Chương Mỹ – điểm sáng vượt khó
Mới đây, bà Ngô Thị Thanh Hằng – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội đã thăm và làm việc với huyện Chương Mỹ về thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Tham dự buổi làm việc có ông Trần Xuân Việt- Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội và lãnh đạo các sở, ngành.
Theo đánh giá, mặc dù là huyện còn nhiều khó khăn của thành phố, song đến nay toàn huyện Chương Mỹ đã có 10 xã đạt đủ 19 tiêu chí NTM, nhiều cách làm sáng tạo, vượt lên khó khăn đã được huyện áp dụng.
Nhiều mô hình sản xuất đạt 2 tỷ đồng/năm
Theo báo cáo của UBND huyện Chương Mỹ, trong thời gian qua, cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng chăn nuôi, tốc độ tăng bình quân 5 năm đạt 5,2%. Năm 2015, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 3.320 tỷ đồng, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt 1.920 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ, chiếm 66,7% tỷ trọng trong ngành nông nghiệp. Tổng diện tích gieo trồng toàn huyện đạt 26.168ha.
Video đang HOT
Bà Ngô Thị Thanh Hằng thăm chuỗi chăn nuôi tiêu thụ trứng của Công ty Tiên Viên nằm trên địa bàn huyện Chương Mỹ. ảnh:V.T
Đối với công tác dồn điền đổi thửa, đến nay Chương Mỹ đã thực hiện và giao ruộng cho người dân được 10.394ha, đạt 99,5% kế hoạch thành phố giao. Sau dồn điền đổi thửa, đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng được 1.294ha. Toàn huyện đã xây dựng được 425 trang trại với doanh thu đạt từ 600 triệu đồng đến 2 tỷ đồng/năm và trên 600 gia trại cho thu nhập cao, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân.
“Trong thời gian tới tới, huyện cần ưu tiên đầu tư xây dựng các đề án, chương trình đã được phê duyệt, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư, đảm bảo công khai minh bạch. Huyện cần có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển trang trại gia đình, tạo chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân để phát triển sản xuất ổn định”.
Bà Ngô Thị Thanh Hằng
Đáng chú ý, Chương Mỹ đã chuyển đổi và mở rộng những vùng sản xuất lúa, hoa màu kém hiệu quả sang mô hình kinh tế trang trại, trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản, với diện tích trên 388,5ha, với 51 mô hình trong đó có 27 trại lợn, 23 trại gà, 1 trang trại tổng hợp. Huyện đã có nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, như mô hình sản xuất lúa hữu cơ chất lượng và giá trị kinh tế cao tại Đồng Phú; mô hình trồng cây ăn quả bao sinh học tại thị trấn Xuân Mai; mô hình hoa lan, ly tại xã Thụy Hương; mô hình chăn nuôi tập trung tại xã Hữu Văn, Lam Điền, Đại Yên; mô hình cây ăn quả ở xã Trần Phú, Nam Phương Tiến…
10 xã về đích NTM
Cũng theo báo cáo, đến năm 2015, toàn huyện Chương Mỹ đã có 10 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM, số lượng và chất lượng các tiêu chí đạt và cơ bản đạt ở các xã tăng cao. Đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện và nâng cao.
Tuy nhiên, lãnh đạo huyện Chương Mỹ cũng thừa nhận, huyện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như việc thực hiện dồn điền đổi thửa và quy hoạch sản xuất nông nghiệp ở nhiều xã thực hiện không đúng với quy hoạch xây dựng NTM, do vậy nhiều xã phải thực hiện điều chỉnh đồ án quy hoạch xây dựng NTM sau dồn điền đổi thửa.
Tại buổi làm việc, ông Đinh Mạnh Hùng – Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ kiến nghị, thành phố hỗ trợ kinh phí đo đạc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho đất sau dồn điền đổi thửa. Đồng thời quan tâm hỗ trợ kinh phí hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất giáo dục và cải tạo, nâng cấp tuyến Quốc lộ 6…
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, huyện còn nhiều khó khăn, đó là cơ bản các xã vẫn dựa vào phát triển nông nghiệp là chính; là huyện có diện tích rộng, địa hình phức tạp hay xảy ra lũ lụt… Bà Hằng yêu cầu huyện Chương Mỹ cần chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng NTM và tổ chức lại sản xuất sau dồn điền đổi thửa cho nhân dân. Tập trung duy trì và nâng cao hơn nữa các tiêu chí tại 10 xã đã đạt chuẩn, đặc biệt huyện cần phấn đấu thêm 7 xã đạt chuẩn NTM trong năm nay.
Giải đáp các kiến nghị của huyện Chương Mỹ, bà Hằng giao UBND thành phố chủ trì, cùng các sở ngành tháo gỡ bằng những giải pháp rất cụ thể. Trong đó, năm 2016 phải tập trung giải quyết việc cấp sổ đỏ sau dồn điền đổi thửa, coi đây là ưu tiên số một. Rà soát hệ thống cơ sở giết mổ tập trung, tạo điều kiện xây dựng các chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm sạch khép kín trên địa bàn…
Theo Danviet