Chui vào túi nilon để qua suối
Vào mùa lũ, các thầy cô giáo, học sinh ở bản Sam Lang (xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) phải chui vào túi nilông và nhờ người biết bơi kéo qua suối.
Trong câu chuyện về điểm trường Tháng ba biên giới được xây dựng ở bản Sam Lang, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên (ngôi trường mới ở Sam Lang), có nhắc tới cung đường dài 18 cây số từ trung tâm xã Nà Hỳ vào bản. Nhưng ấn tượng của cung đường này không chỉ là những con dốc dựng đứng, những vực sâu hun hút mà sơ sẩy một chút có thể đánh đổi cả sinh mạng mình.
Thầy giáo Lò Văn Chiến dù quá quen với cung đường này song không ít lần khiến tôi thót tim khi ngồi sau chiếc xe máy của thầy. Nhất là những đoạn dốc dựng đứng mà đất dưới nền đường đã vụn thành một lớp bột mịn như rây, dày cả tấc. Bánh xe không bám được vào nền đường, cứ thế trượt dài trong mớ bột đất tơi mịn dù đã đạp thắng xe hết cỡ, trong khi bên vệ đường là vực sâu hun hút.
Vào mùa lũ, các thầy cô giáo, học sinh ở bản Sam Lang phải chui vào túi nilon và nhờ người biết bơi kéo qua suối – Ảnh trích từ clip của cô giáo Tòng Thị Minh.
Liều mình vượt suối
“Tất cả vì học sinh thân yêu”
“Tất cả vì học sinh thân yêu” là câu khẩu hiệu được viết rất trang trọng trên tường của nhiều ngôi trường. Nhưng ở Sam Lang, “tất cả vì học sinh thân yêu” không hề là câu khẩu hiệu, nó hiện ra cụ thể trên chặng đường mà các thầy cô giáo như cô Minh, thầy Quý, thầy Sen, thầy Trường, thầy Chinh… đang mang con chữ đến với học sinh của mình. Câu khẩu hiệu đó được cụ thể hóa và có khi đầy nguy hiểm như câu chuyện vượt suối mùa lũ bằng túi nilông mà chúng tôi vừa kể!
Khi gặp cô giáo Tòng Thị Minh, giáo viên mẫu giáo đang dạy ở điểm trường Sam Lang, nhắc lại chặng đường vừa đi từ Na Hỳ vào Sam Lang và bày tỏ sự khâm phục với “tay lái lụa” của các cô giáo khi hằng tuần đi về trên chặng đường này, cô Minh cười bảo: “Các anh đi hôm nay trời khô ráo, quá sướng, vào đây mùa lũ thì các anh phải xem cái này!”.
Nói rồi cô Minh mở điện thoại cho chúng tôi xem một đoạn clip cảnh vượt suối đến trường vào mùa lũ mà tôi tin chắc chưa ở đâu trên thế giới này có kiểu qua suối kỳ lạ như thế.
Đã từng xem những thước phim về đu dây qua sông, ôm can nhựa, ôm thân chuối bơi qua sông… nhưng đoạn clip cô giáo Minh quay bằng điện thoại và mở cho xem nằm ngoài tất cả sự tưởng tượng của chúng tôi.
Trong chiếc điện thoại của cô giáo Tòng Thị Minh, đoạn clip quay cảnh các cô giáo đứng bên bờ suối, nước xiết cuồn cuộn.
Rồi các cô chui vào những bao nilông và ngồi lọt thỏm trong bao cho miệng bao trùm kín quá đầu. Những thanh niên trai bản biết bơi sẽ túm gọn miệng bao đựng cô giáo và kéo các cô – lúc này nằm im trong túi nilông ấy – để bơi vượt qua suối. Một tay túm miệng bao, một tay sải nước bất chấp con suối mùa lũ đang băng băng chảy xiết.
Video đang HOT
Tất nhiên các cô giáo nằm im và nín thở khi nằm trong cái phao túi bóng ấy. Nói dại, nước thì xiết, cái túi nilông mỏng manh, nhỡ tuột tay hay các cô cựa quậy vì ngộp làm cái túi mỏng manh kia rách thì tính mạng các cô giáo sẽ thế nào giữa dòng suối ấy đây?
