Chương trình giáo dục phổ thông mới: Giáo viên mong sớm được tiếp cận sách giáo khoa
Theo lộ trình, trước tháng 3-2020, các địa phương phải thành lập hội đồng và công bố kết quả lựa chọn sách giáo khoa (SGK) lớp 1. Tuy nhiên, đến thời điểm này, hiệu trưởng các trường tiểu học và giáo viên trực tiếp giảng dạy vẫn chưa thấy diện mạo của một cuốn SGK mới nào.
Ông Nguyễn Minh Kiếm, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ 1 Sở GD-ĐT trao sách giáo khoa lớp 1 mới cho đại diện Phòng GD-ĐT huyện Long Thành. Ảnh: H.Yến
TIN LIÊN QUAN Hy vọng về ‘làn gió mới’ trong giáo dục
Mong muốn lớn nhất hiện nay của giáo viên là được tiếp cận với SGK lớp 1 mới càng sớm càng tốt.
* “ Nóng lòng” chờ sách
Cô Trần Ngọc Thủy Tiên, giáo viên Trường tiểu học Triệu Thị Trinh (xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc) là một trong những giáo viên cốt cán được tham gia chương trình tập huấn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Sau đợt tập huấn, bản thân cô rất hy vọng những điểm tiến bộ của chương trình GDPT mới so với chương trình hiện hành như: kiến thức đảm bảo tính liên thông giữa 3 cấp học; chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh; giáo viên được trao quyền nhiều hơn… sẽ sớm thành hiện thực. Song hiện tại, cô vẫn chưa được nhìn tận mắt, sờ tận tay bộ SGK mới, trong khi đó những thông tin về việc chọn SGK liên tục được đăng tải trên phương tiện truyền thông càng làm cho cô thêm “sốt ruột”.
Ngày 22-11, Bộ GD-ĐT công bố 32 cuốn SGK lớp 1 được lựa chọn cho chương trình GDPT mới. Đến ngày 17-12, bộ SGK lớp 1 có tên Cánh diều được “trình làng”, chính thức “chốt” con số 5 bộ SGK lớp 1 được lựa chọn vào chương trình giảng dạy từ năm học 2020-2021. Bộ GD-ĐT cũng đã đưa ra lộ trình chọn SGK. Theo đó, trước tháng 3-2020, các địa phương phải thành lập hội đồng và công bố kết quả lựa chọn SGK lớp 1. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các trường tiểu học ở Đồng Nai vẫn chưa được tiếp cận với 5 bộ sách này. Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông vẫn còn là dự thảo và đang chờ đóng góp ý kiến.
Cô Thủy Tiên cho rằng, điều quan trọng hiện nay là mỗi trường tiểu học phải có cả 5 bộ SGK để cho giáo viên tham khảo. “Trong các cuộc họp chuyên môn của tổ khối, chúng tôi sẽ dành thời gian để thảo luận về các SGK mới. Chẳng hạn, trong tuần chúng tôi sẽ lấy trong mỗi bộ sách 1 bài học để đưa ra bàn luận, so sánh. Như vậy mới có cơ sở để chọn lựa sách”.
Sách thân thiện, gần gũi với trẻ
Chưa có nhiều thời gian để đi sâu vào nội dung của các bộ sách, tuy nhiên những người đã được tiếp cận với 5 bộ sách này đều có phản hồi tích cực về hình thức trình bày của sách. Theo đó, cả 5 bộ SGK này đều có hình thức đẹp, sử dụng nhiều hình ảnh thân thiện, gần gũi với trẻ em.
* Tổ chức hội nghị giới thiệu sách
5 bộ SGK lớp 1 được đặt theo 5 tên gọi khác nhau. Trong đó, có đến 4 bộ sách của Nhà xuất bản Giáo dục gồm: Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục; Cùng học để phát triển năng lực; Chân trời sáng tạo; Kết nối tri thức với cuộc sống. Bộ sách còn lại có tên là Cánh diều do Nhà xuất bản Sư phạm TP.Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Sư phạm Hà Nội phối hợp thực hiện. Mỗi bộ sách gồm có 8 môn học: Tiếng Việt, Toán, Hoạt động trải nghiệm, Âm nhạc, Mỹ thuật, Đạo đức, Tự nhiên và xã hội, Giáo dục thể chất.
Video đang HOT
Cho đến nay, Sở GD-ĐT Đồng Nai đã được tiếp cận đầy đủ 5 bộ SGK nói trên và phân chia về cho các phòng GD-ĐT nhưng mỗi nơi cũng chỉ nhận được 2 bộ sách (mỗi bộ gồm 4 bộ sách theo từng chủ đề nêu trên) của Nhà xuất bản Giáo dục và 1 bộ sách Cánh diều. Như vậy, sách vẫn chưa có đủ để có thể tới tay các giáo viên.
