“Chúc mừng vì bạn có một đứa con nhút nhát!”
Hãy nuôi dạy con lớn lên với 1 trái tim đẹp biết yêu thương, trưởng thành với tâm hồn trong sáng, thì xã hội này, cuộc sống này luôn cần những người như thế – những người trầm lắng, sâu sắc.
Không ít bố mẹ vẫn thường than phiền khi con nhà mình nhút nhát quá và coi đó là một nhược điểm khó lòng khắc phục của trẻ. Thế nhưng, chị Vũ Thị Thu Hằng (vốn là đồng tác giả cuốn sách “Giờ chơi đến rồi”, là một người công tác trong ngành giáo dục, có nhiều năm kinh nghiệm, nghiên cứu về tâm sinh lý của trẻ) đã đưa ra cách nhìn hoàn toàn khác. Theo đó, chị cho rằng nhút nhát không hẳn chỉ có nhược điểm mà còn ẩn chứa rất nhiều ưu điểm của trẻ nếu bố mẹ nhìn thấu được vấn đề. Đồng thời, để cải thiện và giúp trẻ năng động, tự tin hơn cũng là một việc hoàn toàn có thể làm được.
Chị chia sẻ: “Trong hành trình làm giáo dục đến thời điểm này, mình gặp vô số những em bé “nhút nhát” và sâu sắc nhận ra rằng: Nếu cha mẹ và thầy cô không thực sự hiểu nhút nhát nghĩa là gì thì dễ dẫn đến những đứa trẻ có nét tính cách này lớn lên với rất nhiều khó khăn. Thực ra, nhút nhát là nhược điểm hoặc ưu điểm tùy thuộc vào cách ta nuôi dạy đứa trẻ ấy”.
Chị Hằng vốn có rất nhiều năm làm việc trong ngành giáo dục và tiếp xúc, định hướng kiến thức khoa học cho hàng nghìn bố mẹ, trẻ em trên khắp cả nước.
Khi nhút nhát là ưu điểm
Theo chị Thu Hằng, nhút nhát không phải là hành vi xấu, chẳng có gì sai khi trẻ có một cá tính trầm lắng hay trẻ thích nghe nhiều hơn nói. Chị lấy ví dụ: “Mình là 1 người điển hình của tính cách hướng ngoại, cứ rộn ràng nói cười và rất thích đám đông, nhưng mình cũng cực thích ở bên những người hướng nội – những người “nhút nhát”. Vài năm trước, mình có làm việc chung với 1 chị đồng nghiệp ít nói, thầm lặng nhưng lại thu hút rất nhiều đồng nghiệp khác muốn ở bên. Trong các cuộc tụ tập, thường chị chỉ ngồi nghe mọi người nói, mỉm cười với các câu chuyện bông đùa, thi thoảng kéo ghế cho người bạn, lấy khăn giấy cho đứa em… Sức thu hút của chị nằm ở cử chỉ, ở ánh mắt hay nụ cười. Và cái người rộn ràng cười lanh lảnh như mình cứ sóng bước bên chị với rất nhiều ngưỡng mộ”.
Vì vậy, khi bạn có 1 đứa con “nhút nhát”, đừng bao giờ coi rằng đó là 1 nhược điểm của con bạn, và đừng bao giờ nói với người khác trước mặt con bạn rằng “Nó nhát lắm!” – đó là cách bạn dán nhãn lên con mình với ngầm ý rằng con đang có vấn đề, rằng nhút nhát là sai, là tiêu cực. Những đứa trẻ trầm lắng là những đứa trẻ có nội tâm yên bình, bên ngoài không rực rỡ mà lại tỏa sáng “bên trong”.