Thấy chúng tôi quá quan tâm tới đoạn phim quay cảnh vượt suối mùa lũ có một không hai này, cô Minh bảo: “Ôi chuyện bình thường mà, chúng em chỉ có cách đó qua suối thôi chứ chả cây cầu nào chịu được lũ rừng cả”.
Con suối cô Minh quay cảnh tượng “rùng rợn” kia là suối Nậm Pồ, đoạn giáp ranh giữa hai bản Lai Khoang và Sam Lang, trên trục đường từ trung tâm xã vào tận đường biên giới Việt – Lào.
Cô Minh bảo: “Hồi tháng 9/2013 em bắt đầu chuyển từ Nà Bủng về điểm trường này. Lần đầu gặp lũ không biết làm thế nào để đi qua thì thấy dân bản đều “vượt lũ” bằng cách này nên cũng liều mình làm theo”.
Hôm đó cô Minh đi cùng với cô giáo Huệ, dạy ở Nậm Chua. Cô Huệ nhìn thấy thế hơi hãi không dám qua, vậy là cô Minh đánh bạo chui vào bao và nhờ dân bản đưa qua suối.
Qua tới bờ bên kia, cô Minh vừa gọi với sang động viên cô Huệ, trong clip còn có tiếng của cô Minh: “Chui vào đi, chui vào đi, chị to hơn em mà còn chui được vào cơ mà…”.
Vừa gọi cô vừa lấy chiếc điện thoại quay cảnh cô Huệ qua suối trong túi nilông làm kỷ niệm vì quá… ấn tượng. Nhìn cô Huệ vừa được đưa qua suối, chừng ngộp thở bởi bị nhốt kín trong bao, nét mặt thất thần.
Cách vượt suối của học sinh, giáo viên bản Sam Lang.
Chiếc cầu treo còn trong mơ ước
Nhìn nguy hiểm chết người như thế, nhưng khi đã qua được rồi thì những lần sau gặp lũ dâng ngập cầu các cô cứ bình tĩnh chui vào bao nilon rồi nhờ dân bản vừa bơi vừa kéo cái túi qua suối. “Em thấy cũng bình thường như… cân đường hộp sữa thôi mà!” – cô Minh hài hước.
Cô giáo Tòng Thị Minh và học sinh của mình tại bản Sam Lang – Ảnh: Ngọc Quang
Cô còn một đoạn clip khác quay cảnh vượt suối của học trò, bởi không chỉ các cô giáo, nhiều phụ huynh cũng đưa con vượt suối đến trường bằng cách ấy.
Tất nhiên các em còn bé nên chuyện để các em vào bao nilông xem ra dễ dàng hơn. Trong clip, những ông bố cứ đặt con vào bao rồi tóm lấy miệng túi nhấc bổng và kéo ra suối, bất chấp dòng nước xiết chảy băng băng.
Nằm gọn trong chiếc túi, qua bên kia suối vẫn khô ráo áo quần. Thật tình, so với cảnh đu dây trong câu chuyện về đường đến trường của các em học sinh miền tây Quảng Bình làm xôn xao dư luận mấy năm trước, chuyện qua suối bằng cách nằm trong những túi bóng ở Sam Lang nằm ngoài sự tưởng tượng.
Rời Sam Lang, trên đường trở lại Nà Hỳ chúng tôi đã dừng lại bên chiếc cầu được ghép bằng những mảnh ván gỗ bắc mỏng manh qua suối Nậm Pồ.
Mùa khô lòng suối trơ cạn, nhưng mùa mưa lũ thì như bao con suối trên những địa hình chia cắt bởi nhiều đồi núi dốc, chỉ một trận mưa nguồn là dòng suối trở nên mênh mông cuồn cuộn nước.
