Chương trình môn Ngữ văn mới: Nên tháo ra làm lại?
Đó là quan điểm của một số chuyên gia đầu ngành về Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ Văn. Theo các chuyên gia này, dù đã rất cố gắng nhưng Ban soạn thảo nên tháo ra làm lại vì dự thảo chương trình chưa đạt yêu cầu.
Quang cảnh buổi tọa đàm
Chương trình nặng, thiếu giáo dục thẩm mỹ
Ngày 22/3, Hội đồng Lý luận và Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương đã tổ chức tọa đàm đánh giá chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn mới.
Theo PGS.TS Phạm Quang Long, nguyên Phó Giám đốc Trường ĐHQG Hà Nội, điểm bất ổn nhất của Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn mới là Ban soạn thảo đã tách phần giáo dục Ngôn ngữ với Văn học thành những phần tách bạch, làm nhòe đi đặc trưng của môn Ngữ văn.
Trong đó, phần cảm thụ văn chương, từ rung động thẩm mỹ để khơi dậy những khát vọng hướng tới cái đẹp, cái thiện, đến sự hình thành nhân cách qua môn học Ngữ văn hơi bị nhẹ so với những tri thức và những yêu cầu về mặt ngôn ngữ học.
Từ đầu đến cuối, chương trình quan điểm dạy kĩ năng theo 4 khâu đọc, viết, nghe, nói môn Ngữ văn giống như môn Ngoại ngữ là không logic bởi đây là môn học dạy cho người bản ngữ, học trong 10 năm có tính chất bản lề để hình thành nhân cách thì phần kĩ năng lại lấn át phần cảm thụ.
Về yêu cầu kiến thức, theo ông Long, dự thảo chương trình đặt ra yêu cầu cao. Chương trình dành cho học sinh THCS cũng có những điểm chưa phù hợp cả về nội dung và thời lượng, chẳng hạn như kiến thức về lịch sử văn học lẫn dân tộc, yêu cầu cần đạt rất cao trong khi nội dung chuyên đề khó đáp ứng được yêu cầu như vậy.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa đề xuất đưa tác phẩm về Hoàng Sa, Trường Sa vào SGK Ngữ văn mới.
Về thời lượng các môn học, ông Long cho rằng cần xem xét lại. Ví dụ, ở lớp 1, môn tiếng Việt học 5 tiết/ngày, như thế là quá nặng nếu học sinh học 1 buổi/ngày.
Ở bậc THPT, thời gian học môn Văn ít hơn (1 tiết/ngày kèm theo 35 tiết cho 3 chuyên đề, nghĩa là mỗi chuyên đề khoảng 12 tiết kể cả kiểm tra, đánh giá). Sự tích hợp ở môn học này khó đạt kì vọng như dự kiến.
Đồng quan điểm trên đây, GS.TS Lã Nhâm Thìn (Trường ĐHSP Hà Nội) cho biết, chương trình phổ thông môn Ngữ văn mới không quyết định được nội dung dạy học mà chỉ cần đạt các kĩ năng: Nghe, nói, đọc, viết là chưa hợp lý.
Video đang HOT
Đặc thù của môn Ngữ văn là giáo dục tư tưởng, do đó chương trình cần đạt được mục tiêu giáo dục thẩm mỹ và giáo dục tư tưởng, chứ không chỉ có nghe, nói, đọc, viết.
GS Hà Minh Đức (nguyên Viện trưởng Viện Văn học) góp ý, đây là công trình công phu nhưng cần bổ sung. Thứ nhất những gì quá khó, chưa phù hợp với học sinh thì không nên đưa vào, chẳng hạn về lý luận văn học, các bài thơ chữ Hán…
Nên tháo ra làm lại
PGS. TS Lê Quang Hưng, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhận định, chương trình ngữ văn mới có các ưu điểm là có tính mở và liên kết, liền mạch theo hướng nâng cao và hoàn thiện năng lực kỹ năng cho học sinh các cấp phổ thông.
