“Chúng ta còn nợ Người nhiều điều trong Di chúc!”
“Nhìn lại sáu điểm lớn trong Di chúc Bác đặt ra cho Đảng, nhân dân ta phải làm thì thấy rõ hiện nay chúng ta vẫn đang nợ rất nhiều điều”, GS.TS Mạch Quang Thắng, Viện Lịch sử Đảng nói.
45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, GS.TS Mạch Quang Thắng – Viện Lịch sử Đảng trao đổi với phóng viên Dân trí làm rõ thêm về những vấn đề liên quan.
GS.TS Mạch Quang Thắng cho rằng, nhân dân cả nước còn nợ Bác Hồ, rất nhiều điều trong Di chúc của Người chưa thực hiện được.
Bản đầu tiên Di chúc của Người (bản Di chúc năm 1965) có ghi là “tuyệt đối bí mật”. Vậy xin ông cho biết, điều được cho là “tuyệt đối bí mật” ở đây là gì và liệu có liên quan gì đến vận mệnh của đất nước hay không?
Di chúc của Người có bàn đến vấn đề “tuyệt đối bí mật” hay không thì cũng tùy quan điểm của từng người. Còn tôi quan niệm chẳng có gì bí mật ở đây. Bí mật gì mà thời điểm đó ông Vũ Kỳ đã biết rồi và bên cạnh đó cả Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn cũng là người chứng kiến nữa. Có lẽ lúc đó Bác cho là nếu ai biết về những lời đó thì lại thêm lo lắng rằng mình chuẩn bị đi xa, tư tưởng phân tâm. Vì vậy mà bản đầu tiên của Di chúc, Bác có ghi là “tuyệt đối bí mật”.
Trong 4 năm, từ 1965 đến 1969, Người mới hoàn thành bản Di chúc. Chắc hẳn quãng thời gian trước lúc đi xa đó, Người còn trăn trở rất nhiều điều?
Đọc lại cuốn hồi ký của ông Vũ Kỳ – thư ký lâu năm của Bác viết rằng có lúc Bác cầm bút lên rồi lại đặt bút xuống trăn trở nhiều điều. Di chúc của Bác viết trong tâm trạng rất ưu tư. Suy tư cũng đúng thôi bởi thời điểm đó đất nước còn ngổn ngang công việc vì chống Mỹ cứu nước chưa xong.
Năm 1965 cụ viết cái thư (Di chúc) và đến năm 1966 chỉ bổ sung một câu “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” trong đoạn về Đảng. Năm 1967, Bác cũng trong tâm trạng cầm bút lên, đặt bút xuống. Đến năm 1968, Bác mới viết bổ sung khá nhiều, đặc biệt là bổ sung đoạn về con người, chính sách hậu chiến đối với người tham gia chiến tranh, người lao động… Đến năm 1969, Bác viết lại lời đầu.
Trong bản Di chúc Người đặt ra rất nhiều vấn đề cho thế hệ sau. Vậy xin ông cho biết, qua 45 thực hiện Di chúc, chúng ta đã làm được những gì và có điều gì còn “mắc nợ” với Người hay không?
So lại sáu điểm lớn trong Di chúc Bác đặt ra cho Đảng và nhân dân ta phải làm, qua 45 năm, có một số điểm chúng ta thực hiện tốt, một số điểm chưa thật tốt lắm, cũng có điểm chúng ta chưa thực hiện. Có thể thấy rõ ràng là chúng ta đang mắc nợ Cụ rất nhiều. Nhiều điểm trong Di chúc chúng ta phải nghiên cứu thực hiện cho tốt.
Tôi chỉ nói riêng về những vấn đề trong Đảng, sau 45 năm thực hiện Di chúc của Bác tuy đã đạt được nhiều thành tựu nhưng lòng tin đối với Đảng có bị sụt giảm. Đó là chỉ số cực kỳ đáng lo ngại. Chúng ta có nghị quyết này, cuộc vận động kia nhưng làm chưa thực sự tốt nên vẫn còn “một bộ phận không nhỏ” Đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống, tham nhũng vẫn còn nhiều… Thực tế như vậy nên chúng ta chưa thể yên tâm.
Video đang HOT
Vấn đề đoàn kết trong Đảng, được Người đặc biệt quan tâm trong Di chúc. Đánh giá riêng về điểm này, theo GS, mấy chục năm qua, chúng ta thực hiện điều đó thế nào?
