Chương trình Giáo dục phổ thông 2018: Chấm dứt học văn theo mẫu!
“Củng cố dạy tiếng Việt”; “chấm dứt học theo văn mẫu/bài mẫu, dẫn tới triệt tiêu sự sáng tạo của thầy và trò” là những điểm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh đối với dạy và học môn Ngữ văn ở bậc trung học.
Sách giáo khoa (SGK) Ngữ văn mới lớp 6 theo chương trình Giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018 đã cụ thể hóa lưu ý trên bằng những nội dung và yêu cầu sát thực.
Rèn luyện đồng đều 4 năng lực: Đọc- nói- viết- nghe
Để không còn tình trạng một học sinh (HS) viết rất hay nhưng nói dở; nói rất hay nhưng viết dở; đọc bài mà không hiểu hoặc nghe mãi vẫn chưa thông; SGK Ngữ văn lớp 6 theo Chương trình GDPT 2018 được xây dựng trên tinh thần phát triển năng lực cho HS và yêu cầu cần đạt, đó là HS là phải thành thạo cả 4 kỹ năng: Đọc- viết- nói và nghe.
SGK Ngữ văn 6 không phân biệt các phân môn: Văn học- Tiếng Việt, Làm văn như trước đây mà tổng hòa làm một; sau mỗi bài học, những điều HS nhận lại được sẽ là tổng hợp và đồng đều cả 4 kỹ năng trên.
Theo PGS.TS Bùi Mạnh Hùng – Tổng Chủ biên SGK Ngữ văn 6 Bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” thì chương trình GDPT mới rất mở cho tác giả viết sách; đồng thời mở cho cả giáo viên và HS. Chương trình SGK Ngữ văn thực sự mới, góp phần thay đổi việc dạy- học Ngữ văn trong nhà trường; giúp giáo viên, HS thích môn Văn; đổi mới cách tiếp cận; chú trọng hình thành phẩm chất năng lực; tích hợp kiến thức ngôn ngữ và kiến thức văn học thông qua hoạt động; giúp phát huy tinh thần tự học của HS; khơi gợi khả năng sáng tạo của cả thầy và trò để từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả việc học Ngữ văn trong thời gian tới.
Với SGK Ngữ văn mới lớp 6, HS được rèn luyện 4 kỹ năng: Đọc- viết- nói và nghe
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống – Chủ biên SGK Ngữ văn 6 bộ “Cánh diều” cho hay: Sách biên soạn theo định hướng phát triển năng lực, cụ thể hóa 3 loại văn bản chính: Văn bản văn học, văn bản nghị luận, văn bản thông tin và giáo viên hoàn toàn chủ động về thời gian của bài học; tuy nhiên phần đọc hiểu cần chú trọng nhất. Cấu trúc bài học trong SGK Ngữ văn 6 cũng có nhiều đổi mới quan trọng so với sách hiện hành. Đó là, HS sẽ học theo chủ đề; mỗi bài học rèn luyện đồng đều 4 kỹ năng: Đọc- viết- nói và nghe gồm: Đọc- sau khi đọc- viết kết nối với đọc; thực hành Tiếng Việt, củng cố mở rộng; thực hành đọc, nghe… Về phần viết/nói luôn yêu cầu HS thực hành theo các bước: Trước khi viết/ trước khi nói; viết/trình bày nói; chỉnh sửa bài viết/sau khi nói và kiểm tra đánh giá bài viết/bài nói.
Chính bởi HS được rèn luyện nhuần nhuyễn, thuần thục các kỹ năng trên trong mỗi bài học nên PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Nam – Chủ biên SGK Ngữ văn 6, Bộ “Chân trời sáng tạo” nhấn mạnh, học SGK theo CT GDPT mới sẽ cung cấp năng lực thẩm mỹ, năng lực văn học và năng lực giao tiếp cho HS. Quan điểm của SGK Ngữ văn 6 là tích hợp dạy học và dạy các kỹ năng; đọc hiểu văn bản và dạy Tiếng Việt; viết và nói Tiếng Việt; các chủ điểm và thể loại văn bản; thiết kế các hoạt động hướng dẫn HS học quan sát, trải nghiệm, rút kinh nghiệm, từ đó tự điểu chỉnh, kiến tạo kiến thức cho bản thân. Khi HS làm chủ bài đọc, làm chủ tư duy trong một tác phẩm thì sẽ có cách hiểu đúng và cách viết vừa đảm bảo yêu cầu; vừa thể hiện sự sáng tạo, lồng ghép cách nhìn nhận, quan điểm của mình mà không lệ thuộc vào khuôn mẫu, bài mẫu.
