Chương trình tiên tiến sẽ khó khi ngừng rót kinh phí
ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM là 1 trong 5 trường làm tốt chương trình tiên tiến khi tạo ra những sinh viên giỏi tiếng Anh, năng động và tự tin. Tuy nhiên, như các đơn vị có chương trình tiên tiến khác, trường sẽ đối mặt khó khăn khi không còn ngân sách rót xuống.
Hôm qua 5/4, đoàn công tác Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì đã làm việc với thầy trò Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, bàn về những vấn đề mà chương trình tiên tiến (CTTT) phải đối mặt.
Theo đề án mà Chính phủ phê duyệt, CTTT được cấp kinh phí từ khóa 1 đến khóa 3 theo nguyên tắc ngân sách nhà nước chiếm 60%, nhà trường chịu trách nhiệm 25% và học phí do sinh viên (SV) đóng góp chiếm 15%. Sau khóa 3, các trường có đào tạo CTTT phải tự lo mọi chi phí. Điều này đặt ra vấn đề làm thế nào để duy trì chương trình này.
TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH quốc gia TPHCM (ĐH QGTPHCM) lưu ý làm thế nào để chương trình này tồn tại bền vững nếu Nhà nước buông ngân sách. ĐH QGTPHCM hiện có 3 CTTT đang được thực hiện với 454 SV theo học. Nếu tính từ đầu thì 3 chương trình đó của ĐH QGTPHCM nhận được 60 tỷ đồng từ ngân sách. Tính ra mỗi SV được đầu tư 132 triệu đồng/năm, cộng thêm với học phí SV đóng khoảng gần 30 triệu đồng/ năm thì tổng kinh phí đào tạo mỗi SV theo học chương trình này là 160 triệu đồng/năm. Như vậy chi phí đào tạo cao gấp 8 lần so với chương trình cử nhân tài năng vốn được ĐH QGTPHCM cố gắng “gồng” lắm cũng chỉ được 20 triệu đồng/sv/năm.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Thế Phương cũng nhận định: “Để chương trình tiếp tục được duy trì, chỉ nên giảm dần nguồn hỗ trợ ngân sách Nhà nước chứ không cắt ngay. Đồng thời tăng dần mức học phí người học bên cạnh đó là thu hút nguồn thu từ doanh nghiệp….”.
Video đang HOT
Còn TS. Nguyễn Trường Giang, Phó vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính thì nêu quan điểm rằng người nào sử dụng sản phẩm đào tạo thì sẽ chịu chi phí đào tạo. “Nên chuyển kinh phí hỗ trợ của Nhà nước thông qua hướng “đặt hàng” các trường đào tạo chứ không cấp trực tiếp cho các trường và cần có sự cam kết phục vụ Nhà nước đối với người học sau khi tốt nghiệp.
Còn nếu gia đình muốn con mình hưởng thụ môi trường đại học tốt, bắt buộc họ phải bỏ tiền túi đầu tư và doanh nghiệp muốn có nguồn nhân lực tốt phải tài trợ kinh phí cho người học”, TS Giang đề xuất.
Tuy sẽ khó khăn khi không còn được Nhà nước hỗ trợ nhưng PGS-TS Dương Ái Phương, hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, khẳng định sẽ cố gắng đứng vững bởi trường đã có cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo…
Mặc dù mức đầu tư lớn nhưng thực trạng hiện nay chính việc tuyển sinh những năm sau càng càng lúc càng giảm. Khóa đầu tiên, ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM tuyển 55 SV nhưng đến nay chỉ còn 36 SV. Khóa thứ 2 tuyển được có 49 SV nhưng hiện chỉ còn 33 SV theo học. Các khóa 3, 4 và 5 lần lượt là 33, 34 và 25 SV đăng ký học.
Điều này cũng được chính Thứ trưởng Bùi Văn Ga thừa nhận: “CTTT rõ ràng là khó so với các chương trình bình thường khi phải học bằng tiếng Anh, thực hành, thực tập nhiều nên nhiều SV ngại khó không dám vào. Đáng quan tâm là số lượng tuyển sinh các năm sau giảm so với những năm đầu tiên”. Thứ trưởng Ga cho rằng các SV hãy đầu tư bây giờ và suy nghĩ cho tương lai, nếu ngại khó thì sau này sẽ khó cạnh tranh trong thị trường lao động. Với chương trình này Nhà nước đầu tư rất lớn, các thầy nhiều kinh nghiệm và chương trình tốt thì các em cố gắng học tập.
Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình tín dụng HS, SV: Xem xét điều chỉnh mức vay phù hợp khi học phí tăng
Đó là một trong những nội dung theo thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về kết quả sơ kết 3 năm thực hiện chương trình Tín dụng đối với học sinh, sinh viên.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo trong giai đoạn hiện nay chưa điều chỉnh đối tượng cho vay. Tuy nhiên, Ngân hàng Chính sách xã hội cần phối hợp với các cơ quan liên quan có đánh giá thống kê đối tượng gia đình có từ hai con đi học trở lên nhưng không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo để cân nhắc, xem xét kiến nghị giải pháp phù hợp nhằm giảm bớt khó khăn cho các hộ này, dự kiến nguồn vốn cần thiết nếu bổ sung cho đối tượng này vay.
Đối với đối tượng HS, SV thuộc hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn đột xuất do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, Phó Thủ tướng yêu cầu trước ngày 30/5/2011, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính có hướng dẫn chi tiết về tiêu chí và thời gian cho vay theo nguyên tắc một năm xem xét lại một lần về hoàn cảnh, thời gian cho vay đối với từng đối tượng.
Về mức cho vay, Phó Thủ tướng giao cho Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xem xét, nghiên cứu việc điều chỉnh mức cho vay cho phù hợp với lộ trình tăng học phí, mức tăng giá cả thị trường và phân loại theo địa bàn khó khăn khác nhau.
Đối với lãi suất cho vay, Bộ Tài chính chủ trì xem xét việc điều chỉnh mức lãi suất cho vay sao cho sát với lãi suất cho vay hộ nghèo, phù hợp với khả năng của người vay và để giảm một phần áp lực cấp bù từ ngân sách Nhà nước.
Về nhu cầu vay để mua máy tính, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ GD-ĐT làm việc với một số tập đoàn cung cấp máy tính, kết hợp tuyên truyền vận động các cơ quan, doanh nghiệp tặng HS, SV máy tính cũ để phục vụ học tập, chậm nhất vào cuối tháng 5/2011 có thông điệp chính thức về lộ trình triển khai chương trình máy tính giá rẻ cho HS, SV.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND các địa phương cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền để các đối tượng học nghề có đầy đủ thông tin về chương trình, tránh để các em vì thiếu thông tin mà không vay được vốn từ chương trình. Hội Khuyến học Việt Nam cùng tham gia, tạo thêm nhiều nguồn cung cấp thông tin về chương trình cho toàn xã hội...
Chương trình cho vay HS, SV là chương trình có quy mô lớn, trong vòng 3 năm đã có trên 2 triệu HS, SV con em của gần 1,8 triệu hộ gia đình được vay vốn đi học.
Theo Dân Trí
36 đại học có thể phải rời nội thành Hà Nội và TP HCM Ngày 11/3, Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ dự thảo tiêu chí di dời các trường đại học. Dự kiến có 36 trường đại học ở Hà Nội và TP HCM đủ điều kiện di dời khỏi nội thành. Có hai tiêu chí quan trọng. Một là diện tích đất trên một sinh viên quy đổi, trong đó đất học tập 20-30 m2,...