Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT kết hợp với dạy nghề: Còn nhiều băn khoăn
Mới đây, Bộ GD-ĐT và sau đó là Sở GD-ĐT đã có công văn hướng dẫn tổ chức dạy học chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp THPT kết hợp với dạy nghề tại các cơ sở GDTX.
Theo chủ trương này, kể từ năm học 2020-2021, việc dạy văn hóa trong các trường nghề phải có sự phối hợp với trung tâm GDTX.
Học sinh hệ trung cấp của Trường cao đẳng Nghề công nghệ cao Đồng Nai (H.Long Thành) trong giờ học văn hóa
Đây được cho là sẽ tạo thuận lợi trong việc dạy chương trình văn hóa kết hợp với dạy nghề, góp phần thực hiện tốt phân luồng học sinh sau THCS. Tuy nhiên, chủ trương này đang khiến các trường nghề và cả các trung tâm GDTX trên địa bàn tỉnh băn khoăn.
* Trung tâm GDTX sẽ quản lý việc dạy văn hóa
Ngày 31-7-2020, Bộ GD-ĐT đã ban hành Công văn số 2857/BGDĐT-GDTX về việc hướng dẫn tổ chức dạy chương trình GDTX cấp THPT kết hợp với dạy nghề tại các cơ sở GDTX. Một trong những nội dung được nêu tại công văn này là: “…Đối với người học do các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tuyển sinh học trung cấp nghề có nguyện vọng học chương trình GDTX cấp THPT để tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT thì các đơn vị này phối hợp với các cơ sở GDTX để tổ chức dạy chương trình GDTX cấp THPT”.
Công văn cũng nêu rõ: “Việc dạy học chương trình GDTX cấp THPT kết hợp với dạy nghề do các cơ sở GDTX tổ chức thực hiện. Trong trường hợp không có cơ sở GDTX hoặc cơ sở GDTX không đủ điều kiện để thực hiện, các sở GD-ĐT có thể xem xét cho phép các trường THPT thực hiện dạy chương trình GDTX cấp THPT”.
Video đang HOT
Theo tinh thần chỉ đạo chung của Bộ GD-ĐT, trong công tác phối hợp dạy văn hóa, các trung tâm GDTX sẽ chủ trì thực hiện về chuyên môn (gồm các khâu như: chọn, cử và phân công giáo viên giảng dạy; tổ chức thực hiện chương trình, kiểm tra, đánh giá và phê học bạ của học viên; thực hiện công tác bồi dưỡng giáo viên…). Trong trường hợp trung tâm GDTX không đủ điều kiện để thực hiện thì sẽ do các trường THPT trên địa bàn thực hiện. Điều đó có nghĩa là các trung tâm GDTX sẽ được quyền quản lý công tác dạy văn hóa trong các trường nghề. Đây chính là điều khiến các trường nghề có nhiều băn khoăn, e ngại.
* Sự phát triển của trường nghề
Trong suốt những năm qua, một số trường nghề trên địa bàn tỉnh đã đồng thời thực hiện 2 chức năng: vừa đào tạo nghề, vừa dạy học văn hóa chương trình GDTX. Để đáp ứng nhu cầu dạy và học văn hóa, các trường đã chủ động đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, dụng cụ thí nghiệm – thực hành; chuẩn bị đội ngũ giáo viên giảng dạy chương trình văn hóa…
Tính đến cuối năm học 2019-2020, toàn tỉnh có 21 đơn vị có giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT. Trong đó có 11 trung tâm GDNN-GDTX các huyện/thành phố, 1 trung tâm GDTX tỉnh, 1 trung tâm văn hóa người điếc và 8 trường trung cấp, cao đẳng nghề. Dự kiến, năm học 2020-2021 sẽ còn lại 20 đơn vị (Trường cao đẳng Nghề số 8 giải thể).
Về số lượng người học, toàn tỉnh có gần 16.585 học viên học chương trình GDTX cấp THPT. Trong đó, học viên tại các trường nghề là 12.267; số học viên học tại các trung tâm GDTX là 4.318.
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, số lượng học sinh tham gia học trung cấp nghề kết hợp học văn hóa tại các trường nghề ngày càng tăng. Nếu như năm 2014, Đồng Nai chỉ tuyển được hơn 4 ngàn chỉ tiêu học sinh trung cấp nghề kết hợp học văn hóa thì đến năm 2019, con số này đã đạt khoảng 12 ngàn.
