Chung tay đưa sách tới trường học
Thay vì để độc giả tự tìm hiểu và tìm mua sách, gần đây nhiều nhà xuất bản (NXB) ở khu vực phía Nam đã mạnh dạn đưa sách tới các trường học.
Từ trường đại học (ĐH) cho tới trường trung học phổ thông (THPT) hay thậm chí trường tiểu học, những cuốn sách tuỳ từng lứa tuổi được các NXB mang đến cho độc giả bằng nhiều hình thức như giới thiệu, trưng bày tủ sách hay giao lưu cùng tác giả.
NXB Kim Đồng đưa sách tới trường học cho lứa độc giả nhỏ tuổi.
Là một trong những đơn vị xuất bản có uy tín ở phía Nam, đại diện NXB Tổng hợp TP HCM cho biết đang nghiên cứu và thử nghiệm nhiều hình thức giới thiệu sách khác nhau để mong muốn lan tỏa văn hóa đọc, niềm yêu thích sách tới cộng đồng, đặc biệt là tới đối tượng các trường học THCS, THPT. Hiện tại, NXB này thường sử dụng hình thức giao lưu giới thiệu các cuốn sách mới xuất bản tại khu vực Đường Sách TP HCM.
Tuy nhiên, địa điểm này cũng gặp nhiều bất lợi bởi lượng khách đông nhưng không phải ai cũng tới vì mua sách. Vì thế, NXB Tổng hợp TP HCM đã có hướng đi mới, đưa các buổi giao lưu giới thiệu sách tới các trường học. Theo đó, những cuốn sách về lịch sử, về văn hoá, con người khá phù hợp với tâm lý khám phá tìm hiểu của lứa tuổi học sinh hiện nay. Ngoài ra, việc gặp gỡ trực tiếp với các tác giả cuốn sách cũng giúp các em khám phá nhiều điều bổ ích.
Nhưng bà Vũ Thị Yến, đại diện NXB Tổng hợp TP HCM cho biết, việc đưa sách về các trường học cũng có những khó khăn nhất định. Đó là chọn lựa những đầu sách phù hợp với đối tượng của các cấp học. Thứ hai là thời gian để tổ chức chương trình cần phối hợp giữa nhà trường, tác giả và NXB để tổ chức làm sao không ảnh hưởng đến thời gian học bài của các em học sinh. Thông thường có thể là tiết học chào cờ, buổi học ngoại khoá.
Trong khi đó, NXB Kim Đồng, một trong những đơn vị có “thâm niên” tổ chức các buổi giao lưu, đưa sách tới trường học cho biết, trong 2 năm qua, chi nhánh tại TP HCM của đơn vị đã tổ chức hơn 100 buổi giao lưu cùng các trường học để quảng bá sách ở tại TP HCM, các tỉnh miền Tây, miền Đông. Thậm chí NXB này còn có hẳn chương trình mang tên “Cùng trang sách bước đến tương lai” để giới thiệu các cuốn sách tới tận trường học.
Chia sẻ về kinh nghiệm mang sách tới cho lứa độc giả nhỏ tuổi, ông Văn Thành Lê, đại diện NXB Kim Đồng chi nhánh TP HCM cho biết: Sau 2 năm triển khai, đến nay chương trình đưa sách đến trường học đã được nhiều trường biết tới. Nếu như trước kia NXB phải tìm tới các trường để liên hệ thì ngược lại, hiện nay nhiều trường học đã tìm tới NXB để mời các nhà văn, nhà thơ, biên tập viên, hoạ sỹ, những người làm sách tới trường trò chuyện cùng các em. NXB này đã cùng nhiều trường học thành lập các tủ sách tại trường để các em có cơ hội thuận tiện hơn khi có nhu cầu đọc sách, thay vì các hình thức giải trí công nghệ (ti vi, điện thoại, máy tính…) tiềm ẩn nhiều rủi ro ở lứa tuổi nhỏ.
Video đang HOT
Cũng theo chia sẻ của đại diện NXB, không chỉ các trường ngoại ô TP HCM hay miền Tây, miền Đông đang trong tình trạng “đói” sách mà nhiều trường tiểu học ở quận 1, quận 3 các em học sinh cũng than thở không biết mua các cuốn sách của lứa tuổi mình ở đâu. Ngoài việc chưa thể tự mua sách, các em còn có lịch học và giải trí rất nhiều khiến cho việc tiếp cận sách khó khăn. Vì vậy, việc có một tủ sách bổ ích tại chính trường học là tín hiệu rất đáng mừng và phù hợp với nhu cầu của nhiều học sinh.