Giáo viên gợi mở, học sinh chủ động
Theo cô Chu Hà – giáo viên dạy Ngữ văn lớp 6, trường THCS Sơn Đà, huyện Ba Vì, Hà Nội thì: SGK Ngữ văn 6 theo CT GDPT 2018 rất mở, là những chủ đề gần gũi, thân thuộc với cuộc sống hàng ngày của HS. Và tuy mỗi bài học đều lồng ghép rất nhiều yêu cầu nhưng theo chuỗi logic nhất định và luôn tạo hứng thú cho người học.
Trong CT GDPT 2018, việc tạo cơ chế rộng để các trường chủ động chọn lựa những bộ SGK khác nhau; học những bài học, văn bản không giống nhau và chỉ giữ khung chương trình chung; vô hình trung đã giúp loại bỏ hẳn việc HS học thuộc một bài văn mẫu nào đó rồi mang đi thi hoặc trước khi thi lôi sách mẫu/bài mẫu ra học/đọc.
Video đang HOT
Về vai trò của giáo viên dạy Ngữ văn, cô Chu Hà cho hay, với chương trình SGK mới, các thầy cô có trách nhiệm dẫn dắt, khơi gợi về phương pháp để HS nắm bắt được nội dung tác phẩm cũng như các yêu cầu cần đạt của bài học.
Học sinh chủ động và sáng tạo trong học Ngữ văn sẽ loại bỏ tình trạng văn mẫu
Chương trình SGK Ngữ văn lớp 6 theo CT GDPT mới đưa nội dung nghị luận văn học vào ngay từ học kỳ 1. Nội dung thể loại ở học kỳ 1 tiếp tục được củng cố, nhấn mạnh, tăng cường ở học kỳ 2 giúp HS tự tin và nắm chắc kiến thức; đồng thời có đầy đủ kỹ năng cần thiết khi làm bài. “Nếu đề thi rơi vào các tác phẩm mới, không có trong SGK thì việc thuần thục kỹ năng đọc hiểu và viết sẽ giúp các em dễ dàng hoàn thành bài làm”- cô Chu Hà nói.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc HS không theo bài mẫu/văn mẫu là khó khả thi, thậm chí không thể chấm dứt được “nạn” văn mẫu bởi các thầy cô vẫn chấm bài theo Barem… Bày tỏ quan điểm về việc này, cô Nguyễn Mỹ Hạnh, giáo viên dạy Ngữ văn tại một trường THCS thuộc quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho hay, suy nghĩ như vậy là cực đoan. Trong CT GDPT mới, sẽ không có gì là “khuôn mẫu” vì cả cách học và cách dạy đều rất mới, sáng tạo và hoàn toàn là quá trình định hướng- khơi gợi năng lực tự chủ, tự học, tự cảm nhận của HS. Với kỹ thuật đọc- viết được học và trau dồi thường xuyên qua 4 năm THCS và 3 năm THPT, đặc biệt là phần thực hành rất bài bản, HS có thể tự tin những bài viết theo ngôn từ và cảm nhận của riêng mình nhưng vẫn đảm bảo nội dung cốt lõi của yêu cầu mà đề bài đặt ra. Và như vậy, CT GDPT mới sẽ là công cụ để “dẹp nạn” văn mẫu trong nhà trường.
Từ các bộ SGK lớp 6 biên soạn theo CT GDPT 2018 được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt, 63 tỉnh/TP đã tổ chức lựa chọn sách theo quy định của Thông tư số 25. Kết quả, tại mỗi tỉnh/TP, mỗi môn học/hoạt động giáo dục được chọn từ 1 đến 5 bộ sách trong đó tỉ lệ chọn 1 bộ/môn học khoảng 50%; 2 bộ/môn học khoảng 30%. Dù dịch bệnh phức tạp nhưng các địa phương, cơ sở giáo dục đã ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, chủ động khắc phục khó khăn, triển khai công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên để sẵn sàng thực hiện tốt nhiệm vụ trong năm học mới.
Cần phân biệt sao chép văn mẫu với học theo phương pháp mẫu
Phải bỏ cách học sao chép văn mẫu, học tủ nhưng điều này khác với việc tham khảo văn mẫu để học theo phương pháp mẫu, phát huy năng lực sáng tạo cho học sinh.
Chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu đối với môn Ngữ văn là một trong những yêu cầu được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu ra tại Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục trung học do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Quan điểm của Bộ trưởng được đông đảo các giáo viên ủng hộ. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải có những giải pháp cụ thể để thực hiện yêu cầu này.
Học theo văn mẫu do cách ra đề, chấm thi theo lối cũ
Trong cuộc trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Loan - Tổ trưởng Tổ Ngữ Văn, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Trỗi (Hà Tĩnh) nhận định, đây là một quan điểm chỉ đạo đúng đắn, hướng tới mục tiêu đổi mới, phát triển phẩm chất năng lực người học, trong khi hiện nay, thực trạng học sinh sao chép văn mẫu, học thuộc lòng, học tủ vẫn chiếm một tỷ lệ không nhỏ, đặc biệt đối với phần nghị luận văn học.
