Chương trình mới tiếng Việt 1 đã nặng, sách giáo khoa lại quá nhiều sạn
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cao hơn chương trình tiếng Việt năm 2000, nhưng cao hơn là điều tự nhiên vì chương trình năm 2000 đã sử dụng 20 năm.
Trong khi Phó Giáo sư. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hạnh – thành viên Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông mới môn Ngữ văn; Chủ biên môn Tiếng Việt bộ sách giáo khoa Cùng học để phát triển năng lực quả quyết: việc (chương trình) nặng có chăng do nhà trường, giáo viên chưa biết cách đổi mới phương pháp dạy học.
Cả 5 bộ sách kiến thức đều nặng (Ảnh: Thùy Linh)
Và Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết- Tổng chủ biên chương trình mới, Chủ biên môn Tiếng Việt bộ sách giáo khoa Cánh Diều cũng đồng quan điểm: “Tôi cho rằng, việc học nhẹ hay nặng một phần do cách dạy của giáo viên”.
Thì Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Mạnh Hùng, Nguyên Điều phối viên chính, Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018 Tổng chủ biên bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã thừa nhận chương trình tiếng Việt năm 2018 cao hơn chương trình tiếng Việt năm 2000.
Lý giải cho việc chương trình giáo dục phổ thông 2018 phải cao hơn chương trình tiếng Việt năm 2000
Tiến sĩ Bùi Mạnh Hùng nói: “Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cao hơn chương trình tiếng Việt năm 2000, nhưng cao hơn là điều tự nhiên vì chương trình năm 2000 đã sử dụng 20 năm.
Trong 20 năm qua, điều kiện dạy học, môi trường phát triển, ngôn ngữ của trẻ hơn nhiều chưa kể thời lượng môn tiếng Việt tăng lên 70 tiết cả năm.
Đổi mới chương trình không lẽ lại quay lại mức yêu cầu chương trình của cách đây hơn 20 năm được? Vì thế, yêu cầu đặt ra đối với học sinh có cao hơn một chút cũng là chuyện bình thường.
Trước phản ứng của giáo viên, phụ huynh về chương trình, về sách giáo khoa thì Bộ Giáo dục vẫn khẳng định học sinh mới học 1 tháng nên chưa thể nói chương trình nặng hay không nặng.
Thế nhưng, cứ làm phép so sánh sẽ rõ: Trong chương trình tiếng Việt năm 2000, chuẩn kiến thức kĩ năng của học sinh lớp 1 chỉ yêu cầu tốc độ đọc của các em 30 tiếng/phút.
Trong khi chương trình mới lại yêu cầu học sinh lớp 1 “Đọc đúng và rõ ràng đoạn văn hoặc văn bản ngắn. Tốc độ đọc: 40 – 50 tiếng /phút. Biết ngắt hơi ở chỗ có dấu phẩy, dấu kết thúc câu hay ở chỗ kết thúc dòng thơ“. Ngoài ra, còn phải đọc được văn bản có độ dài 130 chữ trở lại.
Có thể thấy, yêu cầu kiến thức đối với học sinh lớp 1 đã tăng gần gấp đôi nên giáo viên, phụ huynh phản ứng là có cơ sở.
Bên cạnh đó, yêu cầu của chương trình mới là học xong lớp 1, học sinh phải viết được một câu trọn vẹn. Theo Tiến sĩ Bùi Mạnh Hùng đây không phải là yêu cầu cao so với học sinh nhiều nước trên thế giới vì các em có thể viết nghệch ngoạc nhưng viết được một đoạn văn và đọc được đoạn văn ấy trước lớp.
Không thể làm phép so sánh học sinh nước ta với học sinh nhiều nước trên thế giới
Vì, sĩ số học sinh trong mỗi lớp học ở các quốc gia phát triển không quá 25 em/lớp và thường có 2 giáo viên cùng phụ trách chưa nói đến điều kiện học tập, sinh hoạt của các em nơi ấy cũng vượt trội hơn nhiều học sinh của chúng ta.
Trong khi sĩ số học sinh ở nhiều địa phương ít nhất 35 học sinh/lớp và nơi nhiều nhất là 70 em/lớp.
Video đang HOT
Sĩ số học sinh quá đông trong một lớp luôn là vật cản lớn nhất đối với việc dạy và nâng cao chất lượng học tập của các em.
Chương trình VNEN nhập khẩu từ Colombia bị thất bại, một trong những nguyên nhân làm mô hình trường học mới VNEN thất bại được giáo viên chúng tôi đánh giá là do sĩ số lớp học quá đông. Nếu như tại nước Colompia, một lớp học có khi chỉ 10 em đến 15 em thì nước ta sĩ số gấp 2-3 lần như vậy.
