Chúc mừng của hiệu trưởng làm sinh viên khổ!
Đang học ngon lành. Đùng một cái, SV nhận được thư chúc mừng của hiệu trưởng: “Em đã trúng tuyển du học Hàn Quốc theo chương trình kết nghĩa và trao đổi sinh viên”. Thế nhưng, sự thật không hào nhoáng như vậy!
Phụ huynh trình bày sự việc với lãnh đạo Trường ĐH Nguyễn Tất Thành chiều 21.4 – Ảnh: Đăng Nguyên
Khi sang Hàn Quốc, sinh viên mới phát hiện mình chỉ học khóa nghiên cứu ngôn ngữ trong vòng 12 tháng và không có học bổng gì. Nhiều sinh viên tiến thoái lưỡng nan, quay về trường học lại thì xấu hổ với bạn bè, còn ở lại thì không biết học trường nào, tiền đâu mà học… Đó là câu chuyện đã và đang diễn ra tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TP.HCM).
Do Trường ĐH Nguyễn Tất Thành không thông tin rõ ràng, đầy đủ về chương trình trao đổi sinh viên của trường này với Hàn Quốc nên nhiều phụ huynh và sinh viên tham gia chương trình phản ứng gay gắt.
Video đang HOT
Trường lập lờ, sinh viên chịu thiệt
Bà Bùi Thị Phương Mai, phụ huynh của N.H.G, sinh viên CĐ ngành quản trị kinh doanh, khoa Hợp tác quốc tế, cho biết đầu năm 2012, con bà nhận được giấy báo và chúc mừng do Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành ký thông báo H.G đã trúng tuyển du học Hàn Quốc theo chương trình kết nghĩa và trao đổi sinh viên (SV) giữa Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và một trường ĐH tại Hàn Quốc (không nói rõ trường nào). Ưu đãi của chương trình gồm: học bổng từ 50%, hỗ trợ việc làm ngoài giờ học với mức lương từ 500 – 1.200 USD… Đơn vị phụ trách làm thủ tục và nhập học là Viện Nghiên cứu và đào tạo Việt – Hàn của trường này.
Vui mừng, hãnh diện vì nghĩ rằng con mình có thành tích học tập tốt nên được chọn, gia đình H.G đã động viên con theo học. Sau khi đóng các khoản phí được thông báo, H.G được bố trí học một lớp tiếng Hàn trong vòng 8 tháng trước khi xin thị thực sang Hàn Quốc. Tuy nhiên, khi H.G sang Hàn Quốc, nhờ tìm được giấy báo nhập học, bà Mai phát hiện con mình chỉ học khóa nghiên cứu ngôn ngữ của Trường ĐH Khoa học kỹ thuật Gyeongnam trong vòng 12 tháng và không có học bổng gì. Sau thời gian này, nếu có nhu cầu, SV có thể đăng ký học tiếp các chuyên ngành của trường bên Hàn Quốc.
Bà Mai cho biết, tại Việt Nam, H.G đăng ký học ngành quản trị kinh doanh. Nhưng sau khi sang Hàn Quốc, H.G tìm hiểu thì trường không có ngành này. Vì vậy, gia đình làm đơn xin chuyển trường khác cho H.G ở Hàn Quốc. Nhưng Viện Nghiên cứu và đào tạo Việt – Hàn không chịu cung cấp giấy điểm danh và bảng điểm (điều kiện để chuyển trường) và cho biết muốn chuyển trường phải đóng phạt 2.000 USD. Bà Mai buộc phải nhờ đến một trung tâm tư vấn du học để can thiệp chuyển con mình sang học ở một trường khác.
Các SV như T.T (học ngành tiếng Anh thương mại), P.T (học ngành dược bậc CĐ) cũng gặp tình cảnh tương tự như vậy.
Không đúng bản chất
Ngày 17.4, trong buổi làm việc với phóng viên Thanh Niên, bà Tống Thị Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo Việt – Hàn, cho biết: “Đây là chương trình trao đổi SV giữa 2 trường ĐH Gyeongnam và ĐH Nguyễn Tất Thành. SV sẽ sang Hàn Quốc học tiếng Hàn. Nếu có nhu cầu, SV có thể đăng ký học tiếp chuyên ngành tại Trường ĐH Gyeongnam. Nếu không, có thể quay về Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tiếp tục học. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành chỉ chịu trách nhiệm thời gian các em học ngôn ngữ tại trường Hàn Quốc”. Bà Anh thông tin Lãnh sự quán Hàn Quốc yêu cầu SV phải có đủ điều kiện tối thiểu mới cấp thị thực nên phải học tiếng Hàn tại Việt Nam, sang Hàn Quốc cũng phải học tiếng để đủ điều kiện vào học chính thức. Học bổng chỉ được cấp khi SV đăng ký học chuyên ngành chứ không phải khi học ngôn ngữ.
Tuy nhiên, theo các phụ huynh, những điều này trường không thông tin rõ ràng cho phụ huynh và SV trước đây.
Bà Ngọc Anh cho biết thêm, SV không biết Trường ĐH Gyeongnam không đào tạo đúng chuyên ngành mong muốn là do không theo dõi thông tin lúc đăng ký. Còn việc gặp khó khăn khi chuyển trường, theo bà Anh vì tình hình người Việt Nam tại Hàn Quốc khá phức tạp và nhạy cảm! Hiện tại, đối với các trường hợp xin chuyển trường, Trường ĐH Gyeongnam sẽ làm thủ tục thôi học, SV về Việt Nam để làm thủ tục qua học trường khác.
Theo tìm hiểu, việc trao đổi SV của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành không giống với chương trình này của các trường ĐH khác.
Chẳng hạn, ở Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM hoặc một số trường có ngành Hàn Quốc học, chỉ SV ngành này mới được tham gia chương trình trao đổi SV để học ngôn ngữ, tìm hiểu văn hóa Hàn Quốc. Đối với chương trình trao đổi SV của các ngành học khác, SV sẽ học ngôn ngữ trước ở Việt Nam. SV đang học ngành nào sẽ sang nước bạn học đúng chuyên ngành đó trong thời gian thỏa thuận và không cấp bằng.
Trong khi đó, tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, SV nhiều ngành đều tham gia chương trình trao đổi SV chỉ để học tiếng Hàn!
Sẽ đổi thành chương trình chuyển tiếp
Ngày 21.4, lãnh đạo Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã có buổi tiếp xúc với các phụ huynh phản ánh về chương trình trao đổi sinh viên tại Hàn Quốc. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng nhà trường, việc chọn trường đối tác có thể chưa đúng, dẫn đến việc học của SV không hợp với ngành học tại Việt Nam, gây khó khăn cho SV. “Sau khi xem xét, trường cũng cảm thấy có thể hình thức trao đổi SV như vậy chưa phù hợp. Trường đang trong quá trình xin phép thực hiện chương trình chuyển tiếp 3 1 hoặc 2 2″, ông Hùng nói.
Trong những ngày tới, trường sẽ sang Hàn Quốc (có đại diện phụ huynh), phối hợp cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc để giúp đỡ SV theo nguyện vọng, lấy ý kiến của các SV để thay đổi chương trình cho phù hợp. Trường cũng sẽ đến bù tổn thất của phụ huynh và SV hợp lý. Ngoài ra, trường cách chức thạc sĩ Tống Thị Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo Việt – Hàn.
Theo TNO