Chương trình giáo dục phổ thông mới: “Cũng không cần quá vội”
Theo kế hoạch, đến năm 2019 chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sẽ bắt đầu được áp dụng tại các cấp học. Tuy nhiên, GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên chương trình cho biết, áp dụng có kịp thời hạn hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố.
GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên chương trình.
Phóng viên Báo NTNN/Dân Việt đã phỏng vấn ông xung quanh vấn đề này.
Việc thực nghiệm chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã hoàn tất ở các địa phương. Sau thực nghiệm, chương trình và môn học mới được giới chuyên môn, các thầy cô và học sinh đánh giá như thế nào, thưa ông?
- Phần lớn cán bộ, giáo viên đã đánh giá cao về định hướng phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực được xác định trong các nội dung chương trình. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến giáo viên, cán bộ chuyên môn cho rằng chương trình có một số bài học, nội dung còn nặng nề. Qua các giờ dạy thực nghiệm chúng tôi cũng nhận ra rằng một số bài học còn thiên về kiến thức, khó dẫn tới quá tải.
Cụ thể, việc quá tải thể hiện qua 2 nội dung: Quá tải về chất là yêu cầu của bài học vượt trình độ nhận thức và năng lực của học sinh. Nội dung quá tải này có nhưng ít. Quá tải nhiều hơn ở lượng, tức là trong cùng một khoảng thời gian cho phép nhưng chương trình đòi hỏi học sinh làm quá nhiều việc, phải tiếp thu quá nhiều kiến thức khiến cho học sinh không còn thời gian vận động.
Chúng tôi đã lưu lại từng nhận xét của giáo viên trong từng bài học, từng nội dung để tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện một cách hợp lý nhất. Sau khi sửa đổi, các nội dung sẽ được hội đồng thẩm định một lần nữa để nâng cao chất lượng.
Trong nội dung các môn học, vấn đề được nhiều giáo viên lo lắng, quan tâm nhất chính là việc tích hợp liên môn và bố trí dạy tích hợp. Ban soạn thảo chương trình mới giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Video đang HOT
- Bản thân tôi khi quan sát, hướng dẫn và tổ chức các giáo án mới thấy, chính nhờ đợt thực nghiệm này, các môn học tích hợp được đưa vào thực tế đã làm cho giáo viên bớt lo hơn. Thực tế, trong các môn tích hợp vẫn có những bài giảng, chủ đề nội dung nghiêng về một môn nào đó và các môn còn lại là kiến thức bổ trợ theo. Ví dụ trước đây đơn môn, có khi lịch sử đang dạy lịch sử châu Á nhưng địa lý lại đang dạy địa lý châu Âu. Còn giờ thì được gom lại để bổ sung kiến thức hoàn chỉnh. Có một số chủ đề tích hợp như: Chủ đề biển đảo, văn minh sông Hồng (nặng về lịch sử); chủ đề đô thị (nặng về địa lý)… Nếu thầy cô nào chưa kịp đào tạo dạy tích hợp vẫn có thể phân công dạy riêng biệt theo những chủ đề.
Ngoài ra, Bộ GDĐT cũng có kế hoạch tập huấn, giúp các giáo viên học thêm các tín chỉ để dạy được các môn tích hợp. Đối với những giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt như nhiều tuổi, sắp về hưu không thể đi học thêm để dạy thì vẫn có thể sắp xếp cho các thầy cô dạy ở những bài, chủ đề thiên về kiến thức của thầy cô. Để làm được điều này, các tổ chuyên môn phải có sự phối hợp, bàn bạc cụ thể, nhuần nhuyễn.
Qua thực nghiệm, ông đánh giá như thế nào về đội ngũ giáo viên, khi mà trước đây lo ngại lớn nhất của chương trình chính là tâm lý ngại đổi mới của thầy cô?
- Có một thực tế là ở nơi nào học sinh đã quen và chủ động tìm hiểu khám phá kiến thức, luyện tập và vận dụng thì tiết học diễn ra tốt. Giáo viên nào đầu tư cho bài giảng, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì tiết học cũng hiệu quả hơn. Giữa các cấp học cũng có sự khác biệt về đội ngũ giáo viên. Cụ thể là thầy cô tiểu học tôi đánh giá là có sự tích cực rõ nét trong đổi mới, trong khi đó khối giáo viên trung học bị cuốn hơi nhiều thời gian vào các kỳ thi nên không có sự chú tâm bằng.
Qua đợt này, chúng tôi càng nhận thấy rõ về đội ngũ giáo viên là nội dung không đáng sợ bằng phương pháp giảng dạy. Nếu thầy cô giáo có phương pháp để làm cho tiết học sinh động, nhẹ nhàng hơn thì nội dung bài học sẽ đạt được hiệu quả rất tốt.
