Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới: Giảm tải hay tăng tải?
Với số lượng giờ học lên tới hàng nghìn tiết cùng hàng chục môn và hàng nghìn sự lựa chọn, nhiều chuyên gia cho rằng chương trình học trở nên ôm đồm, quá sức với thực tế.
Ngoài việc nhận định tính thiếu khả thi của Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới về điều kiện liên quan, thời gian thực hiện, các chuyên gia tham dự Hội thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể do Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam phối hợp cùng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức cũng cho rằng số lượng giờ học lên tới hàng nghìn tiết với hàng chục các môn học và hàng nghìn sự lựa chọn đang khiến chương trình học trở nên ôm đồm, cồng kềnh và quá sức với thực tế.
Nhiều chuyên gia nhận định chương trình giáo dục mới nặng nề, ôm đồm. Ảnh: Hải Nguyễn.
Trong lần thay đổi chương trình giáo dục này, kỳ vọng được xã hội đặt ra là việc sắp xếp lại các môn học hợp lý, tránh dàn trải, giảm tải chương trình và có tính tập trung, hướng nghiệp cao cho học sinh.
Thế nhưng, các môn học được đưa ra trong Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được Bộ GD&ĐT công bố dường như chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng này.
Nhiều chuyên gia nhận định tổng số môn học dường như quá “đồ sộ” và số tiết học cũng quá lớn. Thậm chí, học sinh lớp 10 có tới 15 môn học bắt buộc và tự chọn bắt buộc, chưa tính 2 môn tự chọn. Tổng số tiết trong một năm học từ 985 tiết đến 1.184 tiết học.
TSKH Ngô Việt Trung – nguyên Viện trưởng Viện Toán học – nhìn nhận: Có cảm giác chương trình này bị ám ảnh bởi nghị quyết, chính sách nên đã đặt ra quá tham vọng, mang tính chất khẩu hiệu là chính.
Ở tiểu học số lượng môn học không giảm mà những môn như giáo dục lối sống, cuộc sống quanh ta, thế giới công nghệ, hoạt động trải nghiệm sáng tạo… khối lượng thời gian chiếm tới hơn 1/3 thời gian tiểu học. Trong khi yêu cầu của bậc tiểu học là học sinh chỉ cần nắm được kiến thức sơ đẳng nhất.
Video đang HOT
Đồng ý với quan điểm trên, GS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương – cho rằng chương trình tiểu học phải hết sức ổn định và căn cơ nhất, không thể học đủ các thứ trên đời.
TS Nguyễn Anh Dũng (Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam) lại nhìn nhận chương trình học ở cấp THCS và THPT nếu học 29-30 tiết/tuần thì số lượng giờ cũng chiếm hết thời gian của một tuần, không còn thời gian dành cho sinh hoạt trường, lớp, sinh hoạt chuyên môn của giáo viên.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Phương – Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục – đã giật mình khi xem thứ tự môn học trong hệ thống môn học mà dự thảo đưa ra, các môn giáo dục an ninh, quốc phòng được đặt lên trước một số môn khác.
“Điều này khiến tôi có cảm giác chúng ta dạy học sinh… hiếu chiến quá!”, bà Phương cho hay.
Có ý kiến tương tự, GS Ngô Việt Trung cho rằng định hướng chương trình đặt môn giáo dục quốc phòng, an ninh lên hàng đầu, trước các nội dung giáo dục khác là không hợp lý. Cũng theo GS Trung, ở bậc tiểu học chỉ nên dạy học sinh những thứ sơ đẳng, chứ như dự thảo thì ôm đồm quá.
Yêu cầu về phẩm chất và năng lực của công dân mới.
Bên cạnh đó, theo chương trình, học sinh được học tập, rèn luyện theo chân dung của người công dân mới cần hình thành, phát triển ở học sinh 6 phẩm chất chính và 10 năng lực cốt lõi. 6 phẩm chất chính là: Yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm.
Về năng lực, đó là những năng lực mà ai cũng cần có để sống và làm việc trong xã hội hiện đại. Trong đó, 3 năng lực chung mà môn học và hoạt động giáo dục nào cũng cần và có thể hình thành, phát triển cho học sinh, gồm năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.