Vậy làm thế nào để cha mẹ nhận ra con nhút nhát bình yên hay nhút nhát tiêu cực? Hãy quan sát đứa trẻ đó, nếu con giao tiếp với mọi người xung quanh bằng mắt, dễ thương khi chơi cùng bạn, con chỉ im lặng chứ không sợ hãi thì chúng ta chẳng có gì phải tác động để lôi kéo con vào đám đông, để con nói nhiều hơn cho năng nổ hơn. Nếu người khác nhận xét con bạn “bé rụt rè, nhút nhát”, hãy trả lời “đúng rồi, con rất trầm tính”. Nếu người khác nhận xét rằng “bé ít nói lắm”, hãy khẳng định rằng “vâng, con rất tập trung”. Điều này cũng quan trọng với giáo viên khi nhận xét về trẻ với phụ huynh, nếu không hiểu đúng trẻ, rất dễ làm phụ huynh lo lắng dẫn đến các tác động tiêu cực trong quá trình nuôi dưỡng.
Mỗi đứa trẻ đều có tính cách khác nhau, mình cần tôn trọng sự khác biệt ấy.
Khi nhút nhát là nhược điểm và cách đối xử với trẻ
Đối với 1 số trẻ, biểu hiện nhút nhát không phải là “bình yên nội tại” mà lại là phản ứng với nỗi sợ từ bên trong. Những đứa trẻ này thường có biểu hiện chạy trốn khỏi người khác, né tránh giao tiếp bằng mắt và khi người khác cố gắng tới gần, con sẽ phản ứng giận dữ hay sợ hãi.
Ở 1 số trẻ, nhút nhát lại là biểu hiện của tính thụ động. Trẻ thích được dán nhãn nhút nhát, để an toàn lùi về sau và không giao tiếp với mọi người. Trẻ né tránh các giao tiếp xã hội, không thích tham gia vào các hoạt động tập thể. Đối với những trẻ này, vỏ ốc “nhút nhát” mà mọi người quy chụp lại khiến trẻ cảm thấy an toàn và từ đó tránh né kỹ năng giao tiếp. Nếu không tác động, trẻ sẽ lớn lên với bản tính thụ động, chây lì, thiếu tính cầu tiến.
Một số cách đối xử thích hợp với trẻ nhút nhát
Khi đã hiểu đúng về tính nhút nhát của con, chị Thu Hằng đưa ra lời khuyên: “Nếu con bạn là 1 đứa trẻ nhút nhát tích cực – đứa trẻ bình yên nội tại, thì hãy cảm ơn cuộc đời. Bởi những đứa trẻ nhu mì, trầm lắng sẽ làm cho thế giới bình yên và xinh đẹp hơn. Hãy thường xuyên ôm trẻ, vuốt ve và nói những lời yêu thương với trẻ. Đừng ép chúng trở nên rộn ràng hơn, năng nổ hơn… như con nhà người khác”.
Nếu người khác nhận xét con bạn “bé rụt rè, nhút nhát”, hãy trả lời “đúng rồi, con rất trầm tính”. Nếu người khác nhận xét rằng “bé ít nói lắm”, hãy khẳng định rằng “vâng, con rất tập trung”.
Video đang HOT
Khi tiếp xúc với những trẻ nhút nhát, rụt rè né tránh người khác, người lớn thường không kìm được cảm giác nôn nóng chạy lại thúc giục trẻ, đẩy chúng về phía trước. Nhưng bố mẹ không biết, càng cố gắng thúc giục trẻ, chúng ta càng làm cho trẻ rụt rè hơn. Vì vậy, để giúp trẻ năng động, nuôi dưỡng sự tự tin hơn, hãy cùng tham khảo một số gợi ý sau:
Hãy để con luôn cảm thấy thoải mái, đừng tạo áp lực cho con
Cụ thể là đừng đẩy con tới với người lớn con không quen. Đây là lỗi thường gặp của cha mẹ, khi bạn bè, họ hàng tới nhà, cha mẹ thì quen chứ con không biết, nên đừng ép con phải tỏ ra dễ thương với người lạ. Thay vì thế, hãy giới thiệu với con người lạ bằng giọng nhẹ nhàng, khuyến khích người lạ chơi món đồ chơi gì đó ở gần con và con sẽ tự bị thu hút để đến kết bạn.
Tạo cho con có cảm giác an toàn
Hãy thường xuyên đưa con đến những nơi có nhiều em bé, ở lại với con, cùng con chơi đùa, luôn tạo cho con cảm giác an toàn, có ba mẹ gần bên trong thời gian đầu. Khi con quen dần, có thể nhích xa hơn, để con độc lập trong 1 khoảng thời gian con có thể chịu được, và dần dần tăng dần thời gian lên. Đừng “đánh lừa” con và biến mất đột ngột.
