Chương trình công nghệ Tiếng Việt: Cô vất vả nhưng trò lĩnh hội nhiều
Tại Nghệ An, chương trình Chương trình công nghệ Tiếng Việt “không lạ” bởi đã được thí điểm cách đây gần 40 năm và hiện hơn 99% các trường đã áp dụng.
Chương trình công nghệ Tiếng Việt dành cho học sinh lớp 1 của tác giả Hồ Ngọc Đại đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội. Tại Nghệ An, các giáo viên đều khẳng định, chương trình rất hiệu quả. Báo Nghệ An ghi lại một số ý kiến của các giáo viên đã và đang giảng dạy chương trình về nội dung này.
Giáo viên Phan Thị Cúc (Trường Tiểu học Hưng Đạo, Hưng Nguyên): Cô vất vả nhưng trò lĩnh hội được nhiều
Khi mới triển khai chương trình công nghệ, chúng tôi thấy có rất nhiều khó khăn, thứ nhất là kênh thông tin giữa phụ huynh và giáo viên, cách đọc ở nhà và ở trường khác nhau. Nhưng sau 6 năm giảng dạy tôi thấy chương trình có nhiều ưu điểm ở cách phát âm và cách viết chính tả.
Một số phụ huynh lo lắng, âm Cờ của chữ C, K, Q. Thực tế theo truyền thống ba chữ này khác nhau. Nhưng ở chương trình mới, sau khi được học luật chính tả, các em sẽ biết khi nào viết bằng chữ C, K, Q. Ví dụ chữ K đi cùng e,ê, i; chữ Q bao giờ cũng đi với âm đệm u để thành qu, C luôn đứng trước các nguyên âm: a, ă, â, o, ô, ơ, u, ư….
Những buổi học đầu tiên của năm học, cô giáo Phan Thị Cúc đã hướng dẫn học sinh lớp 1 luyện chữ. Ảnh: Mỹ Hà
Chương trình này cũng có ưu điểm là học sinh học bài nào là biết rõ phần đó. Học bài nào là cô giáo dạy chính tả bài đó. Trong khi đó, trước đây phải tuần 27 trở đi các em mới bắt đầu viết bằng hình thức tập chép.
Trong chương trình công nghệ, học sinh có thể nắm được từ nhưng học sinh không cần hiểu từ. Chỉ cần học sinh nắm được từ để ghép thành tiếng. Tôi cũng rất ủng hộ chương trình này, dù rằng cô vất vả nhưng trò lĩnh hội được nhiều.
Thạc sỹ Trần Thị Hảo (Trưởng bộ môn Văn – Tiếng Việt – Khoa Tiểu học, Trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An): Học sinh hứng thú khi học chương trình công nghệ
Thạc sỹ Trần Thị Hảo
Video đang HOT
Đã gần 10 năm nay, chúng tôi đã giảng dạy bộ môn Tiếng Việt công nghệ ở Trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An và là môn học chính của sinh viên. Vì vậy, khi thực tập hay khi ra trường sinh viên không còn bỡ ngỡ với chương trình này nữa.
Qua giảng dạy, chúng tôi thấy thành công và ưu điểm của chương trình, đó là đã thực hiện được mục tiêu của môn Tiếng Việt 1 nói chung, hình thành được các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho học sinh, đặc biệt là kỹ năng đọc, viết, góp phần rèn luyện tư duy và hình thành các phát triển các kiến thức về tự nhiên, về xã hội, về con người.
Thứ 2, điểm mới của chương trình, là học sinh được rèn luyện kỹ năng Tiếng Việt, đi từ âm đến chữ nên học sinh nắm được cấu trúc của tiếng. Học sinh cũng được chú trọng kỹ năng đọc, kỹ năng viết (vừa nghe, vừa viết khác với “tập chép” của chương trình hiện hành). Và, kết thúc lớp 1, các em đọc tốt và viết đúng chính tả.
Bên cạnh đó, khi dạy chương trình này, giáo viên đỡ áp lực hơn. Giáo viên chỉ cần thực hiện đúng quy trình mà sách thiết kế đã chỉ ra. Học sinh cũng thực hiện theo các quy trình hoạt động nên hứng thú hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, chương trình cũng có những khó khăn: Đó là chương trình hơi nặng. Với một thời lượng có hạn, học sinh phải nắm được các vần, vần có âm đệm âm chính, vần có âm cuối, vần có đủ âm đệm, âm chính, âm cuối và đọc những bài đọc tương đối dài…nên có những khó khăn cho học sinh, nhất là với học sinh người dân tộc thiểu số và những lớp học có sĩ số đông. Vì vậy, để hoàn thành hết các kỹ năng là khó.