Những người dân bản nói đến mùa lũ chiếc cầu lại được tháo đoạn giữa ra, kéo về hai phía, mùa khô đến lại kéo cầu ra. Và từ Nà Hỳ vào Sam Lang, dù Nậm Pồ là con suối lớn nhất nhưng những con suối còn lại cũng khiến chuyện đi lại của dân bản càng cam go hơn.
Bao giờ thì có những cây cầu treo dân sinh vượt suối trên tuyến Nà Hỳ – Sam Lang cho các thầy cô và học sinh có thể an tâm tới trường, cho người dân bình an lên nương?
Chúng tôi nghĩ chắc sẽ còn lâu mới có thể xây ở đây những cây cầu vượt suối. Bởi ngay trục đường chính nối từ tuyến đường Mường Chà đi Mường Nhé chạy vào huyện lỵ Nậm Pồ còn chưa được thi công tử tế thì chuyện làm cầu treo vào bản chắc còn phải rất lâu nữa!
Và vì rất lâu nên không thể biết các thầy cô giáo và học sinh nơi đây sẽ có thêm cách nào khác để qua suối mùa lũ.
Chỉ mới mở đường rộng hơn
Hôm làm việc với thiếu tá Phương Công Quý, đồn trưởng đồn biên phòng Nà Hỳ, anh bảo cũng nhờ xây ngôi trường ở Sam Lang mà bà con “hưởng lợi” thêm từ con đường nay đã rộng hơn trước. Bởi trước đây là tuyến đường dân sinh, chỉ có xe máy đi được, nay chở hàng tấn ximăng, sắt thép vào Sam Lang xây trường thì phải dùng ôtô vận chuyển chứ không thể gùi cõng đi hàng chục cây số được. Vậy là cả lính biên phòng, cả dân bản, với sự hỗ trợ máy móc của vài doanh nghiệp trên địa bàn đã mở rộng mặt đường đủ cho ôtô tải chạy chở vật liệu vào. Và dân nơi đây cũng chỉ có thể “hưởng lợi” thêm chút rộng rãi của mặt đường vào mùa khô mà thôi, từ tháng 5 đến tháng 10 mùa mưa xuống, chẳng xe cộ nào đi được trên tuyến này, chỉ có cách duy nhất là đi bộ. Đi bộ dẫu có xa nhưng đi mãi cũng đến, riêng chuyện qua suối quả là nan giải!
Theo Tuổi Trẻ
Gieo chữ ở chốn "ba không"
Có những thầy cô giáo nhiệt tình, kiên trì bám trụ ở mảnh đất không đường, không điện, không sóng...
Nỗi khổ "ba không"Trường Tiểu học số 1 Tà Tổng có 37 giáo viên, 1 điểm trường trung tâm và 7 điểm trường ở bản. Nhưng cho đến nay chỉ có mới 3 điểm trường gần trung tâm là có điện, sóng điện thoại, và đi xe máy được tới tận bản. Còn các điểm trường khác, đều phải đi bộ ròng rã. Có điểm xa nhất phải đi bộ tới 6- 7 tiếng đồng hồ.
Thầy giáo Dương Văn Mạnh quê ở Lạng Sơn, đã có thâm niên 5 năm đi dạy ở Tà Tổng. "Khó khăn nhất phải kể đến điểm trường ở bản đầu suối Nậm Luồng. Muốn tới điểm trường phải đi bộ từ sáng sớm, đường toàn đèo dốc với cỏ gianh, tới trưa thì phải dừng nghỉ ở điểm bản Giàng Mí Cha. Ai đi khoẻ, ăn cơm xong phải đi bộ tiếp 4 tiếng, lội qua suối rồi cứ thế leo lên núi dốc theo kiểu M ngược. Còn ai không đi được thì phải nghỉ một đêm ở Giàng Mí Cha, sáng mai mới đi tới nơi được"- thầy Mạnh kể.
Ở bản, thầy cô nào cũng khao khát có sóng điện thoại. Điểm trường Cô Lô Hồ, 2 năm gần đây mới có sóng điện thoại. Còn lúc trước các thầy cô thỉnh thoảng mới bắt được sóng lạc của trạm viba. "Sóng chỉ có ở một cái cây duy nhất trong bản, bọn em phải đóng đinh treo điện thoại lên, gọi được 1,2 phút thì bên kia nói nghe được, nhưng bên này lại không trả lời lại được. Có lúc bọn em còn phải leo lên cây để bắt sóng điện thoại" - Cô giáo Lò Thị Thanh cho hay.
