình phổ thông quốc tế Cambridge (gọi tắt là CT Cambridge) được giảng dạy thí điểm từ năm học 2010-2011 ở TP.HCM. Với cái “mác” lấy bằng tốt nghiệp tú tài Cambridge, văn bằng được 160 quốc gia trên thế giới công nhận…, khiến nhiều phụ huynh ở TP.HCM “chạy” cho bằng được một suất học này.
Mặc dù con trai đã nhập học lớp 1 hơn bốn tuần nhưng chị T.X.H. – phụ huynh ở quận Phú Nhuận – vẫn tìm cách “chạy” cho con mình chuyển sang Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 vì: “Ở đó buổi sáng dạy chương trình của Bộ GD-ĐT VN, buổi chiều dạy CT Cambridge”.
Lớp chuyên thành lớp… Cambridge
Cho con học Cambridge đang là “mốt” của nhiều phụ huynh có điều kiện ở TP.HCM. Từ vài chục HS học CT này năm đầu tiên, sau hai năm TP đã có 20 trường tiểu học, THCS có giảng dạy CT này với gần 2.000 HS. Đầu năm học, nhiều phụ huynh ở quận 3 xôn xao thông tin nếu học CT Cambridge tiểu học, sau này sẽ được học lớp 6 ở Trường THCS Lê Quý Đôn.
Nhiều phụ huynh có con học tại Trường tiểu học Lê Ngọc Hân, Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, quân 1 cũng ngập tràn hi vọng sau này con họ sẽ vào lớp 6 Trường THCS Nguyễn Du hoặc ít ra cũng phải được học một trường có lớp tiếng Anh Cambridge.
Học sinh lớp 4/1 Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm Q.1, TP.HCM trong giờ học tiếng Anh – Ảnh: Như Hùng
Hiện nay hầu hết đều là những trường nổi tiếng ở quận trung tâm (quận 1 có Trường THCS Nguyễn Du, Trần Văn Ơn quận 3 có Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 5 có Trường THCS Hồng Bàng…).
Cũng với kiểu đồn đoán này, những phụ huynh có con thi vào lớp 6 CT Cambridge lại mơ một suất cho con mình vào trường THPT “tốp trên”. Chị Thanh Mai phấn khởi với hai tin mừng: chị vừa xin chuyển trường cho con vào Trường THCS Nguyễn Du, quân 1 và cháu vừa trúng tuyển vào lớp được học tiếng Anh CT Cambridge ở trường này.
Video đang HOT
Chị cho biết: “Cũng phải nhờ vả nhiều người mới xin được về trường này. Nghe nói, nếu học lớp Cambridge từ lớp 6 đến lớp 9 ở trường này, đến lớp 10 sẽ ưu tiên được vào học tại Trường THPT Bùi Thị Xuân”.
Trong khi hiện nay, CT Cambridge mới triển khai đến lớp 7, chưa có trường THPT nào tổ chức dạy Cambridge. Bốn năm nữa có học tiếp CT Cambridge hay không, trường nào sẽ dạy, hiện nay phía Sở GD-ĐT vẫn chưa có thông tin gì!
Trong khi đó, chị Hồng Hà, có con đang học lớp 6 tiếng Anh tăng cường tại quận 9, tâm tư: “Thấy nhiều trường ở trung tâm tổ chức dạy tiếng Anh Cambridge, cũng chạnh lòng. Ở quận ven, trường vùng xa như chỗ tôi biết đến bao giờ mới được học CT này!
Tôi đã hỏi thăm nhiều trường trong quận nhà coi trường nào có thể tổ chức CT này để con tôi có thể được học. Nhiều phụ huynh, bạn bè tôi ở quận 9, Thủ Đức cũng xôn xao tìm trường có lớp 6 Cambridge. Có người dò hỏi tận Phòng GD-ĐT, nhưng câu trả lời là: các trường chưa thể tổ chức được vì học phí cao quá, sợ không đủ HS. Không phải so bì chứ tôi nghĩ cách làm như hiện nay, những trường tốt, ở quận trung tâm có ưu thế mọi thứ, HS được hưởng thụ những CT mới nhất. Ở vùng sâu thiệt thòi lại thiệt thòi hơn”.