Không chỉ học sinh Đồng Nai, nhiều học sinh từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước cũng “đổ” về Đồng Nai để học tập… Đó là minh chứng rõ nét cho thấy chất lượng dạy học chương trình văn hóa của các trường nghề đang ngày càng nâng cao.
TS Lê Anh Đức, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề công nghệ cao Đồng Nai khẳng định: “Trong thời gian qua, công tác đào tạo nghề gắn với dạy văn hóa ở trường chúng tôi có nhiều chuyển biến tốt. Trong 3 năm gần đây, tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT của trường cũng cao hơn tỷ lệ chung của hệ GDTX tỉnh. Như vậy, có thể nói, đây là phương thức đào tạo hiệu quả tại cơ sở GDNN, vừa đáp ứng nhu cầu học nghề của người dân, vừa giải quyết phân luồng sau THCS theo chủ trương của nhà nước và của tỉnh”.
Trong khi đó, tình hình tuyển sinh của các trung tâm GDTX lại không mấy sáng sủa. Nếu như những trường cao đẳng nghề như: Hòa Bình – Xuân Lộc, Kỹ thuật Đồng Nai, Nghề công nghệ cao Đồng Nai… có quy mô đào tạo trên 3 ngàn học sinh học văn hóa chương trình GDTX/năm thì các trung tâm GDTX chỉ có quy mô từ 300-800 học sinh (bao gồm cả học sinh GDTX bậc THCS).
Không chỉ quy mô tuyển sinh, đào tạo, nếu xét về cơ sở vật chất, các trung tâm GDTX cũng không được đầu tư như các trường nghề. Xét về đội ngũ giáo viên, chính các trung tâm GDTX cũng không có đủ giáo viên cơ hữu mà phải hợp đồng với giáo viên các trường THPT trên địa bàn để thỉnh giảng cho trung tâm…
Ông Võ Ngọc Vinh, Phó giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX H.Trảng Bom cho hay: “Hiện nay, trung tâm có hơn 700 học sinh đang theo học chương trình văn hóa GDTX. Trung tâm hiện có 10 biên chế giáo viên, so với một số trung tâm khác là đã đông nhưng chúng tôi vẫn phải hợp đồng thêm với giáo viên trường THPT trên địa bàn mới đủ người dạy”.
Xét về sự tương quan giữa những thuận lợi và khó khăn của hai bên như trên, các trường nghề không khỏi băn khoăn, đặt câu hỏi: Liệu các trung tâm GDTX có thực hiện tốt vai trò của mình nếu quản lý việc dạy văn hóa trong các trường nghề?
* Còn những băn khoăn
Theo Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai Huỳnh Lê Tuấn Dũng, tiền thân của Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai là trường cơ điện dạy trung cấp chuyên nghiệp, do Sở GD-ĐT quản lý. Vì vậy, ngay từ giai đoạn trước, trường đã đáp ứng được việc dạy văn hóa (trước đây dạy các môn Văn – Toán – Lý – Hóa). Đến khi trường chuyển cơ quan chủ quản là Sở LĐ-TBXH và thực hiện việc dạy trung cấp nghề kết hợp dạy văn hóa, nhà trường tiến hành dạy thêm 3 môn: Sinh – Sử – Địa. Nhà trường đã hợp đồng thêm với giáo viên bên ngoài, đáp ứng đủ nhu cầu dạy học văn hóa để thi tốt nghiệp THPT.
Hình thức đào tạo nghề kết hợp dạy học văn hóa đã góp phần quan trọng trong công tác phân luồng học sinh sau THCS. Trong ảnh: Học sinh nghề sửa chữa ô tô tham gia Cuộc thi tay nghề giỏi tại Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi (H.Trảng Bom). Ảnh:Hải Yến
“Trường đã chuẩn bị đủ về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Bây giờ cơ sở vật chất là của trường mình mà đơn vị khác vào quản lý thì cũng không hợp lý. Cho đến thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn chưa biết là trung tâm GDTX sẽ phối hợp hay quản lý cụ thể ở mảng nào” – ông Dũng cho hay.
