Chứng chỉ tin học trình độ A, B, C được bán công khai
Thông tư liên tịch số 17/2016/TTLT-BGDĐT-BTTTT quy định rõ việc dừng đào tạo, cấp các chứng chỉ tin học ứng dụng A, B, C kể từ ngày 10/8.
Thế nhưng trên thực tế, các trung tâm đào tạo Tin học – Ngoại ngữ tại Hà Nội và nhiều thành phố khác vẫn có đủ chiêu trò để “dụ” học viên chi tiền mua bằng mà khỏi cần học.
Thủ thuật điều chỉnh ngày
Điểm đăng ký học, thi Tin học – Ngoại ngữ đặt trên địa bàn phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) là địa chỉ được những người có nhu cầu “làm nhanh” các loại chứng chỉ rỉ tai nhau là nhanh, uy tín và an toàn.
Thế nhưng, trái ngược với hình dung ban đầu của chúng tôi và cả những lời quảng cáo khoa trương trên mạng, cơ sở này thực chất khá khiêm tốn, chỉ là tầng trệt của hộ dân thông thường, thu mình cuối một con ngõ hẹp.
Tiếp chúng tôi là một nam nhân viên tên T. còn khá trẻ, ngồi giữa chiếc bàn rộng với la liệt bằng cấp cùng các đơn đăng ký. T. nói ngoài tuyển sinh các khóa học Tin học, Ngoại ngữ, tại đây còn nhận làm và bán chứng chỉ trình độ A, B, C (cả Tin học và Ngoại ngữ) cho những khách có yêu cầu.
“Bên em chỉ cần 4 ảnh 3×4 và bản photocopy chứng minh nhân dân là làm được. Nếu anh làm chứng nhận của trung tâm A thì 1 ngày là có, giá 400.000 đồng/cặp, không cần thi.
Còn nếu là chứng chỉ của Bộ Giáo dục & Đào tạo thì 3 ngày, giá là 1,1 triệu đồng/cặp nếu đến thi, không đến thi thì 1,2 triệu đồng/cặp”, T. giới thiệu.
Thấy tôi thắc mắc giữa các thuật ngữ và mức giá, T. đẩy về phía tôi xấp chứng chỉ màu đỏ tươi, giải thích tiếp: “Nếu anh xin vào nhà nước thì nên làm chứng chỉ của Bộ GD&ĐT, tức là phôi do bộ cấp. Anh cũng nên đến ký vào bài thi để tránh kiện cáo sau này.
Còn nếu xin vào tư nhân thì làm chứng nhận cũng được. Phôi do trung tâm A cấp và đóng dấu luôn. Họ cũng rất uy tín”.
Tôi mân mê đống giấy tờ, nhận thấy chứng chỉ của Bộ GD&ĐT khá dày dặn. Phía bên trên góc trái còn có tem 7 màu chống giả, lấp lánh dưới ánh đèn.
Bên dưới được đóng dấu và ký tên bởi ông Trịnh Hữu Tuấn – giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ tin học HDIU, thuộc Đại học Đông Đô. Còn chứng nhận của trung tâm A thì màu sẫm hơn, mỏng và không sắc nét bằng.
Khi tôi thắc mắc về quy định dừng cấp mới các chứng chỉ tin học theo chuẩn A, B, C từ ngày 10/8, T. trấn an: “Việc đó rất đơn giản, chỉ việc điều chỉnh ngày là xong”.
Tôi giật mình nhìn lại đống chứng chỉ trên bàn, tất cả đều được ký tên và đóng dấu cuối tháng 7, và khóa học kéo dài 3 tháng cũng vậy, đã được điều chỉnh thời gian, mặc dù thời điểm chúng tôi đến trung tâm là đầu tháng 12. Điều đó có nghĩa thủ thuật nhỏ này lập tức khiến cho các chứng chỉ Tin học dù cấp ở thời điểm nào cũng vẫn còn nguyên giá trị.
Video đang HOT
Đống chứng chỉ chờ được đóng dấu ghi ngày cấp từ 25/8/2015.
Tiếp tục thắc mắc về chất lượng và rủi ro lúc đi xin việc liệu có bị phát hiện, nam nhân viên này nói chắc như đinh đóng cột: “Đồ bên em xịn 100%, phôi thật của bộ, có hồ sơ lưu trên máy tính giả làm sao được”.
Như để chứng minh cho những gì mình vừa nói, T. lấy ra từ trong ngăn bàn một sấp chứng chỉ các loại, tất cả đều thơm phức mùi giấy mới, cùng danh sách dài những người vừa đăng ký và đang trong quá trình chờ lấy bằng.
