Chúng tôi đã đi qua những năm tháng gian nan như thế
Sự hy sinh của thầy cô không còn như trước, những hành xử thiếu văn minh của một vài giáo viên, của phụ huynh đã làm cho bức tranh gia đình nhà trường xấu dần
Gần 30 năm trong nghề dạy học, nhìn lại cả chặng đường đã qua nhiều lúc chợt giật mình: “Chúng tôi đã đi qua những năm tháng gian nan như thế”.
Tình cảm trong trẻo của các em luôn là động lực để giáo viên nỗ lực (Ảnh tác giả)
Dù vậy, lòng yêu nghề, tình thương yêu với học sinh đã giúp tôi và nhiều đồng nghiệp của mình ngày một vững vàng hơn trong nghề và nhận được nhiều tình cảm yêu mến, trân trọng từ học sinh và phụ huynh.
Hình tác giả
Canh từng gàu nước để tắm, giặt
Với đồng lương ít ỏi 120 ngàn đồng/tháng, còn phải trừ biết bao nhiêu khoản. Vì thế, mới lấy lương hôm trước chỉ mươi ngày sau đã hết sạch.
Món ăn quen thuộc của chúng tôi ngày ấy là cá trích và rau. Cá trích là loại cá rẻ nhất nên hết nấu canh, kho lại đến rán, ăn quanh năm mà chẳng ai thấy ngán (vì có ngán cũng chẳng có nhiều cơ hội để mua những thức ăn khác).
Cùng cảnh nghèo như nhau nên chẳng ai có thể mượn ai được. Thế là lại về nhà xin gạo, xin tiền của gia đình để đắp đổi chờ đến lượt tháng lương sau.
Dù thế vẫn không thể khổ bằng cảnh khan hiếm nước. Cả tập thể giáo viên gần hai chục người nhưng chỉ có một cái giếng bé tí luôn cạn nước.
Từng người thay nhau canh nước, mỗi lần múc chỉ độ nửa gàu và múc được dăm gàu là cạn. Cứ thế, người này thay người kia đến khuya mới tắm giặt xong. Nhiều khi nước ít quá phải đi sang nhà dân gần đó xin tắm giặt nhờ.
Những lớp học xập xệ…
Trường chúng tôi là một ngôi trường nằm ven biển, cách xa trung tâm chỉ gần 20km nhưng thật sự là vùng khó khăn.
Trường thời đó có khá nhiều phân hiệu phụ, mỗi phân hiệu chỉ có 2 phòng học.
Những phòng học thiếu cửa nên hằng đêm đám trẻ con quanh vùng thường rủ nhau vào phóng uế.
Video đang HOT
Có cả những học sinh lười học tham gia vì làm thế chúng sẽ được nghỉ hẳn tiết học đầu tiên.
Thế là mỗi sớm mai lên lớp, chúng tôi không thể dạy bình thường mà phải dọn dẹp, tẩy uế xong mới bắt đầu buổi học. Học sinh nhỏ, vì thế thầy cô phải xắn quần áo dài xách nước từng xô nước kỳ cọ, chà rửa một mình.
Luôn giảng dạy và chăm sóc học sinh hết lòng
Dạy cơ sở phụ không có trống báo giờ vào học hay ra chơi, không có cả sự quản lý của Ban giám hiệu.
Thế nhưng chúng tôi luôn đúng giờ (đúng đến từng phút). Nhiều hôm say mê bài giảng quá cả giờ ra chơi của các em.
Thời ấy, những thầy cô giáo trẻ như chúng tôi dạy thêm cho học trò chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện thu tiền.
Học sinh cần ôn thi, thầy cô sẽ nhiệt tình dạy dỗ. Học sinh yếu cần phụ đạo, thầy cô sẵn sàng kèm cặp, chỉ dạy tận tình.
Chúng tôi không bị áp lực thành tích như hiện nay, không bị các chỉ tiêu ràng buộc. Thế nên, em nào quá tệ sau quá trình phụ đạo vẫn không tiến bộ, thầy cô sẵn sàng cho ở lại lớp.
Phụ huynh cũng không đòi hỏi con phải được khen, phải đạt xuất sắc. Vì thế, một lớp chỉ vài ba em được khen thưởng là nhiều.
Những ngày nghỉ, giáo viên chúng tôi thường tổ chức nhau vãng gia từng gia đình học sinh trong lớp.
Mục đích của những lần thăm hỏi này là nắm bắt điều kiện, hoàn cảnh từng học sinh để giúp công tác chủ nhiệm của chúng tôi được sâu sát.
Nhờ thế, giáo viên chúng tôi nắm chắc gia đình từng em học sinh và hiểu rất rõ các em đang cần gì?
