Chương trình ‘thị thực vàng’ bóp nghẹt giấc mơ mua nhà của người dân châu Âu
Khi bác sĩ trẻ Ana Jimena Barba, bắt đầu công tác tại một bệnh viện ở Madrid ( Tây Ban Nha) năm 2023, cô quyết định chuyển đến sống cùng bố mẹ cho đến khi tiết kiệm đủ tiền để mua nhà riêng.
Người dân di chuyển trên quảng trường Puerta del Sol ở Madrid, Tây Ban Nha, ngày 9/8/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhưng khi cô bắt đầu nghiên cứu những ngôi nhà trong cùng làng nơi cha mẹ cô ở, cách thủ đô 30 phút lái xe, hầu hết đều có giá hơn 500.000 euro (13,5 tỷ đồng). Số tiền này cao gần gấp 20 lần mức lương trung bình năm ở Tây Ban Nha và tương đương chi phí “ thị thực vàng” của nước này.
“Thị thực vàng” là chương trình tạo điều kiện cấp quyền cư trú cho các nhà đầu tư giàu có người nước ngoài rót tiền vào lĩnh vực như bất động sản, kinh doanh. Bên cạnh đó, còn có chương trình “hộ chiếu vàng” cấp quyền công dân thông qua đầu tư, nhưng thường đòi hỏi nguồn vốn lớn cùng nhiều thủ tục và thời gian.
Sau một thập niên, chương trình này đã thu hút hàng tỷ euro đầu tư, nhưng nó cũng góp phần gây ra cuộc khủng hoảng nhà ở trầm trọng cho chính người dân Tây Ban Nha.
Barba, đã phải làm thêm 100 giờ mỗi tháng để tiết kiệm, than phiền: “Tôi không đủ khả năng chi trả. Nếu người nước ngoài làm tăng giá đối với người dân địa phương như chúng tôi thì đó là bất công”.
Đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở, Tây Ban Nha đã thông báo sẽ loại bỏ “thị thực vàng”. Trước Tây Ban Nha, nhiều chính phủ trên khắp châu Âu cũng có động thái tương tự. Nhiều quốc gia thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã triển khai chương trình “thị thực vàng” vào thời điểm cuộc khủng hoảng nợ châu Âu lên đến đỉnh điểm năm 2012, để giúp bù đắp thâm hụt ngân sách.
Video đang HOT
Các quốc gia cần gói cứu trợ quốc tế, trong số đó có Tây Ban Nha, Ireland, Bồ Đào Nha và Hy Lạp, đặc biệt có nhu cầu với tiền mặt để trả nợ. Và họ nhận thấy “thị thực vàng” là con đường giúp thu hút các nhà đầu tư, đồng thời vực dậy thị trường bất động sản đang suy yếu.
Lựa chọn của họ đã đem lại thành quả. Chỉ riêng Tây Ban Nha đã cấp 14.576 thị thực cho những người giàu có đầu tư bất động sản trị giá hơn 500.000 euro. Nhưng điều này đang đẩy những người như bác sĩ Barba ra khỏi thị trường bất động sản.
“Việc tiếp cận nhà ở cần phải là một quyền chứ không phải hoạt động đầu cơ. Các thành phố lớn đang đối mặt với thị trường căng thẳng cao độ và gần như không thể tìm được nhà ở đàng hoàng cho những người đã làm việc và nộp thuế”, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nhấn mạnh trong một bài phát biểu vào tháng 4 khi ông tuyên bố kết thúc chương trình “thị thực vàng”.
Thị thực giúp những công dân ở ngoài Liên minh châu Âu (EU) dễ dàng mua được quyền cư trú tạm thời, đôi khi không cần phải sống ở nước sở tại. Các nhà đầu tư Trung Quốc, Nga và Trung Đông đổ xô mua bất động sản thông qua chương trình “thị thực vàng”. Trong những năm gần đây, sau sự kiện Brexit, người Anh cũng tìm đến mua nhà ở Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều người Mỹ cũng lựa chọn “thị thực vàng” để tận hưởng lối sống mà họ không đủ khả năng chi trả ở các thành phố lớn ở quê nhà.