Nay, nhiều nhà biên soạn chương trình của chúng ta căn cứ vào kĩ năng đọc, viết của học sinh các nước để xây dựng chương trình dẫn đến chương trình nặng cũng là điều dễ hiểu.
Chương trình tiếng Việt lớp 1 mới không chỉ nặng mà sách giáo khoa còn khá nhiều sạn
Thời gian này, trên các trang mạng đều ngập tràn hình ảnh những bài học trong sách tiếng Việt mới (không riêng một bộ sách mà gần như cả 5 bộ sách đều được điểm tên) bởi những tiếng, từ mang nặng âm sắc vùng miền gây khó cho học sinh như “mõm chó”, “cái chõ” (cái nồi đồ xôi), “chã”, “nhè”, hay những từ tự sáng tác như “nhá dưa”, “nhá cỏ”, “gà nhí”, “gà nhép”, “dưa đỏ”.
Những câu văn cụt lủn, hay những câu chuyện vô cảm như “Bé Hà, bé Lê”, “Sẻ, quạ”, “Lỡ tí ti mà”, không mang tính giáo dục thậm chí còn phản giáo dục như “Hai con ngựa”; “Cua, cò và đàn cá”, “Tấm cám”…
Đọc những bài tập đọc mà chủ yếu là chuyện ngụ ngôn được ghi chú là phỏng theo những tác giả nổi tiếng thế giới như An-Đéc-Xen, Lép-Ton-Xtôi, La Phông-Ten…nhưng bị cắt gọt khá nhiều nên đọc không còn thấy cái hay, tính giáo dục của câu chuyện.
Đã thế, mỗi chuyện được chia làm 2 bài đọc nhưng được phân bố dạy cách nhau 2 tiết. Học xong phần một, u học sinh chưa hiểu gì đến khi đọc phần 2 thì đã quên mất bài đã học ở phần 1.
Phần 1 câu chuyện (Ảnh Phan Tuyết)
Thế nên mới có chuyện đọc xong phần 1 bài đọc “Cua, cò và đàn cá” có em hỏi cua ở đâu? (Phải qua 2 tiết sau mới học tiếp phần 2 và cua mới xuất hiện).
Phải 2 tiết sau mới học phần 2 (Ảnh Phan Tuyết)
Ngoài những câu chuyện ngụ ngôn bị cắt xén, ép vào những âm vần đã học, còn khá nhiều truyện cổ nước ngoài, truyện của các dân tộc được ghi là phỏng theo nhưng đọc vào dễ dàng nhận ra đã thay đổi câu chữ khá nhiều.
Nhìn chung truyện không hay, không hấp dẫn, diễn biến không tiêu biểu, chắc chắn cũng không gây được hứng thú cho các em khi đọc. Trong khi có biết bao bài văn, bài thơ hay (sách giáo khoa trước năm 2000) mà học vài chục năm về trước nhưng nhiều người vẫn còn nhớ.
Trẻ nhỏ, đã hiểu gì về những câu chuyện ngụ ngôn mang tính giáo dục cao nhưng các bộ sách lại thi nhau chọn.
Các em chỉ cần học những đoạn văn viết về lòng nhân ái, những câu chuyện về đạo đức, về tình cảm gia đình, về trường lớp, thầy cô, bạn bè…những điều đơn giản nhưng dễ đi vào lòng. Trẻ sẽ thích thú và thích học hơn đọc những gì mà chúng không thể hiểu được.
Giá như trước khi viết sách, các nhà biên soạn sách giáo khoa sẽ mở cuộc thi để tuyển chọn những bài viết hay, những câu chuyện mang tính giáo dục cao, chúng tôi tin rằng những bộ sách giáo khoa lớp 1 sẽ không gặp phải những phản ứng dữ dội như bây giờ.
Tài liệu tham khảo:
https://www.facebook.com/VOV2CUOCSONGMUONMAU/videos/647542012619761
Tác giả lên tiếng về SGK Tiếng Việt 1 bị chê dạy học sinh 'lười nhác, thủ đoạn'
Trước nhận xét gay gắt về một số bài tập đọc trong SGK Tiếng Việt lớp 1, bộ sách Cánh diều như: 'bịa đặt', 'dạy trẻ con thói lười nhác và thủ đoạn'... GS Nguyễn Minh Thuyết - chủ biên sách cho hay: 'Chúng tôi đã làm rất kỹ'.
Bộ sách này của nhóm tác giả Nguyễn Minh Thuyết (Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên) - Hoàng Hòa Bình - Nguyễn Thị Ly Kha - Lê Hữu Tỉnh biên soạn và được NXB ĐH Sư phạm TP.HCM ấn hành (2020).
Một số bài tập đọc trong cuốn Tiếng Việt 1 của bộ Cánh diều đã được đưa ra "mổ xẻ" . Bài tập đọc về lừa và ngựa bị một số ý kiến cho là dạy trẻ con thói lười nhác, thủ đoạn.