Phụ huynh luôn yêu quý thầy cô
Lời nói của thầy cô với học trò lúc ấy dù rất nhẹ nhàng nhưng các em vẫn thường phục tùng tuyệt đối.
Phụ huynh từ trẻ đến già gặp giáo viên luôn cung kính.
Một điều gọi thầy cô, hai điều cũng thầy cô. Không ít lần, chúng tôi nhận được quà phụ huynh biếu tặng.
Chẳng có gì cao sang nhưng chúng tôi nhớ mãi. Đó là, vài trái dừa biếu thầy cô uống cho mát.
Vài ký khoai vừa nhổ ngoài đồng, chục trứng gà ta mới đẻ, dăm con cá đánh ở biển về, lít nước mắm gia đình vừa rút nỏ.
Hay vài quả me chua cho thầy cô nấu canh, làm mứt, trái đu đủ, bó rau trong vườn… Những món quà quê chở theo bao ân tình vì người cho thật lòng nên người nhận cảm thấy ấm lòng.
Ngày lễ, Tết từng đám học trò mới, học trò cũ lũ lượt tới thăm thầy cô. Quà tặng chỉ là tấm thiệp với đôi dòng chữ chúc mừng, hay bó hoa dại các em ngắt vội bên đường.
Thế mà thầy trò vui hết sức, sau màn hát hò, nhảy nhót đến ăn bánh, ăn chè đôi khi ăn cả cơm tối xong mới chịu ra về.
Tình thầy cô ấm áp, tình học trò vô tư, tình phụ huynh ấm nồng đã làm cho chúng tôi không còn thấy những khó khăn, vất vả bên mình.
Cho đến bây giờ nghĩ lại, ai cũng nhớ, cũng tiếc những quãng thời giang đi dạy thật đẹp ấy.
Ngày nay, đời sống của thầy cô cũng khấm khá lên nhiều. Thế nhưng tình thầy trò, tình phụ huynh chẳng còn được như trước.
Học trò thời nay không ngoan bằng hồi trước, phụ huynh cũng nhạt dần tình cảm với giáo viên. Sự thay đổi này bắt nguồn từ đâu?
Có lẽ từ cả 2 phía, khi kinh tế thị trường lên ngôi, áp lực về kinh tế gia đình, về thành tích cá nhân và tập thể đã làm cho tình thầy trò thay đổi khá nhiều.
Sự hy sinh của thầy cô cho học trò cũng không còn như trước, những hành xử thiếu văn minh của một vài giáo viên, của phụ huynh đã làm cho bức tranh gia đình, trường học xấu dần đi trong mắt mọi người.
Bởi thế, không ít lần chúng tôi nuối tiếc và ước ao: “Bao giờ cho đến ngày xưa” mà có lẽ sẽ chẳng bao giờ có được nếu tất cả chúng ta không chịu cố gắng, nỗ lực.
Phan Tuyết
Theo giaoduc.net
Người thầy, nhà báo tận tụy
Vừa là nhà giáo, vừa là nhà báo, vừa dành thời gian viết văn, ở vai trò nào, PGS, TS Nguyễn Ngọc Oanh, Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng luôn nỗ lực hết mình.
Nhân dịp Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, PGS, TS Nguyễn Ngọc Oanh đã chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về tình yêu, niềm đam mê cũng như những trăn trở với nghề viết, giảng dạy báo chí mà thầy đã dành nhiều thời gian theo đuổi.
PGS, TS Nguyễn Ngọc Oanh, Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
PV: Thưa thầy, thầy bắt đầu sự nghiệp báo chí của mình từ khi nào?
PGS, TS Nguyễn Ngọc Oanh: Có thể nói cái duyên được hoạt động báo chí đến với tôi từ rất sớm. Bố tôi là một nhà báo chiến trường, ông viết cho báo Quân Giải phóng Trị Thiên Huế, sau này cũng có thời gian cộng tác với Báo Quân đội nhân dân, rồi về làm cán bộ tuyên huấn. Tôi kế thừa được nhiều từ bố của mình vì ông rất coi trọng việc đọc sách, báo. Khi còn nhỏ, bố tôi hay đem sách, báo về cho tôi đọc. Còn nhớ ngày đó lương cán bộ chỉ bốn, năm chục đồng một tháng nhưng mẹ tôi sẵn sàng bỏ ra chục đồng để mua sách cho tôi nếu tôi thích. Tôi vẫn nhớ đó là cuốn tiểu thuyết "Đứa con của đất" của nhà văn Anh Đức, quyển sách đó có giá 10 đồng 0 hào 5 xu, đó là cuốn sách đắt nhất mà tôi từng được mua trong cuộc đời vì nó chiếm một phần ba tháng lương ít ỏi của mẹ tôi. Ngày đó, tôi còn đặc biệt thích những Chủ nhật được bố đưa xuống thư viện tuyên huấn tỉnh đội để đọc những cuốn sách của Nhà xuất bản Quân đội. Tốt nghiệp sư phạm văn năm 1985 khi vừa tròn 20 tuổi, mang trong mình đam mê cháy bỏng với nghề báo, tôi được tuyển vào cơ quan báo tỉnh Hà Bắc, được học một lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cấp tốc ngắn ngày và bắt đầu vào nghề.
