Chương trình giáo dục phổ thông mới tụt hậu so với thế giới
Theo ông Nguyễn Tuấn Hải, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới chưa cởi mở, thực chất chỉ là sửa đổi vài chỗ chứ không phải thực sự đổi mới.
Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông quốc gia mới được công bố được kỳ vọng sẽ giúp nền giáo dục nước nhà bắt kịp xu thế quốc tế. Tuy nhiên, bản dự thảo mới được Bộ GD&ĐT công bố để xin ý kiến góp ý liệu có đạt được kỳ vọng trên?
Ông Nguyễn Tuấn Hải – nhà sáng lập Eton Grammar School – chia sẻ góc nhìn về vấn đề này. Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả.
Thiếu triết lý giáo dục quốc gia
Phần đầu của bản dự thảo đi vào “quan điểm xây dựng chương trình” mà không đề cập triết lý giáo dục – được coi là điều cốt yếu trong việc dạy và rèn người.
Thiếu vắng điều này, những diễn giải sau đó về năng lực và phẩm chất của học sinh mà nền giáo dục Việt Nam muốn hướng tới trang bị cho các em bỗng trở nên rối rắm và vụn vặt. Vì thế, bản dự thảo không cho thấy được hướng đi nhất quán, chi tiết và mạnh mẽ, thậm chí mang tính cách mạng trong thời đại công nghiệp 4.0 (dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, tự động hóa) và xu thế giáo dục trên thế giới là liên môn.
Thiếu vắng triết lý, dự thảo không cho thấy được đặc điểm mang tính dân tộc của giáo dục trong việc định hướng phát triển.
Tôi mạnh dạn nêu ra triết lý giáo dục Việt Nam nên tham khảo: Nhân văn, khai phóng và tự cường. Tức là, học để trở nên nhân ái, tự do và mạnh mẽ, giàu có.
Ông Nguyễn Tuấn Hải cho rằng triết lý giáo dục Việt Nam nên tham khảo nhân văn, khai phóng và tự cường.
Thiếu tầm nhìn
Một bản đề cương giáo dục quốc gia không chỉ giải quyết các vấn đề thực tại nhất hiện nay, mà còn phải có vai trò và giá trị định hướng trong 20-30 năm nữa.
Sách giáo khoa cũng gần như vậy. Sách đi trước thời đại khoảng 15-20 năm thì đề cương giáo dục phải đi trước tối thiểu 20 năm và nếu tốt là 30 năm.
Các nhà làm chính sách của Bộ GD&ĐT liệt kê ra những thứ hiển nhiên cần phải làm mà không nêu những điều sẽ cần có để chuẩn bị cho tương lai.
Chúng ta không thấy bóng dáng của STEM (viết tắt của các từ Science – khoa học, Technology – công nghệ, Engineering – kỹ thuật và Math – toán học). Chương trình không thấy bóng dáng của tư duy máy tính, liên môn, song ngữ, kinh tế học và kinh doanh cho THPT…
Sau 10 năm nữa, nền giáo dục phổ thông và sau đó là đại học trong mối liên hệ với nó ra sao, rất khó để hình dung?
Video đang HOT
Sửa đổi chứ không cách tân
Dự thảo chưa cởi mở và thực chất chỉ là sửa đổi vài chỗ chứ không phải sự đổi mới, cách tân thật sự. Chúng ta đã không dám đập bỏ cái cũ lạc hậu để xây dựng cái mới hoàn toàn, vừa phù hợp vừa mới mẻ để tạo xu thế và động lực phát triển cho cả xã hội.
Chúng ta đều biết học sinh mặc đồng phục về kiến thức và bị áp đặt suy nghĩ rất nặng nề. Các em chỉ có khả năng bắt chước mà ít suy nghĩ. Những người xây dựng dự thảo hiểu điều đó và đưa vào các vấn đề ngõ hầu nhằm cải thiện tình hình chứ chưa dám thay đổi.
Tôi lấy ví dụ về định nghĩa “Hoạt động trải nghiệm sáng tạo” trong nội dung số một. Dự thảo nêu ra 5 lĩnh vực, qua đó học sinh được trải nghiệm và trở nên sáng tạo: Phát triển cá nhân; Cuộc sống gia đình; Đời sống nhà trường; Quê hương, đất nước và cộng đồng xã hội; Nghề nghiệp và phẩm chất người lao động.