Tránh an ủi con thái quá
Nhiều bố mẹ thường động viên con kiểu “con đừng sợ”, “có gì đâu mà sợ”… (chẳng khác gì bé mới chuẩn bị sợ thôi mà mẹ nói quá nên con sợ luôn ). An ủi quá, nói quá nhiều để trấn an, khiến trẻ có cảm giác hình như đáng sợ thật, làm con càng nhát hơn. Thay vào đó hãy ôm con bạn và thì thầm “mẹ ở đây với con rồi, con yên tâm nhé”.
Hãy dành thời gian, sự thấu hiểu để giúp con tự tin, năng động hơn.
Khen ngợi đúng lúc
Hãy khen ngợi hành vi khi con giao tiếp, khi ai đó hỏi con mà con trả lời, khi con chủ động chào bạn,… Ví dụ như hãy khen con: “Mẹ thích cách con trả lời cô A lắm. Con thấy không, cô đã rất vui khi con nói chuyện với cô”…
Làm gương, mô phỏng các tình huống cho con
Khi ở bên con, hãy làm gương, mô phỏng các tình huống xã hội để con học hỏi. Chẳng hạn mẹ chủ động bắt chuyện với người khác, luôn tươi cười với xung quanh và dạn dĩ xung phong trong các cuộc chơi. Trong nhiều trường học, thường các cô hay tổ chức các cuộc vui dành cho con cái và cha mẹ, các cuộc vui này cô khuyến khích ba mẹ chủ động xung phong tham gia để con cảm thấy tự hào vì ba mẹ, để con nhìn ba mẹ mà bắt chước chủ động dạn dĩ trong các cuộc chơi tập thể.
Bố mẹ luôn ở bên con
Hãy cho con bạn thấy bạn tin vào con và sẵn sàng ở bên con khi con gặp bất cứ vấn đề gì với xung quanh. Chẳng hạn như có ai đó nhận xét về con ngay trước mặt con như là “bé có vẻ nhát nhỉ “, “con trai gì mà mắc cỡ như con gái vậy”…, bố mẹ hãy thay con trả lời “con không nhát đâu, lúc đầu con vậy chứ lát nữa là con tham gia liền à”…
Đừng bao giờ so sánh
Đừng bao giờ so sánh con với bạn bè, hay anh chị em như “nhìn kìa, bạn chơi một mình có sợ đâu?”… Việc so sánh đó vô tình khiến con bị tổn thương, càng thu mình lại.
Tăng cường các hoạt động giao lưu
Bố mẹ cần cho con tham gia vào các tổ chức, lớp học vui vẻ, đòi hỏi tương tác và có giáo viên năng động, tâm lý. Ngoài ra, hãy tích cực trao đổi với thầy cô để có sự phối hợp giữa gia đình và giáo viên.
Điều cuối cùng, chị Thu Hằng nhắn gửi rằng: “Có rất nhiều cha mẹ chia sẻ mong muốn với mình ‘tôi muốn con tôi năng động, tự tin’. Nhưng mình chỉ muốn nhắn rằng, xã hội chúng ta cần tất cả những cá tính thì cuộc sống mới muôn vẻ và màu sắc, mới thú vị. Hãy nuôi dạy con lớn lên với 1 trái tim đẹp biết yêu thương, trưởng thành với tâm hồn trong sáng, thì xã hội này, cuộc sống này luôn cần những người như thế – những người trầm lắng, sâu sắc. Và chắc chắn rằng, sống đúng như ta, là ta thì sẽ hạnh phúc”.
Theo Helino
Người mẹ có con trai tự kỷ ngày nào còn bị gần chục trường từ chối, phải viết tâm thư "tiếp thị" cho con trai nay đã có một hành trình mới sắp bắt đầu
Chị đã bị biết bao nhiêu trường từ chối lên xuống khi chỉ vừa mới nghe đến hai từ "tự kỷ", hành trình tưởng như vô vọng này thật may mắn đã có kết quả viên mãn.