Tuy nhiên, các quốc gia trên khắp châu Âu đang dần loại bỏ hoặc tạm ngừng chương trình “thị thực vàng” trong bối cảnh các chính phủ tìm cách khắc phục thiệt hại cho thị trường nhà đất. Bồ Đào Nha, quốc gia thu được hơn 5,8 tỷ euro đầu tư từ “thị thực vàng”, đã sửa đổi chương trình vào tháng 10/2023 để loại bỏ bất động sản khỏi khoản đầu tư, nhằm giảm tình trạng đầu cơ và hạ nhiệt thị trường nhà ở quá nóng.
Dòng người nước ngoài đến sinh sống đã khiến hàng nghìn công dân Bồ Đào Nha có thu nhập thấp phải rời bỏ nhà cửa ở các thành phố như Lisbon.
Thành phố Thessaloniki, Hy Lạp ngày 1/4. Ảnh: AFP/TTXVN
Hy Lạp, một trong những quốc gia cuối cùng ở châu Âu cung cấp “thị thực vàng”, đang nâng ngưỡng đầu tư nước ngoài từ 500.000 euro lên 800.000 euro ở khu vực Athens và trên các hòn đảo nổi tiếng như Mykonos và Santorini.
Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis xác nhận có tình trạng thiếu nhà ở trầm trọng và áp lực trong thị trường cho thuê nhà, đặc biệt là xung quanh Athens. Nhưng nhà lãnh đạo này khẳng định chính phủ vẫn muốn thu hút các nhà đầu tư. Hy Lạp đã huy động được 4,3 tỷ euro đầu tư chỉ từ “thị thực vàng” trong giai đoạn từ năm 2021 đến 2023.
Một báo cáo do Viện Kinh tế Lao động (Đức) công bố hồi tháng 3 cho biết “thị thực vàng” đã giúp thúc đẩy phát triển kinh tế ở các quốc gia cung cấp chương trình này. Tuy nhiên, cũng theo báo cáo này, các chính phủ cần cân bằng giữa việc thu được lợi ích kinh tế và phòng vệ trước những rủi ro tiềm ẩn, bao gồm cả hành vi rửa tiền và quá trình chỉnh trang đô thị (gentrification) tràn lan. Chỉnh trang đô thị là thuật ngữ đề cập đến những khu vực nơi đón làn sóng dân cư tầng lớp trung lưu và thượng lưu đổ xô đến khiến bất động sản và hàng hóa tăng giá, buộc nhiều người thu nhập thấp phải rời đi vì không còn đủ khả năng thuê nhà, trang trải chi phí đắt đỏ.
Sự thoái lui này xảy ra khi một cuộc khủng hoảng nhà ở lan rộng hơn đang bao trùm châu Âu. Sau nhiều năm thị trường bất động sản ở đây trải qua biến đổi sâu sắc, nhà ở ngày càng nằm ngoài tầm với của người lao động có thu nhập khiêm tốn, trong đó có cả bác sĩ, giáo viên và cảnh sát.
Quá trình chỉnh trang đô thị đã lan rộng khắp các thành phố châu Âu trong nhiều thập niên, nhưng sự xuất hiện của Airbnb và các nhà cung cấp dịch vụ cho thuê ngắn hạn khác đã đẩy nhanh cuộc khủng hoảng. Điều đó đặc biệt rõ rệt ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, nơi các chủ sở hữu bất động sản nhận ra rằng họ có thể kiếm được nhiều tiền hơn khi cho khách du lịch thuê thay vì cho người dân địa phương thuê. Các chương trình “thị thực vàng” càng đổ thêm dầu vào lửa.
Ở Hy Lạp, nơi ban đầu cấp cho người nước ngoài thị thực cư trú 5 năm nếu họ đầu tư 250.000 euro, nhiều căn hộ và danh sách nhà ở xung quanh Athens và trên các hòn đảo nổi tiếng đột nhiên tăng vọt, vượt quá tầm với của hầu hết người Hy Lạp.
