Chứng chỉ ngoại ngữ: Không chỉ để làm đẹp hồ sơ
Chứng chỉ IELTS đã được cho phép thi trở lại ở Việt Nam sau một thời gian ngắn bị gián đoạn.
Từ câu chuyện này, có ý kiến băn khoăn về việc người học có phải đang thần thánh hóa những chứng chỉ quốc tế hay không?
Ảnh minh họa.
Ưu thế khi du học, xét tuyển đại học
Thảo Uyên – học sinh lớp 12 Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho biết, em và nhiều bạn trong lớp vừa thở phào vì thông tin chứng chỉ tiếng Anh được cấp phép thi trở lại. Nguyên nhân là vì Uyên đang hoàn thiện hồ sơ để nộp vào một số trường đại học ở Úc. Nếu không kịp thi chứng chỉ này trước tháng 12 thì con đường du học của em có thể bị ảnh hưởng, bao nhiêu công sức đã chuẩn bị trước đó phải đổ sông đổ biển…
Trên thực tế, đối với những ai có ý định đi du học thì việc sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là một trong những điều kiện cần thiết để làm nền tảng xét học bổng và xem xét người học có đạt tiêu chuẩn để đi du học hay không. Ở Việt Nam, nhiều trường cũng áp dụng phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ với điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm học bạ, như các trường ĐH Ngoại thương, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Công nghiệp Hà Nội… nên không khó hiểu khi ngày càng nhiều người đặt mục tiêu thi các chứng chỉ này.
Nhìn nhận xu hướng này, thầy giáo Nguyễn Hữu Lộc – người có nhiều năm luyện thi IELTS ở Hà Nội cho biết, với học sinh khi tốt nghiệp THPT, sở hữu chứng chỉ này là có cơ hội rộng mở vào ĐH. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngoài việc được miễn thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ, các chứng chỉ quốc tế có thể dùng để quy đổi sang điểm ngoại ngữ của các trường ĐH. Riêng đối với học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh muốn du học, việc sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ gần như là điều kiện bắt buộc nên vài năm trở lại đây, việc học ngoại ngữ với mục tiêu rõ ràng là đạt kết quả bao nhiêu sau khóa học được người học đặt ra trực tiếp với trung tâm hoặc giáo viên đứng lớp.
Trên thực tế, với các ứng cử viên nộp hồ sơ tuyển dụng, nếu đính kèm thêm chứng chỉ ngoại ngữ sẽ tạo ấn tượng tốt cho nhà tuyển dụng. Theo phân tích của ông Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp TPHCM, khả năng sử dụng thông thạo ngoại ngữ có thể giúp ứng cử viên mở ra những cánh cửa mới trên con đường sự nghiệp. Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, các công ty đa quốc gia ngày càng phủ sóng độ lan tỏa ở nhiều nước trên thế giới. Ngay cả ở các công ty Việt Nam, nhiều vị trí đòi hỏi khả năng sử dụng ngoại ngữ lưu loát nên sở hữu IELTS sẽ tăng lợi thế cạnh tranh trong môi trường làm việc cũng như phát triển sự nghiệp.
Quan trọng là khả năng sử dụng ngoại ngữ
Theo anh Đỗ Văn Vượng – Cố vấn kỹ thuật sửa chữa chung tại Công ty TNHH Toyota Long Biên, công việc của anh đòi hỏi phải đọc hiểu, cập nhật các thông số, dữ liệu, tài liệu hướng dẫn bằng tiếng Anh. Để không bị tụt hậu, anh chịu khó mày mò, tự học ngoại ngữ chuyên ngành để có thể đọc dịch tài liệu để mở mang kiến thức của mình. Bởi với nghề sửa chữa ô tô, nếu không thường xuyên cập nhật kiến thức, công nghệ mới, chắc chắn sẽ không thể “bắt bệnh” và xử lý được các tình huống, nhất là những “ca” khó, chưa có tiền lệ.
Khi công việc trở thành động lực để phấn đấu học ngoại ngữ, nhiều người đã và đang nỗ lực học tập và khi đó, chứng chỉ là không cần thiết. Thậm chí, để lọt vào vòng phỏng vấn, hồ sơ đẹp với chứng chỉ ngoại ngữ xuất sắc là một ưu thế nhưng không khó để nhà tuyển dụng biết được thực lực ngoại ngữ của ứng cử viên là thế nào. Nên nếu không học thật, thi thật để sở hữu chứng chỉ đúng với khả năng của mình thì kể cả khi sở hữu các chứng chỉ này cũng không giúp người học tiến xa hơn.