Một bài tập đọc bị chê
Bài đọc Ve và gà thì bị chỉ trích rằng bịa, La Phông-ten không có câu truyện này.
Hay như bài tập đọc Cua, cò và đàn cá được cho là... dạy trẻ con nói dối.
Còn bài đọc "Họp lớp" cũng bị nhận xét rằng trẻ con sẽ chẳng hiểu gì, vì lớp 1 chưa có khái niệm về chuyện này.
Đã có những bình luận khá nặng lời về các bài đọc này. Thậm chí, một phụ huynh đã viết thư gửi tới chủ biên của bộ SGK Cánh diều - GS Nguyễn Minh Thuyết, cho rằng", những nội dung như thế này xuất hiện trong sách khoa lớp 1 là rất đáng buồn".
"Thánh nhân có câu "Nhân chi sơ, tính bản thiện". Những đứa bé được dạy những điều như câu chuyện hai con ngựa (trong sách lớp 1, cải cách có nhiều bài như thế) thì mục đích của nền giáo dục là gì?
Chúng ta dạy trẻ con để phòng cái ác, cái xấu hay là dạy chúng làm cái xấu, cái ác từ khi còn bé. Hay là chúng ta dạy trẻ con những kỹ năng để tồn tại trong cái xã hội đương đại ở Việt Nam từ khi còn bé?..." - vị phụ huynh này viết trong thư.
"Chúng tôi đã làm rất kỹ"
GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết đã tiếp nhận những nhận xét đó, nhưng nhóm biên soạn có quan điểm của mình. Ông cũng cho rằng "Chúng tôi đã làm rất kỹ".
Với bài tập đọc "Hai con ngựa" bị cho rằng là câu chuyện bịa, ông Thuyết cho biết bài tập đọc này được viết lại (phỏng theo) truyện "Ngựa đực và ngựa cái" của Lev Tolstoy, nhà văn Nga, do Thúy Toàn dịch, in trong cuốn "Kiến và bồ câu". Cốt truyện được giữ nguyên. Nhưng truyện dài nên phải chia làm 2 phần, có đánh số 1, 2, phần 2 được học ngay sau phần 1.
Về nhân vật, tác giả phải sửa "ngựa đực, ngựa cái" thành "ngựa tía, ngựa ô" vì học sinh đến tuần đó chưa học các vần "ưc", "ai" và cũng vì không muốn nói chuyện "đực, cái". Trong truyện của Lev Tolstoy, ngựa cái lười biếng xui ngựa đực không đi cày, nếu chủ quật roi thì tung vó đá lại. Ngựa đực làm theo lời ngựa cái. Bác nông dân thấy ngựa đực ương bướng, bèn đóng ngựa cái vào vai cày. Những chi tiết này đã được tác giả sửa lại cho nhẹ nhàng nhưng căn bản diễn biến câu chuyện vẫn như truyện của L. Tolstoy.
"Về ý nghĩa, một nhà văn lớn như Lev Tolstoy không bao giờ viết một truyện tầm phào hoặc phản giáo dục. Ý nghĩa của câu chuyện này là: xui người khác làm bậy thì chính mình sẽ chịu hậu quả" - ông Thuyết giải thích.
Bài tập đọc "Ve và gà" cũng được viết lại (phỏng theo) truyện "Ve và kiến" của La Fontaine, nhà văn Pháp. Truyện dài nên cũng phải chia làm 2 phần, có đánh số 1, 2, dạy liền nhau. Tác giả SGK phải đổi nhân vật "kiến" thành "gà" vì đến lúc này học sinh chưa học vần "iên", nhưng cốt truyện giữ nguyên.
"Các bài đọc trên chỉ sửa tên nhân vật cho phù hợp với các chữ, các vần học sinh đã được học và chưa được học nhưng đã được tác giả thận trọng ghi là "phỏng theo" và đưa tên người kể lại để chịu trách nhiệm.
Những người viết bài trên mạng để chỉ trích sách của chúng tôi cố ý chỉ chụp ảnh phần 1, cắt nó ra khỏi phần 2 để người đọc cả tin tin vào những lời mà họ nói" - ông Thuyết thông tin.
Một số ý kiến thắc mắc khi nhóm tác giả sách sử dụng từ "nhá" - nhá cỏ, nhá dưa chứ không sử dụng từ "nhai" trong bài tập đọc "Thỏ thua rùa". Các ý kiến này cho rằng nhóm tác giả đã sử dụng phương ngữ, học sinh không hiểu.
"Theo chương trình thì đến phần có bài tập đọc này học sinh chưa học đến vần "ai", nên tác giả sách sử dụng từ "nhá". Từ này hoàn toàn không phải là phương ngữ mà là từ phổ thông, có trong Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê.