Vẫn quảng cáo mạnh, công khai trên Internet
Tiếp tục trong vai người có nhu cầu làm chứng chỉ, chúng tôi tìm đến nhiều địa chỉ khác nhau trên địa bàn Hà Nội.
Tuy giá cả thì muôn hình vạn trạng nhưng tất cả địa điểm chúng tôi đi qua đều có điểm chung là cố gắng định hướng cho khách hàng “làm nhanh” loại chứng chỉ cũ cùng lời hứa sẽ đổi ngày in trên bằng để hợp thức hóa.
Bên cạnh có, các trung tâm này cũng quảng cáo rất mạnh và công khai trên mạng Internet.
“Nếu học được thì nên học, nhưng sẽ rất mất thời gian. Cũng không tội gì làm chứng chỉ theo quy chuẩn mới vì vừa khó vừa đắt. Cứ làm chứng chỉ theo tiêu chuẩn cũ, in lùi ngày lại, chúng tôi còn rất nhiều phôi, đảm bảo hàng thật 100%”, một nhân viên tại trung tâm Ngoại ngữ – Tin học đóng gần Đại học Sư phạm khẳng định.
Giá cả được trung tâm này đưa ra khá cạnh tranh: 1 triệu đồng/cặp chứng chỉ do Bộ GD&ĐT cấp, 400.000đ/cặp chứng nhận do trung tâm A cấp.
Cá biệt có những trung tâm còn đặt cơ sở ngay trong các trường học để tăng tính thuyết phục, như trường hợp tại trường trung cấp Kinh tế kỹ thuật Hà Nội I nằm trên phố Vũ Trọng Phụng. Khi PV có mặt tại cơ sở, la liệt những chứng chỉ chỉ vừa kịp in tên học viên, còn chưa kịp đóng dấu, nghi ngày cấp từ tận… 15/8/2015.
Theo khảo sát của PV, trung tâm A có địa chỉ trên phố Nguyễn Ngọc Vũ có vẻ đang là cái tên rất mạnh trong việc cấp chứng nhận Tiếng Anh – Tin học với giá cả khá đồng nhất là 400.000 đồng/cặp.
Rất nhiều địa điểm khi được hỏi, đều nói họ liên kết với trung tâm này để cấp chứng nhận với thời gian “siêu tốc” một ngày là có. Còn về “chứng chỉ do Bộ GD&ĐT cấp”, theo quảng cáo, nhiều nhất vẫn là liên kết với Đại học Đông Đô để đóng dấu.
Cũng trong hành trình này, khi PV đặt câu hỏi về việc “mua” chứng chỉ Tin học theo tiêu chuẩn mới, phần lớn các trung tâm đều lắc đầu từ chối hoặc nếu có thì chỉ hời hợt đưa ra tư vấn: “Sẽ hỗ trợ trong lúc thi”, giá cả thì dao động từ 2-4 triệu đồng/khóa tùy trình độ, nhưng vẫn phải đến học.
“Tội gì mà làm cái đó cho đắt đỏ, cứ làm loại cũ vẫn đảm bảo 100% mà”, một nhân viên cơ sở ngoại ngữ đặt gần Đại học Bách khoa Hà Nội tư vấn.
Rất nhiều chứng chỉ, chứng nhận trong tập hồ sơ này được nhân viên tư vấn khoe với PV.
Cần cơ quan chức năng vào cuộc
Để làm rõ hơn vấn đề trên, chiều 5/12, PV đã có cuộc trao đổi với đại diện Bộ GD&ĐT – ông Nguyễn Hồng Sơn – Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên.
Ông Sơn cho biết liên bộ GD&ĐT và Thông tin & Truyền thông (Bộ TTTT) đã phối hợp ban hành, thực hiện Thông tư liên tịch số 17/2016 ngày 21/6 quy định tổ chức thi và cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin.
Theo đó, thông tư liên tịch này có điều khoản chuyển tiếp được quy định rõ như sau: Đối với các khóa đào tạo, cấp chứng chỉ tin học ứng dụng A, B, C (theo Quyết định số 21/2000 ngày 3/7/2000 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc ban hành chương trình tin học ứng dụng A, B, C) đang triển khai trước ngày thông tư liên tịch này có hiệu lực vẫn được tiếp tục thực hiện, cấp chứng chỉ ứng dụng cho đến khi kết thúc.
Do đó, nếu tại một đơn vị đào tạo nào đó tổ chức chiêu sinh để đào tạo và cấp chứng chỉ tin học ứng dụng A, B, C cho học viên trước ngày 10/8, nhưng sau thời hạn đó vẫn chưa kịp cấp, học viên vẫn sẽ được cấp chứng chỉ loại này theo đúng quy định.
“Bình thường mỗi khóa học kéo dài không quá 3 tháng, nên từ giữa tháng 11, việc cấp chứng chỉ tin học loại này cho học viên đã chính thức dừng lại”, lãnh đạo Vụ Giáo dục thường xuyên phân tích.
Cũng theo lời vị phó vụ trưởng, hiện tượng “mua bán” chứng chỉ loại này (A, B, C) đã diễn ra từ lâu. Trách nhiệm quản lý và xử lý các cơ sở có hành vi trên đã được bộ giao về lãnh đạo các sở GD&ĐT trên cả nước.
“Rõ ràng, nếu ở đâu có tình trạng mua bán chứng chỉ thì đó là hành vi sai luật. Lãnh đạo mà trực tiếp là giám đốc sở GD&ĐT nơi đó phải có trách nhiệm xác minh, xử lý tùy mức độ. Chỉ cần nộp hồ sơ, đóng tiền mà không cần học, thi nhưng vẫn có chứng chỉ là trái với quy định”, ông Sơn nhấn mạnh.
Cũng theo ông Sơn, việc cấp mới chứng chỉ A, B, C đã bị dừng lại nên những người có nhu cầu chung cần hết sức tỉnh táo. Đừng nghe theo lời quảng cáo trên mạng của các trung tâm nói rằng sẽ “mua bán” chứng chỉ loại này với chi phí khoảng vài trăm nghìn đồng là xong. Cần tìm hiểu kỹ thông tư của bộ để tránh bị mất tiền oan.
Nhóm PV / Lao Động
Chứng chỉ TOEIC là gì
Gần 14.000 doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan chính phủ ở 150 quốc gia chấp nhận kết quả TOEIC; gần 6 triệu người thi TOEIC mỗi năm.
TOEIC là bài thi chuẩn hóa nhằm kiểm tra trình độ ngôn ngữ tiếng Anh được quốc tế công nhận. Chứng chỉ TOEIC có tác dụng đánh giá kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh trong môi trường làm việc của những người không nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ. Hầu hết ứng viên làm việc cho các công ty quốc tế thi TOEIC để có được một vị trí tốt hơn trên thị trường lao động hoặc được nhận vào hệ thống đào tạo quốc tế.
Hiện nay, hình thức phổ biến nhất là bài thi trắc nghiệm trên giấy TOEIC Listening and Reading (đánh giá kỹ năng Nghe và Đọc).
Cấu trúc và thời gian làm bài
Cấu trúc bài thi truyền thống. Ảnh: Thanh Tâm
Bài thi TOEIC kéo dài hai tiếng, gồm hai phần lần lượt là Nghe (Listening) và Đọc (Reading). Mỗi phần bao gồm 4 bài tập và 100 câu hỏi. Trong đó mỗi câu hỏi chỉ có một đáp án đúng, trả lời sai không bị trừ điểm, mỗi đoạn ghi âm chỉ được phát một lần.
Cấu trúc phần Nghe của bài thi TOEIC. Ảnh: Thanh Tâm
Không giống các kỳ thi khác, thời gian giới hạn của kỳ thi TOEIC được phân bố dựa vào các phần chứ không phải dựa vào từng bài tập. Phần Nghe kéo dài 45 phút, phần Đọc kéo dài 75 phút.
Đối với phần Nghe, bạn phải điền đáp án vào phiếu trả lời ngay sau mỗi phần ghi âm được nghe. Tuy nhiên, đối với phần Đọc, bạn có thể phân chia thời gian giữa 4 bài tập phải hoàn thành. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức: bạn cần tránh mất nhiều thời gian cho những câu hỏi đầu tiên.
Cấu trúc phần Đọc của bài thi TOEIC. Ảnh: Thanh Tâm
Cách tính điểm TOEIC
Mỗi phần bao gồm 100 câu hỏi. Mỗi ứng viên sẽ có từ 5 đến 495 điểm cho mỗi phần. Điểm TOEIC cuối cùng là tổng điểm giữa hai phần. Số điểm cao nhất mà bạn có thể đạt được là 990, số điểm thấp nhất là 10.
Bạn sẽ phải điền 200 đáp án vào phiếu trả lời được cung cấp đầu giờ. Đáp án được coi là hợp lệ nếu được tô bút chì đầy ô, bút chì được cung cấp cùng phiếu trả lời.
Theo VNE
Học nghề phổ thông: Lộ kẽ hở chạy điểm Trên thực tế, việc dạy học, cấp chứng chỉ còn có kẽ hở để các trường làm ẩu, học sinh học đối phó, không mang lại hiệu quả. Theo công văn hướng dẫn về thi và cấp chứng nhận nghề phổ thông của Bộ GD&ĐT ra cách đây 16 năm (tháng 3/2000) quy định hàng năm Sở Giáo dục tổ chức thi cấp...