Theo kế hoạch, chỉ còn hơn 1 năm nữa là chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được áp dụng. Với lượng công việc “khổng lồ” và bề bộn như vậy, theo ông liệu việc áp dụng chương trình đúng kế hoạch có khả thi?
- Khối lượng công việc thực sự rất lớn và còn bề bộn. Hiện tại, việc biên soạn chương trình đang ở giai đoạn cuối cùng rồi, sắp tới sẽ là biên soạn sách giáo khoa. Khi đã có chương trình chúng ta sẽ tập trung vào làm sách giáo khoa lớp 1 thì hy vọng sẽ làm được.
Tuy nhiên, cũng chưa thể quyết định được là sẽ triển khai kịp trong năm 2019. Bởi lẽ việc triển khai còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có sách giáo khoa và tập huấn giáo viên. Việc này sẽ do lãnh đạo Bộ GDĐT quyết định, nếu như đến thời điểm đó cảm thấy đảm bảo tốt thì chúng ta cho triển khai, còn nếu chất lượng chưa thực sự yên tâm thì Quốc hội còn cho lùi lại 1 năm nữa (đến năm 2020). Vì vậy cũng không cần quá vội.
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet
Chương trình giáo dục phổ thông mới: Lo lớp học quá tải, cô - trò đều khổ
Sau 2 tuần công bố, Dự thảo các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông mới đã thu hút được sự quan tâm của dư luận. Ngoài yếu tố giáo viên, cơ sở vật chất để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới khiến nhiều người lo lắng.
ảnh minh họa
Áp lực sĩ số
Cô giáo vừa giảng bài, vừa gọi học sinh phát biểu, vừa nhắc nhở các em còn lại giữ trật tự. Trong lớp, bàn ghế kê san sát gần hết lối đi, sát cả mép cửa và bục giảng... là những hình ảnh không còn xa lạ với nhiều người. Ở các đô thị lớn của nước ta hiện nay, tình trạng quá tải trường lớp đang ở mức báo động.
Theo quy định của Bộ GDĐT, mỗi lớp học chỉ được sắp xếp tối đa 35 học sinh. Thế nhưng từ nhiều năm nay, ở các trường công lập tại Hà Nội, TPHCM, con số này chỉ có trong giấc mơ của học sinh, phụ huynh. Bởi thực tế, nhiều trường có tình trạng 50 - 60 em chen nhau trong một lớp.
Hiện Hoàng Mai là quận có quá trình đô thị hóa nhanh ở Hà Nội, đồng nghĩa với việc tình trạng quá tải lớp học cũng rất lớn. Mấy năm gần đây, việc tuyển sinh ở các trường mầm non trở nên gay cấn với kiểu bốc thăm ăn may như Trường mầm non thực hành Linh Đàm. Cứ đến mùa tuyển sinh, hàng trăm phụ huynh lại hồi hộp, bởi con em mình có được 1 suất trúng tuyển vào trường công lập sẽ dựa vào lá thăm may rủi do chính tay mình chọn. Vơi cấp tiểu học, có trường phải cho học sinh học luân phiên vào thứ bảy mới bảo đảm học hai buổi/ngày.
Tại quận Cầu Giấy cũng xảy ra tình trạng tương tự, nhiều nơi bị quá tải trường lớp. Với cấp tiểu học, trung bình mỗi lớp công lập là 49 học sinh/lớp, với lớp 6 các trường như Dịch Vọng, Dịch Vọng Hậu, Yên Hòa đều có sĩ số 50 học sinh/lớp.
"Sĩ số lớp quá đông, cả học sinh và giáo viên đều mệt mỏi. Cô quản lớp đã khó nói gì đến chuyên tâm vào dạy và cũng không có thời gian để sát sao, kèm cặp từng cháu. Với tình trạng quá tải lớp học như vậy, giáo viên chúng tôi quản lớp đã khó nói gì đến việc chuyên tâm, đầu tư vào đổi mới giáo dục" - một giáo viên của Trường Tiểu học Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) băn khoăn.
Tại TPHCM, tình trạng thiếu trường lớp cũng xảy ra ở nhiều quận, huyện. Trước đây dư luận từng phản ánh về việc một số trường do có cơ sở vật chất thiếu thốn, diện tích hẹp, nên mỗi lần chào cờ đầu tuần, học sinh phải leo sân thượng, hay đứng ở cầu thang để dự lễ khai giảng. Mặc dù năm nào TP cũng xây mới hàng ngàn phòng học, nhưng chỉ có thể giải quyết cơ bản đủ chỗ học cho học sinh, còn việc giảm tải theo đúng quy định của Bộ GDĐT vẫn thực sự là bài toán khó.