Cô Nguyễn Thị Loan - Tổ trưởng Tổ Ngữ Văn, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Trỗi. (Ảnh: NVCC)
Theo cô Loan, việc học sinh sao chép văn mẫu, bài mẫu xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
Mặc dù chúng ta đang trong quá trình đổi mới giáo dục nhưng cách ra đề thi vẫn chưa đổi mới, chưa tạo ra được sự đột phá. Ngay trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, phạm vi ngữ liệu đề thi vẫn giống các năm trước, chỉ xoay quanh các tác phẩm văn học lớp 12, hoặc liên hệ, so sánh với các tác phẩm hiện đại trong chương trình lớp 11.
"Một nguyên nhân nữa là do điểm số vẫn luôn là tiêu chí quan trọng trong các kỳ thi, xét tuyển vào các trường. Để trúng tuyển vào các trường đại học, điểm số là yếu tố quyết định, trong khi cách ra đề, chấm thi chưa thay đổi, giáo viên vẫn buộc phải "cày nhuyễn" kiến thức để có số điểm chắc chắn cho học sinh.
Bên cạnh đó, một bộ phận giáo viên vẫn chưa hoàn toàn tích cực trong tiếp nhận những ý tưởng mới, đột phá, sáng tạo của học trò khi bài viết chưa đủ ý như đáp án. Cách chấm thi vẫn theo lối mòn cũ, dựa theo các ý mà đáp án đưa ra. Đó cũng là lý do buộc học sinh phải học theo mẫu một cách rập khuôn, khó phát huy tính sáng tạo", cô Loan cho biết.
Một khi ngành giáo dục vẫn chịu ảnh hưởng bởi căn bệnh chỉ tiêu thành tích, dùng điểm số học sinh để đánh giá giáo viên thì việc dạy môn Ngữ văn còn khó đổi mới.
Điều quan trọng là cần định hướng học bộ môn Ngữ Văn nhằm giúp học sinh hình thành những kỹ năng trong cuộc sống sau này, bồi dưỡng tâm hồn, giáo dục đạo đức, nhân cách cho các em thì chúng ta lại chỉ mải chạy theo điểm số.
Ủng hộ chấm dứt học theo bài mẫu, văn mẫu nhưng cô Loan cho rằng, cần phải phân biệt hai cách học: học sao chép, bê nguyên văn mẫu và học theo cách làm mẫu để phát triển năng lực sáng tạo.
Học theo cách sao chép là học thuộc, bê nguyên những gì bài văn mẫu phân tích để đưa vào bài làm văn của mình, cách học này sẽ thủ tiêu tính sáng tạo tích cực của học trò.
Tuy nhiên, nếu học sinh tham khảo văn mẫu, học theo phương pháp mẫu để tiếp nhận những góc nhìn sâu sắc về tác phẩm văn học, để mở rộng, làm giàu vốn từ cũng như khả năng diễn đạt thì sẽ giúp các em phát triển hiệu quả năng lực sáng tạo của mình. Bởi lẽ, trong các phương pháp kỹ thuật dạy học tích cực có phương pháp dạy học làm mẫu.
"Trên thị trường hiện nay, văn mẫu rất nhiều, tràn lan và khó kiểm soát được chất lượng. Có những cuốn sách đúng thực sự là văn mẫu, nội dung hay, sâu sắc nhưng cũng không ít những cuốn sách văn mẫu không đảm bảo chất lượng, nhạt nhẽo, thậm chí sai kiến thức.
Bên cạnh biết cách học sáng tạo từ văn mẫu thì cần phải chọn lọc sách, tài liệu mẫu. Sử dụng đúng phương pháp, văn mẫu sẽ là tài liệu tham khảo quan trọng, giúp học sinh mở rộng vốn từ, phát triển năng lực phản biện và có suy nghĩ sâu sắc hơn", cô Loan khẳng định.
Cần đổi mới đồng bộ
Theo cô Nguyễn Thị Loan, để học sinh không bị lệ thuộc vào văn mẫu mà từ bài văn mẫu để phát triển tốt năng lực của mình thì đòi hỏi giáo viên cần tích cực đổi mới về phương pháp dạy học.
Môn Ngữ văn là một môn học phát huy tối đa khả năng sáng tạo cho học sinh, giáo viên không thể đem tư duy của mình làm chuẩn mực và áp đặt vào suy nghĩ của các em. Giáo viên phải khuyến khích học sinh suy nghĩ sáng tạo, mạnh dạn với những ý tưởng đột phá, đồng thời phải đổi mới cách đánh giá học sinh và chấm điểm bài làm.
