Chứng khoán Trung Quốc lao đao khi kinh tế tăng kỷ lục
Những thách thức ngắn hạn như thanh khoản giảm và sự kiểm soát lĩnh vực công nghệ đang làm giảm triển vọng lâu dài của chứng khoán Trung Quốc.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đang chứng kiến một nghịch lý. Chỉ số rơi xuống vùng điều chỉnh trong khi rất nhiều nhà quản lý quỹ vẫn duy trì thái độ lạc quan.
Nikkei Asia đưa tin chỉ số CSI 300 leo dốc 27% trong năm 2020, thành tích xứng với nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới tăng trưởng dương trong đại dịch. Nhưng sau khi phá đỉnh lịch sử trong ngày 18/2, chỉ số CSI 300 đã mất 15% mặc dù kinh tế Trung Quốc tiếp đà hồi phục. Nền kinh tế thứ hai thế giới tăng trưởng 18,3% trong quý I/2021, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1992.
Việc thiếu sự hỗ trợ từ cả các quỹ đầu tư trong nước lẫn nước ngoài gợi lên ký ức về cú sụp đổ tàn khốc năm 2015 từng xóa sổ một nửa vốn hóa thị trường Trung Quốc.
Tháng trước, Credit Suisse hạ khuyến nghị về chứng khoán Trung Quốc xuống mức “Bán”. Đây là lần hạ xếp hạng thứ hai trong 5 tuần.
Giới phân tích nói rằng các yếu tố vĩ mô hỗ trợ chứng khoán Trung Quốc vẫn không thay đổi, bao gồm tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, tăng cường cải cách kinh tế, nhu cầu gia tăng nhờ tỷ trọng lớn hơn trong các chỉ số toàn cầu. Nhưng hiện tại, thách thức ngắn hạn đối với chứng khoán Trung Quốc đang phủ bóng lên cơ hội dài hạn.
Tín dụng quyết định sự thành bại
Bruce Pang, trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô tại công ty chứng khoán China Renaissance Securities nhận định lực cản của thị trường Trung Quốc bao gồm đà hồi phục giảm tốc, chính phủ cắt giảm các biện pháp kích thích và nguy cơ rủi ro địa chính trị leo thang.
Bắc Kinh đang rút một phần thanh khoản đã được bơm vào hệ thống tài chính khi đại dịch bùng phát nhằm hạn chế đầu cơ và tránh hình thành bong bóng.
Video đang HOT
Tian Hanqing, Giám đốc đầu tư tại Huatai-PineBridge cho biết: “Trong năm vừa qua, chứng khoán Trung Quốc và các thị trường khác được hỗ trợ bởi thanh khoản dồi dào. Với việc ngân hàng trung ương Trung Quốc hút lại một phần thanh khoản, nhà đầu tư đã tính toán lại định giá”.
Tăng trưởng của tổng tài trợ vốn trong toàn xã hội (total social financing), thước đo về tín dụng và thanh khoản, đã bắt đầu giảm nhẹ. Tháng trước, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã chỉ đạo các ngân hàng hạn chế tăng trưởng tín dụng.
Dữ liệu cho thấy kể từ năm 2000, chứng khoán Trung Quốc lên xuống theo tốc độ tăng trưởng tín dụng, chỉ trừ đợt bùng nổ và đổ vỡ năm 2015.
Một số nhà đầu tư đang chuẩn bị cho tình trạng siết tín dụng. Ngân hàng Thụy Sĩ Lombard Odier Darier Hentsch đã “chốt lời” cổ phiếu Trung Quốc nội địa từ tháng 2 do lo ngại chính sách tiền tệ sẽ sớm thắt chặt.
Việc chính sách tiền tệ bị thắt chặt cũng làm giảm kỳ vọng về lợi nhuận doanh nghiệp. Cụ thể, nhà đầu tư đã hạ dự đoán lợi nhuận đối với một số ngành phụ thuộc nhiều vào tín dụng như công nghệ, bán lẻ, xe hơi và bất động sản, UBS cho biết.
Cổ phiếu công nghệ bao gồm Alibaba và Tencent còn chịu ảnh hưởng bởi lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng và việc chính phủ siết chặt kiểm soát.
Chính phủ Trung Quốc đang ráo riết kiềm chế các nền tảng trực tuyến lớn nhất nước để hạn chế rủi ro. Alibaba mới bị phạt gần 3 tỷ USD vì vị thế thống trị trong ngành bán lẻ trực tuyến. Tencent và 33 công ty khác cũng bị yêu cầu chấn chỉnh hành vi.
Tất cả những sự kiện trên giáng đòn mạnh vào định giá của cổ phiếu tăng trưởng và thúc đẩy xu hướng chuyển dịch sang cổ phiếu giá trị. Ví dụ, các cổ phiếu của 4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc đều đã tăng trên 8% kể từ giữa tháng 2.
Căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh cũng phủ bóng đen lên thị trường. Mỹ đã tăng thêm hành động chống lại Trung Quốc: Theo đạo luật mới được phê chuẩn năm ngoái, cổ phiếu Trung Quốc tại Mỹ có nguy cơ bị hủy niêm yết nếu không tuân theo quy định kiểm toán của Mỹ.
Triển vọng tương lai
Kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng 8,5% trong năm nay, theo khảo sát các nhà kinh tế của Nikkei Asia. Sự hồi sinh của nền kinh tế được kỳ vọng là sẽ hỗ trợ cho lợi nhuận của các ngành như tài chính và sản xuất. Giới phân tích ước tính nhìn chung lợi nhuận của các doanh nghiệp thuộc CSI 300 sẽ tăng 20% trong 2021.
Cuộc chiến giằng co giữa phe bò và gấu đang mở đường cho các nhà quản lý quỹ giành lấy tỷ trọng lớn hơn trong khối lượng giao dịch hàng ngày. Các quỹ cũng đang đoạt thế chủ động của nhà đầu tư nhỏ lẻ – những người chiếm tới 70% khối lượng mua và bán trên trên thị trường Trung Quốc.
Hàng loạt quỹ toàn cầu sẽ tăng tỷ lệ phân bổ danh mục sang Trung Quốc trong bối cảnh nước này mở cửa và cổ phiếu Trung Quốc được tăng tỷ trọng trên các chỉ số chứng khoán thế giới.
Các công ty bảo hiểm nội địa và quỹ đầu tư do chúng quản lý có thể rót thêm 1.500 tỷ nhân dân tệ (230 tỷ USD) vào thị trường trong vòng ba năm, sau khi được phép tăng cường sở hữu cổ phiếu.
4 nhà quản lý quỹ và ba chuyên gia nói với Nikkei Asia rằng họ dự kiến thị trường Trung Quốc sẽ xuống đáy vào quý III.
Jim McCafferty, trưởng nhóm nghiên cứu chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương tại Nomura nhận xét: “Các nhà quản lý tài sản toàn cầu đang phân bổ tỷ trọng danh mục đầu tư sang Trung Quốc quá thấp, đặc biệt là khi so với các thị trường khác như Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản. Nếu có một cái nhìn dài hạn, họ sẽ muốn tăng cường đầu tư sang Trung Quốc hơn so với hiện tại.”
Châu Á trở nên hấp dẫn với các quỹ đầu cơ quốc tế
Kết quả cuộc khảo sát của Credit Suisse với hơn 200 quỹ đầu cơ sở hữu 812 tỷ USD cho thấy châu Á - Thái Bình Dương là khu vực họ quan tâm nhất.
Khảo sát cho thấy nhu cầu đầu tư ở châu Á - Thái Bình Dương lên tới 55%, cao nhất trong hơn một thập kỷ. Ngược lại, nhu cầu đầu tư vào Bắc Mỹ chỉ ở mức 20%.
Richard Johnston, người quản lý khu vực châu Á của công ty Albourne Partners ở Hong Kong dự đoán, dòng vốn sẽ chảy mạnh vào châu Á năm nay, tập trung vào các lĩnh vực như chứng khoán Trung Quốc, quỹ đầu cơ nhỏ và tín dụng tư nhân.
Xu hướng đầu tư vào châu Á có thể góp phần thúc đẩy tăng trưởng trong ngành quỹ đầu cơ còn tương đối khiêm tốn ở châu Á, vốn tập trung phần lớn ở Hong Kong và Singapore. Các nhà đầu tư trên khắp thế giới đang cố gắng tìm cách thu lợi từ sự tăng trưởng kinh tế của châu lục có dân số lớn nhất thế giới.
Đồng thời, các quỹ đầu cơ của châu Á cũng đã hoạt động tốt hơn các quỹ đầu tư toàn cầu. Ông Johnston nói một số tổ chức ở Bắc Mỹ đang đẩy mạnh hoạt động rót vốn vào Trung Quốc từ 15% đến 20% tổng đầu tư vào hàng loạt các loại tài sản.
Dữ liệu của Preqin cho thấy tổng tài sản do các quỹ đầu cơ có trụ sở tại châu Á - Thái Bình Dương quản lý đã tăng 20% trong năm ngoái, lên 155,6 tỷ USD. "Một khi các đợt phong tỏa hết hiệu lực, có thể vào cuối năm nay, chúng ta sẽ thấy cơ hội rất tốt đối với ngành đầu cơ rộng lớn ở châu Á", Danny Yong, Chuyên gia tại Dymon Asia tại Singapore, đánh giá.
Sự gia tăng trong kích thích tiền tệ và tài khóa ở Bắc Mỹ và châu Âu cũng có thể khiến một số nhà đầu tư đổ tiền nhiều hơn vào châu Á, theo các nhà quản lý quỹ. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã thay đổi tích cực về chính sách để thu hút thêm dòng vốn nước ngoài. Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc đã tăng trưởng vượt trội hơn so với S&P 500 củ Mỹ trong 2 năm qua.
Một lý do khác khiến các nhà đầu tư tìm đến thị trường châu Á là tránh thiệt hại từ các vụ bán khống cổ phiếu GameStop và AMC Entertainment gần đây. Các diễn đàn cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ như WallStreetBets và Robinhood Markets không phổ biến ở châu Á, nên những vụ ép giá tương tự sẽ khó xảy ra hơn.
Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán liên tiếp lập kỷ lục mới VN-Index điều chỉnh nhẹ; Cổ đông "soi" nợ xấu ngân hàng; Đồng nhất niềm tin; Giao dịch dựa vào tin nội gián: Bệnh cũ nặng hơn; HOSE cải tiến hệ thống hiện hành, mở dung lượng hệ thống; Chứng khoán châu Á đa số nhích lên; Sản xuất và thương mại hồi phục mạnh...là những thông tin đáng chú ý của thị trường...