Người ta quan niệm phóng viên trẻ khi ném vào thực tiễn nếu bơi được thì sẽ trở thành nhà báo, còn nếu không bơi được thì sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi. Có nghĩa là bị ném xuống biển thì phải cố mà bơi, tự đi tìm hiểu nghề báo xem là phỏng vấn thế nào, tìm đề tài ra sao, cách viết tin bài thế nào, các thể loại ra sao, cuối cùng có bài để đăng báo là được. Tôi thích nhất câu nói có ý: Nếu trong tình huống không may mà bạn bị ném xuống biển thì bạn không được chết đuối. Không những không được chết đuối mà lúc ngoi lên bờ trong miệng phải ngậm một con cá. Sau nhiều năm loay hoay tìm cho mình lối đi, tôi đúc kết ra kinh nghiệm khi viết báo về lĩnh vực nào đó ngoài kiến thức về báo chí còn phải có kiến thức chuyên môn chuyên sâu, thực tiễn về lĩnh vực đó để có thể viết sao cho gần với người đọc nhất. Suốt những năm thường trú ở miền núi và viết những bài liên quan đến vùng cao, vùng sâu, đời sống giáo viên, bà con người dân tộc, cán bộ, chiến sĩ quân đội, những người làm lâm trường, tất cả những ngõ ngách của đời sống con người... Tôi nhận ra cuộc sống thực tiễn nó khiến con người ta trưởng thành và tôi cảm ơn những năm tháng đó.
Trong danh xưng là nhà giáo, nhà báo, nhà văn thầy tâm đắc nhất là vai trò nào?
Với cá nhân, tôi yêu mến tất cả những danh xưng đó, bởi lẽ mỗi một danh xưng đều gắn với một công việc mà tôi đã yêu thích. Nó mang cho tôi những vai trò thể hiện, những trải nghiệm riêng. Ví dụ như vai trò nhà báo đòi hỏi tôi phải thâm nhập thực tiễn, rèn luyện để trưởng thành từ thực tiễn, cố gắng rèn nghề, viết được nhiều thể loại, hiểu tường tận các nguyên tắc của việc viết báo. Sau này khi trở thành giảng viên ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền giảng dạy về báo chí lại đòi hỏi tôi càng phải nỗ lực, học hỏi nhiều hơn nữa để hiểu rõ hơn về nghề nghiệp, từ đó truyền tải cho sinh viên. Từ người làm báo, trở thành nhà giáo giảng dạy về báo chí, về truyền hình hay báo chí đối ngoại, truyền thông quốc tế... là cả một quá trình. Đó là quá trình của những nỗ lực rèn luyện bản thân và sự giúp đỡ của đồng nghiệp cũng như những người xung quanh.
Còn về nhà văn, tôi vẫn chưa dám nhận mình là một nhà văn, bởi theo quan niệm, nhà văn phải là hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam. Tôi chỉ là một người viết văn nghiệp dư, các bạn bè yêu mến gọi tôi là nhà văn. Nhưng nói đến lĩnh vực văn chương, tôi thấy là nghề báo cho ta vốn sống và trải nghiệm cuộc sống. Nó giúp ta có những tư liệu và dùng thủ pháp nghệ thuật của văn chương để có thể viết nên những tác phẩm văn học mang tính hình tượng, mang giá trị nhân văn sâu sắc. Đó là một sự nghiệp mà không thể nói là dễ dàng đạt được sự công nhận của công chúng.
Người ta thường nói "vạn sự khởi đầu nan", không biết trong sự nghiệp cầm bút và dạy học của mình thầy đã gặp phải những khó khăn gì?
Nghề nào cũng có những khó khăn của nó, không chỉ riêng nghề báo hay nghề giáo. Tôi hay nói với các em sinh viên là phải luôn nỗ lực học tập không ngừng. Tôi cho rằng mỗi người có một cố gắng và nỗ lực riêng, khi cuộc sống có nhiều thử thách như thế nó khiến con người ta trải nghiệm nhiều hơn, cảm nhận được giá trị cuộc sống sẽ thấy quý hơn. Đôi khi cuộc sống của nhiều người quá dễ dàng nên người ta không thấy quý những nỗ lực, những gì đã có. Còn với tôi, tôi rất quý vì tất cả tôi đều phải bắt đầu từ số âm.