Gần đây nhất, trên mạng xã hội râm ran câu chuyện một cô gái trẻ sở hữu chứng chỉ IELTS với kết quả 9.0 khiến nhiều người trầm trồ nhưng sau đó bị phát hiện là… giả, “đi mượn” của người khác. Khi bằng cấp không đi cùng với thực lực thì sẽ rất nhanh bị phát hiện bởi thi lấy chứng chỉ không nên chỉ là để làm đẹp hồ sơ mà cao hơn, mục tiêu cuối cùng vẫn phải là khả năng sử dụng ngoại ngữ trong cuộc sống, công việc hàng ngày.
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) các chứng chỉ ngoại ngữ dù là quốc tế hay của Việt Nam đều là công cụ đánh giá năng lực ngoại ngữ của người học theo bộ tiêu chuẩn của chứng chỉ đó. Các kỳ thi này dù kiểm tra đầy đủ cả 4 kỹ năng nghe nói đọc viết hay chỉ kiểm tra một số kỹ năng thì vẫn nên chỉ coi là một căn cứ để đánh giá năng lực của thí sinh.
Mới đây, nhiều trường ĐH của Việt Nam đã đưa ra thông báo sử dụng Chứng chỉ tiếng Anh theo Khung năng lực Ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam (chứng chỉ VSTEP) trong mùa tuyển sinh 2023 cùng với các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đã được sử dụng phổ biến như IELTS, TOEFL… TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, để lựa chọn được công cụ đánh giá phù hợp, đảm bảo độ tin cậy, chính xác thì cần dựa trên các yếu tố về đội ngũ ra đề thi có kinh nghiệm dày dặn, chuyên nghiệp, cấu trúc đề thi đã được thử nghiệm, điều chỉnh để xây dựng thành đề thi chuẩn. Về khâu tổ chức thi, chấm thi phải chặt chẽ, nghiêm túc. Các đơn vị tổ chức thi và cấp chứng chỉ cam kết tuân thủ theo quy trình về đảm bảo chất lượng. Cần có sự kiểm soát của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan chức năng để tránh tình trạng bát nháo mua bán chứng chỉ.
Chuyên gia giáo dục: 'Đừng thần thánh hóa chứng chỉ IELTS, điểm 8.0 hay 9.0 chưa có gì để tự hào'
Theo chuyên gia giáo dục Ngô Huy Tâm, mỗi người nên xây dựng cho mình một lộ trình học tập riêng để thể hiện năng lực của bản thân qua hồ sơ trong bối cảnh 'tiến thoái lưỡng nan' như hiện nay.
Những ngày gần đây, thông tin hàng loạt kỳ thi lấy các chứng chỉ ngoại ngữ buộc phải tạm hoãn do chưa hoàn thiện được hồ sơ đề nghị phê duyệt và xin cấp phép của Bộ GD&ĐT đã gây xôn xao không nhỏ. Trong số các chứng chỉ đó, nổi bật nhất phải kể đến IELTS - chứng chỉ tiếng Anh cực kỳ quan trọng dành cho việc xét tuyển đại học, du học, chuẩn đầu ra tốt nghiệp...
Việc kỳ thi IELTS tạm hoãn này khiến nhiều phụ huynh, học sinh lo lắng kế hoạch cũng như tiến trình học tập của bản thân có thể bị đổ bể. Vì lo sợ, nhiều người còn tính đến việc sẽ ra nước ngoài để thi. Trước những luồng dư luận trái chiều, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia nghiên cứu giáo dục Ngô Huy Tâm về vấn đề này.
Chuyên gia nghiên cứu giáo dục Ngô Huy Tâm.
Video đang HOT
Chào anh, các em học sinh và phụ huynh đang lo lắng trước thông tin hàng loạt kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế bị tạm hoãn. Quan điểm của anh về vấn đề này như thế nào?
