Chuẩn đầu vào cao không phải là động lực để nhân tài phụng sự giáo dục
Chúng ta đừng nên quá chú trọng đến quy định tiêu chuẩn đầu vào mà thay vào đó điều cần quan tâm chính là chính sách ưu đãi nhân tài giáo dục như thế nào?
ảnh minh họa
Ngày 9/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy.
Dự thảo có điểm mới nổi bật về ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (điểm sàn).
Theo đó, dự kiến từ năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ xác định điểm sàn đối với ngành sư phạm, những ngành khác do trường tự xác định.
Trong đó, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập trung học phổ thông để vào ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên theo dự thảo mới lại được quy định như sau:
“Đối với trình độ đại học xét tuyển học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông xếp loại học lực lớp 12 từ giỏi trở lên.
Đối với trình độ cao đẳng, trung cấp xét tuyển học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông xếp loại học lực lớp 12 từ khá trở lên”.
Chúng ta đừng nên quá chú trọng đến quy định tiêu chuẩn đầu vào mà thay vào đó điều cần quan tâm chính là chính sách ưu đãi nhân tài giáo dục như thế nào? (Ảnh minh họa: Trinh Phúc)
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay, việc muốn học sinh giỏi vào sư phạm là một sự lựa chọn tốt cũng giống như những năm 1970, 1980 nhà nước tuyển chọn những học sinh giỏi vào các trường quân sự rồi gửi đi đào tạo tại nước ngoài và sau khi tốt nghiệp phục vụ trong quân đội.
Video đang HOT
Tuy nhiên, đối với ngành sư phạm thì khi đưa ra dự kiến thay đổi tiêu chuẩn đầu vào thì Bộ cần cân nhắc đến mong muốn của học sinh giỏi có mong muốn trở thành thầy cô giáo hay không?
Các em học sinh giỏi liệu có năng khiếu sư phạm hay không?
Từ đó, ông Vinh cho rằng, đừng nên quá chú trọng đến quy định tiêu chuẩn đầu vào mà thay vào đó điều cần quan tâm chính là chính sách ưu đãi nhân tài giáo dục như vấn đề việc làm sau khi ra trường, chính sách học bổng, chế độ đãi ngộ….cụ thể ra sao.
Ngoài ra, cũng theo ông Hoàng Ngọc Vinh, chúng ta cần đổi mới căn bản quy trình công nghệ đào tạo giáo viên (kể cả đổi mới chương trình), khi đó mới hi vọng có được lứa thầy cô có năng lực dạy học phù hợp với công cuộc đổi mới chương trình, sách giáo khoa, tăng cường tính hấp dẫn của các trường sư phạm.
Về việc dự kiến từ năm 2018 Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quy định điểm sàn sư phạm, điểm sàn các ngành do các trường quy định, ông Hoàng Ngọc Vinh cũng cho rằng, cần có những nghiên cứu, đánh giá cụ thể về việc nên có điểm sàn hay không.
Đây là vấn đề vừa phải đảm bảo quyền tự chủ của trường đại học nhưng cũng phải đảm bảo cân đối cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành nghề và cơ cấu vùng miền của nguồn nhân lực, cũng như xử lý bài toán phân luồng.
Trong bối cảnh phân cấp mạnh cho các địa phương thì các địa phương không thể tránh trách nhiệm quy hoạch nhân lực đội ngũ giáo viên tại địa phương để làm một trong các cơ sở xác định chỉ tiêu ngành sư phạm sau 3, 4 năm nữa (ở địa phương năm nhu cầu nhân lực là sát nhất về mặt số lượng), còn trách nhiệm Bộ là thể hiện ở quản lý điều tiết vĩ mô, ban hành các tiêu chuẩn, giám sát và điều tiết.
Dù có tự chủ nhưng không thể không có bàn tay can thiệp của nhà nước về các phương diện quy hoạch, chiến lược, chính sách, cơ chế.
Nếu tự chủ của cơ sở giáo dục mà thiếu “tín hiệu” dẫn đường và cơ chế điều chỉnh, thúc đẩy tự chủ từ cấp vĩ mô thì vô hình chung là tự đánh mất vai trò quản lý nhà nước của mình, “thị trường” trở nên dễ trở nên hỗn loạn kiểu “trăm hoa đua nở”.
Vấn đề là can thiệp cái gì, can thiệp ở mức độ nào và như thế nào đòi hỏi phải dựa trên những nghiên cứu khoa học nghiêm túc để đưa ra chính sách phù hợp.