Tuy nhiên, ông cho rằng kiến thức văn học mang tính cơ sở cần thiết về lý luận văn học lại rất ít, rất nhạt. Kiến thức về từng thể loại văn học chưa được thể hiện rõ.
Ông cũng đề xuất không nên đưa Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật và Phong cách Hồ Chí Minh vào lớp 6-7. Các tác phẩm Chiều tối; Chinh phụ ngâm; Hồn Trương Ba, da hàng thịt; Tuyên ngôn Độc lập… không nên đưa vào lớp 8-9 vì học sinh chưa đủ trình độ, vốn sống để cảm nhận.
Cũng đề xuất đưa thêm nội dung tác phẩm vào dự thảo chương trình môn Ngữ Văn, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết: “Tôi được biết, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được đưa vào môn Địa lý và Lịch sử. Nhưng chương trình môn Ngữ văn lại không thấy có. Chúng ta cũng cần phải giáo dục cho học sinh về hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa trong chương trình Ngữ văn thông qua những bài thơ, bài văn”.
PGS.TS Nguyễn Bá Thành (ĐHQG Hà Nội) nhận xét: “Ban soạn thảo đã vô cùng cố gắng nhưng tôi nghĩ cần phải làm lại vì đây chỉ là yêu cầu đạt được chứ không phải chương trình cụ thể.
Chương trình chỉ có 2,5% là phần “cứng” thì không thể gọi là chương trình. Cần phải có các tác phẩm ưu việt nhất để bổ sung vào chương trình. Nếu để học sinh và giáo viên đề xuất tác phẩm giảng dạy thì vô cùng nguy hiểm và dân chủ như thế là quá mức”.
Đồng tình với quan điểm này, GS.TS Trần Ngọc Vương (Trường ĐHKH&XHNV – ĐHQG Hà Nội) cũng cho rằng cần tháo dự thảo chương trình này ra để làm lại, trong đó cần tiến hành khoa học hơn, rõ ràng hơn.
Trước những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, GS Đỗ Ngọc Thống – Chủ biên Chương trình môn Ngữ văn cho biết: Lỗi của chương trình hiện hành chỉ có 1 bộ SGK nên mới sinh ra bộ SGK cơ bản và SGK nâng cao.
Việc xây dựng một chương trình có nhiều bộ SGK dựa trên các nghị quyết của Đảng. Độ mở của chương trình đáp ứng việc biên soạn nhiều bộ sách và tăng tính tự chủ trong SGK. Bộ phận soạn thảo không thể bao quát hết tất cả các tác phẩm văn học, chương trình chỉ đưa ra định hướng lớn. Còn việc lựa tác phẩm văn học tự chọn và tác giả để đưa vào giảng dạy trong nhà trường đã có những tiêu chí cụ thể.
Theo Dân Trí
Độ mở và lưới lọc trong chương trình mới Ngữ văn
Chương trình Ngữ văn mới không quy định cụ thể các văn bản được dạy trong từng lớp. Tuy vậy, một số tác phẩm có vị trí đặc biệt, bắt buộc dạy học trong nhà trường như: Nam quốc sơn hà (tương truyền của Lý Thường Kiệt), Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn), Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi), Truyện Kiều (Nguyễn Du), Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Nguyễn Đình Chiểu), Tuyên ngôn Độc lập (Hồ Chí Minh).
ảnh minh họa
Tất cả các văn bản còn lại, chương trình chỉ nêu gợi ý, khuyến nghị để tác giả sách giáo khoa và giáo viên tham khảo, hình dung được độ khó, độ dài và sự thích hợp về thể loại, đề tài của văn bản đối với từng lớp học. Một số ý kiến cho rằng, độ mở quá rộng này gây khó khăn trong thống nhất chương trình, kiểm tra, đánh giá cũng như trong kiểm soát các ngữ liệu được đưa vào dạy học.
Có nên chỉ quy định 6 tác phẩm bắt buộc?
