Chứng khoán sáng 4/10: Cổ ngân hàng đồng loạt nóng trở lại
Thị trường sáng nay trồi sụt khá nhiều nhưng nhóm cổ phiếu ngân hàng đã giữ nhịp cực tốt. VN-Index ổn định trên ngưỡng 1020 điểm và đang tạm thời bị chặn lại ở 1023…
Mức tăng của chỉ số chính là khá nhẹ, chỉ 0,31% so với tham chiếu mặc dù đang có 157 mã tăng/109 mã giảm. Cổ phiếu ngân hàng là nhóm chính nâng đỡ chỉ số, còn lại chỉ tăng từ trung bình đến yếu. Có thể nói sáng nay thị trường là màn trình diễn của ngân hàng cộng GAS.
TCB đang soán ngôi đầu trong việc kéo VN-Index với mức tăng 2,56%. Đây là màn trở lại khá hoành tráng của TCB sau 4 phiên gần nhất trồi sụt liên tục. TCB cũng leo lên 30.100 đồng, vượt được đỉnh cao nhất cuối tháng 9.
GAS xếp ngay sau TCB với mức tăng 1,06%. Cổ phiếu này chính thức bước vào vùng đỉnh cũ kéo dài suốt tháng 4/2018. PLX, một đại diện khác của nhóm dầu khí không có gì nổi bật, chỉ tăng 0,42%. Nhóm dầu khí cũng còn nhiều mã khá mạnh khác, nhưng tính về trụ để đứng cùng ngân hàng sáng hay thì chỉ duy nhất GAS là xứng tầm.
Các cổ phiếu ngân hàng còn lại cũng khá mạnh: VCB tăng 0,95%, CTG tăng 1,09%, VPB tăng 0,96%, MBB tăng 3,68%, TPB tăng 2,66%. Duy nhất HDB đang giảm nhẹ 0,38%, STB tham chiếu.
VN-Index tăng 0,31% thì khoảng 0,22% đã là từ TCB, GAS và VCB, chưa kể nhóm ngân hàng còn lại. Do vậy không có gì là quá mức khi nói rằng ngân hàng cộng GAS đang giữ nhịp cho chỉ số. Các cổ phiếu còn lại tăng không đủ khác biệt như VHM tăng 0,68%, VRE tăng 0,6%, MSN tăng 0,32%, SAB tăng 0,09%.
Các trụ giảm đáng chú ý là VIC đang rơi 1,27%. Mức giảm này là khá nặng và riêng VIC đã gần vô hiệu hóa được mức tăng của cả VCB lẫn TCB. Ngoài ra có VNM giảm 0,51%, VJC giảm 0,9%, HPG giảm 0,12%.
Chỉ số của nhóm blue-chips VN30-Index chốt phiên sáng tăng nhẹ 0,23% với 19 mã tăng/9 mã giảm. Độ rộng rõ ràng là tích cực, nhưng mức tăng của đa số mã còn nhẹ. Toàn sàn HSX cũng có độ rộng áp đảo ở phía tăng nhưng toàn là các mã nhỏ và thanh khoản rất tệ. Chỉ số Midcap cũng chỉ tăng 0,49%, Smallcap tăng 0,16%. Mức tăng giá trên cổ phiếu cũng không phải là mạnh.
Video đang HOT
Sàn HNX có khác biệt khá lớn là không có trụ nào giảm mạnh gây ảnh hưởng như VIC. Hầu hết các cổ phiếu quan trọng nhất đều tăng tốt: ACB tăng 1,49%, PVS tăng 1,65%, VCS tăng 2,23%, VCG tăng 1,58%. HNX-Index tăng 0,86% với 68 mã tăng/63 mã giảm, HNX30 tăng 0,74% với 11 mã tăng/5 mã giảm.
Cổ phiếu ngân hàng sáng nay cũng gây ấn tượng mạnh về thanh khoản. MBB giao dịch gần 16,5 triệu cổ phiếu tương đương 392,2 tỷ đồng, cao nhất thị trường. Tuy nhiên MBB cũng đang chịu sức ép nhất định. Mức tăng lúc chốt phiên sáng 3,68% là hơi đuối so với mức tăng cao nhất 5,19% thời điểm giữa phiên.
HPG, GEX và PVS cũng là các cổ phiếu có thanh khoản rất tốt, đều giao dịch trên 100 tỷ đồng khớp lệnh. Trong đó duy nhất HPG là giảm nhẹ, một phần do khối ngoại xả quá “dữ”. Trong tổng giao dịch 5,3 triệu cổ, khối ngoại bán gần 3,4 triệu tương đương 64%, mua vào 1,2 triệu cổ. 4 cổ phiếu thanh khoản cao nhất sáng nay chiếm gần 28% thanh khoản chung. Cả hai sàn khớp 3.013 tỷ đồng, tăng 43% so với sáng hôm qua.
Khối ngoại bán lớn ở HPG nên sáng nay ghi nhận mức bán ròng mạnh. Trên HSX, tổng giá trị bán ra đạt 402,7 tỷ đồng, mua vào 204 tỷ đồng. VN30 bị bán 263,5 tỷ đồng và chỉ mua 97,4 tỷ đồng. Sàn HNX mua 40,5 tỷ, bán 22,7 tỷ đồng.
Ngoài HPG, khối ngoại cũng xả ròng rất lớn ở MSN, PVD, VCB, GEX, VJC và chứng chỉ quỹ. Phía mua ròng có CTG, STB, SSI, DPM, KBC, TDH, DGW.
Lan Ngọc
Theo vneconomy.vn
Phía sau chiến lược tìm kiếm nguồn vốn ngoại tệ từ quốc tế
Việc tìm kiếm nguồn vốn ngoại tệ từ quốc tế giúp gia tăng nguồn vốn, cải thiện năng lực tài chính. Đồng thời là cách ngân hàng khẳng định tên tuổi. Từ đó tạo nền tảng xâm nhập và mở rộng mạng lưới ra thị trường quốc tế.
Xu hướng tìm vốn ngoại tệ
Sau khi Công ty cổ phần Hàng không VietJet (HOSE: VJC) hôm 24/9 thông báo lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về các vấn đề liên quan đến việc phát hành và niêm yết 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi trên thị trường quốc tế, thì 5 ngày sau đó đến lượt ngân hàng HDBank, cũng thuộc nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, cho biết sẽ phát hành tối đa 300 triệu USD trái phiếu quốc tế chuyển đổi.
Theo đó, số lượng trái phiếu dự kiến tối đa là 3.000, mệnh giá 100.000 USD/trái phiếu, kỳ hạn 5 năm 1 ngày và có lãi suất cố định trong 5 năm kể từ ngày phát hành. Đây là trái phiếu chuyển đổi có thể chuyển thành cổ phiếu phổ thông, không có tài sản đảm bảo và không kèm chứng quyền và phát hành trên thị trường quốc tế cho dưới 100 nhà đầu tư.
Việc HDBank dự kiến phát hành trái phiếu quốc tế càng củng cố xu hướng các nhà băng nội đang tích cực tìm kiếm nguồn vốn ngoại tệ trên thị trường quốc tế, khi mà lãi suất tiền gửi USD trong nước đã về 0% kể từ cuối năm 2015, khiến lượng tiền gửi ngoại tệ từ khách hàng bị sụt giảm xuống và không đủ để phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
Thời gian qua cũng có thể thấy hàng loạt thương vụ vay vốn ngoại tệ được đẩy mạnh. Như hồi cuối tháng 8, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã ký hợp đồng tín dụng trị giá 50 triệu USD, kỳ hạn 3 năm với JPMorgan Chase Bank, N.A., chi nhánh Singapore.
Tiếp đến đầu tháng 9, SHB hoàn tất thỏa thuận vay 20 triệu USD với kỳ hạn 5 năm từ Ngân hàng Đầu tư Quốc tế Nga, đồng thời Ngân hàng Hợp tác Kinh tế Quốc tế của Nga cũng cam kết cấp khoản vay với hạn mức ban đầu là 20 triệu EUR cho SHB.
Ngày 10/9, công ty tài chính quốc tế (IFC) cho biết sẽ cung cấp một khoản vay trị giá 100 triệu USD cho Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), với kỳ hạn 3 năm. Trước đó hồi đầu năm, Hồi đầu năm nay, IFC cũng đã cung cấp một khoản vay hợp vốn trị giá 100 triệu USD cho TPBank, sau khi đã rót 405 tỷ đồng vào TPBank để sở hữu 5% vốn của ngân hàng này từ năm 2016.
Tham vọng nâng tầm quốc tế
Về cơ bản, các ngân hàng để gia tăng nguồn vốn ngoại tệ có thể vay hợp vốn từ các ngân hàng nước ngoài, vay tài trợ thương mại những định chế tài chính quốc tế như IFC, hoặc phát hành trái phiếu quốc tế như các mà HDBank dự kiến thực hiện.
Tuy nhiên, lựa chọn phát hành trái phiếu quốc tế thường ít được sử dụng, do giải pháp này thường không có tài sản bảo đảm, lãi suất có xu hướng thấp hơn vay thông thường nên không thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, chỉ có những doanh nghiệp, tổ chức nào tự tin với thương hiệu của mình đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài thì mới sử dụng chiến lược này.
HDBank trở thành tên tuổi có sức hút lớn trong thời gian gần đây
Đối với HDBank, nhìn lại năm 2017, thời điểm tháng 12 khi HDBank tiến hành IPO, có đến 76 nhà đầu tư nước ngoài đã chi 300 triệu USD mua cổ phần HDBank, tương ứng tỷ lệ sở hữu 21,5%, biến vụ IPO của HDBank lớn thứ hai lịch sử ngân hàng Việt Nam.
Và sau khi lên sàn HDBank cũng tiếp tục thể hiện sự hấp dẫn khi một lượng lớn vốn của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục rót ròng mua cổ phiếu này. Nếu tiếp tục phát hành trái phiếu thành công lần này, HDBank sẽ có cơ hội một lần nữa khẳng định tên tuổi và sức hút gần đây của mình.
Thật ra, việc các ngân hàng đẩy mạnh vay vốn ngoại tệ trên thị trường quốc tế không chỉ nhằm gia tăng nguồn vốn, cải thiện năng lực tài chính, mà đó còn là cách để khẳng định và nâng cao thương hiệu, hình ảnh, vị thế không chỉ trong nước mà còn trên tầm quốc tế, từ đó tạo nền tảng để bắt đầu xâm nhập và mở rộng mạng lưới ra thị trường quốc tế, mà các nước trong khu vực ASEAN là mục tiêu gần nhất để tận dụng những điều kiện thuận lợi từ cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) mang lại.
Với quy định tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn dự kiến sẽ giảm từ 45% về còn 40% kể từ đầu năm 2019, thì việc tăng cường nguồn vốn trung dài hạn cũng trở thành nhiệm vụ cấp thiết hơn bao giờ hết. Việc huy động vốn trung dài hạn trong nước thường gặp nhiều khó khăn, do khách hàng không chuộng các kỳ hạn dài, cũng như nếu muốn huy động trung dài hạn tốt thì lãi suất tiền đồng thường phải đảm bảo đủ mức hấp dẫn. Vì vậy các ngân hàng gần đây có động lực tìm kiếm các khoản vay vốn ngoại tệ kỳ hạn dài trên thị trường quốc tế nhiều hơn, trong khi chi phí lại thấp hơn đáng kể.
Đặc biệt là khi gần đây các hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế đã nâng hạng Việt Nam nói chung và các ngân hàng nói riêng, cho thấy uy tín và triển vọng tăng trưởng tích cực, thì con đường vay ngoại tệ từ nước ngoài cũng có điều kiện thuận lợi hơn và chi phí cũng có thể tối ưu hơn giai đoạn trước đây.
Chính vì vậy, nếu chưa thể tăng vốn điều lệ bằng cách bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài để gia tăng nội lực tài chính và nguồn vốn dài hạn, thì con đường vay vốn ngoại tệ hoặc phát hành trái phiếu quốc tế có thể là lựa chọn hợp lý trong bối cảnh hiện nay.
MẪN NHI
Theo thegioitiepthi.vn
WB dự báo GDP Việt Nam năm 2018 tăng 6,8% WB dự báo tăng trưởng GDP dự báo sẽ đạt khoảng 6,8% trong năm 2018, cao hơn mức dự báo 6,5% hồi tháng 4/2018. Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố Báo cáo Cập nhật Kinh tế Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Trong đó, WB đánh giá triển vọng trong trung hạn của Việt Nam tiếp tục được cải...