‘Chương trình giáo dục phổ thông mới gây thất vọng’
Theo ông Đào Tuấn Đạt, bản chất chương trình mới không có nhiều thay đổi, không giảm tải và không thực hiện được kỳ vọng dự hướng nghề nghiệp cho học sinh từ lớp 10.
Chiều 12/4, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Trong đó, học sinh có nhiều môn học mang tên gọi mới như: Thế giới Công nghệ, Cuộc sống quanh ta, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo, Giáo dục Kinh tế Pháp luật, Chuyên đề học tập…
Chương trình mới bắt đầu được triển khai từ năm học 2018-2019, dự kiến hoàn thiện vào năm 2022-2023.
Ông Đào Tuấn Đạt, người phụ trách chuyên môn trường THPT Anhxtanh, Hà Nội trao đổi với Zing.vn về vấn đề này..
- Ông nhận xét gì về chương trình giáo dục phổ thông mới do Bộ GD&ĐT vừa công bố?
- Tôi thấy các tác giả đã đặt nhiều tâm huyết vào chương trình này. Chương trình nhấn mạnh việc phát triển năng lực hơn là truyền thụ kiến thức cho học sinh. Nhưng đây là một bài toán rất khó. Vì chưa có tài liệu đi kèm, tôi chưa rõ lý luận học thuật và giải pháp khoa học cho vấn đề là gì.
- Những điểm đổi mới đáng chú ý của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể so với chương trình hiện hành là gì?
- Điểm mới là ở chương trình cũ tất cả môn học đều bắt buộc. Chương trình mới cho phép học sinh lựa chọn một số môn học. Ngoài ra, việc công nhận tốt nghiệp THPT sẽ giao cho cơ sở giáo dục. Đây chính là điểm nổi trội nhất của chương trình.
Video đang HOT
Về bản chất, tôi không thấy có thay đổi, bởi những vấn đề cốt tử của giáo dục hiện nay chưa được chạm đến.
Ông Đào Tuấn Đạt, người phụ trách chuyên môn trường THPT Anhxtanh, Hà Nội. Ảnh: Đ.T.
- Các khái niệm về môn học như tự chọn, bắt buộc, tự chọn bắt buộc, bắt buộc có phân hóa… có phù hợp không? Những khái niệm này trong dự thảo có giải quyết được vấn đề giảm tải môn học và dự hướng nghề nghiệp không?
- Các khái niệm đó rắc rối và khó hiểu. Không ai nghe một lần và đọc vài lần có thể hiểu được ngay; hiểu rồi cũng khó nhớ. Vấn đề đáng ra rất đơn giản mà thành phức tạp. Tôi ví dụ các môn “bắt buộc có phân hóa”, nghĩa là không bắt học cả môn mà chỉ bắt buộc một số phần của môn, vậy nên gọi là “bắt buộc một phần”.
Xem qua dự thảo thấy giảm tải chương trình nhưng xét kỹ thì không. Số tiết học của chương trình cũ và mới đều khoảng 30 tiết một tuần, vậy là như nhau. Học sinh lớp 11, 12 bị bắt buộc học tới 4 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ 1, Quốc phòng và 4 môn tự chọn nữa là 8 môn.
Số môn nhiều như vậy lại như cũ. Học sinh không lấy đâu sức lực và thời gian cho các môn định hướng nghề nghiệp cả. Môn học nhiều không còn gọi là định hướng nữa, mà là định theo 8 hướng.
“Tôi không hình dung được chân dung học sinh mới trong chương trình tổng thể vì chưa thấy có thay đổi gì đột phá, chắc vẫn như cũ thôi. Tôi thấy thất vọng”.
Ông Đào Tuấn Đạt
Nếu gọi đây là bản chất của chương trình mới, thực tế không có gì thay đổi cả. Theo tôi, hai năm lớp 11, 12 chỉ học từ 2-3 môn, còn lại là hoạt động giáo dục thực tế khác.
- Ở lớp 10, các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học chỉ học 70 tiết trong một năm. Trong khi đó, mỗi tuần, học sinh học tổng 30 tiết của các môn. Là người quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, theo anh, thời lượng 70 tiết có đảm bảo cho các em dự hướng được nghề nghiệp như tiêu chí của Bộ GD&ĐT đưa ra?
- Thông thường, các em và gia đình tìm hiểu ngành nghề trước, rồi xem trường đại học nào có đào tạo ngành nghề đó, điểm thi, chứ không phải học cho biết rồi mới chọn.
Thiên hướng về tự nhiên, xã hội, ngôn ngữ, thể thao hay nghệ thuật, kỹ thuật… thường các em bộc lộ từ khi học cấp 2 (bậc THCS) rồi, chứ không phải chờ lên cấp ba. Thực tế, gia đình đã định hướng rồi.
Chúng ta bắt các em học hết các môn năm lớp 10 để rồi chọn ở lớp 11, 12 là quá thận trọng. Lớp 10 sẽ thành năm “không có hướng” hoặc “không quan tâm hướng” chứ không phải “dự hướng”.
Số tiết trong mỗi môn học ở bậc THPT.
- Chân dung học sinh mới trong chương trình tổng thể sẽ như thế nào?
- Tôi không hình dung được vì chưa thấy có thay đổi gì đột phá, chắc vẫn như cũ thôi. Tôi thấy thất vọng.
- Ông kỳ vọng gì về chương trình giáo dục tổng thể? Nói cách khác, chương trình như mơ ước của ông sẽ như thế nào?
- Phải là chương trình đụng chạm đến những vẫn đề cốt tử của giáo dục hiện nay. Chúng ta đã quá chậm chạp rồi, khi so sánh với những nước chậm phát triển xung quanh. Chẳng hạn như Campuchia, giáo dục của họ bắt đầu đi vào nề nếp, còn chúng ta thì chưa; nói gì đến nền giáo dục của các nước phát triển.
- Là hiệu trưởng một trường THPT, ông cho biết khó khăn chung của đội ngũ giáo viên là gì?
- Khó khăn nhất là tư tưởng. Tư tưởng thông rồi, mọi thứ sau đó sẽ đều giải quyết được. Không gia đình, thầy cô nào lại không dành hết tâm sức của mình cho giáo dục. Tôi thấy khó là vấn đề tư tưởng thôi.
Theo Zing