Còn ông Lê Quang Trung, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama2 bày tỏ: “Những năm qua, việc dạy chương trình văn hóa do trường trực tiếp đảm nhiệm, chúng tôi đã chuẩn bị đủ về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, công việc đang tiến hành trơn tru, đáp ứng được chuẩn đầu ra. Năm nay phải áp dụng theo quy định mới, học sinh sẽ phải chịu 2 bộ phận quản lý khác nhau. Nếu áp dụng đột ngột như vậy sẽ gây khó cho cả học sinh và các bên liên quan. Ngoài ra, để có thể thực hiện chức năng quản lý chuyên môn, tôi cho rằng các trung tâm GDTX cần phải có thời gian chuẩn bị về nguồn lực”.
Không chỉ các trường nghề, chính các trung tâm GDTX khi tiếp nhận chủ trương về việc phối hợp với các trường nghề cũng có phần bối rối. Bản thân các trung tâm GDTX nhận thấy rõ điểm yếu của mình so với các trường nghề. Xét cả về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, lượng học sinh (học viên) thì các trung tâm GDTX đều không bằng trường nghề. Bản thân các trung tâm GDTX cũng còn phải đi hợp đồng với giáo viên bên ngoài để dạy học thì khó có thể bố trí giáo viên dạy học cho các trường nghề, vốn có quy mô đào tạo gấp nhiều lần trung tâm GDTX.
Ông Võ Ngọc Vinh cho biết: “Theo tôi, với chức năng nhiệm vụ phụ trách mảng GDTX, nếu Sở GD-ĐT giao cho chúng tôi phối hợp với trường nghề để dạy học văn hóa thì phía trung tâm GDTX chỉ quản lý về chuyên môn (như bồi dưỡng giáo viên; tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh; theo dõi học bạ…). Còn đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất thì phải khai thác tại các trường nghề. Nếu giao luôn cả 2 việc ấy cho trung tâm GDTX thì tôi nghĩ các trung tâm sẽ khó làm nổi trong điều kiện hiện nay”.
Còn theo ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX H.Long Thành, thời điểm trước năm 2011, trung tâm vốn là đơn vị phụ trách dạy văn hóa cho học sinh 2 trường nghề trên địa bàn huyện. Đến năm 2010-2011, Sở GD-ĐT cho phép các trường nghề được dạy văn hóa. Kể từ đó, các trường nghề mới tự tổ chức dạy học… Do đó, nếu bây giờ ngành Giáo dục giao việc quản lý dạy học văn hóa trong trường nghề lại cho phía trung tâm GDTX thì trung tâm sẽ cố gắng để phối hợp thực hiện.
Phú Yên mở cửa lại trường học từ ngày 24-8
Tỉnh Phú Yên tổ chức lại các hoạt động giáo dục sau thời gian tạm dừng để phòng dịch COVID-19.
Sáng 22-8, UBND tỉnh Phú Yên có công văn khẩn cho phép tổ chức lại các hoạt động giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, dạy nghề trên địa bàn tỉnh kể từ ngày 24-8.
Kiểm tra thân nhiệt học sinh tại một trường học ở Phú Yên. Ảnh: TL
UBND tỉnh Phú Yên lưu ý, giáo viên, học sinh, nhân viên phục vụ đang trong thời gian cách ly y tế, cách ly tại nhà hoặc tự theo dõi sức khỏe phòng chống dịch COVID-19 tuyệt đối không đến các cơ sở giáo dục. Người đứng đầu các cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm về công tác phòng chống dịch theo quy định.
Trước đó, tỉnh Phú Yên đã tạm dừng các hoạt động dạy, học để phòng, chống dịch COVID-19 từ ngày 1-8. Theo đó, tất cả các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, tổ chức, cá nhân dạy thêm, học thêm, kỹ năng sống phải tạm dừng hoạt động dạy và học. Riêng học sinh khối 12 được phép tổ chức ôn luyện đến ngày 5-8.
Khó tuyển sinh, giải pháp nào cho các TTGDNN - GDTX ở miền núi Nhiều năm nay, công tác tuyển sinh đang trở thành "bài toán khó" đối với một số trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (TTGDNN - GDTX) huyện miền núi trên địa bàn tỉnh. Không có học sinh đến học, cơ sở vật chất được đầu tư hàng chục tỷ đồng bị bỏ không gây lãng phí, cán bộ,...