Tôi cho rằng không thể có trải nghiệm sáng tạo trong những lĩnh vực quá chung chung, rộng lớn như thế này. Trong vấn đề đổi mới, tôi quan tâm nhất về chương trình và cách dạy học. Điều này thể hiện ở vấn đề trao quyền tự chủ cho nhà trường và giáo viên.
Thứ nhất, nhà trường được quyền lựa chọn các bộ sách giáo khoa riêng cho mình, nhưng trên thực tế, Bộ GD&ĐT không cởi bỏ cơ chế độc quyền và viết sách giáo khoa. Việc khảo thí vẫn do một tay tự quyết và phán xử. Tự chủ về quản lý giáo dục và tự do về học thuật rất cần phải đi liền với nhau.
Thứ hai, giáo viên không được trao quyền quyết định dạy bài nào, bỏ bài nào, dạy đến đâu và dạy như thế nào cho phù hợp năng lực tiếp thu và thế mạnh hay năng khiếu riêng của học sinh.
Thứ ba, môn tự chọn chỉ là Ngoại ngữ 2 và Tiếng dân tộc thiểu số.
Dự thảo cho thấy còn quá tham về kiến thức. Một nền giáo dục tốt không phải trang bị hay nhồi kiến thức mà là cung cấp các công cụ và không gian mở cho học sinh nghĩ. Học sinh vẫn còn phải học quá nhiều môn, khối lượng nặng nề do gắn với chế độ đánh giá năng lực dựa trên điểm số của hệ thống giáo dục của ta.
Thực chất, môn phụ được gọi với tên gọi mỹ miều là “bắt buộc có phân hóa”.
Không có tư duy và kỹ năng của thế kỷ 21
Bản dự thảo liệt kê các đầu mục học sinh cần biết làm dài dằng dặc khiến cha mẹ, thầy cô rối trí không biết bắt đầu từ đâu và tại sao phải làm thế.
Nhóm 4 kỹ năng của thế kỷ 21 được công nhận rộng rãi trên toàn cầu là: Kỹ năng ICT, trong đó tư duy máy tính quan trọng hàng đầu.
Kỹ năng suy nghĩ tư duy: Sáng tạo, phản biện, giải quyết vấn đề và tự học tự nghiên cứu.
Kỹ năng làm việc: Giao tiếp (trình bày, hùng biện, tranh biện và phản biện) làm việc nhóm, phối hợp và đặc biệt là lãnh đạo.
Kỹ năng sống thích nghi trong môi trường toàn cầu: Ý thức của công dân toàn cầu về các vấn đề thời đại, trách nhiệm cá nhân và tôn trọng đa dạng văn hóa trong đó có tôn giáo.
Tuy nhiên, điểm thiếu vắng cho bậc tiểu học là rèn luyện thái độ sống tích cực và ứng xử văn minh đã không được trình bày một cách rõ nét.
Phần năng lực cần bổ sung tư duy phản biện, phần kỹ năng là thái độ sống. Điều này có tính thiết thực hơn cho người Việt Nam và coi đó là nền tảng dẫn dắt đến những điều khác.
Bản dự thảo chương trình phổ thông tổng thể mới thực chất vẫn là những điều đã cũ được thay thế bằng những mỹ từ mới. Nếu chúng ta không dám đoạn tuyệt và đập bỏ để xây cái mới thì còn tụt hậu và lạc hậu so với thế giới.
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Theo Zing
Chương trình giáo dục phổ thông mới thay đổi cách học thế nào?
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, chương trình giáo dục phổ thông mới quy định các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường áp dụng phương pháp tích cực hoá hoạt động của học sinh.
Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể(chương trình tổng thể) để xin ý kiến trước khi ban hành.
Xung quanh nội dung này, Zing.vn có cuộc trao đổi với GS Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới.
- Chương trình mới làm thay đổi cách học và dạy như thế nào?
- Để hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, chương trình mới quy định các môn và hoạt động giáo dục trong nhà trường áp dụng phương pháp tích cực hoá hoạt động của người học.
Giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện, những tình huống có vấn đề để khuyến khích các em tích cực tham gia học tập, tự phát hiện năng lực, nguyện vọng của bản thân, rèn luyện thói quen và khả năng tự học.