Song, muốn thực sự chấm dứt việc học theo bài mẫu đối với môn Ngữ văn cũng như học tủ với các môn học khác thì cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Cô Loan chia sẻ: "Chúng ta đang tiến tới đổi mới chương trình, đổi mới sách giáo khoa. Nhưng quan trọng hơn là đổi mới cách ra đề, kiểm tra, đánh giá, chấm thi. Đề thi không nên bị giới hạn ngữ liệu trong sách giáo khoa, ra đề thi phải theo hướng mở để học sinh phát triển tư duy, năng lực sáng tạo của mình.
Cách chấm thi cũng cần thay đổi, giáo viên phải ghi nhận những ý mới và hay, sáng tạo, những góc nhìn, cách cảm nhận của các em trong mỗi bài viết. Chỉ khi được ghi nhận sự sáng tạo thì học sinh mới phát huy được tính sáng tạo, giáo viên cũng áp dụng được nhiều phương pháp dạy học mới.
Một điều không kém phần quan trọng là cần tạo môi trường giáo dục tích cực để giáo viên tự giác, phấn khởi với đổi mới, phải làm sao để giáo viên nhận thấy đổi mới là nhu cầu tự thân chứ không phải hoài nghi hay là tâm thế bị ép buộc.
Một khi giáo viên vẫn phải lo lắng về 'cơm áo gạo tiền' thì họ sẽ không thể toàn tâm cho công việc, khó đủ thời gian để trau dồi chuyên môn, thực hiện đổi mới".
Nói đến vai trò của giáo viên trong hoạt động đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, cô Loan cho biết, quá trình này cần phải thực hiện thường xuyên, mang tính tự giác, tích cực.
Giáo viên phải tự chủ trong xây dựng kế hoạch dạy học đã phát huy được hiệu quả trong nhà trường, đa dạng các hình thức dạy học như dạy học trên lớp, dạy học gắn liền với hoạt động trải nghiệm...
Bên cạnh đó, cần vận dụng các phương pháp dạy học tích cực như dạy học dự án, đóng vai, hoạt động nhóm... để phát triển tốt năng lực học sinh. Đồng thời đổi mới đánh giá không chỉ dừng lại ở tái hiện kiến thức, bài viết như cũ mà phải tăng cường tương tác, để học sinh phát triển tư duy phản biện, khả năng sáng tạo của mình.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế và tổ chức bài học cũng sẽ đem lại hiệu quả giảng dạy tốt hơn, giúp học sinh hào hứng, không còn áp lực, không nhàm chán với môn Ngữ văn.
Ngoài ra, nhà trường cũng phải thể hiện vai trò của mình để đồng hành cùng giáo viên trong đổi mới dạy học.
Cơ sở giáo dục cần tổ chức chuyên đề đổi mới về phương pháp dạy học, thiết kế bài học theo các bước giúp giáo viên hiểu và áp dụng có hiệu quả. Mỗi trường cần có quỹ riêng dành cho hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Mỗi môn học nên có ít nhất một hoạt động trải nghiệm trong một năm học.
Việc sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học cần được tổ chức, thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, đúng mục đích, tính chất, đồng nghĩa phát huy vai trò của tổ chuyên môn, sẽ là yếu tố quan trọng góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng bộ môn. Giờ thao giảng nên tổ chức nhẹ nhàng, hạn chế việc "diễn" của giáo viên. Những người tham dự giờ thao giảng cần chú ý vào hoạt động của học trò, cách tổ chức bài giảng của người dạy, để từ đó đánh giá hiệu quả, tìm ra nguyên nhân, giải pháp.
"Đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập là điều quan trọng cần làm. Song, đổi mới là cả quá trình đòi hỏi về thời gian. Muốn chấm dứt học theo bài mẫu, văn mẫu cần phải đi từ đổi mới trong cách ra đề, đánh giá, chấm thi.
Chúng ta phải thực hiện từng bước và đồng bộ các giải pháp, nhưng cũng cần lưu ý, không nên bị động, hình thức, hô hào theo số đông, cũng không nên lấy đề thi của quốc gia này, đất nước nọ làm chuẩn để so sánh, để bắt chước một cách cứng nhắc. Tôi cho rằng, đã đổi mới, sáng tạo thì vẫn phải giữ được bản sắc riêng cho giáo dục Việt Nam", cô Loan khẳng định.
Cô giáo Nghệ An đề xuất giải pháp chấm dứt dạy, học theo văn mẫu, bài mẫu Đổi mới từ cách dạy, cách học, cách ra đề thi mới nhịp nhàng. Nếu chỉ kêu gọi cơ sở đổi mới nhưng cách ra đề của Bộ vẫn như cũ thì rất khó làm thay đổi thực trạng Tại tổ chức Hội nghị Tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục Trung học...