Câu chuyện chị Hiền với hành trình suốt một năm trời ròng rã tìm trường cho con và bị hết trường này đến trường khác từ chối vì bé Bo bị tự kỷ khiến nhiều người phải cảm động. Cũng giống như bao người mẹ khác, chị cũng muốn con được đến trường, được học hành, được tiếp xúc với thầy cô, bạn bè như một đứa trẻ bình thường. Thế nhưng hai chữ "tự kỷ" như một chướng ngại vật cứ nằm ở đấy, khiến bao công sức, nỗ lực của chị cứ bị gạt bỏ, bởi không một ngôi trường nào dám nhận một đứa trẻ tự kỷ cả.
Bo theo lời chị Hiền kể lại là một cậu bé "rất ngoan, rất lành" và tình yêu thương của người mẹ không cho phép chị từ bỏ, chị vẫn không ngừng tìm kiếm, thậm chí viết cả một status "tiếp thị" để tìm trường cho con. Thật may mắn hành trình gian lao này đã kết trái ngọt, ngày 1/4 tới đây Bo sẽ chính thức được đến trường, vậy là gánh nặng, niềm trăn trở bao lâu nay của chị Hiền đã nhẹ đi phần nào và niềm vui này của chị đã lan tỏa đến khắp mọi người:
"Không có hi vọng nào là viển vông, phải không?
Từ 1/4/2019, bạn Bo bắt đầu đi học tại ngôi trường xinh đẹp này. Chắc chắn có nhiều khó khăn, trở ngại phải vượt qua nhưng mẹ con mình sẽ song kiếm hợp bích san bằng tất cả.
Mẹ lo lắng và hồi hộp phết!
Các bạn con mới 6-7 tuổi. Các bạn có thể tò mò về con, vây quanh con và điều này dễ khiến con khó chịu. Bạn bình thường cũng sẽ ko thoải mái, chắc chắn vậy. Mẹ lớn thế này mà còn mất bình tĩnh khi bị các anh chị sinh viên soi cơ mà. Thế nên, con ko có gì phải lo nhé, phản ứng của con là bình thường thôi.
Bo sắp chính thức trở thành học sinh lớp 1
Lớp học của con chưa bao giờ nhiều bạn đến thế, nhiều bàn ghế đến thế và rộng đến thế. Điều này cũng sẽ khiến con thấy xung quanh như xa lạ, không an toàn và con sẽ có những phản ứng hơi tiêu cực. Điều này cũng bình thường với bất kỳ bạn bình thường nào. Hồi mẹ mới sang Úc, ngày nào mẹ cũng đòi về nước vì thấy chả quen gì cả. Tiêu cực tí thì cũng là bình thường thôi.
Âm thanh sẽ đa dạng hơn những gì con từng quen thuộc: tiếng cô giáo giảng bài, tiếng các bạn nói chuyện riêng, tiếng lách cách, sột soạt của đồ dùng học tập, sách vở, tiếng quạt trần, điều hòa, máy chiếu... Con có thể khó khăn 1 chút khi tiếp nhận tất cả âm thanh đó. Con cứ bịt tai nếu muốn. Bạn bình thường cũng làm thế. Mẹ toàn bịt tai khi bị ông bà mắng. Vậy là, tất cả đều có hành vi bình thường như nhau cả.
Sẽ có nhiều cảm nhận mới lạ. Con đừng lo, ai cũng thấy mới lạ khi đến một môi trường mới. Quan trọng là, con đang có một nơi chào đón con, cùng con phát triển, giống như nhiều bạn khác của con. Bình thường, đúng không nào?
Cuối cùng thì mẹ đã làm được!
Thật biết ơn chú Mark Zuckerberg vì nếu chú không tạo ra facebook thì mẹ làm sao biết rằng có bao nhiêu bàn tay sẵn sàng nắm tay con, nhỉ?
Trân trọng sự chia sẻ của tất cả mọi người.
Tất cả chỉ mới bắt đầu
Tiến lên nào, bạn Bo".
