Chứng khoán thế giới trượt dốc sau khi Anh tăng lãi suất kỷ lục
Chứng khoán thế giới đồng loạt trượt dốc vào cuối phiên giao dịch ngày 3/11, vài giờ sau khi Ngân hàng trung ương Anh (BoE) công bố mức điều chỉnh lãi suất cao nhất trong 33 năm kèm cảnh báo tình trạng suy thoái ở Anh sẽ kéo dài đến giữa năm 2024.
Hoạt động giao dịch tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ ngày 2/11/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Cụ thể, tại thị trường New York (Mỹ), chỉ số công nghiệp Dow Jones chốt phiên giảm 0,5% xuống 32.001,25 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 1,1% xuống 3.719,89 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 1,7% xuống 10.342,94 điểm.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chỉ số chứng khoán tổng hợp EURO STOXX 50 toàn châu Âu giảm 0,8% xuống 3.593,18 điểm. Chỉ số DAX của thị trường Frankfurt (Đức) giảm 1% xuống 13.130,19 điểm, trong khi chỉ số CAC 40 của thị trường Paris (Pháp) giảm 0,5% xuống 6.243,28 điểm. Riêng chỉ số FTSE 100 của thị trường London (Anh) tăng 0,6% lên 7.188,63 điểm.
Tại thị trường châu Á, chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) và chỉ số Composite của Thượng Hải cũng chứng kiến mức giảm lần lượt 3,1% và 0,2% xuống còn 15.339,49 điểm và 2.997,81 điểm.
Video đang HOT
Trước đó, cùng ngày, BoE nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, mức tăng lớn nhất trong 33 năm qua, để kiểm soát lạm phát. Quyết định này, theo sau quyết định tương tự của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) ngày 2/11, đã đưa lãi suất của Anh lên 3%, mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Việc BoE nâng lãi suất cũng gây áp lực với đồng bảng Anh. Cụ thể, đồng bảng Anh đã giảm 2% so với đồng USD, từ mức 1 bảng đổi 1,1392 USD xuống còn 1 bảng đổi được 1,1160 USD.
Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu Brent biển Bắc và giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm lần lượt 1,5% và 2% xuống 94,67 USD/thùng và 88,17 USD/thùng. Trước đó, trong phiên 2/11, giá 2 loại dầu chủ chốt này đều tăng hơn 1% nhờ thông tin cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ giảm xuống, ngay cả khi FED tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm và Chủ tịch FED Jerome Powell bình luận vẫn còn sớm để cân nhắc việc ngừng tăng lãi suất.
Giá vàng thế giới cũng giảm xuống mức thấp trong hơn một tháng trong phiên giao dịch ngày 3/11 khi đồng USD và lợi suất trái phiếu tăng cao sau bình luận của ông Powell. Vào khoảng 0h49 ngày 4/11 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.629,97 USD/ounce, sau khi giảm hơn 1% trước đó, chạm mức thấp nhất kể từ ngày 28/9.
Giá vàng kỳ hạn trên thị trường Mỹ giảm 1,2% xuống 1.630,9 USD/ounce. Ông Phillip Streible, chiến lược gia thị trường tại công ty giao dịch hàng hóa Blue Line Futures ở Chicago (Mỹ), cho biết giá vàng có thể sẽ chưa thể lấy lại đà tăng cho đến khi FED hoàn thành kế hoạch nâng lãi suất, ít nhất cho đến tháng 3/2023.
Chứng khoán Mỹ lao dốc, người giàu 'cũng khóc'
Sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Mỹ đã khiến giá trị tài sản của các hộ gia đình Mỹ "bốc hơi" hơn 9.000 tỷ USD, gây sức ép lên bảng cân đối kế toán và chi tiêu của các hộ gia đình.
Hoạt động của giao dịch viên trên sàn chứng khoán New York (Mỹ), ngày 26/8/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Theo dữ liệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), giá trị nắm giữ cổ phiếu doanh nghiệp và chứng chỉ quỹ tương hỗ của người Mỹ đã giảm xuống còn 33.000 tỷ USD vào cuối quý II/2022, so với mức 42.000 tỷ USD vào đầu năm.
Với việc các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán giảm hơn nữa kể từ đầu tháng bảy và thị trường trái phiếu tiếp tục thua lỗ, các chuyên gia ước tính mức thiệt hại của các thị trường tài chính có thể lên tới 9.500-10.000 tỷ USD.
Theo các nhà kinh tế, tình trạng thiệt hại có thể sớm bắt đầu lan rộng khắp nền kinh tế, gây thêm sức ép lên tình hình tài chính của người Mỹ và có thể ảnh hưởng đến chi tiêu, vay nợ và đầu tư.
Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody's Analytics, cho biết, vấn đề trên có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP gần 0,2 điểm phần trăm trong năm tới.
Những người giàu có đang chịu khoản lỗ lớn nhất, vì họ sở hữu một lượng lớn cổ phiếu. Theo Fed, 10% những người giàu nhất nước Mỹ đã mất hơn 8.000 tỷ USD trên thị trường chứng khoán trong năm nay, ghi dấu mức giảm 22% giá trị nắm giữ cổ phiếu; 1% số người giàu nhất thiệt hại hơn 5.000 tỷ USD, trong khi 50% người có thu nhập thấp nhất mất khoảng 70 tỷ USD
Các khoản thua lỗ trên đánh dấu một sự đảo ngược lớn và đột ngột đối với những cổ đông đã chứng kiến sự gia tăng giá trị tài sản liên tục nhờ giá cổ phiếu tăng vọt sau đại dịch COVID-19. Từ mức thấp vào năm 2020 đến mức đỉnh vào cuối năm 2021, giá trị chứng khoán do người Mỹ nắm giữ đã tăng gần gấp đôi, từ 22.000 tỷ USD lên 42.000 tỷ USD và phần lớn số tài sản này thuộc về những người giàu nhất. Số liệu từ Fed cho thấy 10% số người Mỹ giàu nhất sở hữu 89% lượng cổ phiếu do cá nhân nắm giữ.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là cổ phiếu giảm giá sẽ tác động đến chi tiêu tiêu dùng như thế nào. Cho đến nay, có rất ít dấu hiệu cho thấy người giàu cắt giảm chi tiêu. Theo một số chuyên gia, lý thuyết "hiệu ứng của cải âm" cho rằng sự suy giảm của của cải sẽ dẫn tới sự sụt giảm của chi tiêu, do đó, có thể sớm xuất hiện tình trạng sức mua giảm, nếu làn sóng bán tháo tiếp diễn.
Nhà kinh tế Zandi dự báo tổn thất từ chứng khoán có thể khiến chi tiêu tiêu dùng Mỹ giảm 54 tỷ USD trong năm tới. Song, ông thừa nhận "hiệu ứng của cải-chứng khoán" hiện nay thấp hơn trong quá khứ, vì người Mỹ đã "tích lũy được khoản tiết kiệm dư thừa đáng kể trong đại dịch".
Chứng khoán Mỹ có tuần tăng đầu tiên trong bốn tuần Các chỉ số chứng khoán Mỹ phục hồi trong phiên 9/9 và tăng tuần đầu tiên trong bốn tuần, khi các nhà đầu tư mua vào, dù có những lo ngại về triển vọng của nền kinh tế. Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ, ngày 22/8/2022. Ảnh: THX/TTXVN Chốt phiên cuối tuần, chỉ số Dow Jones tăng 377,19 điểm,...