Trong tất cả các chứng chỉ ngoại ngữ thì chứng chỉ IELTS là chứng chỉ bị ảnh hưởng nhiều nhất, còn các chứng chỉ khác cũng bị ảnh hưởng trong thời điểm này nhưng đối tượng tác động vào thì ít hơn rất nhiều vì trên thực tế, với nhiều chứng chỉ bạn muốn thi thì buộc phải đến các thành phố như Hà Nội, TP.HCM. Riêng với IELETS thì British Council (Hội đồng Anh) và IDP Education (Úc) thời gian vừa qua đều có một chiến lược phủ rộng. Điều này tạo điều kiện giúp cho phụ huynh, học sinh có thể thi trực tiếp tại địa phương của mình, thành thử độ ảnh hưởng cũng rộng hơn.
Hiện, IELTS là một trong hai kỳ thi tiếng Anh quốc tế phổ biến nhất thế giới, bên cạnh TOEFL. IELTS được hàng ngàn tổ chức chấp nhận, bao gồm các trường học và đại học tại hơn 140 quốc gia, vùng lãnh thổ. Riêng tại Mỹ, hơn 3.000 tổ chức chấp nhận IELTS.
IELTS được đồng điều hành bởi 3 tổ chức IDP Education (Úc), Hội đồng Anh và tổ chức ESOL thuộc ĐH Cambridge (Anh). IELTS được chấp nhận là bằng chứng năng lực tiếng Anh để học tập, làm việc và di cư tại Úc, Canada, New Zealand và Anh, bao gồm bài thi IELTS học thuật (IELTS Academic) và kỳ thi IELTS tổng quát (General Training).
Trước thông tin các kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ bị tạm hoãn và đến thời điểm hiện tại, chưa có trung tâm, đơn vị nào đưa ra thời hạn thi trở lại, mọi người đang phải chịu một tâm lý hoang mang nhất định.
Bên cạnh đó, tháng 11 cũng là tháng có nhiều bạn trẻ trong quá trình làm hồ sơ đi du học. Họ chính là những người lo lắng nhất vì chứng chỉ IELTS và TOEFL vẫn là một trong những điều kiện cần với những học sinh ở những quốc gia như Việt Nam chúng ta. Có một số trường sẽ cho các bạn nộp muộn hồ sơ hoặc tạm hoãn nếu các bạn chưa được thi hoặc chưa nộp được. Tuy nhiên trong bối cảnh thị trường du học như hiện nay, không ít trường càng ngày càng trở nên khắt khe hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc không kịp thi lấy chứng chỉ sẽ ảnh hưởng trực tiếp quyền lợi đến các bạn học sinh đang có nhu cầu, điều kiện đi du học. Những bạn có năng lực và học bổng thì độ ảnh hưởng thậm chí còn nhiều hơn.
Khi chúng ta đưa kỳ thi IELTS này vào như một hệ quy chiếu trong kỳ thi chuẩn hóa quốc gia để quy đổi điểm thì nhóm đối tượng thứ 2 ảnh hưởng là toàn bộ học sinh cấp 3. Bên cạnh đó là một bộ phận học sinh cấp 2, lý do là bởi giờ có nhiều gia đình coi việc ôn luyện IELTS như một "chiến lược dài hạn" để các em "một công đôi việc", vừa có chứng chỉ để quy đổi điểm, vừa tạo điều kiện cho những ai có nhu cầu đi du học và có học bổng.
Sẽ khá khó để đưa ra câu trả lời: "Đến khi nào mới có thể đưa việc thi chứng chỉ ngoại ngữ này quay trở lại trạng thái như xưa?", vì có một số vấn đề liên quan đến quy trình tổ chức, đối tác nếu không đảm bảo được quy trình của Bộ GD&ĐT thì sẽ mất khá lâu để phục hồi lại. Trong thời gian tới các bạn sẽ phải lưu ý một số điều như địa điểm thi chứng chỉ ngoại ngữ sẽ bị thay đổi theo hướng một số địa điểm sẽ mất đi, hoặc mở ra nhưng phải đảm bảo các quy định mới. Cá nhân tôi thì cho rằng nên quy tất cả về một mối.