Giờ học của học sinh lớp 1. Ảnh: Mỹ Hà
Chương trình, chú trọng kỹ năng đọc và viết nhưng lại hơi xem nhẹ “kỹ năng” nghe và nói như chương trình hiện hành. Ngoài ra với quan điểm “chân không” về nghĩa nên nghĩa của từ mới và nghĩa của bài đọc đang chưa được chú trọng và học sinh không nắm được nghĩa của từ và nghĩa của bài.
Để dạy được chương trình này thì giáo viên phải học và phải nắm chắc quy trình. Phụ huynh muốn dạy cho con cũng vậy.
Bên cạnh đó, nên chăng những người soạn sách cũng nên bổ cứu một số vấn đề như giảm tải, giảm độ dài một số bài đọc, viết, tăng thời lượng kỹ năng nghe nói cho học sinh, tăng giải nghĩa từ và tìm hiểu ý nghĩa một số bài đọc. Đối với mỗi lớp học, nên đảm bảo sĩ số thì việc dạy học sẽ hiệu quả hơn.
Cô giáo Phan Thị Hồng Mai (Hiệu Trưởng Trường Tiểu học Trung Đô, TP Vinh): Nhiều phản ứng không chính thống, chưa hiểu toàn bộ chương trình
Tôi bắt đầu tiếp cận và được giảng dạy chương trình công nghệ từ những năm đầu thí điểm ở Trường Tiểu học Hưng Dũng 1 cách đây hơn 20 năm. Thời điểm đó, bản thân tôi thấy rằng, chương trình mới, trái với chương trình cũ mà chúng tôi đã được học.
Tuy nhiên, cũng thấy được ưu điểm đó là nó dạy vào bản chất của Tiếng Việt nên học sinh học chương trình này nắm được bản chất của ngữ âm và các quy luật viết chính ta rất tốt. Hồi đó, có rất nhiều học xong lớp 1, kiến thức về ngữ âm của các em tốt hơn học sinh lớp 4, lớp 5.
Học sinh Trường Tiểu học Trung Đô, thành phố Vinh. Ảnh: Mỹ Hà
Về phương pháp học, rất rành rọt và khoa học. Qua đó, cũng giúp cho học sinh việc tổ chức lớp học bài bản và kiểm soát được hiệu quả của học sinh ngay và uốn nắn kịp thời. Ngoài ra, khi học vào bản chất thì cũng sẽ hiểu đúng và cặn kẽ.
Ngay từ khi chưa biết đọc và biết viết, học sinh đã làm quen được với chuỗi câu thành những âm, thành tiếng và từ tiếng học sinh tách ra các bộ phận cụ thể và không tách máy móc mà biết nghe, biết thực hiện các thao tác bằng tay, biết tư duy.
Sau này, tôi không trực tiếp giảng dạy nhưng nhờ làm công tác quản lý chuyên môn tôi cũng thấy được những điều chỉnh của chương trình công nghệ sao cho ngày càng sát hơn với đối tượng người học và giáo viên cũng dễ tiếp cận để xây dựng, tổ chức dạy học.
Do thực hiện được các thao tác, những lứa học sinh những chương trình này, các em mạnh dạn, tự tin. Trước khi vào môn Tiếng Việt công nghệ, học sinh cũng đã được học các kỹ năng trong hai tuần không của chương trình nên các em tiếp cận cũng dễ dàng.
Tại thời điểm hiện nay, nghe nhiều tranh luận bàn cãi, thậm chí là có nhiều phản ứng. Nhưng tôi thấy nhiều cái phản ứng chưa chính thống. Người phản ứng chủ yếu là người không được học chương trình, không nghiên cứu. Số lượng là nhà sư phạm phản ứng không nhiều, hoặc nếu có phản ứng thì chưa hiểu toàn bộ chương trình.
Trước những phản ứng, ít nhiều gây hoang mang cho phụ huynh, nhưng chúng tôi đã lường trước tình hình đó. Thường trước mỗi năm học, khi tập trung lớp, chúng tôi đã chỉ đạo để giáo viên trò chuyện với phụ huynh và cô giáo hướng dẫn phụ huynh để cùng phối hợp cùng nhà trường.
Mỹ Hà
Theo baonghean
Bộ GD-ĐT chính thức lên tiếng về tài liệu tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục
Trước những thông tin trái chiều về tài liệu tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục, hôm nay 8.9, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã chính thức lên tiếng về việc này.