Trước đó chị đã mất một năm ròng rã tìm trường cho con mà không ngôi trường nào nhận bé cả
Vui mừng là thế, hạnh phúc là thế, nhưng chị Hiền vẫn trăn trở trong mình vô cùng nhiều nỗi lo, chị cho hay: "Chị lo lắng nhiều lắm! Tìm trường là trở ngại đầu tiên đã qua rồi, nhưng phía trước còn cả 1 ngọn núi để leo. Thách thức tiếp theo còn lớn hơn nhiều. Con sẽ giao tiếp với bạn bè thế nào? Làm sao để con được là con mà không cần phải lo lắng gì? Các bạn xung quanh con sẽ thế nào để khiến con không thấy bị cô lập và khác biệt?".
Thế nhưng dù lo lắng là thế nhưng chị vẫn không quên nói với Bo mỗi ngày rằng bé sắp được đến trường rồi, con sẽ trở thành học sinh lớp 1, được đến trường và gặp gỡ các thầy cô ở đấy như thầy Hùng hay cô Quỳnh.
Theo như chị Hiền, chị nghĩ là Bo hiểu hết mọi chuyện nhưng không biết diễn đạt như thế nào vì mọi lần cậu bé rất nhút nhát: "Lần đầu con đến trường rất e dè, không muốn vào. Nhưng hôm qua đến tham dự kỷ niệm 2 năm thành lập trường thì con chủ động đi vào, rất vui vẻ".
Vui mừng hạnh phúc là thế nhưng trong lòng chị vẫn đau đáu vô vàn nỗi lo
Dù Bo chuẩn bị được đi học lớp 1 như các bình thường nhưng bé vẫn sẽ có một giáo viên đi kèm. Khi được hỏi điều khiến nhiều người quan tâm nhất đó là liệu Bo có thể hòa nhập được không, chị Hiền cho biết rằng:
"Mình cũng từng hỏi bản thân câu đó nhiều lần. Hỏi thôi nhưng mình không đi tìm câu trả lời. Bởi, mình có 1 niềm tin khác lớn hơn. Mình tin là mình sẽ ân hận, sẽ day dứt nếu MÌNH ĐỂ LỠ BẤT KỲ CƠ HỘI NÀO ĐÓ CỦA CON.
Ngay kể cả nếu Bo không thể hoà nhập và mình phải đón con về, thì với mình, đó cũng là cơ hội. Đó là cơ hội để mình tập trung nhiều hơn cho con ở trường chuyên biệt. Đó là cơ hội để mình nghĩ về những hướng đi mới cho con. Đó cũng là cơ hội để mình hiểu rõ hơn về con.
Nếu bạn tìm kiếm điều gì đó phải chắc chắn thì có phải vô hình trung bạn tự tạo áp lực lên bản thân và lên chính con mình không?".
Bo vẫn luôn là một cậu bé thật đáng yêu, và thật may mắn khi em luôn có mẹ Hiền kề bên, che chở và bảo vệ
Quả thực là như vậy có những chuyện trong cuộc sống chúng ta nên để nó nhẹ nhàng diễn ra như vốn dĩ đã vậy. Cả bé Bo và chị Hiền sắp tới sẽ một hành trình mới để bắt đầu, một hành trình mà chị Hiền đã mong chờ từ lâu để có thể đồng hành cùng con. Và dù trước mắt có những khó khăn hay thử thách gì đi chăng nữa thì cũng xin chúc chị Hiền và bé Bo sẽ thật mạnh mẽ, kiên cường để cùng nhau vượt qua.
Theo Helino
Cứ ngỡ chiều con là yêu con, bà mẹ trẻ bộc bạch tâm sự rất thật về những năm tháng nuôi dạy con từ nhút nhát thành đứa trẻ bản lĩnh Cứ ngỡ chiều con là yêu con, thương con, bà mẹ trẻ không ngờ rằng mình đã mắc sai lầm khiến con trở nên nhút nhát, rụt rè và sống phụ thuộc. Bất cứ ông bố bà mẹ nào cũng đều muốn dành những điều tốt đẹp nhất tới con cái của họ. Tôi, mẹ của 1 cậu con trai nhỏ cũng vậy,...