Đoàn kết trong Đảng được Cụ nhấn mạnh trong Di chúc. Cho đến hiện nay, vấn đề này vẫn đang làm nhưng thực sự chưa được tốt đâu, theo tôi phải làm tốt hơn nữa. Có câu ở ngoài Di chúc, Cụ nói là “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” – là đoàn kết nói chung nhưng đoàn kết trong Đảng là cực kỳ quan trọng. Có đoàn kết trong Đảng mới đạt được đoàn kết xã hội. Trong Đảng chỗ này, chỗ kia còn có vấn đề, mà sống trong môi trường mất đoàn kết thì đất nước không thể ổn định được. Theo tôi vấn đề đoàn kết hiện nay chúng ta phải thực hiện thật tốt theo lời di huấn của Bác.
Ngoài vấn đề đoàn kết trong Đảng, thì Di chúc của Bác cũng nhấn mạnh đến vấn đề con người, vấn đề cán bộ. Thực tế vừa qua chúng ta đã chỉ rõ là “còn bộ phận không nhỏ” cán bộ bị suy thoái đạo đức, điều đó có nghĩa là chúng ta vẫn chưa thực hiện tốt theo Di chúc của Bác?
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh thì cán bộ là gốc của mọi công việc. Cán bộ là vấn đề quan trọng nhất trong công tác xây dựng Đảng. Nhìn vấn đề hiện nay, chúng ta có số lượng cán bộ rất đông, chất lượng cũng được nâng lên nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Chủ nghĩa cá nhân, cơ hội vẫn còn nên nhiều cán bộ chưa tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân.
Có lẽ đây là vấn đề chúng ta cần phải trăn trở cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mà để thực hiện cho tốt thì từ Trung ương xuống địa phương, mà nhất là từ Trung ương phải có đường lối, chính sách đúng và hành động thật quyết liệt thì mới xoay chuyển được tình hình. Còn nếu trong văn bản, nghị quyết và các cuộc vận động còn nặng về hình thức thì không thể thực hiện tốt Di chúc của Bác.
Trong Di chúc Bác nói rõ là “Đảng ta là một Đảng cầm quyền… Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân “. Điều đó có nghĩa là Bác nhắc nhở, yêu cầu nghiêm minh trong việc xử lý những cán bộ sai phạm, thưa ông?
Trong Di chúc Bác không nhắc tới việc xử lý những cán bộ sai phạm mà chỉ nói là “Đảng ta là một Đảng cầm quyền… Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải xử lý những người vi phạm. Không phải chỉ trong Di chúc, mà ở dịp khác, Bác cũng nói rồi, sai phạm phải xử lý thật nghiêm theo đúng pháp luật, kỷ luật của Đảng, không phân biệt người giữ chức vụ gì.
Có người nói Bác nặng về đức trị, nhẹ về pháp trị. Tôi cho nói vậy là không đúng mà Bác sử dụng hai biện pháp đó nhuần nhuyễn. Thí dụ như vụ xử tử Đại tá Trần Dụ Châu tham ô, tham nhũng trong kháng chiến chống Pháp. Tòa án quân sự xử tử hình, khi đưa bản án lên Chủ tịch nước, Bác rất suy nghĩ, chảy nước mắt và cuối cùng vẫn quyết định y án tử hình Trần Dụ Châu đấy thôi.
Xin cảm ơn ông!
Quang Phong (thực hiện)
Theo Dantri
Thách thức lớn nhất là vấn đề củng cố, xây dựng Đảng
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu chỉ ra thách thức lớn nhất đối với toàn Đảng, toàn dân ta hiện nay và chỉ ra hướng giải quyết.
Nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9, Báo điện tử VOV.VN phỏng vấn ông Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá VIII, về những việc nước nhà đã làm được và chưa làm được theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và những thách thức mà toàn Đảng, toàn dân ta đang phải đối mặt trong tình hình mới.
Ảnh: Quang Trung
PV: Năm nay, toàn Đảng, toàn dân ta kỷ niệm 45 năm ngày thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bản Di chúc của Người là một di sản về tinh thần và chính trị vô giá. Nhìn lại hơn 45 năm qua, theo ông, đất nước ta đã thực hiện được điều gì trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những điều gì chúng ta chưa thực hiện được?