HOÀNG TRUNG
Thực hiện trên tinh thần tự nguyện
TS. Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: Tài liệu tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục (TV1- CNGD) là kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của một số nhà khoa học, đứng đầu là GS.TSKH Hồ Ngọc Đại thông qua các đề tài nghiên cứu và được áp dụng vào dạy học ở Trường Thực nghiệm Giảng Võ, Hà Nội.
Căn cứ kết quả nghiên cứu và áp dụng thí điểm trong dạy học môn tiếng Việt ở lớp 1 tại trường Thực nghiệm và một số cơ sở giáo dục, Bộ GD-ĐT đồng ý cho các địa phương có nhu cầu và đảm bảo các điều kiện được áp dụng vào việc dạy học tiếng Việt lớp 1, nhất là ở những vùng khó khăn từ năm học 2008 - 2009đến năm học 2016 - 2017 trên tinh thần tự nguyện của các địa phương.
Cuối năm 2016, tiếp thu ý kiến của đại biểu quốc hội trong Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14, Bộ Trưởng Bộ GD-ĐT đã giao cho Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (KHGD) nghiên cứu, khảo sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả triển khai tài liệu TV1-CNGD và đề xuất các giải pháp chỉ đạo (GS.TS Trần Công Phong - Viện trưởng Viện KHGD Việt Nam chủ trì).
Căn cứ vào kết quả nghiên cứu, khảo sát, Viện KHGD Việt Nam đã đánh giá việc triển khai tài liệu TV1-CNGD ở các địa phương đạt được hiệu quả khả quan thông qua kết quả giáo dục học sinh, năng lực chuyên môn của giáo viên và đề xuất các giải pháp để tiếp tục sử dụng hiệu quả tài liệu TV1- CNGD. Trong báo cáo, Viện KHGD Việt Nam đề nghị Bộ GD-ĐT tổ chức Hội đồng thẩm định tài liệu TV1-CNGD theo quy định và đề nghị các tác giả tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện tài liệu để đáp ứng nhu cầu của các địa phương.
Trong năm 2017 và 2018, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt lớp 1, cùng với việc rà soát, tinh giảm các nội dung chưa phù hợp với học sinh trong sách giáo khoa hiện hành, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội đồng thẩm định quốc gia tài liệu TV1-CNGD. Sau 2 vòng thẩm định, Hội đồng thẩm định đã đánh giá: Tài liệu TV1- CNGD về cơ bản đảm bảo các yêu cầu về mục tiêu, chuẩn kiến thức kỹ năng của môn tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học (Theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5 tháng 5 năm 2006 của Bộ GD-ĐT). Tài liệu TV1- CNGD đã được các tác giả chỉnh sửa, hoàn thiện theo kết luận của Hội đồng thẩm định.
Không mở rộng đến khi thực hiện chương trình mới
Căn cứ kết quả khảo sát, đánh giá của Viện KHGD Việt Nam và ý kiến kết luận của Hội đồng thẩm định tài liệu TV1-CNGD, Bộ GD-ĐT hướng dẫn các sở GD-ĐT triển khai tài liệu TV1-CNGD phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương trên nguyên tắc tự nguyện của nhà trường trong năm học 2017 - 2018 và năm học 2018 - 2019 ở những nơi đang triển khai và không mở rộng để giữ ổn định cho đến khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tài liệu TV1-CNGD là một trong những phương án để các địa phương lựa chọn nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn tiếng Việt lớp 1 trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, nhất là với học sinh vùng khó, vùng dân tộc thiểu số.
Khi Chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành, với chủ trương "một chương trình nhiều sách giáo khoa", tất cả các tài liệu dạy học được đưa vào nhà trường với tư cách là sách giáo khoa đều phải được Hội đồng quốc gia thẩm định. Căn cứ vào kết luận và đề xuất của Hội đồng thẩm định quốc gia, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ phê duyệt danh mục sách giáo khoa (theo Chương trình giáo dục phổ thông mới) được phép sử dụng trong các cơ sở giáo dục. Trên cơ sở đó, căn cứ vào các quy định, các cơ sở giáo dục được phép lựa chọn sách giáo khoa phù hợp.
Theo thanhnien.vn
Bà Rịa Vũng Tàu sẽ không dạy sách giáo khoa lớp 1 "Công nghệ giáo dục" của GS Hồ Ngọc Đại! Sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại đang gây xôn xao dư luận trong những ngày qua hiện không được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giảng dạy. TP.HCM sẽ không triển khai Thời gian gần đây, sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại gây xôn xao dư luận, đặc biệt...