Hoạt động học tập được tổ chức trong và ngoài khuôn viên nhà trường thông qua một số hình thức chủ yếu như học lý thuyết, thực hiện bài tập, thí nghiệm, trò chơi, đóng vai, dự án nghiên cứu, tham quan, cắm trại, đọc sách, sinh hoạt tập thể, phục vụ cộng đồng.
Tùy mục tiêu cụ thể và mức độ phức tạp của hoạt động, học sinh được tổ chức làm việc độc lập, theo nhóm hoặc làm việc chung cả lớp.
Dù theo cách nào, mỗi em đều phải được tạo điều kiện để tự mình thực hiện nhiệm vụ học tập, trải nghiệm thực tế.
Chương trình mới bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc. Nó đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương, nhà trường.
Họ sẽ được lựa chọn, bổ sung một số nội dung, triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp đối tượng và điều kiện của địa phương, cơ sở giáo dục. Nó góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội.
GS Nguyễn Minh Thuyết tại buổi công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể chiều 12/4. Ảnh: Bảo Ngọc.
- Theo ông, phụ huynh trông mong chương trình mới sẽ giúp con em họ phát triển năng lực, phẩm chất như thế nào?
- Chương trình đã xác định 6 phẩm chất chủ yếu và 10 năng lực cốt lõi cần hình thành, phát triển cho học sinh. Đó là mục tiêu cụ thể, đồng thời cũng là "chân dung" học sinh mới.
Tuy nhiên, chúng ta cũng hiểu rằng chương trình chỉ là bản thiết kế, để hiện thực hóa cần quan tâm việc biên soạn và lựa chọn sách giáo khoa, đổi mới đào tạo và bồi dưỡng gíáo viên.
Bên cạnh việc bảo đảm cơ sở vật chất trường học, chúng ta phải có phương pháp, phối hợp giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và xã hội; đổi mới cách đánh giá kết quả giáo dục, trong đó có xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Có những việc là của ngành giáo dục, nhưng có việc cần sự chung tay góp sức của cha mẹ học sinh, người dân và chính quyền các cấp.
Nếu không đổi mới nội dung và hình thức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng, giáo viên và học sinh sẽ không thay đổi cách dạy, học.
Nếu không có đủ phòng học bộ môn, sân chơi, chỗ thực hành ngoài trời, giáo viên khó hướng dẫn học sinh nghiên cứu, thực hành.
Nếu mỗi lớp ở đô thị vẫn "nhồi nhét" tới 50-60 học sinh, giáo viên không có cách gì đổi mới phương pháp giáo dục.
Người dân cần quan tâm những vấn đề này và đòi hỏi chính quyền địa phương bảo đảm cho con em họ được học trong điều kiện không kém địa phương khác.
- Theo kế hoạch, năm học 2018 sẽ áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới, vậy làm thế nào để kịp tiến độ, thưa ông?
- Theo kế hoạch, đến tháng 9 này, toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông, bao gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học được ban hành.
Chương trình đã được thực nghiệm trong quá trình xây dựng dưới nhiều hình thức, kể cả biên soạn và dạy thực nghiệm một số nội dung mới.
Sắp tới, Bộ GDĐT tổ chức tập huấn cho các tổ chức, cá nhân viết sách giáo khoa và tập huấn giáo viên dạy theo chương trình mới. Như vậy, chúng ta có khả năng thực hiện đúng tiến độ Quốc hội đề ra. Đó là đầu năm học 2018-2019 triển khai chương trình mới và sẽ hoàn thành vào năm học 2022-2023.
Tuy nhiên, yêu cầu bảo đảm chất lượng vẫn phải đặt lên hàng đầu. Nếu chương trình, sách giáo khoa bảo đảm chất lượng, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cấp cơ sở được chuẩn bị tốt, cơ sở vật chất của các trường đáp ứng được yêu cầu (ít nhất đối với lớp một), công việc sẽ được triển khai.
Không bảo đảm chắc những điều kiện tối thiểu nói trên thì phải báo cáo Chính phủ, Quốc hội quyết định.
Theo Zing
Sẽ bỏ thi tốt nghiệp THPT quốc gia sau năm 2022? GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết sau khi đổi mới xong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (dự kiến năm 2022-2023), sẽ xét tốt nghiệp thay vì thi như hiện tại. Chiều 12/4, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. GS Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới,...