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: Trong điếu văn đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thay mặt toàn Đảng, toàn dân đọc điếu văn...Trong điếu văn có 5 lời thề trước vong linh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã thực hiện nghiêm túc Di chúc của Người.
Lời thề thứ nhất: Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng Miền Nam, bảo vệ miền Bắc và thống nhất đất nước. Việc thực hiện lời thề này cũng mất tới 7 năm.
Lời thề thứ hai: Đảng ta đã kiên định tích cực phấn đấu thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa cao đẹp mà Người vạch ra cho giai cấp công nhân và nhân dân ta, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Trong đó chúng ta đã thực hiện việc miễn thuế cho nông dân như Bác Hồ đã dặn. Đương nhiên, chúng ta còn phải phấn đấu phát triển nhiều hơn nữa, làm cho đất nước ta giàu mạnh.
Lời thề thứ ba là vấn đề đoàn kết trong Đảng: Điều này như Di chúc của Bác đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Từ khi thành lập Đảng, nhờ có sự đoàn kết trong Đảng trong dân nên cách mạng mới giành được từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Tuy nhiên vấn đề đoàn kết trong nội bộ Đảng vẫn còn là một điểm yếu diễn ra ở mức độ này, mức độ khác, ở nơi này hoặc nơi khác chưa tốt vì chưa thực hiện được tốt chế độ tự phê bình và phê bình như Bác dạy: "Giữ gìn đoàn kết như con ngươi của mắt mình" cho nên sức chiến đấu của Đảng chưa phát huy được, Đảng cũng chưa thật làm tốt hạt nhân cho sự đoàn kết toàn dân.
Lời thề thứ tư, trong 45 năm qua từ các tổ chức Đảng đến Đảng viên nói chung đều lấy tấm gương đạo đức, tác phong của Bác Hồ để phấn đấu, gian khổ hy sinh không hề nản chí, nhiều tấm gương tiêu biểu trong chiến đấu và trong công tác, qua đó đã rèn luyện mình trở thành những chiến sĩ cách mạng kiên định vững vàng, được nhân dân tin yêu.
Như trong lời thề mà chúng ta đã hứa với Bác việc rèn luyện mình trở thành những chiến sĩ trung thành với Đảng, với dân, xứng đáng là đồng chí, là học trò của Hồ Chủ Tịch. Tuy nhiên, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, tác phong Bác Hồ chưa thật thấm nhuần, còn hình thức giữa lời nói và việc làm thường trái ngược nhau, những căn bệnh như: quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cá nhân chủ nghĩa, xa dân, thiếu tôn trọng dân... Những đảng viên như vậy rõ ràng không xứng đáng là học trò, là đồng chí của Bác. Đây là một vấn đề mà mọi đảng viên và cấp ủy các cấp phải thực hiện một cách đầy đủ tinh thần của lời thề. Từ những cán bộ cấp cao cũng như cán bộ phụ trách công việc ở các cơ sở phải nhìn nhận, đánh giá mình một cách nghiêm túc và phải có biện pháp khắc phục hiệu quả.
Lời thề thứ năm về vấn đề quốc tế: Thực hiện Di huấn của Bác Hồ, Đảng ta thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, chủ động tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cồng đồng quốc tế vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Nhờ đó uy tín của nước ta trên trường quốc tế ngày càng cao.
PV: Như ông vừa phân tích, trong 5 điều đã được đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất thay mặt toàn Đảng, toàn dân thề trước anh linh của Bác. Theo ông, trong bối cảnh hiện nay, thách thức lớn nhất đối với Đảng Cộng sản Việt Nam và đất nước Việt Nam là gì?
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: Thách thức đối với Đảng ta, Dân tộc ta qua các thời kỳ của cách mạng thì lúc nào, giai đoạn nào cũng có, mức độ ở từng thời kỳ khác nhau. Nước ta sau khi kết thúc chiến tranh thống nhất đất nước chuyển sang hòa bình, cả nước đi vào xây dựng chủ nghĩa xã hội từ năm 1975 cho đến trước năm 1986 cũng là một giai đoạn thách thức quyết liệt và phúc tạp; Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân vượt qua khó khăn với những quyết định đúng đắn về chiến lược và sách lược, biết nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, với những biện pháp thiết thực trong công cuộc đổi mới, cho nên đã vượt qua được khó khăn, giành được thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử. Tiếp đến Đại hội Đảng lần thứ VII, nước ta đã vượt qua khủng hoảng, mở rộng quan hệ quốc tế. Đại hội này Đảng ta đã đề ra được Cương lĩnh mới - Cương lĩnh thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa Xã hội năm 1991.