Với vai trò là một nhà báo, nhà giáo, thầy đánh giá như thế nào về việc đào tạo báo chí hiện nay?
Tôi cho rằng xu thế đào tạo báo chí hiện nay đang có sự thay đổi rất lớn. Thay đổi vì sao? Chúng ta biết báo chí phát triển bao giờ cũng phụ thuộc vào sự phát triển của công nghệ, kỹ thuật. Công nghệ, kỹ thuật của truyền thông đang thay đổi từng ngày nên những người làm báo, truyền thông cũng cần thay đổi và thích nghi. Rất may ở nơi tôi đang làm việc - Học viện Báo chí và Tuyên truyền - đã có rất nhiều thay đổi về phương thức đào đạo, tuyển sinh, đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước. Ví dụ Khoa Quan hệ quốc tế đã mở thêm ngành truyền thông quốc tế, đào tạo để có một thị trường lao động phù hợp. Nếu cách đây 5, 10, 15 năm, không có các công ty nước ngoài, không có các tổ chức quốc tế, truyền thông quốc tế toàn cầu kết nối như hiện nay thì đào tạo ra cũng rất khó sử dụng, chỉ có thể làm trong các cơ quan nhà nước. Hiện nay, thị trường lao động ấy trải đều ở nhiều thành phần, có nhiều chủ thể về truyền thông của các quốc gia, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp... Cho nên việc đào tạo báo chí và mở rộng hơn nữa vấn đề truyền thông, đã và đang đáp ứng được phần nào nhu cầu của thị trường lao động, xã hội. Bên cạnh đó chúng tôi cũng tiến hành điều tra về sử dụng lao động ở thị trường cho thấy tỉ lệ sinh viên ra trường làm đúng ngành, nghề khá nhiều; đó là điều đáng phấn khởi.
Nói chung hiện nay trong xu thế đào tạo báo chí đã có nhiều đổi mới như: Trong tuyển chọn đầu vào của sinh viên, trong quá trình đào tạo các môn học có nhiều thay đổi, trong tăng cường kiến thức thực hành thực tế, tăng cường sự kết nối giữa cơ sở đào tạo với thị trường lao động ở bên ngoài.
Trong xu thế thời đại 4.0 đang chiếm ưu thế như hiện nay thì thầy đánh giá như thế nào về đạo đức của những người làm báo?
Nói về đạo đức nghề nghiệp tôi cho rằng bất cứ thời nào cũng cần. Bác Hồ nói rằng bất cứ ngành nghề nào đào tạo cán bộ cho Đảng và nhà nước Việt Nam là phải đào tạo vừa hồng vừa chuyên. Theo tôi hiểu cái hồng ở đây là những con người biết sống vì mọi người, chuyên là giỏi về chuyên môn. Nói riêng về lĩnh vực báo chí hiện nay đào tạo chuyên môn được chia làm hai phần rất quan trọng là chuyên môn về nghề nghiệp báo chí và chuyên môn về các lĩnh vực chuyên ngành. Vẫn biết là không có trường nào trên thế giới có thể đào tạo được tất cả mọi thứ, nhưng việc chọn lọc đào tạo kiến thức, những phương pháp cơ bản nhất cho sinh viên là vô cùng cần thiết.
Sắp đến ngày 20 -11 sắp tới, thầy có chia sẻ gì với những thầy, cô giáo đang chèo lái con thuyền trong sự nghiệp giáo dục hiện nay?
Tôi cho rằng nghề giáo, nghề báo hay nghề nào cũng có những thách thức riêng. Người ta có thể làm nghề này nghề khác nếu chỉ để kiếm sống hay để phục vụ nhu cầu của bản thân. Nhưng đã chọn, đã yêu và say mê nghề giáo thì mình hãy giữ lửa nghề, giữ nhiệt huyết ấy. Quan trọng hơn cả là truyền được nhiệt huyết cho các thế hệ học trò; bởi đôi khi có những việc ta làm là để cho nghề tốt hơn, làm cho đẹp cuộc đời chứ không chỉ vì nhu cầu cuộc sống.
Trân trọng cảm ơn nhà báo, nhà giáo, PGS, TS Nguyễn Ngọc Oanh!
Theo QĐND
Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Hà Nội tôn vinh 125 nhà giáo tiêu biểu Sáng 11/11, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội tổ chức Lễ tuyên dương khen thưởng các điển hình tiên tiến, nhà giáo ưu tú, nhà giáo mẫu mực tiêu biểu năm học 2018 - 2019, chao mưng kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô, 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam...