Chương trình, SGK mới: Băn khoăn lớp đông, thiếu thiết bị dạy học
Để triển khai Chương trình GDPT mới có hiệu quả, Ban soạn thảo khẳng định, một trong những yêu cầu quan trọng là đảm bảo cơ sở vật chất.
Đội ngũ giáo viên là yếu tốt nòng cốt quyết định sự thành công của Chương trình này.
Cụ thể, cấp tiểu học phải tổ chức dạy 2 buổi/ngày, mỗi lớp không quá 35 học sinh/lớp và không quá 45 học sinh/lớp ở cấp THCS và THPT; số lượng phòng học bộ môn, phòng máy tính phải được bố trí tăng gấp hai, ba lần so với hiện tại…. Quy định này khiến nhiều địa phương gặp nhiều khó khăn khi triển khai.
Với quy định này, Hiệu trưởng nhiều trường học từ tiểu học đến THPT tại Hà Nội không khỏi băn khoăn, lo lắng khi mà cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng dạy học hiện nay còn nhiều hạn chế. Bởi các trường ở ngoại thành có quỹ đất xây dựng lại thiếu về trang thiết bị đồ dùng dạy học, còn những trường ở các quận nội thành có thể đáp ứng được trang thiết bị dạy học thì về sĩ số học sinh/lớp lại không đáp ứng được yêu cầu, thậm chí kể cả trường đạt chuẩn quốc gia.
Bên cạnh đó, Chương trình mới cho phép học sinh được lựa chọn môn học và học tích hợp liên môn, khiến các trường cũng phải bố trí phòng học bộ môn nhiều hơn. Trong khi đó, tới thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa ban hành các văn bản chỉ đạo cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đáp ứng chương trình mới.
Ông Trần Văn Đạo, Hiệu trưởng Trường THCS Đại Cường, huyện Ứng Hòa, Hà Nội băn khoăn: “Hiện nay, trường đang xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, các phòng bộ môn theo tiêu chuẩn của năm 2012 đã xây dựng xong. Do điều kiện tới đây, chúng tôi tiếp nhận chương trình, sách giáo khoa mới liệu cơ sở vật chất, các phòng bộ môn kích thước, tiêu chuẩn, điều kiện như vậy có tiếp tục đáp ứng được với chương trình, sách giáo khoa tới đây hay không? Tới đây, chúng ta dạy liên môn tích hợp các môn khoa học xã hội, khoa học tự nhiên tích hợp. Các phòng bộ môn đó lại đã xây dựng rồi thì sẽ không đáp ứng được”.
Hiện, toàn thành phố có gần 2.700 trường học và các cơ sở giáo dục, trong đó có hơn 1000 trường đạt chuẩn quốc gia. Theo khảo sát sơ bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tỷ lệ học sinh/lớp ở các trường từ tiểu học đến THPT vẫn khá cao so với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Một số quận, huyện tỷ lệ lên tới 60 học sinh/lớp. Phòng học bộ môn của các trường cũng khá khiêm tốn, trung bình phòng học bộ môn khối trung học cở sở đạt 3 phòng/trường. Ở cấp trung học phổ thông khoảng 5 phòng/ trường.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Thế Sơn, Phó Trưởng phòng kế hoạch tài chính Sở GD – ĐT Hà Nội cho biết, theo Quyết định 37 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, với tỷ lệ sĩ số và phòng học bộ môn của các trường có như hiện nay về cơ bản mới đáp ứng được 70% và hơn 50% thiết bị dạy học ở các cấp khi triển khai chương trình mới.
Để áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới theo đúng lộ trình, ông Nguyễn Thế Sơn kiến nghị: Bộ Giáo dục, đặc biệt là Cục Cơ sở vật chất và Cục kế hoạch tài chính quan tâm giúp đỡ thành phố để xây dựng kế hoạch chuẩn hóa được các tiêu chuẩn về phòng học, phòng học bộ môn và các trang thiết bị đồ dùng học tập phục vụ cho chương trình, sách giáo khoa mới. Bộ giúp Sở Giáo dục trình thành phố Đề án tăng cường đầu tư cơ sở vật chất. Sở GD-ĐT Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện tiếp tục rà soát, xây dựng trường trung học phổ thông công lập trên địa bàn. Hiện nay, theo rà soát trong 3 năm tới, thành phố tăng 66 nghìn học sinh.
Khó khăn về cơ sở vật chất, đồ dùng thiết bị dạy học theo Chương trình, sách giáo khoa mới không chỉ ở thành phố Hà Nội, mà còn là khó khăn chung đối với nhiều tỉnh, thành phố khác.
Trước thực tế này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học. Các cơ sở giáo dục kiểm tra, rà soát thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để phân loại theo 3 nhóm: Còn sử dụng được; hư hỏng nhưng có thể cải tạo, sửa chữa được; hư hỏng nhưng không thể cải tạo, sửa chữa được. Trên cơ sở đó, tổ chức cải tạo, sửa chữa và tự làm thiết bị dạy học; xây dựng kế hoạch đầu tư, mua sắm bổ sung phù hợp với lộ trình triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ bắt đầu năm 2019-2020.
Ông Phạm Hùng Anh, Phó Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em, Bộ GD -ĐT cho biết: Về thiết bị dạy học tối thiểu, Bộ sẽ ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cho các cấp học các môn học trước thời điểm áp dụng chương trình mới tối thiểu là 10 tháng để địa phương có thể có đủ điều kiện thời gian để chuẩn bị trang bị. Như vậy với yêu cầu mới, sắp tới, Bộ yêu cầu sẽ phải rà soát, sắp xếp lại, bố trí sử dụng lại hệ thống cơ sở vật chất có hiệu quả trong điều kiện thực tế. Với hệ thống phòng học bộ môn cho các môn học, Bộ sẽ có phương án để tính toán cải tạo phòng học trở thành các phòng học bộ môn
Theo VOV
Triển khai Chương trình, SGK mới, giáo viên có bắt kịp sự thay đổi?