Đến nay, về Kinh tế, Văn hóa, Xã hội, Đối ngoại, tuy đã có những thành tựu quan trọng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn nhất là về kinh tế.
Trong những khó khăn, thách thức như đã nêu trên thì thử thách lớn nhất chính là bản thân Đảng: những cái yếu kém, khuyết điểm, nhược điểm nổi lên là bản lĩnh, năng lực và phẩm chất, phương thức lãnh đạo của một Đảng cầm quyền, những căn bệnh như quan liêu, cửa quyền, xa dân, không tôn trọng dân, vô cảm trước những hành động vi phạm đến quyền dân chủ và lợi ích chính đáng của nhân dân, cá nhân chủ nghĩa, nạn tham nhũng, tham quyền, nhóm lợi ích. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ đảng viên, sự lõng lẽo trong chấp hành các nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng: tự phê bình và phê bình, tập trung và dân chủ... Tình hình đó nói lên sức chiến đấu của Đảng đang giảm sút, lòng tin của dân đối với Đảng ngày một phai nhạt. Những tồn tại, yếu kém đó, mặc dầu đã đấu tranh nhiều lần ở trong Đảng nhưng vẫn chưa khắc phục được.
"Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá cho đúng sự thật về tình hình Đảng ta..." - ảnh Quang Trung
Sau Đại hội XI, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần 4 lại có Nghị quyết về xây dựng chỉnh đốn Đảng và đã thực hiện được hơn 2 năm nhưng kết quả còn rất hạn chế. Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá cho đúng sự thật về tình hình Đảng ta, nếu chủ quan tự coi mình mọi việc đều đã thực hiện đẩy đủ tốt đẹp, không thấy được những cái yếu kém, hư hỏng của mình thì lòng tin của dân đối với Đảng lại cảng giảm đi.
Như thế chính chúng ta lại đi ngược với lời thề đối với Bác: "Phải rèn luyện mình thành những chiến sĩ trung thành với Đảng, với dân, thành những con người mới làm chủ đất nước, làm chủ xã hội mới. Phải làm tròn bổn phận của người đảng viên vừa là người lãnh đạo vừa là đầy tớ của dân".
Vì vậy, Đại hội Đảng lần thứ XII này đề nghị cần tập trung giải quyết cho đến nơi đến chốn việc xây dựng củng cố Đảng... Phải thấy được cái yếu và ra sức khắc phục, mỗi đảng viên và tổ chức Đảng phải xem xét lại bản thân, nhất là các đồng chí cấp cao từ Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan quyền lực của nhà nước như: Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp.
Trong Đảng, bộ máy hoạt động của Đảng và sự hoạt động của Đảng viên các cấp cần đề ra một cơ chế kiểm tra và giám sát trong Đảng như Nghị quyết Trung ương 4 đã nêu nhưng phải làm một cách nghiêm túc và triệt để hơn. Các Đảng viên có quyền giám sát các cấp ủy của Đảng như thế nào? Dân góp ý kiến với Đảng và giám sát Đảng ra sao?, việc bỏ phiếu tín nhiệm phải làm thiết thực, không hình thức, phát huy rộng rãi dân chủ trong Đảng, trong dân. Dân đối với Đảng thì thực hiện quyền giám sát đến đâu? Nếu làm được điều đó thì mới có sức mạnh, nội bộ Đảng mới thực sự đoàn kết, Đảng với dân mới thực sự gắn bó.
Nếu không làm được điều này thì những mặt tiêu cực mà chúng ta đã nói nhiều lần vẫn không khắc phục được, như vậy thì hậu quả sẽ khó lường đối với Đảng ta.
Theo Xuân Thân - Thu Thủy - Quang Trung
VOV.VN
Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh Chương trình nghệ thuật đặc biệt ngợi ca Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới đã diễn ra trang trọng tại Hà Nội vào tối 30/8. Chương trình do Ban Tuyên giao Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức...