Chương trình du học không chứng minh tài chính tại Canada
Chương trình cấp thị thực (visa) du học ưu tiên mới sẽ thay thế chương trình CES đang áp dụng. Đây cũng là chương trình du học không phải chứng minh tài chính.
Du học sinh Việt Nam tại một quán ăn người Việt ở Canada – KHANG NGUYỄN
Chính phủ Canada vừa có hướng dẫn chương trình Visa Canada Ưu tiên mới mang tên Study Direct Stream (SDS) chính thức triển khai tại Việt Nam. Chương trình này sắp tới sẽ thay thế cho chương trình CES (Canada Express Study) đang được áp dụng.
Giải quyết hồ sơ trong 45 ngày
SDS là chương trình do Cục Di trú, Tị nạn và Quốc tịch của Canada (IRCC) thực hiện đầu tiên tại Philippines từ tháng 6.2017 và trong năm 2018 sẽ được triển khai tiếp ở bốn nước là Philippines, Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ. Chương trình được kỳ vọng sẽ sớm tiếp tục mở rộng cho Kenya và Senegal.
Theo thông tin từ Chính phủ Canada, mục đích của chương trình SDS là nhằm giảm thiểu và thống nhất các giấy tờ và thủ tục trong việc xin giấy phép du học cho du học sinh. Thời gian xét hồ sơ được giảm xuống đáng kể. IRCC cam kết xử lý hồ sơ chỉ trong vòng 45 ngày cho SDS.
Theo Tổng Lãnh sự quán Canada tại TP.HCM, để có thể tham gia chương trình này, cần phải hội đủ những điều kiện chính: được chấp nhận theo học tại một đơn vị giáo dục được chỉ định của Canada có khả năng tiếp nhận sinh viên quốc tế, nộp đầy đủ các giấy tờ chứng minh (kết quả kiểm tra y tế, biên nhận thanh toán học phí cho năm học đầu tiên tại Canada và chứng nhận đảm bảo tài chính phát hành bởi một ngân hàng được chỉ định trị giá 10,000 CAD), đạt tối thiểu 6.0 IELTS (đối với chương trình học bằng tiếng Anh), hoặc trình độ năng lực ngôn ngữ tương đương mức 7-TEF (đối với chương trình học bằng tiếng Pháp), hoặc tốt nghiệp từ một trường trung học theo chương trình của Canada.
Video đang HOT
Chương trình SDS do Scotiabank hỗ trợ, một tổ chức tài chính hàng đầu của Canada. Scotiabank sẽ cung cấp cho sinh viên đủ điều kiện cơ hội mua chứng chỉ đầu tư đảm bảo (GIC), sẽ đáp ứng các yêu cầu báo cáo tài chính của chương trình SDS. Vì vậy, chương trình này yêu cầu học sinh đóng trước một năm học phí và mua chứng chỉ đầu tư có bảo đảm GIC $10.000 dùng để chi cho chi phí sinh hoạt trong năm đầu tiên theo học tại Canada, và sẽ không cần phải cung cấp các giấy tờ chứng minh khả năng tài chính như thông thường.
Những sinh viên không đáp ứng đủ các yêu cầu trên vẫn có thể nộp hồ sơ xin visa du học theo quy trình nộp hồ sơ thông thường.
Một điểm lợi thế khác của SDS so với chương trình CES là không giới hạn trong số 55 trường mà mở rộng ra tất cả các trường sau trung học có tuyển sinh học sinh quốc tế có tên trong danh sách được công bố (https://www.canada.ca/en/immigration-refugees-citizenship/services/study-canada/study-permit/prepare/designated-learning-institutions-list.html). Học sinh cũng có thể nộp hồ sơ trực tuyến để tham gia chương trình SDS.
Kết thúc chương trình CES ngày 30.6
Theo thông tin từ Đại sứ quán Canada gửi các công ty du học, hiện chương trình CES song song tồn tại nhưng sẽ chính thức kết thúc vào ngày 30.6.2018. Do số lượng hồ sơ nhận được khá lớn, gấp đôi năm 2017, nên các hồ sơ SDS sẽ được ưu tiên xét trước và có thể được xử lý trong thời hạn đã công bố. Còn các hồ sơ CES và chứng minh tài chính thông thường thì có thể sẽ kéo dài hơn. Thời gian xử lý hồ sơ của CES có thể kéo dài 2-3 tháng.
Thị trường du học Canada tại Việt Nam trong hai năm qua đã có sức tăng trưởng cao nhất thế giới. Lượng hồ sơ xin giấy phép du học năm 2001 là 4.845, đến năm 2016 là 7.470 và năm 2017 là 14.095. Viêt Nam trở thành thị trường du học lớn thứ 5 của Canada trên toàn cầu, sau Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Pháp. Trong năm 2017, các hồ sơ theo diện CES chiếm 40% tổng số hồ sơ nhận được và có tỉ lệ thành công là 82%, tỉ lệ thành công của các hồ sơ thông thường là 72%.