Các thầy cô giáo Trường Mầm non số 1 Tà Tổng vừa dạy học vừa phải nấu cơm cho các em học bán trú
Đối với các điểm trường không có sóng điện thoại, mỗi lần có ai ra huyện là các thầy, cô lại lập một danh sách hàng loạt các số điện thoại để đến nơi có sóng gọi hộ về gia đình hỏi thăm tình hình và thông báo lại. Ngoài ra, mọi người còn đặt một trạm điện thoại ở nhà thầy Hoàn- Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Tà Tổng, nằm ở trung tâm Tà Tổng, để gia đình có chuyện gì điện lên thông báo, sau đó thầy viết lại nội dung, khi có người vào Nậm Ngà, thầy hiệu trưởng gửi cho các thầy cô.
Vừa dạy học vừa nấu ăn
Trường Mầm non số 1 Tà Tổng nằm ngay giữa trung tâm xã Tà Tổng nhưng phải đến năm 2008 mới xây dựng được lớp học 3 cứng. Cô Trần Thị Hương - Hiệu trưởng Trường Mầm non số 1 Tà Tổng có thâm niên dạy ở đây đã 11 năm.
"Khó khăn, gian khổ, thiếu thốn như vậy, điều giữ chân chúng tôi ở lại những bản làng xa xôi này là tình cảm chân thành của phụ huynh, sự hiếu học của các em học sinh". Cô giáo Nguyễn Thị Loan
Cô Hương cho biết: "Cả trường có 14 giáo viên, nhưng có tới 8 điểm trường, trong đó có 3 giáo viên đang nghỉ thai sản. Mỗi điểm trường 1 giáo viên, điểm nào đông thì có 2 giáo viên. Giáo viên vừa dạy, tới bữa kết hợp nấu ăn cho các em học sinh luôn. Còn ở trường chính cũng chưa có chỉ tiêu dành cho nhân viên tạp vụ, nên kể cả Ban giám hiệu cũng phải luân phiên nhau nấu cơm trưa cho các em ăn. Trường đã đề nghị xin chỉ tiêu nhưng hiện tại vẫn chưa bố trí được".
"Khó khăn, gian khổ, thiếu thốn như vậy, điều giữ chân chúng tôi ở lại những bản làng xa xôi này là tình cảm chân thành của phụ huynh học sinh, sự hiếu học của các em. Bố mẹ các em học sinh quý thầy giáo lắm, thỉnh thoảng vẫn cứ mang rau, gạo tới cho các thầy cô. Ngày trước tôi cùng một thầy giáo bên tiểu học đi khảo sát để mở điểm trường ở bản A Mé.
Biết các thầy cô đi vào mở trường, cả bản kéo đến, mời bằng được các thầy cô ở lại ăn cơm. Bản A Mé lại là bản xa nhất xã, trong bản toàn hộ nghèo. Thế mà họ đi lên tận nương, bắt con lợn về mổ thịt, đãi các thầy, cô giáo. Cơm cũng được nấu toàn gạo trắng chứ không phải gạo nương bà con hay ăn. Thế mới biết phụ huynh mong con em mình được đi học như thế nào" - cô Nguyễn Thị Loan - Hiệu phó Trường Mầm non số 1 Tà Tổng tự hào kể.
Theo TTVN
Những thầy cô giáo khuyết tật khiến nhiều người nể phục Dù không may mắn được mạnh khỏe và lành lặn, nhưng với ý chí, nghị lực và niềm tâm huyết với nghề, họ vẫn ngày ngày cần mẫn dạy dỗ học trò. Cô Nguyễn Thị Quỳnh Hoa - giảng viên ĐH Dân lập Hải Phòng Sinh ra bình thường như biết bao đứa trẻ khác, nhưng đến năm 2 tuổi, cô Quỳnh Hoa...