Nói về khó khăn của việc này, ông Văn Thành Lê cho rằng cần có sự chung tay của các trường, nhất là người đứng đầu (hiệu trưởng). Nếu hiệu trưởng các trường có tâm, muốn cho học sinh đọc sách thì việc đầu tư không khó khăn, chỉ tốn rất ít tiền so với việc đầu tư khác. Ngược lại, một số trường mà hiệu trưởng không quan tâm thì việc đưa sách tới các độc giả nhí cũng khá xa vời.
Đoàn Xá
Theo daidoanket
Nâng chất thư viện trường học - bài toán khó
Dự án Luật Thư viện đã được thảo luận và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV. Các ý kiến cho rằng, trong 8 loại thư viện mà dự thảo luật nêu ra thì thư viện cơ sở giáo dục có tầm quan trọng bậc nhất.
Thư viện trường học góp phần phát triển văn hóa đọc, xây dựng nhân cách cho học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thư viện trường học vẫn chưa được đầu tư tương xứng và quan tâm đúng mức.
Thư viện ngoài trời của Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (TP Lào Cai). Ảnh: Minh Phong
Chưa được đầu tư tương xứng
Theo đại biểu Lâm Đình Thắng (đoàn TP Hồ Chí Minh), nhiều nước trên thế giới đã có những chính sách đầu tư rất mạnh cho thư viện trong cơ sở giáo dục. Nhật Bản đã ban hành Luật Thư viện trường học từ năm 1953. Tại Hàn Quốc, Luật Thư viện trường học được ban hành vào năm 1963, bắt buộc mỗi trường học đều phải có thư viện. Các quốc gia có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển đều có tầm nhìn chiến lược cách đây nhiều năm. Họ rất chú trọng và đầu tư thực sự cho thư viện trường học.
"Trong khi đó thư viện cơ sở giáo dục ở Việt Nam hiện nay chưa được đầu tư tương xứng. Bên cạnh nhiều đơn vị xem thư viện là trái tim của trường học, vẫn còn nhiều đơn vị không quan tâm đến việc phát triển thư viện. Có trường bố trí thư viện ở tầng cao nhất hoặc ở gần nhà vệ sinh, không phù hợp và không thuận tiện cho trẻ em đến đọc sách và tìm thấy sự hứng thú với hoạt động thư viện."
Đại biểu Quốc hội Lâm Đình Thắng
Cũng theo đại biểu, kinh phí đầu tư mua sách hàng năm không phục vụ đủ nhu cầu học chuyên môn và đọc mở rộng cho học sinh. Trung bình một thư viện trường tiểu học được cấp 8 triệu đồng một năm không đủ để trang bị sách cho học sinh. Nhiệm vụ chính của rất nhiều thư viện hiện nay là bán sách giáo khoa, bán dụng cụ học tập cho học sinh.
Cán bộ thư viện cơ sở giáo dục hiện nay không có chế độ chính sách bảo đảm cho cuộc sống và tạo động lực cho nghề nghiệp, cũng không có chế độ thâm niên, không có phụ cấp đứng lớp. Rất nhiều trường bố trí cán bộ thư viện là giáo viên kiêm nhiệm hoặc giáo viên đứng tuổi không còn sức khỏe giảng dạy tại lớp.
Góp phần nâng cao chất lượng dạy học
Khẳng định thư viện trường học thực chất có vị trí, nhiệm vụ và chức năng vô cùng quan trọng, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (đoàn Nam Định) trao đổi: Dù mang tính đặc thù riêng nhưng vẫn góp phần nâng cao chất lượng dạy học và xây dựng thói quen tự học, tự nghiên cứu cho học sinh, tạo cơ sở từng bước thay đổi phương pháp dạy học, hình thành văn hóa đọc, văn hóa cộng đồng ngay trong nhà trường.
Theo đại biểu Đặng Thị Phương Thảo, về cơ sở pháp lý, tính từ thời điểm Pháp lệnh Thư viện năm 2000 được ban hành đến nay đã có trên 30 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thư viện. Theo đó, trong trường phổ thông, thư viện được xác định là một hạng mục thiết yếu, là trung tâm sinh hoạt văn hóa khoa học của nhà trường, được Nhà nước đầu tư xây dựng hạng mục và hoạt động khá đồng bộ với phòng học bộ môn chức năng của nhà trường.