Để có cơ sở cho các địa phương lựa chọn SGK, hiện nay 2 nhà xuất bản đã tổ chức các buổi giới thiệu sách ở nhiều tỉnh, thành. Bà Huỳnh Lệ Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Việc chọn SGK phải tiến hành theo quy định của Bộ GD-ĐT nhưng hiện nay Bộ GD-ĐT vẫn chưa có thông tư hướng dẫn. Trước mắt, Sở sẽ tổ chức để các trường tiểu học tìm hiểu về 5 bộ SGK mới. Hôm nay 3-1, Sở cử đoàn công tác đi Bình Thuận tham gia buổi giới thiệu sách nhằm tìm hiểu để có sự chuẩn bị phù hợp ở Đồng Nai. Chúng tôi sẽ yêu cầu tác giả các bộ sách hạn chế “quảng cáo” sách mà phải đi vào nội dung, phân tích xem sách sẽ giúp ích cho công tác đổi mới giáo dục như thế nào”.
Được biết, ngày 6-1 và ngày 10-1, Nhà xuất bản Giáo dục và Nhà xuất bản Sư phạm TP.Hồ Chí Minh sẽ tổ chức các buổi giới thiệu sách tại Đồng Nai. Hơn 300 hiệu trưởng các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh được mời tham dự sự kiện này.
Tiêu chí lựa chọn sách
Tiêu chí lựa chọn SGK bao gồm các nội dung chủ yếu sau: phù hợp với đăc điêm kinh tế – xã hội của địa phương; phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông.
Giám đốc Sở GD-ĐT hướng dẫn cụ thể tiêu chí để lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với địa phương.
Các trường có thể chọn nguyên 1 bộ sách của 1 nhóm tác giả; hoặc trong mỗi bộ sách lựa chọn ra những cuốn sách phù hợp để làm thành 1 bộ riêng cho trường.
* 2/3 thành viên hội đồng chọn sách là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên
Theo dự thảo Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông, mỗi cơ sở giáo dục thành lập một hội đồng lựa chọn SGK, do người đứng đầu cơ sở làm chủ tịch. Các thành viên hội đồng bao gồm: người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giao viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục có SGK lựa chọn, đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Số lượng thành viên hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 11 người, trong đó có ít nhất 2/3 là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên.
5 bộ sách giáo khoa lớp 1 sẽ được các trường cân nhắc, lựa chọn
Như vậy, trong trường tiểu học, hiệu trưởng sẽ là chủ tịch hội đồng lựa chọn sách và đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh là 1 thành viên. Hiện nay, có nhiều ý kiến không đồng tình về quy định này. Bởi lẽ, nếu không có kiến thức chuyên môn, không hiểu về nghiệp vụ sư phạm, thậm chí là kinh nghiệm giảng dạy thực tế thì phụ huynh không thể đưa ra được sự lựa chọn phù hợp.
Anh Lê Vinh Quang, phụ huynh có con học ở Trường mầm non Hoa Sen (TP.Biên Hòa) nêu quan điểm: “Tôi nghĩ việc chọn SGK cần có chuyên môn. Vì vậy, thành viên hội đồng chọn sách, chỉ cần tổ chuyên môn và giáo viên là đủ. Nhiều thành phần quá sẽ gây loãng và có thể có những ý kiến ko đúng chuyên môn”.
Ngoài ra, cũng có nhiều ý kiến băn khoăn về việc mỗi trường học được quyền chọn riêng một bộ sách. Cô Nguyễn Thị Ánh Lệ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Sông Mây (xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu) cho rằng: “Nếu có SGK để tham khảo, tìm hiểu thì sau 1 tháng nhà trường có thể đưa ra lựa chọn nhưng theo tôi thì nên chọn theo quy mô cấp huyện, tỉnh”.
Chị Bùi Thị Nhung (phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) cũng đồng tình rằng trong cùng một phạm vi khu vực, các trường nên thống nhất lựa chọn 1 bộ SGK, không nên mỗi trường mỗi kiểu.
Ngày 15-2 công bố giá SGK
Mới đây, Bộ GD-ĐT đã có công văn yêu cầu các nhà xuất bản và các sở GD-ĐT về việc cung cấp thông tin phục vụ việc lựa chọn SGK lớp 1 theo chương trình GDPT mới.
Theo đó, Bộ GT-ĐT đề nghị các nhà xuất bản có SGK lớp 1 đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt phải có hình thức phù hợp để cung cấp SGK đến các địa phương kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo viên, cha mẹ học sinh tiếp cận thông tin về SGK nhanh chóng, tiết kiệm, hiệu quả, đầy đủ cho từng môn học.
Phương án triển khai cần được thực hiện khẩn trương, báo cáo về Bộ GD-ĐT trước ngày 15-1. Đồng thời, các nhà xuất bản cần khân trương thực hiện các thủ tục, kip thơi công bô giá của mỗi cuốn SGK lớp 1 đê các cơ sở giáo dục phổ thông, các địa phương có thông tin đầy đủ khi tổ chức lựa chọn sách. Việc công bố giá SGK lớp 1 phải được hoàn thành trươc ngày 15-2.
Hải Yến
Theo baodongnai
Sách giáo khoa mới: Cách tiếp cận từ địa phương
Việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) đối với lớp 1 sẽ được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội. Theo đó, các cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT) lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Do đó, việc sớm cho các đối tượng trên tiếp cận bản mẫu SGK để có thể đưa ra quyết định lựa chọn sách phù hợp là công việc cần được ưu tiên tại thời điểm này.
Giáo viên trao đổi về nội dung các mẫu SGK được thẩm định và đưa ra lấy ý kiến lựa chon của các địa phương. Ảnh: Bá Hài
Giáo viên nghiên cứu SGK trước khi chọn sách
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu về kết quả triển khai chuẩn bị các điều kiện thực hiện giảng dạy đối với lớp 1 theo Chương trình GDPT 2018, vào năm học 2020 - 2021, Sở GD&ĐT đã tổ chức 2 đợt giới thiệu 32 quyển sách đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt. Lần 1 vào ngày 10/12/2019 với số lượng 600 người gồm: Ban chỉ đạo đổi mới chương trình, SGK GDPT 2018 của tỉnh; lãnh đạo, chuyên viên tiểu học các phòng GD&ĐT, tất cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, khối trưởng khối lớp 1 của 100% trường có học sinh tiểu học trên địa bàn tỉnh và đại diện 105 giáo viên lớp 1 của các môn học và hoạt động giáo dục, hiệu trưởng, giáo viên các trường khuyết tật và lãnh đạo trường CĐSP tỉnh. Tổ chức giới thiệu sách lần 2 với số lượng 300 người vào ngày 24/12/2019.
Ngày 23 - 24/12/2019, Sở GD&ĐT tổ chức tập huấn giới thiệu Chương trình GDPT 2018 đối với cấp tiểu học và hướng dẫn các trường xây dựng kế hoạch thực hiện giảng dạy lớp 1, năm học 2020 - 2021 với số lượng 300 người. Thành phần gồm lãnh đạo, chuyên viên tiểu học các phòng GD&ĐT, tất cả hiệu trưởng, 140 giáo viên lớp 1 và hiệu trưởng, giáo viên các trường khuyết tật. Trong thời gian học sinh nghỉ cuối kỳ I, Sở GD&ĐT chỉ đạo phòng GD&ĐT các huyện/thị/thành phố tập huấn cho tất cả phó hiệu trưởng và giáo viên dạy lớp 1; còn lại và sau đó các trường tiểu học tổ chức tập huấn cho tất cả giáo viên lớp 2, 3, 4, 5.
Để có sách cho giáo viên nghiên cứu trước khi thực hiện theo quy trình chọn sách, hiện nay SGK chưa có giá, vì vậy Sở GD&ĐT đã xin chủ trương và được sự cho phép của Phó Chủ tịch UBND tỉnh, làm việc với các nhà xuất bản sách, mượn để cấp cho mỗi trường tiểu học và mỗi phòng GD&ĐT 32 quyển sách được Bộ GD&ĐT phê duyệt. Tuy nhiên, do SGK khan hiếm, nên ngày 19/12/2019 mới trang bị mỗi đơn vị trường học, phòng GD&ĐT 25 quyển; còn 7 quyển sẽ bổ sung chậm nhất vào ngày 31/12/2019.
Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu cũng yêu cầu phòng GD&ĐT chỉ đạo hiệu trưởng tổ chức cho giáo viên đọc và nghiên cứu nội dung, đánh giá về sự phù hợp với đặc điểm của địa phương, phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại nhà trường. Thời gian cho các trường đọc và nghiên cứu sách từ ngày 20/12/2019. Sau khi nghiên cứu xong, mỗi trường có một bản tổng hợp ý kiến đánh giá từng quyển sách và giải thích rõ nội dung đánh giá, kiến nghị, đề xuất.
Theo kế hoạch của Sở này, trước tháng 3/2020, hiệu trưởng các trường chọn xong SGK; tập huấn giáo viên dạy lớp 1. Dự kiến, Sở GD&ĐT sẽ công bố những quyển sách được lựa chọn vào ngày 1/3/2020. Trước tháng 5/2020, các công việc dự kiến được triển khai, như: Tập huấn giáo viên dạy lớp 1 dạy theo SGK mới; dạy thực nghiệm SGK mới cấp tỉnh/huyện/trường; sinh hoạt chuyên môn và thống nhất kế hoạch hè 2020...
Giáo viên tìm hiểu về mẫu các bộ sách giáo khoa mới do các sở GD&ĐT tổ chức lấy ý kiến. Ảnh: Bá Hải
Cam kết đồng hành cùng giáo viên, nhà trường
Ông Vũ Bá Khánh - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Hà Nội, đơn vị tổ chức bộ sách "Cùng học để phát triển năng lực", một trong 5 bộ SGK lớp 1 được Bộ GD&ĐT phê duyệt - cho biết: Ngay sau khi các bản sách mẫu của bộ sách "Cùng học để phát triển năng lực" được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký quyết định phê duyệt được phép sử dụng trong các cơ sở GDPT trên toàn quốc từ năm học 2020 - 2021 và được sự chỉ đạo của Ban lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, công ty đã triển khai chuyển các bản sách mẫu và tài liệu đến các nhà trường để có căn cứ để lựa chọn bộ sách.
"Trong lần 1, công ty đã cho in khoảng 15.000 bộ sách mẫu và tài liệu để chuyển đến các cơ sở giáo dục" - ông Khánh chia sẻ.Thể hiện cam kết đồng hành với các cơ sở giáo dục, thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh trong quá trình sử dụng bộ sách "Cùng học để phát triển năng lực", ông Vũ Bá Khánh cho biết, công ty có cơ chế hỗ trợ, phục vụ kịp thời, đầy đủ, đồng bộ SGK và tài liệu bổ trợ cho học sinh, giáo viên; tổ chức tập huấn miễn phí cho toàn bộ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên sử dụng SGK theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến do các tổng chủ biên, chủ biên và tác giả đảm nhiệm. Mỗi giáo viên được cấp một tài khoản miễn phí để khai thác, sử dụng học liệu điện tử, bao gồm: SGK điện tử, các bài giảng mẫu, thí nghiệm mô phỏng, hệ thống bài kiểm tra đánh giá, kho tài liệu tham khảo...
Trong khi đó, chia sẻ của ông Cấn Hữu Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát hành sách giáo dục, đơn vị tổ chức bộ sách "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục" cho biết: Bộ SGK với tôn chỉ làm theo triết lý vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục giúp tất cả học sinh, giáo viên tiếp cận được nền giáo dục chất lượng và hướng đến mục tiêu giáo dục 4.0, công ty đã xây dựng trang web sachthietbigiaoduc.vn để cung cấp tài nguyên, phiếu học tập, video - clip cho từng bài, từng hoạt động dạy học. Giáo viên và học sinh có thể tiếp cận trực tiếp phục vụ công tác giảng dạy, học tập và tự bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ.
Chúng tôi cam kết giúp các cơ sở giáo dục xây dựng phần mềm quản lý học tập, kết nối giữa nhà trường với phụ huynh. Đặc biệt, hàng năm vào dịp hè, công ty tổ chức mời giáo viên cốt cán trong các môn có thực hành thí nghiệm ở các địa phương về trung tâm thực nghiệm của công ty để tập huấn về thực hành, thí nghiệm. Ngay từ khi bộ sách hoàn thiện, công ty đã thành lập bộ phận thường trực xử lý các vướng mắc, hỗ trợ các cơ sở giáo dục, các nhà trường, thầy cô giáo trong hành trình sử dụng bộ sách "Cùng học để phát triển năng lực".
Ông Vũ Bá Khánh thông tin.
Hiếu Nguyễn
Theo giaoducthoidai
Tôi nói thẳng, chọn sách giáo khoa khó nhưng đừng để sách đi đường "ngoằn ngoèo" "Vội đến mấy thì vội, giáo viên cũng phải được tiếp cận, dạy thử các sách giáo khoa trước khi đưa ra lựa chọn sách phù hợp nhất", Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức nói. Việc lựa chọn sách giáo khoa đang là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu với các cơ sở giáo dục phổ thông, đặc biệt với các trường tiểu học...