Những năng lực chuyên môn được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học nhất định: Năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất.
TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến – nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT – cho rằng chương trình được xây dựng theo hướng mở nhưng việc thực hiện được nêu trong dự thảo chưa đảm bảo được tính mở này.
Về phẩm chất năng lực, ở đây mới chỉ liệt kê được những năng lực gì và biểu hiện của nó ra sao. Biểu hiện chỉ là cơ sở để đánh giá phẩm chất năng lực chứ chưa phải là điều cần đạt về năng lực, ông Tiến nhấn mạnh.
“Làm thế nào để đạt được các phẩm chất, năng lực này?”, đây là một câu hỏi lớn, chương trình được đưa ra không giải đáp được vấn đề đó. Các định hướng về nội dung các môn học không nêu lên được cách đi tới các phẩm chất, năng lực đó.
Các nhà viết nội dung chương trình học cần làm rõ điều này, học môn này thì xây dựng những phẩm chất năng lực nào. Vì ngày nay, việc xây dựng chương trình theo tiếp cận năng lực, cần làm rõ mối quan hệ nặng, nhẹ giữa từng năng lực chung với từng môn học/hoạt động giáo dục. Có như vậy mới định hướng được về kết quả đầu ra”, ông Tiến phân tích.
Theo Tuệ Nhi / Lao Động
Chương trình giáo dục phổ thông mới: E ngại cả thầy và trò bị quá tải
Chương trình giáo dục phổ thông mới còn nặng, mục tiêu quá tham vọng, môn học không giảm, thời gian thực hiện gấp gáp... Theo các chuyên gia giáo dục, những khó khăn này có thể khiến giáo viên và học sinh gặp nhiều áp lực.
Quá tải, thiếu thực tế
GS Phạm Tất Dong (Hội Khuyến học Việt Nam) cho rằng, chương trình tiểu học cần phải hết sức ổn định. "Ở cấp học này không nên yêu cầu quá nhiều ở học sinh, bởi các em sẽ khó làm được. Bậc tiểu học, các em chỉ cần căn bản nhất là đọc thông viết thạo, làm mấy phép tính thật chắc chắn, viết không sai ngữ pháp, yêu cha mẹ, thầy cô, chăm chỉ lao động làm những việc nhỏ. Không thể cho học các thứ "trên trời" rồi sau này nhận hậu quả là các nghiên cứu sinh cũng viết sai chính tả" - GS Dong nói.
Dạy tiểu học hơn 10 năm, cô Đỗ Thị Thảo (TP.Vinh, Nghệ An) cho biết, đối với việc thay đổi chương trình, đặc biệt là cấp tiểu học, ngoài những môn học bắt buộc như toán, ngoại ngữ, tiếng Việt còn có thêm nhiều môn học phân hóa khác như thế giới công nghệ, giáo dục thể chất, trải nghiệm, rồi tự học có hướng dẫn...
Đổi mới chương trình sẽ càng khiến học sinh quá tải hơn (Ảnh minh họa: Học sinh trường THPT Chu Văn An, Hà Nội). ảnh: Nguyễn Thiêm
"Nếu chương trình như thế này, bắt buộc các cấp học đều phải học đủ 2 buổi/ngày mới tải hết. Hiện, quy định học 2 buổi/ngày chưa phải là quy định bắt buộc, nhiều trường vẫn chưa thực hiện được. Để làm được, các trường phải có đủ cơ sở vật chất, đủ giáo viên, có hỗ trợ... nếu không giáo viên không thể gồng mình với số lượng học sinh quá lớn/lớp, loay hoay trong các lớp học chật chội không đủ chuẩn mà đổi mới thành công được" - cô Thảo nói.
Lãnh đạo một số trường THPT khác cũng cho rằng, số tiết học của chương trình cũ và mới đều khoảng 30 tiết/tuần, riêng lớp 10 phải học 15 môn là tăng chứ không giảm tải. "Học sinh lớp 11, 12 bị bắt buộc học tới 4 môn: Toán, văn, ngoại ngữ, quốc phòng và 4 môn tự chọn là 8 môn. Với số môn nhiều như vậy học sinh sẽ không có sức và thời gian dành cho các môn định hướng nghề nghiệp. Vì vậy, cần điều chỉnh 2 năm cuối cấp này chỉ cần 2 môn tự chọn là đủ" - lãnh đạo một trường THPT đề xuất.