Tuy nhiên, nhìn từ góc độ thực tiễn cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề. Thứ nhất, ở một số trường học hiện nay, thư viện chỉ được coi là một kho chứa sách, gây lãng phí về phòng ốc, nhất là ở một số nơi nhà trường còn thiếu phòng học. Điều này còn gây lãng phí khi nguồn tài nguyên của thư viện không được khai thác. Còn có nơi không được đầu tư về cơ sở vật chất, số lượng các đầu sách không nhiều và chất lượng không cao. Thư viện không hướng tới nhu cầu của độc giả, dẫn tới nhiều học sinh phổ thông không còn thiết tha với thư viện trường học.
Một góc thư viện của Trường Tiểu học Nguyễn Siêu (Hà Nội). Ảnh: Minh Phong
Thứ hai, tại nhiều nhà trường nhắc đến thư viện là nhắc tới một vị trí cố định, có khi lại đặt không hợp lý trong khuôn viên, không thuận lợi cho học sinh lui tới, thời gian hoạt động thì theo giờ hành chính, mở cửa khi học sinh đã vào học và đóng cửa trước khi học sinh tan học.
Thời gian nghỉ giải lao ở trường hạn hẹp, trong khi đó hầu hết học sinh cần vận động chứ không phải tiếp tục ngồi đọc sách trong thư viện nhà trường vào thời điểm này... Do đó, bên cạnh một số nhà trường đã có cách nhìn nhận không đúng về tầm quan trọng của thư viện thì tại hoạt động của chính bản thân các nhà trường cũng đã không bảo đảm cho học sinh có cơ hội được tiếp cận thường xuyên với thư viện.
Thứ ba, chất lượng phục vụ trong thư viện nhà trường ở nhiều nơi không cao. Người làm công tác thư viện hoặc là kiêm nhiệm hoặc thiếu trình độ chuyên môn, thiếu kỹ thuật, nhiều khi không hợp tác, tạo tâm lý e ngại cho học sinh. Hình thức hoạt động của thư viện còn đơn điệu, khó tạo được hứng thú, thu hút người đọc.
Thứ tư, bản thân các nhà trường thường chỉ quan tâm đến nội dung, cách thức giảng dạy từ giáo viên tác động đến học sinh, ít khuyến khích giáo viên trong hướng dẫn học sinh khả năng tự học, tự tìm kiếm tài liệu để hình thành thói quen. Nghĩa là nhà trường đã không chú trọng đến công tác phát triển kỹ năng đọc cho học sinh từ sớm.
Từ những thực tiễn nêu trên, đại biểu Phương Thảo đề nghị bổ sung vào Điều 14 dự thảo Luật Thư viện một mục quy định về các hình thức thư viện của loại hình thư viện trường học. Đó là các hình thức thư viện thân thiện, đa chức năng, ngoài trời, lưu động hay các thư viện mini, góc thư viện tại mỗi lớp học. Thực tế, các hình thức này đã và đang tồn tại, phát huy hiệu quả ở nhiều nhà trường, nhiều địa phương. Tuy nhiên, các mô hình hiệu quả đó chưa có chính sách khuyến khích, nhân rộng và chưa được quy định trong dự thảo luật cũng như trong các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Bên cạnh đó, cần quy định rõ trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong công tác chủ trì, phối hợp về thư viện trường học. Cần cụ thể hóa quy định khi thực hiện chương trình giáo dục tại các nhà trường; Đồng thời bố trí các môn học hợp lý, có thời gian nhất định để học sinh được tiếp cận và hình thành thói quen nghiên cứu, khai thác tài liệu ngay tại thư viện nhà trường.
"Hiện đã có 400 thư viện các trường đại học và cao đẳng, gần 26.000 thư viện ở trường phổ thông các cấp. Hệ thống thư viện, trường học đang chiếm đến 85% trên tổng số thư viện của cả nước. Nếu kể cả các tủ sách, phòng đọc trong trường học thì hệ thống thư viện trường học có quy mô và số lượng rất lớn trên toàn quốc". - Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo
Minh Phong
Theo GDTĐ
Khắc phục sự cố cho các cơ sở giáo dục tại Mường Lát UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 4990/QĐ-UBND về việc ban hành tình huống khẩn cấp để triển khai khắc phục kịp thời sự cố các cơ sở giáo dục do cơn bão số 3 năm 2019 gây ra trên địa bàn huyện Mường Lát. Giờ học của học sinh lớp 6 Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Lý...