Phòng học tạm bợ, "thấp thỏm" lo trường sập
Vụ sập lan can trường học tại Trường Tiểu học xã Văn Môn (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) xảy ra vào cuối năm 2017, khiến 16 học sinh bị thương, trong đó có em bị chấn thương sọ não... là hồi chuông cảnh báo về tình trạng "đánh cược" tính mạng học sinh, khi để các em phải học trong những ngôi trường có cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng. Đáng nói, trên cả nước có không ít ngôi trường xuống cấp như thế.
Thầy trò Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) nhiều năm nay phải dạy và học trong thấp thỏm, luôn chuẩn bị tâm thế "sẵn sàng chạy" khi nhiều mảng vữa trần nhà tại các lớp bị vỡ, rơi xuống sàn. Khi báo chí phản ánh, phụ huynh bức xúc, kinh phí sửa trường mới được rót xuống để thực hiện ngay.
Theo ông Nguyễn Thế Sơn - Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GDĐT Hà Nội- không chỉ Trường THPT Trần Nhân Tông, mà hiện đang có 40 trường tại Hà Nội rơi vào tình trạng xuống cấp, chờ phê duyệt kinh phí cải tạo. Có trường cứ mưa là ngập, là dột.
Cơ sở vật chất thiếu thốn là cản trở của đổi mới
Theo thống kê mới nhất của Bộ GDĐT, hiện cả nước có 28.177 cơ sở giáo dục phổ thông công lập. Trong đó nhiều nơi, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, hiện còn nhiều phòng học bán kiên cố, phòng học tạm thời, phải đi thuê, mượn các cơ sở bên ngoài. Nhiều nơi đủ phòng học thì lại thiếu trang thiết bị máy móc. Trong khi đó, để thực hiện được chương trình mới, dự kiến xây dựng đầu tư khoảng 57.084 phòng học, chưa kể phòng bộ môn, thư viện, cùng các trang thiết bị dạy học...
GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể cũng thừa nhận, nếu sĩ số đông, cơ sở vật chất không đảm bảo sẽ khó đảm bảo đổi mới giáo dục thành công, dù chương trình mới được nhiều người đánh giá là hay, tiến bộ. Vì thế, ông kiến nghị: Các địa phương trong quá trình rà soát cơ sở vật chất, cần đảm bảo sĩ số học sinh đúng theo quy định: 35 em/ lớp đối với tiểu học, 45 em/lớp đối với THCS. Và nhất quyết phải đảm bảo đủ trang thiết bị để phục vụ việc đổi mới phương pháp dạy học. Ví dụ với môn Tin học, yêu cầu phải có đủ máy tính để học sinh thực hành. Rồi mỗi lớp phải có máy chiếu để giáo viên lồng ghép những thước phim, câu chuyện tạo hứng thú cho học sinh trong giờ học.
Tất cả đang được vẽ ra hoàn hảo, nhưng vấn đề là tiền đâu để hoàn thành trách nhiệm thay đổi bộ mặt trường lớp, phục vụ cho công cuộc đổi mới giáo dục như thế? Địa phương nào cũng lấy lý do thiếu kinh phí để đầu tư cho trường lớp. Trong khi dự kiến chương trình, SGK mới sẽ được áp dụng theo hình thức cuốn chiếu đối với cấp tiểu học từ năm học 2019 - 2020, đối với cấp THCS từ năm học 2020 - 2021 và đối với cấp THPT từ năm học 2021 - 2022, tình trạng thiếu trường lớp vẫn chưa được giải quyết.
Trước tiến độ của việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, bà Nguyễn Hà Thanh - Hiệu trưởng Trường THPT Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì) đầy lo lắng, bởi nhà trường hiện chưa biết xoay xở ra sao. Dự án xây dựng trường đã có từ 16 năm qua nhưng nay chưa triển khai được. Hằng năm, nhà trường có đầu tư cải tạo, song cũng chỉ mang tính chắp vá, thiếu thốn đủ thứ nên rất khó khăn để đáp ứng chương trình đòi học phòng học phải đảm bảo, trang bị đầy đủ thiết bị để học sinh thực hành.
Trước những khó khăn này, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng - kiến nghị: Trong Luật Giáo dục sửa đổi phải quy định rõ trách nhiệm của các địa phương, không chỉ về chất lượng giáo dục, mà phải chịu trách nhiệm đảm bảo đủ trường lớp đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Khi để xảy ra các tai nạn đáng tiếc liên quan đến cơ sở vật chất xuống cấp thì lãnh đạo địa phương cũng phải chịu trách nhiệm. Có như vậy ngân sách đầu tư cho việc tu sửa, xây trường học mới được các địa phương ưu tiên, học sinh và giáo viên sẽ yên tâm học tập và sáng tạo.
Theo Laodong.vn
Chương trình giáo dục phổ thông mới có những môn học gì? Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, nội dung chương trình được giảm tải, hình thành một số môn học mới mang tính tích hợp. Mục tiêu của chương trình mới là giúp hình thành năng lực, phẩm chất nên sắp tới, cách dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh cũng phải thay đổi...