Chúng ta, ai cũng đang nợ thầy cô một lời xin lỗi, một lời cảm ơn mà chưa bao giờ đủ can đảm nói ra
20/11, một dòng status chẳng thế nói lên được tình cảm của bạn dành cho thầy cô, hãy về thăm họ, hãy nhấc máy lên gọi cho họ để họ biết rằng, đứa học trò họ dạy dỗ bao năm qua luôn trân quý, luôn nhớ về họ.
Suốt những năm tháng học trò, ngay cả khi là sinh viên, đã bao giờ bạn đủ can đảm dành cho thầy cô một lời cảm ơn, một lời xin lỗi chưa? Những người lặng lẽ lái đò ấy chưa bao giờ đòi hỏi học sinh phải đền ơn hay bày tỏ gì tấm chân tình, họ chỉ lặng lẽ cống hiến, lặng lẽ gieo cho đời tri thức.
Chúng ta chia sẻ rất nhiều lên Facebook, lên mạng xã hội nhưng mấy ai đủ can đảm gọi điện trực tiếp để bày tỏ tình cảm với thầy cô. Ngày ra trường, ai cũng hứa sẽ về thăm thầy cô nhưng bao nhiêu dịp Tết, bao nhiêu cái lễ, bao nhiêu ngày 20/11 rồi vẫn để thầy cô chờ mong trong tuyệt vọng. Dòng status Facebook rất dễ để gõ nhưng một lời nói trực tiếp dường như lại quá khó khăn.
Thời đi học, ai cũng từng một lần ghét cay ghét đắng môn nào đó, vì mình học mãi không khá được nên ghét luôn thầy cô. Mỗi tiết học chỉ muốn trôi qua thật nhanh vì sợ nhìn vào mắt thầy cô, sợ bị hỏi bài. Khi bị phạt, bị điểm kém lại nói những lời khó nghe, lại trách thầy, trách cô; để rồi ra trường mới nhận ra thầy cô chỉ muốn tốt cho mình. Nhưng liệu có ai can đảm quay về nói câu xin lỗi vì đã hiểu lầm, vì đã làm thầy cô phiền lòng?
Người ta vẫn nói rằng những người cá biệt trong lớp sau ra chính là những người tình cảm nhất, họ chính là những người về thăm thầy cô đều đặn, vì họ nhận ra được bài học mà thầy cô lúc ấy dành cho mình quý giá như thế nào.
Đi học ai chẳng thích học giỏi, ai chẳng thích được thầy cô khen. Sướng nhất có lẽ là được làm trò cưng của thầy cô, được họ tuyên dương trước lớp, được nêu gương cho bạn bè.
Nhiều khi thầy cô nhẹ nhàng, đơn giản lắm, chính chúng ta tự tạo ra áp lực, tạo ra khoảng cách với họ. Nếu dám mở lời tâm sự, mở lời bày tỏ sẽ thấy ai cũng gần gũi, dễ mến. Thầy cô cũng luôn công tâm nữa, ai học tốt thì thầy cô khen, học yếu thì thầy cô nâng đỡ. Thế nên đừng vì vài ba câu nói nặng lời mà giận họ nhé.
Video đang HOT
Có những người may mắn khi sinh ra có ba mẹ là thầy cô giáo, được uốn nắn, dạy dỗ từ trường cho đến nhà. Dù cho có chút áp lực mang tên con giáo viên nhưng suy cho cùng, đó vẫn là lợi thế vô cùng lớn. Có những kỷ niệm vui, những kỷ niệm buồn, những kỷ niệm nghèo khó, những điều bất hạnh, những điều không may… nhưng khi vượt qua rồi nhìn lại mới thấy chặng đường đó thật may mắn và hạnh phúc vì có thầy cô, ba mẹ kề bên.
Chúng ta, ai cũng nợ thầy cô một lời cảm ơn, một lời xin lỗi mà chẳng bao giờ dám nói ra. Khi thầy cô không còn trên đời nữa mới bày tỏ phải chăng đã quá muộn màng. Dòng status Facebook nhiều like nhưng thầy không đọc được, nếu còn cơ hội, hãy dành cho thầy cô những điều ấm áp nhất từ đáy lòng của bạn.
Có những người thầy, người cô thay đổi được cuộc đời của một học sinh. Họ không chỉ dạy con chữ, họ còn mang đến nhiều thứ lớn lao hơn thế bên cạnh tri thức. Một lời phê nhẹ nhàng, một câu nhận xét ngọt ngào có thể khiến một học sinh hư thành ngoan, kém thành tốt. Có chăng là chúng ta chưa đủ tỉnh táo để nhận ra ẩn ý sâu xa những lời đó thôi.
Kỷ niệm với thầy cô bạn có gì? Mình ư, chẳng có gì để kể cả! Vì suốt những năm tháng học sinh mãi chạy theo những thứ không đâu, chẳng chú tâm học hành, cứ nghĩ thầy cô chẳng coi mình ra gì đâu, không thèm để ý đâu. Ra trường mới biết, thầy cô luôn âm thầm dõi theo từng bước chân, luôn nhớ đến mình dù chỉ là chi tiết nhỏ nhất.
Và 20/11 rồi, một dòng status Facebook chẳng nói lên được tình cảm của bạn dành cho những người đã miệt mài dạy dỗ bạn bao năm qua. Hãy về thăm thầy cô đi, xem họ đã sống như thế nào mấy năm qua, xem họ có già hơn ngày xưa không? Nếu không có điều kiện, chí ít cũng nhấc máy hỏi thăm thầy cô một câu nhé. Họ vẫn luôn chờ bạn!