Nỗi lo học phí
Dạy Cambridge: trường được 15% học phíMột hiệu trưởng trường tiểu học nổi tiếng ở TP cho rằng Cambridge là CT được kỳ vọng nhất hiện nay vì có thể liên thông với CT giáo dục phổ thông và ĐH quốc tế. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để nói về hiệu quả của nó với HS của chúng ta. Từ CT giảng dạy, giáo viên… đều do EMG quản lý, kết quả học tập của HS họ cũng chỉ thông báo cho phụ huynh và HS biết chứ không thông báo cho nhà trường.Giống như họ mượn cơ sở vật chất của trường để dạy cho HS của trường, thế thôi! Cái được nhất mà các trường thấy ngay trước mắt là giữ lại 15% học phí để tu bổ cơ sở vật chất. 15% của số tiền hơn 9 triệu đồng/3 tháng/HS không phải con số nhỏ. Mà việc sử dụng 15% ấy như thế nào là do trường tự quyết định, chỉ cần đáp ứng đúng yêu cầu về phòng ốc của họ là được”.Có lẽ vì thế mà sau ba năm thực hiện thí điểm, mặc dù Sở GD-ĐT TP vẫn chưa có đánh giá về chất lượng CT nhưng số trường có giảng dạy Cambridge vẫn tăng hằng năm.
Không chỉ phụ huynh, chính những nhà quản lý giáo dục cũng muốn gia tăng số trường tham gia CT Cambridge.
Đầu năm học 2012-2013, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa tuyển tám lớp 6 chuyên. Đây là trường duy nhất ở TP.HCM tuyển sinh lớp chuyên bậc THCS. Để trúng tuyển vào những lớp chuyên này, những HS giỏi nhất phải vượt qua một kỳ thi cam go với tỉ lệ một chọi mười. Từ trước đến nay, những HS THCS trường này được dạy theo hướng chuyên tiếng Anh với CT tiếng Anh tăng cường.
Năm nay, theo nguyện vọng của phụ huynh và chủ trương của Sở GD-ĐT TP.HCM, trường sẽ mở hai lớp dạy CT Cambridge. Điều này làm chính các hiệu trưởng THCS cũng ngạc nhiên: vì sao HS lớp chuyên Anh thành HS Cambridge và vì sao CT tiếng Anh ở một trường chuyên phải nhường chỗ cho CT nước ngoài?
Có trường THCS vốn là nơi dạy tiếng Anh tốt được lãnh đạo quận đề nghị mở thêm CT Cambridge. Tuy nhiên, ban giám hiệu không dám thực hiện. Lý lẽ sự từ chối này trước tiên là chuyện học phí. Học phí CT Cambrigde là 150 USD mỗi tháng và phải đóng mỗi lần ba tháng. Đóng cùng lúc hơn 9 triệu đồng thật sự là một gánh nặng không dễ kham với phụ huynh. Cố gắng đóng được lần này, còn những lần sau và nhiều năm sau nữa.
Do vậy, nhiêu trường phần lớn là HS nghèo, dù khả năng tổ chức dạy tiếng Anh tốt đến đâu cũng không dám tổ chức vì khó tuyển đủ HS và duy trì đủ lớp học. Trong khi đó, hợp đồng mà CT tiêng Anh Cambridge do EMG – đôi tác ủy quyên của hôi đông khảo thí quôc tê Đại học Cambridge tại Viêt Nam – quản lý soạn thảo để ký kết hợp tác với các trường lại kéo dài đến 10 năm.
Bên cạnh đó, đầu vào CT Cambridge ở tiểu học chỉ cần phụ huynh đăng ký đóng tiền là được học, vì vây việc dạy CT Cambridge song song chương trình VN đang bộc lộ việc quá tải, áp lực lên chính những HS tham gia CT này. Chị H., một phụ huynh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, cho biết: “Càng lên lớp cao, CT càng khó và nặng, ngày nào đi học về con tôi cũng than mệt”.
Không những thế, một số phụ huynh ở Trường tiểu học Lê Ngọc Hân, quận 1 không giấu giếm là họ phải mời giáo viên tiêng Anh đến dạy kèm tại nhà cho con em mình: “Vì nếu không, con tôi sẽ không theo kịp CT với các bạn. Nặng nhất và khó nhất là môn khoa học, giáo trình của Cambridge có những lúc rất khó hiểu đối với HS VN”.
Trong khi đó, một giáo viên lớp 2 nêu thực tế: nhiều HS đến lớp 2, 3 theo CT Cambridge rất giỏi tiếng Anh nhưng đã bắt đầu “đuối” với hai môn toán và tiếng Việt. Không phải HS nào cũng đủ sức học tốt cả hai CT. Và nhiều HS phải vừa học thêm tiếng Anh vừa học thêm tiếng Việt.