Vì vậy, với việc áp dụng visa SDS, cơ hội học tập của du học sinh Việt Nam đủ điều kiện đến Canada sẽ tăng lên.
Theo thanhnien.vn
Bộ trưởng giáo dục nói gì khi người Việt chi 3,4 tỉ USD đi du học?
Nhiều gia đình hiện nay sẵn sàng chi bạc tỉ cho con du học thay vì học trong nước. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ nói gì về việc này?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng 6-6 - Ảnh chụp màn hình TV
Câu chuyện du học được đại biểu Nguyễn Văn Thân, tỉnh Thái Bình nêu tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng nay 6-6: "Chúng ta đều biết hiện nay người Việt gửi con em đi nước ngoài học rất nhiều, trong đó có cả học bổng và phải trả tiền. Các trường của một số nước đã mở ở Việt Nam cũng có học phí khá cao. Tôi được biết có những nơi học phí mỗi năm 400-500 triệu đồng.
"Bộ trưởng có suy nghĩ gì về vấn đề này? Giải pháp làm sao để ủng hộ các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này", ông Thân đặt vấn đề.
Trả lời chất vấn này, bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận định đây là vấn đề được nhiều cử tri quan tâm, không chỉ là kinh tế mà cả các vấn đề văn hóa, đạo đức.
"Trong xu hướng chung, các nước đang phát triển đều gửi con em mình đến các nước phát triển để nhận được điều kiện giáo dục tốt hơn", ông Nhạ nói.
Ông Nhạ đưa ra một thống kê không chính thức là hàng năm học sinh, sinh viên của chúng ta ra nước ngoài học tập, nghiên cứu dạng học bổng và không học bổng tiêu tốn khoảng 3,4 tỉ USD dưới các dạng kinh phí khác nhau.
"Đấy là ước đoán, đây cũng là nguồn rất lớn. Làm sao để thu hút được các học sinh, các gia đình có điều kiện muốn con em mình tốt hơn, không chỉ ra nước ngoài mới có giáo dục tốt mà ngay trong nước cũng có thể hưởng nền giáo dục tốt", bộ trưởng chia sẻ tâm tư.
Bộ trưởng GD-ĐT cho biết dù Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến giáo dục và coi là quốc sách hàng đầu, trong thực tế đã dành 20% ngân sách để đầu tư giáo dục, nhưng nâng cao chất lượng giáo dục vẫn là yêu cầu không ngừng đặt ra.
Do đó ông hoan nghênh sự tham gia đóng góp của xã hội, doanh nghiệp, vào nâng cao chất lượng giáo dục.
"Đây là bài học thành công của nhiều nước, ví dụ Hàn Quốc, Trung Quốc có sự tham gia của các thành phần kinh tế. Chủ trương này đã được các văn kiện Đại hội Đảng và Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo rất sát sao đối với ngành giáo dục", ông Phùng Xuân Nhạ nói.
Ông cho biết Bộ GD-ĐT đã tham mưu cho Thủ tướng có những chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế và các doanh nghiệp, trong đó có nhiều tập đoàn lớn, đầu tư vào giáo dục.
"Ngân sách nhà nước tập trung cho việc đảm bảo chất lượng của giáo dục cơ bản, những vùng khó khăn, giáo dục phổ cập, còn lại rất trông đợi vào các nhà đầu tư và chương trình tiên tiến, chuẩn, được kiểm định chất lượng để nhập khẩu về, tăng đóng góp của khu vực tư nhân trong giáo dục chất lượng cao, giảm áp lực đối với ngân sách", bộ trưởng Nhạ nói.
Ông cho biết khuyến khích xã hội hóa cũng là điểm ưu tiên trong sửa Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học.
"Thời gian qua cũng đã thực hiện nhưng chưa thực sự sát với sự khuyến khích, cho nên các nhà đầu tư đã đầu tư nhưng chưa thực sự mạnh. Vừa rồi Thủ tướng đi thăm một số nước có nền giáo dục tốt như Australia, New Zealand thì đều thấy cơ hội hợp tác phát triển giáo dục và chỉ đạo Bộ GD-ĐT thúc đẩy việc này", ông Phùng Xuân Nhạ nói.
Bộ trưởng GD-ĐT cũng chia sẻ suy nghĩ của mình về việc cho con em ra nước ngoài học: "Ngoài vấn đề kinh tế còn vấn đề văn hóa, khi con em được ở nhà học theo quy trình kết hợp với nước ngoài và trường nước ngoài tốt thì được gần gia đình, kết nối được tốt hơn".
Theo tuoitre.vn
'Quả trứng vàng' mới của Quỹ đầu tư TAEL tại Việt Nam Quỹ đầu tư TAEL Partners vừa quyết định bước chân vào thị trường giáo dục Việt Nam với thương vụ đầu tư mới trị giá hàng chục triệu USD. "Quả trứng vàng" được TAEL chọn gửi là IAE - tổ chức giáo dục tư nhân lớn ở Việt Nam. Trong giai đoạn này, IvyPrep Education - thành viên Tổ chức Giáo dục Mỹ...