Trong khi đó, ông Trần Trung Dũng - Giám đốc Sở GDĐT Hà Tĩnh thì lo ngại, ở lớp 11 và lớp 12 có tới 6 môn bắt buộc và tự chọn tối thiểu 5 môn. "Nếu cho các em tự chọn, tôi sợ rằng với nhiều địa phương có truyền thống ham học như Hà Tĩnh, các em sẽ chọn hết và không bỏ môn nào, như vậy mục tiêu đặt ra sẽ không đạt được, các trường lại khó khăn trong việc sắp xếp giáo viên, cơ sở vật chất" - ông Dũng nói.
Ngoài ra, GS Dong cũng cho rằng kỳ vọng phát triển nhân lực qua các môn học từ cấp trung học là xa vời. "Hiện nay cơ sở vật chất chưa đáp ứng được đủ nên chương trình đặt ra mục tiêu vừa phải thôi. Cấp phổ thông chỉ cần định hướng để học sinh ra trường có thể học ĐH được, còn phát triển nhân lực thì bậc ĐH phải gánh. Đừng tham vọng trường phổ thông có thể góp sức vào nhân lực" - GS Dong cho biết.
Sách giáo khoa "chưa đâu vào đâu"
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, điều kiện vật chất ở các địa phương không đáp ứng là rào cản và nguyên nhân lớn nhất khiến chương trình học ở Việt Nam luôn quá tải, trong khi số tiết học của học sinh Việt Nam chỉ bằng 63 - 65% các nước lân cận. Ông Thuyết cho rằng chỉ còn cách chuẩn bị cơ sở vật chất tốt để học sinh học 2 buổi/ngày mới tháo gỡ được khó khăn.
Trong khi đó, không ít chuyên gia lo ngại về thời gian áp dụng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vào ngay trong năm học 2018 - 2019 khi sách giáo khoa mới còn... chưa đâu vào đâu.
GS Nguyễn Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT phân tích, chương trình giáo dục tổng thể là một sự đổi mới toàn diện và căn bản. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 17 tháng để xây dựng chương trình từ môn học và ra bộ sách giáo khoa cho các lớp đầu cấp thì quá cập rập. "Chương trình mới đặt ra nhiều quyết sách, ví dụ học sinh cả 3 cấp học nên học cả ngày thay vì chỉ học một buổi như hiện tại. Sĩ số lớp quá đông làm sao giáo viên xử lý giờ học tốt. Hay thiết bị thực nghiệm liệu có đủ chuẩn để phục vụ các hoạt động trải nghiệm, thực hành? Ngoài ra còn có rất nhiều môn học mới, việc xây dựng nội dung cho mỗi môn học này cũng mất rất nhiều thời gian. Bộ GDĐT cần ráo riết hơn may ra mới kịp" - ông Hạc nói.
Theo GS Hạc, việc chuẩn hóa giáo viên theo yêu cầu của chương trình mới cũng là một rào cản lớn. Chương trình "vẽ" ra dù hay đến mấy mà người dạy không tương ứng thì khó có thể thành công được.
Đồng tình với điều này, thầy Phạm Quang Dũng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hương Giang (Hương Khê, Hà Tĩnh) cũng cho rằng, hiện tại nhiều giáo viên đã công tác trong ngành 15 - 20 năm thường có tâm lý rất ngại đổi mới. Chính vì vậy, đòi hỏi thầy cô phải có sự tận tâm, yêu nghề, linh hoạt chủ động điều chỉnh mới có thể thích nghi với điều kiện mới. /.
Theo Danviet
Quá nhiều môn, lấy sức đâu để học! Nhiều ý kiến lo ngại dự thảo chương trình tổng thể giáo dục phổ thông sẽ khó đạt được mục tiêu đề ra bởi nội dung môn học lẫn cách đánh giá năng lực chưa hợp lý. Dự thảo chương trình tổng thể của bộ chương trình giáo dục phổ thông vừa được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến tối 12/4 đã nhận được...