Tại tọa đàm góp ý chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn do Hội đồng Lý luận và phê bình văn học nghệ thuật trung ương tổ chức ngày 22/3, có những ý kiến bày tỏ sự băn khoăn trước độ mở của chương trình Ngữ văn mới.
PGS.TS Nguyễn Bá Thành (ĐHQG Hà Nội) khi đánh giá về dự thảo chương trình môn Ngữ văn cho rằng đây là bản thảo rất công phu, rất bài bản và chi tiết. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử biên soạn sách giáo khoa, chương trình một môn học được dự thảo và trưng cầu ý kiến khá rộng của các nhà chuyên môn, các nhà giáo, nhà văn.
"Nếu tác phẩm bắt buộc chỉ chiếm 2-3% toàn bộ chương trình thì ý nghĩa cứng của chương trình sẽ mất đi và chương trình không đảm bảo yêu cầu định tính và định lượng"
PGS.TS Nguyễn Bá Thành
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Bá Thành cho rằng, chương trình cần định tính và định lượng rõ hơn giữa các cấp học; cần mở rộng tác phẩm quy định dùng cho nhà trường qua cơ chế chọn lọc của các hội đồng, như Hội đồng lý luận phê bình, Hội Nhà văn, Hội Ngôn ngữ học và Hội đồng khoa học của Bộ GD&ĐT. Cần dựa vào c hương trình đang thực học hiện nay và tăng cường thêm các tác phẩm văn học có giá trị để góp phần bồi dưỡng nhân cách thế hệ trẻ.
"Nếu tác phẩm bắt buộc chỉ chiếm 2-3% toàn bộ chương trình thì ý nghĩa cứng của chương trình sẽ mất đi và chương trình không đảm bảo yêu cầu định tính và định lượng" - PGS.TS Nguyễn Bá Thành .
GS.TS Lã Nhâm Thìn (nguyên trưởng khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP Hà Nội) đồng ý cần xây dựng chương trình theo hướng mở, nhưng cũng cho rằng nên cân nhắc lại quan niệm: giáo viên dạy môn Ngữ văn có thể không cần dựa vào bất cứ cuốn sách giáo khoa nào, có thể tùy chọn bất kỳ tác phẩm nào, miễn là đảm bảo mục tiêu, yêu cầu cần đạt.
Theo GS, văn học trong nhà trường là văn học mang định hướng tư tưởng, có tính giáo dục, nên "mở" để tạo nên tính đa dạng trong sự thống nhất như "mở" quá mức độ sẽ dẫn đến những khó khăn trong khâu kiểm tra, đánh giá".
PGS.TS Phạm Quang Long (ĐHQG Hà Nội) cũng bày tỏ băn khoăn nếu chỉ chọn 6 tác phẩm, còn lại do người viết sách và người dạy tự chọn sẽ gây khó khăn cho khâu tổ chức giảng dạy, đánh giá, thi cử. Bên cạnh đó, lựa chọn sai ngữ liệu sẽ dẫn đến những kết quả không mong muốn.
"Cần điều chỉnh theo hướng xác định rõ các tác phẩm được chọn như là những yêu cầu bắt buộc, hay ít nhất cũng chỉ hạn chế lượng tác phẩm tự chọn chiếm xấp xỉ 20-25% chứ không mở rộng như hiện nay. Số tác phẩm tự chọn này cũng phải được chương trình giới thiệu và những người viết sách hoặc tổ chức giảng dạy cũng chỉ được lựa chọn trong số ấy" - PGS.TS Phạm Quang Long đề nghị.
Mở nhưng có nhiều tầng lưới lọc
Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên chương trình môn Ngữ văn - chương trình đưa ra 6 tác phẩm bắt buộc không có nghĩa là chỉ dạy 6 tác phẩm ấy. Trong số 2.520 tiết, 6 tác phẩm nói trên chỉ chiếm 20 tiết, còn lại 2.500 tiết để dạy các tác phẩm khác.