Quay trở lại với bác sĩ Barba, cô đã tiết kiệm tiền trong ba năm qua để trả trước tiền mua nhà. Barba từng thuê phòng trong một căn hộ chung ở Barcelona khi cô bắt đầu thực tập làm bác sĩ chuyên khoa dị ứng tại một bệnh viện ở trung tâm thành phố. Nhưng thu nhập hàng tháng của cô đã bị “ăn mòn” bởi các chi phí sinh hoạt cơ bản bao gồm thực phẩm, tiền thuê nhà và đi lại.
Để tiết kiệm nhiều hơn, cô chuyển đến bệnh viện ở Madrid và hiện sống cùng bố mẹ ở ngôi làng ngoại ô thành phố, làm việc ngoài giờ để tăng mức lương lên 1.900 euro.
Nhưng khi những ngôi nhà ở làng của cha mẹ Barba cũng có giá lên đến nửa triệu euro, cô cảm thấy vô vọng. Barba nói: “Mua nhà chỉ là một giấc mơ”.
Thủ tướng Hy Lạp xin lỗi gia đình các nạn nhân vụ tai nạn đường sắt
Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis ngày 5/3 đã gửi lời xin lỗi tới gia đình các nạn nhân trong vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng khiến 57 người thiệt mạng xảy ra hồi cuối tháng 2 vừa qua.
Cảnh sát và nhân viên tình trạng khẩn cấp điều tra tại hiện trường vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng ở Larissa, Hy Lạp, ngày 1/3/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong thông điệp gửi tới người dân cả nước, ông Mitsotakis viết: "Trên cương vị Thủ tướng, tôi xin được tất cả mọi người, đặc biệt là gia đình các nạn nhân (vụ tai nạn đường sắt), tha thứ".
Vụ tai nạn đường sắt kinh hoàng xảy ra đêm 28/2 khi một đoàn tàu chở 350 hành khách trong hành trình di chuyển từ thủ đô Athens đến thành phố Thessaloniki, miền Bắc Hy Lạp, đã đâm trực diện vào một tàu chở hàng từ Thessaloniki đến thành phố Larissa. Ngoài các nạn nhân thiệt mạng còn có ít nhất 56 người vẫn đang mất tích.
Thủ tướng Mitsotakis gọi đây là tai nạn đường sắt kinh hoàng nhất trong lịch sử đất nước, đồng thời cam kết cơ quan chức năng sẽ điều tra đầy đủ. Hy Lạp đã để quốc tang 3 ngày, kể từ ngày 1/3, tưởng niệm các nạn nhân trong thảm kịch này.
Quản lý nhà ga tại thành phố Larissa, người đang làm nhiệm vụ vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn, đã nhận trách nhiệm trong thảm kịch trên. Theo kế hoạch, người này sẽ ra tòa trong ngày 5/3 và có thể đối mặt với cáo buộc bất cẩn gây chết người. Nếu bị phán quyết có tội, người này có thể bị kết án tù chung thân.
Sau vụ tai nạn, các cuộc tuần hành, biểu tình nhằm phản đối tình trạng giao thông đường sắt thiếu an toàn đã xảy ra ở nhiều nơi, đặc biệt là ở thủ đô Athens và thành phố Thessaloniki. Thậm chí, cảnh sát đã báo cáo về các vụ đụng độ với những người biểu tình ném đá và bom xăng. Trong ngày 5/3, các sinh viên và nhân viên đường sắt cũng dự kiến tiếp tục tuần hành ở khu vực gần tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Athens và tổ chức buổi tưởng niệm bên ngoài ga Larissa, gần địa điểm xảy ra vụ tai nạn.
Thủ tướng Đức tới Hy Lạp thảo luận về xung đột ở Ukraine, khủng hoảng năng lượng tại châu Âu Ngày 27/10, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã thực hiện chuyến thăm chính thức Hy Lạp. Tại Athens, nhà lãnh đạo Đức đã có cuộc thảo luận cởi mở và nhất trí về nhiều chủ đề với Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis. Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại một hội nghị ở Berlin ngày 15/9/2022. Ảnh: AFP/TTXVN Theo phóng viên...