Theo Helino
Giữa dòng đời hối hả đừng quên nghĩa thầy cô
Năm ấy, chúng ta vội vã bước vào đời mà bỏ quên lời cảm ơn và xin lỗi thầy cô. Nơi góc sân trường ấy vẫn đọng mãi những cảm xúc ngọt ngào, sâu lắng, dù đi hết hành trình cuộc đời vẫn chẳng thể nào đong đếm hết ân nghĩa...
Tôi nhớ về ngày chia tay cách đây hơn 4 năm có lẻ, có nước mắt, có nụ cười nhưng hình như không một ai buông lời xin lỗi vì những lần lỡ làm cô buồn, những bài học đầy nhiệt huyết thầy say mê truyền đạt.
Thế rồi, thời gian đằng đẵng chảy trôi, lời hứa "họp lớp năm nay sẽ đi đầy đủ" cũng bị thực tế vùi dập. Ngày hẹn chỉ có mấy đứa, nhìn góc lớp loang dài những khoảng trống hoác đến cô đơn, bất chợt lòng nghẹn đắng.
Tôi từng rất thích học văn, say mến ngôn từ và gặm nhấm từng thớ cảm xúc trong veo tuổi 18 vào trang nhật ký học trò. Và cho đến bây giờ tôi vẫn yêu y như cái cách tôi tỉ mẩn sắp xếp từng câu chữ, vun đầy yêu thương và không ngần ngại sẻ chia tâm sự cùng những người xa lạ.
Cô giáo chủ nhiệm của tôi từng nói, rằng khi cuộc đời dông gió, khó khăn sẽ rèn luyện cho con người ta sự bền bỉ, kiên gan. Khi bước ra ngoài khoảng trời rộng lớn ngoài kia cần có một đôi mắt sáng, lý trí tỉnh táo, đừng quá bon chen, toan tính và hơn hết cần một trái tim ấm nóng tình yêu thương.
Ảnh: Nguyễn Loan
Suốt những năm cấp 3, cô lặng thầm giúp đỡ tôi rất nhiều, những ân tình ấy tôi luôn nhắc nhớ ghi sâu. Tôi cũng chẳng thể quên được mùa đông ấy, chiếc áo ấm cùng khăn choàng dày sụ cô trao tôi với câu nói "nay lạnh rồi, đi học đừng để ốm". Mỗi lần nghĩ về quãng đời học sinh, trong tôi dâng lên niềm cảm xúc không dễ gì gọi thành tên, mà vốn dĩ làm gì có ai gói ghém tất thảy tình yêu lớn lao trong đôi ba dòng chữ vụn vặt.
Những ký ức trong ngần như màu áo trắng trở thành miền thơ không bao giờ phai nhạt. Là ngày đậu đại học, tôi đứng giữa những lựa chọn trắc trở, thầy đã nói rất nhiều với tôi về con đường phía trước. Rồi thầy giúp tôi làm hồ sơ xin học bổng, động viên, an ủi vì sợ tôi nhụt chí. Đó là thời khắc tôi khóc nhiều nhất cho bản thân mình và khóc vì cảm động bởi có những người mang lòng tốt nhân rộng mà không đòi hỏi đáp đền.
Ai rồi cũng lớn, cũng đi trên con đường của riêng mình. Dăm ba bận vấp ngã giúp tôi ngộ ra nhiều điều, thấy thương hơn những bụi phấn vương trên mái tóc thầy cô. Mỗi mùa chia tay, mỗi lần tạm biệt là mỗi lần xao xuyến, bồi hồi khôn nguôi.
Thầy cô đã đưa tôi đi qua ngày chông chênh nhất cuộc đời, ngày tháng đẹp đẽ nhất thời thanh xuân cũng vì thế mà trở nên ý nghĩa hơn. Hóa ra khi ngồi trên ghế nhà trường trong giai đoạn vô tư nhất, chúng ta ai nấy đều ao ước lớn thật nhanh. Khi ấy không có những kỳ thi, không có bài kiểm tra giữa giờ, không có lo sợ khi lớp bị trừ điểm, không lo những lần sinh hoạt lớp bị cô mắng... Tất thảy những điều ấy ngày còn đi học có ai không "ghét cay ghét đắng" để rồi đến khi trưởng thành ta lại mong có tấm vé khứ hồi trở về năm tháng trước.
Có những lời xin lỗi nghẹn lại không thốt nên lời, có những câu cảm ơn dù viết ra 1000 lần cũng chẳng đủ để trả được công ơn thầy cô. Thế nên giữa dòng đời hối hả đừng bao giờ đánh mất những ân tình mà thầy cô đã trao. Dù đi đến đâu, dù có trở thành "ông này bà nọ" thì mãi mãi nơi ký ức sâu thẳm chúng ta vẫn chỉ là những đứa trẻ nhỏ bé trong vòng tay thầy cô. Kỷ niệm tươi nguyên như vừa hôm qua, tiếng cô giảng bài, câu văn trầm bổng, trang sử hào hùng, miền đất mới phiêu du những bước chân...
Tất cả cứ vang vọng đâu đây, kéo tôi trở về thưở "hai buổi cắp đến trường".
Tuệ Nhi
Theo Dân trí
Viết cho con vừa vào lớp 1 Con gái của mẹ vừa háo hức đón ngày khai giảng đầu tiên của thời áo trắng hoa mộng. Bao cảm xúc hân hoan, bồi hồi, xao xuyến cứ lâng lâng trong lòng từ mấy hôm trước đến giờ buộc mẹ phải viết. Viết để xây kỷ niệm cho tình yêu lớn lao nhất của đời mẹ... Ngày khai giảng, con gái mẹ...