Các bạn học sinh cũng như các bậc phụ huynh nên theo dõi những thông tin chính thức từ IDP Education (Úc) và British Council (Hội đồng Anh) - 2 đơn vị sở hữu kỳ thi IELTS. Họ là người nắm rõ nhất đơn vị hợp tác để tổ chức thi ở các địa phương khác, những đối tác nào đang được rà soát, đối tác nào mới,... thay vì các thông tin trôi nổi trên MXH. Tôi tin bản thân IDP Education (Úc) và British Council (Hội đồng Anh) sẽ đưa ra phản hồi sớm nhất về vấn đề này.
Thông báo của IDP về việc hoãn tổ chức kỳ thi IELTS
Có ý kiến cho rằng hoạt động thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ thời gian qua có nhiều bất cập, thậm chí xuất hiện nghi vấn gian lận nên bị buộc tạm dừng để rà soát, anh nghĩ sao?
Thời gian vừa qua, nghi vấn các hoạt động thi này chưa được minh bạch có dấy lên trong dư luận. Và xuất hiện dư luận thì những người làm quản lý hay như bản thân tôi là người làm chuyên môn cũng phải nhìn vào để xem xét đây là "fake news" (tin tức giả) hay là một vấn đề thực sự tồn tại.
Các vấn đề này đã được chứng minh không phải là tin đồn thất thiệt, bởi vậy các hoạt động thi chứng chỉ ngoại ngữ này cần được rà soát. Đơn vị nào ngừng tổ chức cấp chứng chỉ có nghĩa họ chưa đáp ứng được tiêu chuẩn mà Bộ GD&ĐT đưa ra.
Theo tôi đây là sự chọn lọc đầy khách quan và công tâm. Bởi nếu những luồng thông tin gây hoang mang như vậy vẫn còn, sẽ khó tránh khỏi việc sẽ có người trục lợi. Dư luận cần được lành mạnh hóa. Tôi nghĩ rằng sau đợt này, phụ huynh và học sinh yên tâm hơn rất nhiều. Khi có sự quản lý, quản chế rõ ràng hơn, các kỳ thi cũng sẽ công bằng, công tâm hơn.
Anh đánh giá tình hình học IELTS của học sinh Việt Nam hiện nay như thế nào? Có hay không việc nhiều người đi học chỉ vì coi nó hợp xu hướng?
Trước đây, IELTS vốn chỉ phục vụ nhóm đối tượng rất nhỏ nhưng theo thời gian, điểm IELTS được quy chiếu trực tiếp ra điểm thi THPT quốc gia nên học và thi IELTS cũng trở thành nhu cầu tất yếu.
Đúng là thời gian gần đây mọi người đi học IELTS khá là đông. Nó như một trào lưu vậy, và theo tôi nó là một trào lưu tốt. IELTS là một chứng chỉ rất hay, nó không giống như các chứng chỉ tiếng Anh khác chỉ đánh giá phiến diện một vài kỹ năng mà đánh giá khá đầy đủ cả 4 kỹ năng: Nghe - Nói - Đọc - Viết. Nếu bạn đạt được điểm số IELTS cao, bạn có quyền tự tin phần nào vào khả năng tiếng Anh của mình.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, vẫn có nhiều bạn học IELTS nhưng chưa có một nhu cầu cụ thể để sử dụng nó. Trong trường hợp này, tôi nghĩ các bạn nên xác định trước nhu cầu thực sự của mình là gì rồi hẵng đi học. Suy cho cùng, việc học IELTS tốt hay xấu đều phụ thuộc vào mục đích của mỗi người.
Theo Chuyên gia Ngô Huy Tâm việc cầm được tấm bằng IELTS 8.0 hay 9.0 chưa có gì là tự hào mà đó chỉ là điểm khởi đầu mới của mỗi bạn
Nhưng rõ ràng vẫn có trường hợp điểm IELTS cao nhưng khả năng tiếp xúc và sử dụng tiếng Anh không cao?
Điều này cũng phần nào đúng sự thật. Khi tôi còn ở bên Mỹ hỗ trợ các bạn sinh viên sang học, nhiều bạn điểm IELTS thi ở nhà rất tốt nhưng sang đến nơi, đi thang máy nghe người bản xứ nói chuyện, các bạn vẫn không hiểu họ nói cái gì.
Vốn dĩ IELTS là một kỳ thi mang tính thang đo, không đo được tính toàn diện mà chỉ đo được lát cắt một chiều nào đó mà thôi. IELTS đo được năng lực của bạn trong môi trường học thuật. Tuy nhiên, bạn được 8.0, 9.0 IELTS không có nghĩa bạn đã đủ giỏi để hiểu hết những kiến thức mình sẽ học ở môi trường nước ngoài. Bởi việc sử dụng và học là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau.
Nói sâu hơn về việc học IELTS hiện nay của các bạn học sinh, thì anh thấy các bạn đang có hiểu lầm gì về kỳ thi này không?
Nếu các bạn tốt tiếng Anh thì kể cả thi IELTS, TOEIC hay bất kỳ chứng chỉ nào thì cũng phản ánh được năng lực của bạn. Tôi gặp không ít những người các bạn giỏi tiếng Anh nhưng chẳng bao giờ tham gia mấy kỳ thi lấy chứng chỉ. Trong khi đó thì cũng có những bạn học chuyên IELTS thi lấy chứng chỉ điểm rất cao nhưng chuyển sang thi các chứng chỉ khác điểm lại khá thấp.
Điều mà các bạn đang hiểu lầm ở đây là IELTS có thể khẳng định 100% năng lực tiếng Anh của bản thân. Quan niệm nay là sai lầm, điểm thi cao chỉ khẳng định được rằng bạn đang làm bài IELTS rất tốt với kỹ năng ngôn ngữ của mình, chứ không khẳng định được năng lực của bạn đã đạt đến đỉnh cao trong ngôn ngữ học.
Một hiểu lầm nữa đó là tâm lý của học sinh và phụ huynh luôn muốn tìm đến các trung tâm nước ngoài. Ở Việt Nam có một số trung tâm do người nước ngoài dạy cực kỳ tốt, nhưng thực tế, các giáo viên ấy cũng cần phải có kinh nghiệm và quen với phong cách của học sinh Việt Nam rồi thì việc giảng dạy mới dễ hiểu. Người bản xứ nói tiếng Anh theo bản năng, không phải ai cũng học và nghiên cứu ngôn ngữ này về mặt ngữ pháp nên sẽ rất khó để họ có thể hiểu người nước ngoài học tiếng Anh khó ra sao.
"Tôi có nghe về việc những bạn được IELTS 7.0 hay 8.0 sang nước ngoài vẫn rất khó khăn khi tiếp thu bài giảng", Chuyên gia Ngô Huy Tâm chia sẻ (Ảnh minh họa)
Học sinh Việt Nam thường yếu phần nào nhất trong 4 kỹ năng Nghe - Nói - Đọc - Viết?
Trong 4 kỹ năng, học sinh Việt Nam thường giỏi kỹ năng Nghe và Đọc hơn là kỹ năng Nói và Viết, hay nói cách khác là kỹ năng thụ động tốt hơn kỹ năng thụ động.
Nhiều bạn hay ôn tủ 2 kỹ năng nghe và đọc. Trong trường hợp bạn đoán được xu hướng đề, bạn sẽ có luôn cả phần từ vựng. Thậm chí, bạn học tủ bằng cách học thuộc đáp án thì vẫn có khả năng được điểm cao.
Quay lại với vấn đề kỹ năng Nói và Viết của nhiều bạn học sinh Việt Nam chưa tốt. Theo tôi, có nhiều nguyên nhân khiến vấn đề này xuất hiện. Thứ nhất là do chương trình học phổ thông của nước ta không đề cao kỹ năng Nói và Viết. Thứ hai là trong môi trường lớp học, sẽ khá khó cho các thầy cô giáo để truyền tải hết 2 kỹ năng này cho tất cả học sinh vì sĩ số mỗi lớp thường rất đông, việc tổ chức dạy và học gặp nhiều khó khăn.
Không ít trường hợp người bình thường đi thi IELTS được 8.0 đã mạnh dạn mở lớp dạy học, anh đánh giá đội ngũ này như thế nào?
Nói một cách khách quan, đây là thực trạng không thể tránh khỏi giữa thời đại MXH bùng nổ khiến thông tin đang dần trở nên bị loãng. Ở Việt Nam, các trung tâm dạy ngoại ngữ mọc lên rất nhiều nên dễ xảy ra tình trạng thiếu giảng viên. Bản thân tôi từng được mời đi dạy rất nhiều nên tôi hiểu vấn đề này.
Tuy nhiên, chúng ta cần cắt nghĩa lại khái niệm "Được 8.0 IELTS có nghĩa là gì?". Thi được 8.0 IELTS là bạn đủ năng lực nghe, nói, đọc, viết, học thuật để theo kịp những chương trình ở cấp độ đại học với người bản xứ. Các bạn trẻ được 7.5 hay 8.0 IELTS đã bắt đầu đi giảng dạy, về một khía cạnh nào đó thì không phải điều xấu. Kể cả khi đây là việc làm trái ngành thì qua quá trình bồi dưỡng nghiệp vụ, họ vẫn hoàn toàn có khả năng trở thành một giáo viên giỏi trong tương lai.
Nhưng mà bức tranh không phải toàn màu hồng, không phải giáo viên nào cũng giỏi. Nếu người học muốn tìm được một địa chỉ thực sự tốt để học thì phải cân nhắc rất kỹ. Giả sử một giáo viên dạy phát âm sai thì từ phát âm sai đó sẽ đi theo học viên đến suốt quãng đường sau này, để tìm lại được cái đúng sẽ rất mất thời gian.
Ảnh minh họa
Các trung tâm dạy IELTS càng ngày càng mọc lên như nấm trong khi nhiều giáo viên có thói quen dạy học viên học theo tips, theo anh điều này có nên khuyến khích không?
Dạy theo tips không sai nhưng chúng ta cần định nghĩa lại "tips" ở đây là gì? Nếu bạn học theo bài, theo tủ, nghĩa là giáo viên của bạn đang dạy theo mẹo. Vốn dĩ các đề thi được thiết kế để tránh học sinh học theo tủ, theo mẹo nên nếu giáo viên dạy theo những phương pháp này thì theo tôi, các bạn học sinh không nên đầu tư. Học tập không phải việc chỉ làm trong một thời điểm nhất định, việc bạn cầm được tấm bằng IELTS 8.0 hay 9.0 trên tay cũng chưa có gì là tự hào hết mà đó mới chỉ là điểm khởi đầu của bạn mà thôi.
Khi bạn sang nước ngoài, điểm IELTS 9.0 của bạn chỉ được vận hành ngang một lao động phổ thông tốt nghiệp cấp 3 ở bên đó. Khi chúng ta nói từ "thần thánh hóa" là ta đang đề cao giá trị của tấm bằng IELTS quá cao so với mục đích của nó được thiết kế ra. Nên nhớ, IELTS vốn chỉ là thước đo để đánh giá học sinh có thích nghi được với môi trường học tập hay không mà thôi.
Vậy đề IELTS có đoán được không, và có dễ đoán không?
Đề IELTS thường theo một form nhất định, các bạn làm đủ nhiều thì sẽ quen với nó. Nhưng đề sẽ không hề dễ đoán, nó đơn giản là theo motif được định hình trước thôi.
Thường thì những đơn vị tổ chức thi IELTS sẽ có một ngân hàng đề, những đề thi đã được ra rồi vẫn có xác suất được lựa chọn lại và cho vào ngân hàng này. Có nghĩa là trong kỳ thi ở Việt Nam, việc thi trúng đề thi đã từng ra là có thể xảy ra, dù tỉ lệ không cao.
Tuy nhiên các bạn học theo phương pháp này sẽ gặp phải hai vấn đề chính. Thứ nhất là ngân hàng đề rất rộng, để trúng được một đề thì các bạn phải học một bộ đề từ 50 đến 100 đề khác nhau. Và nếu đã phải học 50, 100 đề như vậy tại sao bạn không bỏ sức ra học hẳn hoi ngay từ đầu, để không phải phụ thuộc vào vấn đề đoán đề nữa.
Thứ hai, không phải đề dự đoán hay các đề đã ra ở nước ngoài nào cũng giống hoàn toàn với đề thi tại Việt Nam. Ví dụ phần đoạn văn giống nhau nhưng câu hỏi khác đi một chút là đáp án cũng sẽ khác đi một chút. Muốn thi trúng đề 100% là chuyện chắc chắn không thể. Hãy sử dụng những bộ đề này như tài liệu tham khảo thôi.
Nếu một bạn đang học cấp 3 vừa bắt đầu học IELTS thì lộ trình để bạn ấy có thể đạt được 6.5 IELTS là như thế nào?