Một cán bộ quản lý giáo dục cũng thừa nhận: “CT tiếng Anh tăng cường đã có nhiều em theo không nổi, phải chuyển qua học lớp tiếng Anh tự chọn. CT Cambridge biên soạn cho HS bản địa cùng độ tuổi. Đối với HS của họ, tiếng Anh là ngôn ngữ chính, thậm chí là tiếng mẹ đẻ. Còn HS ở ta, tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai trong khi kiến thức môn học phải tiếp thu như nhau đương nhiên sẽ nặng hơn”.
Theo yêu cầu phía Cambridge, những trường tổ chức dạy CT này phải đảm bảo cơ sở vật chất tốt, sĩ số thấp… Việc này tất sẽ dẫn đến việc phụ huynh có điều kiện “đua” vào các trường có dạy Cambridge. Học xong tiểu học rồi sẽ đua tiếp vào trường THCS. Trong khi hiện nay, hai bậc này vẫn đang tuyển sinh theo kiểu phân tuyến, tức là HS sẽ được học ở trường gần nhà, không có ưu tiên chọn trường.
Theo tuổi trẻ
Thêm môi trường giao tiếp ở trường học
Không cần phải đến trường, không phải đến gặp trực tiếp giáo viên nhưng cha mẹ khá tường tận về kết quả học tập, những diễn biến tâm lý vào độ tuổi của con em để kịp thời điều chỉnh hành vi... Đó là những hiệu quả đầu tiên mà website các trường học tại TP.HCM mang lại.
Là một trong số rất ít trường tiểu học đầu tiên có website riêng, gần 4 năm nay, website của Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1,) thu hút sự quan tâm đông đảo của phụ huynh học sinh trong và ngoài trường. Ngoài những thông tin về học tập, hoạt động phong trào, trên website của trường có thêm các chuyên mục như Góc kỹ năng, Bài viết chủ đề, Liên lạc gần đây... Đặc biệt, trong mục Liên lạc gần đây, phụ huynh có thể trao đổi những bức xúc về cung cách phục vụ của nhân viên trường và nhận được phản hồi từ phía lãnh đạo trường.
Website của Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1) luôn cung cấp kịp thời những hướng dẫn của giáo viên về kế hoạch học tập. Đặc biệt, mục Thông tin tuyển sinh được truy cập với số lượng lớn bởi những thông tin "độc quyền" về tỷ lệ chọi, dự đoán điểm chuẩn vào lớp 10 mà hằng năm hiệu trưởng nhà trường tự thống kê và hướng dẫn học sinh... Riêng mục Điều em muốn nói được phụ huynh quan tâm vì ở đó, học sinh thổ lộ hết tâm tư, tình cảm của mình trong học tập, sinh hoạt hằng ngày và những thay đổi về tâm sinh lý...
Để xây dựng được website mà phụ huynh, học sinh yêu thích, bà Lê Ngọc Điệp - Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho hay: "Trước hết phải nắm được nhu cầu về mức độ và nội dung thông tin của phụ huynh, học sinh để thiết kế giao diện, chuyên mục. Ngoài ra phải "nuôi" nó hằng ngày, tức là phải cập nhật thường xuyên". Ông Trần Mậu Minh - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, chia sẻ kinh nghiệm: "Đừng để trang web của mình chỉ nhằm mục đích thông tin mà hãy tạo ra sự tương tác". Còn ông Trần Trọng Khiêm - Phó phòng GD Q.Tân Phú thì cho rằng website là một công cụ hiệu quả bởi: "Hiện nay, ngành quy định là giáo viên hạn chế giao bài tập về nhà, vì vậy trên website các trường có thể đưa lên những kiến thức trọng tâm, các dạng bài tập để nếu có thời gian thì ba mẹ hướng dẫn các em ôn bài".
Ông Nguyễn Hồng Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm thông tin và chương trình giáo dục Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: "Hiện nay, Sở đang triển khai chương trình trường học điện tử - trường học sáng tạo ở 43 trường học. Mục đích là thúc đẩy các trường năng động, tạo môi trường giao tiếp tương tác với giáo viên, phụ huynh và học sinh"...
Theo Bích Thanh
Thanh Niên
Sẽ giao cho các trường ĐH "tốp đầu" tự tổ chức tuyển sinh Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: "Sắp tới, Bộ sẽ giao cho một số trường đại học "tốp đầu" thí điểm tự tổ chức tuyển sinh". Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, thời gian tới, Bộ sẽ thay đổi phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hướng thiết thực, nhẹ nhàng...