Chương trình, SGK mới sẽ là sự thay đổi có tính bước ngoặt trong cách dạy và học. Tuy nhiên, liệu đội ngũ GV có bắt kịp sự thay đổi này?
Đội ngũ giáo viên là yếu tốt nòng cốt quyết định sự thành công của Chương trình này.
Lo lắng về nguồn nhân lực
Đội ngũ Giáo viên (GV) là một trong những yếu tố nòng cốt và quyết định đến sự thành công của Chương trình, SGK mới. Tuy nhiên hiện nay nhiều chuyên gia và các nhà quản lý giáo dục vẫn còn băn khoăn về nguồn nhân lực hiện có.
Ông Lưu Luyến, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Xuyên (HN) cho rằng: Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mức độ chuẩn của giáo viên các cấp với chương trình, sách giáo khoa cũ chỉ đạt 75%. Vì vậy, để đạt được đích về chất lượng đội ngũ giáo viên do Bộ đề ra, huyện Phú Xuyên gặp rất nhiều khó khăn, mặc dù cũng chuẩn bị cho việc triển khai chương trình phổ thông mới.
Ông Đoàn Công Thạo, Hiệu trưởng trường THCS Giảng Võ (HN) cho biết: Để dạy được những môn tích hợp theo Chương trình, SGK mới, nhà trường cũng bắt đầu có sự chuẩn bị trước.
Tuy nhiên điều băn khoăn, lo lắng nhất của nhà trường vẫn là nguồn nhân lực.
"Với đội ngũ giáo viên như hiện nay, việc tham gia dạy những môn tích hợp về xã hội, khoa học tự nhiên, hỏi rằng giáo viên đã đáp ứng được chưa, các kiến thức chuẩn bị như thế nào? Tôi là giáo viên vật lý, không đơn giản là tôi có thể dạy được cả hóa, sinh", ông Đoàn Công Thạo nói.
Về vấn đề đội ngũ giáo viên, GS-TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới cho biết: Ngay từ đầu khi bắt tay vào xây dựng chương trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quan tâm điều tra, rà soát đội ngũ GV ở từng cấp, môn học. Đặc biệt, với những môn học mới, tích hợp nhiều môn, GV ngoài việc sẽ được tập huấn thì họ sẽ được học các tín chỉ.
"Từ nay đến lúc triển khai chương trình THCS còn 3 - 4 năm nữa nên tôi nghĩ đủ sức để chuẩn bị cho đội ngũ GV này. Chương trình này nhằm phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực cho học sinh vì vậy GV phải áp dụng những phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, cụ thể là phải tổ chức cho học sinh hoạt động để chiếm lĩnh tri thức, để rèn luyện kỹ năng và để vận dụng những điều đã học được ở trong chương trình vào thực tế đời sống hàng ngày", GS-TS Nguyễn Minh Thuyết cho biết thêm.
Sẽ bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cốt cán trong 8 ngày
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ đã có kế hoạch chi tiết về việc bồi dưỡng GV. Cụ thể, Bộ sẽ thực hiện bồi dưỡng GV theo chương trình phổ thông mới, dự kiến thời lượng khoảng 8 ngày, đều cho các môn và các cấp. Dự kiến, việc bồi dưỡng sẽ được tiến hành vào quý II năm học 2019-2020.
Giáo viên sẽ được tập huấn, bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu khi triển khai Chương trình. (Ảnh: Hải Nam)
Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết: Bộ sẽ bồi dưỡng GV cốt cán theo hình thức tập trung để làm nòng cốt trong quá trình bồi dưỡng đại trà, mỗi môn ở mỗi cấp sẽ có 2 GV/ tỉnh, thành. Riêng bồi dưỡng đại trà cho GV, cán bộ quản lý các trường theo lộ trình là: Năm 2019 (GV lớp 1); Năm 2020 (GV lớp 2, lớp 6); Năm 2021 (GV lớp 3, lớp 7, lớp 10); Năm 2022 (GV lớp 4, lớp 8, lớp 11); Năm 2023 (GV lớp 5, lớp 9, lớp 12).
Theo PGS-TS Đỗ Tiến Đạt - Chủ biên chương trình môn Toán, trên cơ sở quá trình dạy học, GV hoàn toàn có thể đáp ứng được đổi mới. Quan trọng nhất là GV được sự trợ giúp tập huấn, có định hướng thay đổi, cố gắng để giúp học sinh suy nghĩ cần học như thế nào, đi từ đâu, giúp người học kiến tạo nên kiến thức. "Tôi tin rằng GV với sự tập huấn chu đáo, cẩn thận của bộ GD&ĐT và các cơ quan quản lý địa phương thì GV hoàn toàn có thể bắt nhịp và đáp ứng được khi triển khai Chương trình, SGK mới", PGS-TS Đỗ Tiến Đạt
Theo VOV
Lớp đông học sinh, sao dạy được chương trình phổ thông mới? Tại hội nghị triển khai công tác chuẩn bị các điều kiện để áp dụng chương trình, SGK mới do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức đầu tiên trên cả nước ngày 20/1, nhiều lo ngại về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất đã được các đại biểu chỉ ra. TS Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội...