Chương trình tập trung phần đọc, viết
Nhiều vấn đề đặt ra về việc dạy và học tiếng Việt trong trường phổ thông, đặc biệt với học sinh tiểu học tại buổi đối thoại ‘ Tiếng Việt công nghệ giáo dục – Tranh cãi vì đâu?’ vào ngày 10.9 do Báo Thanh Niên tổ chức tại các địa chỉ thanhnien.vn, Facebook/thanhnien.com và YouTube Thanh Niên.
Các chuyên gia tham dự buổi đối thoại tại Báo Thanh Niên – KHẢ HÒA
Theo PGS Hoàng Dũng, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chúng ta tạm chấp nhận là cần đánh vần. Ông Dũng phân tích: Ngày xưa, các thầy cô dạy ông đánh vần là bê a ba, sau đó trẻ em học đánh vần bờ a ba. Cách đánh vần trong chương trình của GS Hồ Ngọc Đại cũng như chương trình hiện nay không khác nhau lắm. Ở đây có chuyện là 1 âm có 2 cách gọi. Một là gọi theo tên (ví dụ b là bê), hai là gọi theo âm thể hiện (b là bờ). Cả hai cách đều cần. Khi cần gọi tên viết bằng con chữ thì đọc theo tên con chữ, lúc khác thì sử dụng âm để đánh vần, vì đánh vần được coi là một thao tác ngữ âm.
Nhà giáo Ưu tú Trần Chút, nguyên Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học TP.HCM, cho biết ngày xưa ông học chữ bằng cách đồ theo tên mình, sau đó học tên bạn, từ đó học chữ. Xác định cần thiết học đánh vần hay không là rất quan trọng.
Thạc sĩ Dương Thị Diên Hồng, Khoa Giáo dục phổ thông, Trường CĐ Sư phạm Tây Ninh, từng nhiều năm dạy Trường thực nghiệm Tây Ninh, cho biết con đường học tập của trẻ đi từ cụ thể đến trừu tượng. Việc đánh vần cần thiết vì đi từ âm vị, nhận rõ mặt của chữ, âm. Khi hoàn thiện âm tiết rồi, buông ra không cần đánh vần nữa. Như vậy, có nhiều cách đánh vần thì rất bình thường và kiểu nào thì mỗi nhà ngôn ngữ có thể soạn sách cho trẻ mà mình nghĩ tốt nhất.
Theo thạc sĩ Diên Hồng, học sinh theo phương pháp này đọc nhanh hơn, to hơn, rõ hơn. Thậm chí ở lớp 6, những em học thực nghiệm học tốt hơn chương trình bình thường.
Video đang HOT
GS Hoàng Dũng cho rằng một trong những thành công trong sách của GS Hồ Ngọc Đại mà ông tin hơn sách hiện nay là sách lớp 1 tập trung rất nhiều vào phần đọc, viết. Còn những khâu khác, các lớp sau sẽ tăng lên. Nhưng năm lớp 1 phải tập trung vào đó. Tuy nhiên, để đánh giá chương trình tốt hay không phải ở nhiều mặt: Cách triển khai tốt không, thời lượng thế nào, ngữ liệu đưa vào tốt hay không? Nếu chỉ từ chuyện đánh vần, rồi quy hết toàn bộ cái tốt cho sách này, sách kia thì không đúng. Đánh vần chỉ một phần nhỏ.
Ông cũng cho rằng sắp tới, trong chương trình mới đặt ra đích là học xong lớp 1 đọc được với tốc độ bao nhiêu chữ/phút. Giáo viên theo cách này hay kia thì tùy, miễn sao đạt đến đích này.
Trả lời Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Đức Hữu, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT, cho biết cuốn tiếng Việt 1 – CNGD đưa ra một giải pháp sư phạm để đi tới mục tiêu là làm sao cho học sinh lớp 1 biết đọc, biết viết. Đó là mục tiêu mà bất kỳ bộ sách giáo khoa hay tài liệu nào dùng để dạy tiếng Việt cho HS lớp 1 cũng đều phải hướng tới, nhưng cách tiếp cận khác nhau sẽ cho ra các giải pháp sư phạm khác nhau.
Theo thanhnien.vn
Phụ huynh nói gì về chương trình Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại?
Một phụ huynh đang có con học lớp 1, chương trình Công nghệ Giáo dục cho rằng tài liệu này dùng từ địa phương để học sinh phân biệt.
Xin giới thiệu chia sẻ của một phụ huynh đang có con học lớp 1, chương trình Công nghệ Giáo dục, nội dung bài viết tham khảo thông tin từ nhiều nguồn, nhất là từ các giáo viên dạy lớp 1 và tài liệu "Thiết kế tiếng Việt 1" dành cho giáo viên:
Hiện đang có nhiều thông tin trái chiều liên quan đến phương pháp dạy trẻ theo mô hình "vuông, tròn, tam giác" trong sách "Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ Giáo dục". Phải nói rõ rằng, tên gọi chính xác của sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ Giáo dục" là "Tài liệu Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ Giáo dục" do NXB Giáo dục Việt Nam ấn hành.
Về thông tin cho rằng sách sử dụng quá nhiều ngôn ngữ địa phương, vùng miền hoặc không có nghĩa như: "quện nhau, quằn quặn, gà qué, quả chấp, bé huơ...".
Quan điểm của "Tài liệu Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ Giáo dục": Khi học sinh mới bắt đầu học tiếng Việt lớp 1 là "chân không về nghĩa". Giai đoạn này học sinh lớp 1 mới bắt đầu học âm, vần, đọc từ. Các em chưa thể nhận biết nghĩa của từ, do vậy cơ bản giáo viên chưa giải thích nghĩa từ ngữ cho học sinh.
Cuốn sách hướng đến 3 mục tiêu: đọc thông viết thạo, viết đúng chính tả và không bao giờ tái mù chữ (nếu nghe được thì nhắc lại được, viết ra được và đọc được). Các em được phát triển tư duy khoa học theo các việc làm bằng sức lao động và sản phẩm của mình.
Do đó, toàn bộ các bài học trong Tài liệu Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ Giáo dục đã quét hầu hết tất cả các tiếng có trong tiếng Việt, kể cả tiếng có vần ít gặp và khó đọc mà trước đây chương trình hiện hành không đưa vào (ví dụ quện, qué, quàu quàu, quều quào, chuếnh choáng...).
Mỗi bài học các em được học rất nhiều tiếng và từ. Ví dụ, khi dạy bài "ênh, êch", các em sẽ được học và tự chiếm lĩnh hết tất các tiếng có chứa hai vần đó (khác với chương trình hiện hành các em chỉ học vần, các từ khóa và từ ứng dụng). Ngoài ra, học sinh còn nắm được luật chính tả vần "êch" chỉ có dấu thanh sắc, thanh nặng đi kèm.
Một số từ nghe lạ như "quện nhau", nhiều cư dân mạng với đầu óc người lớn khá "đen tối" đã suy nghĩ rằng đây là từ "bậy bạ". Tuy nhiên đọc tài liệu thì thấy từ "Quện nhau" có nghĩa "kiệt sức mà chết, hết đời", đó là từ cổ xuất hiện trong bài ca dao "Tò vò mà nuôi con nhện/ Đến khi nó lớn nó quện nhau đi/ Tò vò ngồi khóc tỉ ti/ Nhện ơi nhện hỡi nhện đi đằng nào".
Bản thân bài ca dao "Tò vò mà nuôi con nhện" ám chỉ một hiện tượng tự nhiên, đó là khi con tò vò bắt con nhện về và đẻ trứng vào người con nhện, con nhện sẽ sống dở chết dở, khi ấu trùng tò vò non nở ra, nó sẽ ăn thịt con nhện để trưởng thành. Thế nên mới nói "quện nhau đi" tức là "chết đi".
Một số từ như "gà qué" (tiếng vùng Nghệ An để gọi con gà với ý chê trách), "con ĩ" (con heo/lợn), quả chấp (cùng họ quả chanh)... là ngôn ngữ thuần Việt, dân gian, địa phương và điều đó có nghĩa.
Ý đồ cuốn sách đưa các từ này để khi dạy, cô giáo sẽ chỉ cho học sinh phân biệt được một số từ ngữ là ngôn ngữ nói hàng ngày nhưng khi viết các cháu nên chọn lọc từ ngữ để viết.
Trong sách còn cố ý xuất hiện những từ viết sai chính tả ngay bên cạnh từ đúng, mục đích để học sinh phân biệt tìm ra từ đúng; từ đó học sinh không viết từ sai mà chỉ sử dụng từ viết đúng chính tả. Chẳng hạn sách in 3 từ cạnh nhau "giô ra", "dô ra", "vô ra"; các cháu sẽ được dạy từ "vô ra" là đúng chính tả.
Tài liệu Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ Giáo dục không có từ "con dơi" hoặc "con rơi" như cộng đồng mạng phản ánh. Nội dung in sai "con dơi" thành "con rơi" được in trong cuốn "Luyện nét", không phải do Bộ Giáo dục & Đào tạo phát hành.
Hoàng Nguyễn Việt Tiến
(Thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng).
Theo Dân trí
Thầy giáo từng dạy trường Thực Nghiệm nói về cách rèn luyện tư duy trong sách của GS Đại Theo thầy giáo Phạm Toàn, cách học của Công nghệ GD do GS Hồ Ngọc Đại khởi xướng không cho học sinh học thuộc mô tả các khái niệm mà giúp trẻ làm ra khái niệm. Cách dạy Tiếng Việt 1- Công nghệ Giáo dục theo đường lối ngữ âm học Những ngày qua, có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh cách...