Tương tự với những thắc mắc về việc sao không sử dụng từ "hiên" mà lại là từ "hè"... Hè hay hiên thì cũng là từ phổ thông, đều có mặt trong Từ điển Hoàng Phê" - ông Thuyết lý giải.
"Trong sách cũng có một số từ địa phương như ba - má. Sách dạy cho học sinh cả nước nên tác giả xây dựng 2 tuyến nhân vật: Học sinh sống ở các tỉnh phía Bắc thì gọi bố gọi mẹ, học sinh sống ở các tỉnh phía Nam thì gọi ba gọi má...".
Ông Thuyết cũng đưa quan điểm về ý nghĩa của các bài đọc. "Có thắc mắc rằng lấy đâu ra chuyện chó xù ra ngõ gặp sư tử. Nếu cứ theo tư duy kiểu này, thì các câu chuyện cổ tích, thần thoại phải bỏ đi hết hay sao?
Hay bài đọc Cua, cò và đàn cá bị cho là dạy học sinh khôn lỏi. Đây là bài đọc theo truyện dân gian Việt Nam. Mà truyện dân gian vốn dĩ sâu sắc lắm, khai thác như thế nào là do tâm địa mỗi người. Người này cho rằng bài này dạy học sinh khôn lỏi, nhưng người kia lại rút ra được bài học cảnh giác. Bây giờ người xấu nhiều, dạy trẻ con phải cảnh giác không thừa" - ông Thuyết nói.
"Hay như "nhà nghỉ" cũng là một từ Tiếng Việt, trẻ con có quyền biết nghĩa của từ này, sao lại cứ cho rằng nó xấu?".
Giảng cho học sinh hiểu là nhiệm vụ của giáo viên
Ông Thuyết cũng cho biết các bài đọc là để học sinh ôn chữ, ôn vần. "Chúng ta không nên lo học sinh không hiểu, bởi dạy cho học sinh hiểu là nhiệm vụ của giáo viên chứ các em không phải tự mình làm việc với quyển SGK. Giáo viên sẽ giảng cụ thể cho học sinh ý nghĩa của từ ngữ trong các bài đọc".
Khẳng định rằng các bài đọc đều đã được nhóm biên soạn cân nhắc, viết đi viết lại, ông Thuyết lý giải thêm về các ngữ liệu được đưa vào SGK, có mấy cách dẫn văn bản đọc, viết: "trích" - bớt chữ của văn bản để phù hợp với thời lượng học. Ở lớp 1 không sử dụng nhiều dạng này vì có quy định về số lượng chữ cho mỗi bài đọc; "theo" - dẫn lại tác phẩm và có sửa chữa: "phỏng theo" - dựa theo ý tứ của tác phẩm gốc để viết lại.
"Những chữ, từ đã học được lặp đi lặp lại qua các bài đọc để học sinh không quên chữ. Khi tập huấn cho giáo viên, chúng tôi cũng đã nhấn mạnh vào yêu cầu phân hóa đối với học sinh. Ví dụ với những học sinh tiếp thu nhanh thì từ a, từ b có thể học trong 2 tiết, với các em chậm hơn thì học trong 3 tiết. Trong phân bổ chương trình có tới 88 tiết dự trữ (mềm), là những tiết ôn tập, góc sáng tạo, đọc sách báo... Nếu học sinh đọc viết chưa thông thì cứ lấy số tiết dự trữ này ra để dạy cho các em.
Ngay trong một lớp, khả năng của học sinh cũng khác nhau. Nếu bài đọc quá ngắn, học sinh khá giỏi sẽ không phát triển được hết khả năng. Như vậy, với học sinh yếu hoặc gặp khó khăn, các em chỉ cần đọc được 1, 2 câu có các chữ hoặc vần mới học. Sau một thời gian, những học sinh này hoà được vào tiến độ chung, các em sẽ đọc được cả bài như các bạn khác.
Chương trình Tiếng Việt trước đây có 10 tiết/ tuần, nay là 12 tiết/tuần. Trong khi yêu cầu về mức độ đạt được vẫn như trước thì tăng tiết chính là để giảm tải chưa không phải quá tải, phụ huynh không nên lo lắng mà tạo áp lực cho con em mình" - ông Thuyết khẳng định.
Tranh cãi về những bài học trong sách Tiếng Việt 1 Nhiều người nhận xét các mẩu truyện trong sách Tiếng Việt lớp 1, tập 1 (thuộc bộ sách giáo khoa Cánh diều) sử dụng câu từ trúc trắc, không rõ ý nghĩa. Sau hơn một tháng triển khai chương trình và sách giáo khoa mới, nhiều phụ huynh phát hiện những mẩu truyện tập đọc trong sách Tiếng Việt 1, bộ Cánh Diều,...