Với mặt bằng chung của các học sinh Việt Nam như hiện nay thì chỉ cần học xong cấp 3, các bạn hoàn toàn có khả năng thi IELTS và đạt mức điểm 6.5 một cách không hề khó khăn.
Tuy nhiên, việc học theo một lộ trình cũng là một việc tốt. Đầu tiên tôi nghĩ các bạn cần biết mình đang ở đâu. Nếu không biết trình độ mình đang như thế nào, các bạn nên làm một bài test trước. Mỗi trình độ sẽ có một phương pháp học khác nhau, nếu dưới 5.0 thì từ vựng phải đủ, ngữ pháp phải đủ, kỹ năng nghe nói đọc viết phải được trau dồi. Còn nếu bạn đã được 6.0 - 6.5 thì việc bạn cần làm là bổ sung những kiến thức cơ bản bên cạnh việc luyện thêm kỹ năng từ tài liệu hoặc thầy cô.
Sau khi hiểu mình đang đứng ở đâu, các bạn cần biết thêm mình phù hợp với phương pháp học tập như thế nào. Nhiều bạn học sinh có thể lên lớp nghe thầy cô giảng không hiểu gì, nhưng về nhà đọc sách lại nhớ kiến thức rất lâu. Ngược lại, một số bạn có đọc bao nhiêu sách cũng không thấm nhưng được giảng bài là hiểu ngay. Có được phương pháp học tập thực sự phù hợp sẽ khiến người học học hiệu quả hơn rất nhiều.
Người Việt yếu phát âm, bởi chúng ta không có một môi trường tốt để luyện phát âm (Ảnh minh họa)
Lời khuyên của anh đến với các bạn học sinh, sinh viên trong tình hình "tiến thoái lưỡng nan" hiện nay là gì?
- Bớt "thần thánh hóa" chứng chỉ IELTS, hãy chỉ coi đó là thước đo học thuật và là chuẩn mực để cố gắng.
- Tranh thủ thời gian để lên lộ trình học tập thực sự đúng đắn và phù hợp.
- Hãy viết ngay thư cho ngôi trường mà mình đăng ký để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của bản thân cũng như giải thích về tình hình hiện tại. Việc viết thư sớm là điều rất tốt vì trường có thể thông qua đó để đánh giá bạn là một người chủ động, linh hoạt, có điểm mạnh để học tập và phát triển tại môi trường của họ.
Cám ơn những chia sẻ hữu ích từ anh!
Chuyên gia Ngô Huy Tâm tốt nghiệp Học viện Ngoại giao năm 2008 tại Việt Nam, sau đó tiếp tục theo học tại Đại học Houston Baptist (Mỹ) chuyên ngành về Thiết kế chương trình giáo dục. Anh đã nhận chứng chỉ của Đại học Harvard về Giáo dục sớm, đồng thời từng tham gia vào các dự án về Giáo dục và Phát triển sớm tại Đại học Washington.
Từ năm 2018 đến nay, anh Ngô Huy Tâm dịch sách về giáo dục, quản lý và cộng tác với nhiều đơn vị truyền thông uy tín như Tạp chí điện tử về giáo dục "Dạy và Học", chuyên đề "Con cái của chúng ta" trên sóng Cafe Sáng VTV3 - Đài Truyền hình Việt Nam...
Ngoài ra, anh còn là thành viên Hội đồng Cố vấn chuyên môn Edlab Asia, đồng tác giả "Đề án khung năng lực tiếp cận lực kỹ thuật số" với vai trò chuyên gia độc lập làm việc cùng Bộ GD&ĐT và UNICEF. Hiện, chuyên gia Ngô Huy Tâm là Chủ nhiệm Chương trình Quốc tế của Phenikaa School.
Ngoài IELTS, những chứng chỉ Tiếng Anh nào được ưu tiên xét tuyển đại học? Ngoài chứng chỉ IELTS, các chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế như TOEIC, TOEFL cũng ngày càng được các trường đại học Việt Nam ưu tiên trong phương án xét tuyển, cùng với đó là Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc. Hiện nay, Hội đồng Anh và IDP - cả hai đơn vị sở hữu bài thi IELTS tại Việt Nam -...