Trước băn khoăn về việc tự chọn tác phẩm, PGS Đỗ Ngọc Thống cho rằng: Trước hết phải tin vào các tác giả viết sách, họ đều là các chuyên gia có học hàm, học vị cao đến từ các trường đại học lớn. Bên cạnh đó việc lựa chọn văn bản- tác phẩm phải tuân thủ các quy định về tiêu chí và yêu cầu của chương trình; rồi lại phải thông qua sự thẩm định của Hội đồng thẩm định quốc gia sách giáo khoa. Cuối cùng, trong cơ chế có nhiều bộ sách giáo khoa, nếu bộ nào kém chất lượng, chắc chắn cuốn sách đó sẽ bị các thầy cô giáo, các em HS đào thải.
"Cần điều chỉnh theo hướng xác định rõ các tác phẩm được chọn như là những yêu cầu bắt buộc, hay ít nhất cũng chỉ hạn chế lượng tác phẩm tự chọn chiếm xấp xỉ 20-25% chứ không mở rộng như hiện nay. Số tác phẩm tự chọn này cũng phải được chương trình giới thiệu và những người viết sách hoặc tổ chức giảng dạy cũng chỉ được lựa chọn trong số ấy" PGS.TS Phạm Quang Long.
Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông, GS Nguyễn Minh Thuyết trao đổi về vấn đề này cũng đưa ra 4 "lưới lọc" khi thực hiện một chương trình Ngữ văn mở. Thứ nhất là trong chương trình đã đưa ra các tiêu chí và yêu cầu lựa chọn văn bản (ngữ liệu). Thứ 2 là Thông tư của Bộ GD&ĐT về quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn sách giáo khoa cũng như tổ chức và hoạt động của hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa. Tầng lọc thứ 3 là các nhà xuất bản; cuối cùng là Hội đồng thẩm định sách giáo khoa quốc gia.
Theo công bố của Ban soạn thảo, Chương trình Ngữ văn được xây dựng theo hướng mở; thể hiện ở việc không quy định chi tiết về nội dung dạy học và các văn bản cụ thể cần dạy mà chỉ quy định những yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói và nghe cho mỗi lớp; quy định một số kiến thức cơ bản, cốt lõi về văn học, tiếng Việt và một số văn bản có vị trí, ý nghĩa đặc biệt của văn học dân tộc là nội dung thống nhất bắt buộc đối với học sinh toàn quốc.
Những văn bản khác được chương trình nêu lên trong phần phụ lục chỉ như một gợi ý về ngữ liệu, minh hoạ về thể loại, kiểu văn bản, đề tài và sự phù hợp với nhận thức, tâm lí lứa tuổi; nhằm đáp ứng các yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói, nghe ở mỗi lớp và nhóm lớp.
Căn cứ vào các yêu cầu bắt buộc này, các tác giả sách giáo khoa, cơ sở giáo dục và giáo viên môn Ngữ văn hoàn toàn chủ động, sáng tạo trong việc triển khai các nội dung dạy học cụ thể theo yêu cầu phát triển chương trình.
Giáo viên được lựa chọn sách giáo khoa, sử dụng một hay kết hợp nhiều sách, nhiều nguồn tư liệu khác nhau để dạy học, miễn là bám sát mục tiêu và đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình. Việc đánh giá kết quả học tập cuối năm, cuối cấp không dựa vào các ngữ liệu đã học trong một cuốn sách giáo khoa Ngữ văn cụ thể mà lấy yêu cầu cần đạt nêu trong văn bản chương trình môn học làm căn cứ để biên soạn đề kiểm tra, đánh giá.
Theo Giaoducthoidai.vn
Hướng tới giáo viên không "chạy đua" theo văn bằng, chứng chỉ Bộ GD&ĐT đang xây dựng Chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học và trung học, thay thế hai bộ chuẩn hiện hành. Trong Ban soạn thảo, GS.TS Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) - đã những điểm mới đáng lưu ý trong xây dựng bộ chuẩn, trong đó có việc khắc phục giáo viên chạy đua...