Theo Giaoduc.net
Công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh đại học
Ngày 9/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy.
ảnh minh họa
Quy chế này quy định các nội dung liên quan đến công tác tuyển sinh, bao gồm: tổ chức tuyển sinh, đề án tuyển sinh, điều kiện tham gia tuyển sinh của thí sinh, chính sách ưu tiên trong tuyển sinh; tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của trường trong công tác tuyển sinh... Trong đó, dự thảo Quy chế này có nhiều điểm thay đổi so với Quy chế hiện hành.
Giảm điểm ưu tiên khu vực
Khung điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực được bổ sung sửa đổi trong dự thảo Quy chế tuyển sinh 2018 nêu rõ: mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1,0 (một điểm), giữa hai khu vực kế tiếp là 0,25 (một phần tư điểm) tương ứng với tổng điểm 3 bài thi/môn thi (trong tổ hợp môn xét tuyển) không nhân hệ số theo thang điểm 10.
Điều kiện áp dụng điểm ưu tiên đối với học sinh có hộ khẩu thường trú (trong thời gian học Trung học phổ thông hoặc trung cấp) trên 18 tháng tại các xã khu vực III và các xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi theo quy định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hiện hành của Thủ tướng Chính phủ nếu học Trung học phổ thông (hoặc trung cấp) tại địa điểm thuộc huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có ít nhất một trong các xã thuộc diện nói trên.
Ưu tiên thí sinh vào ngành nghệ thuật
Theo dự thảo, năm nay, thí sinh năng khiếu nghệ thuật đã tốt nghiệp Trung học phổ thông hoặc tốt nghiệp trung cấp các trường năng khiếu nghệ thuật, đoạt giải chính thức trong các cuộc thi nghệ thuật quốc tế về ca, múa, nhạc, mỹ thuật được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận được xét tuyển thẳng vào học các ngành tương ứng trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp của các trường năng khiếu, nghệ thuật theo quy định của từng trường.
Những thí sinh đoạt giải các ngành thể dục thể thao, năng khiếu nghệ thuật, mỹ thuật thời gian được tính để hưởng ưu tiên là không quá bốn năm tính đến ngày dự thi hoặc xét tuyển vào trường.
Thí sinh năng khiếu nghệ thuật đã tốt nghiệp trung học hoặc tốt nghiệp trung cấp các trường năng khiếu nghệ thuật, đoạt giải chính thức trong các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp chính thức toàn quốc về ca, múa, nhạc, mỹ thuật đã tham dự kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, không có môn nào có kết quả từ 1,0 điểm trở xuống, được trường ưu tiên xét tuyển theo quy định của từng trường.
Những thí sinh đoạt giải các ngành thể dục thể thao, năng khiếu nghệ thuật thời gian được tính để hưởng ưu tiên là không quá bốn năm tính đến ngày dự thi hoặc xét tuyển vào trường.
Xác định ngưỡng điểm đầu vào đối với ngành sư phạm
Dự thảo Quy chế tuyển sinh bổ sung quy định: đối với ngành đào tạo thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên ở các trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp, căn cứ kết quả của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các bài thi/môn thi văn hóa sử dụng để xét tuyển.
Thí sinh dự thi trung học phổ thông quốc gia . (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)
Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập Trung học phổ thông để vào ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên dự thảo quy định như sau:
Đối với trình độ đại học xét tuyển học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông xếp loại học lực lớp 12 từ giỏi trở lên.
Đối với trình độ cao đẳng, trung cấp xét tuyển học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông xếp loại học lực lớp 12 từ khá trở lên.
Đối với các ngành khác, các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, công bố trên trang thông tin điện tử của trường trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng.
Điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi/môn thi theo thang điểm 10 đối với từng bài thi/môn thi của từng tổ hợp xét tuyển và cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo Điều 7 của Quy chế này và được làm tròn đến hai chữ số thập phân.
Đối với các thí sinh bằng điểm xét tuyển ở cuối danh sách, xét trúng tuyển theo các điều kiện phụ do mỗi trường đã thông báo, nếu vẫn còn vượt chỉ tiêu thì ưu tiên thí sinh có nguyện vọng cao hơn.
Các trường được tuyển sinh nhiều đợt trong năm
Từ năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sẽ cho các trường thực hiện nhiều đợt tuyển sinh trong năm. Đề án tuyển sinh của các đợt phải được công bố trên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo trước khi thí sinh đăng kí xét tuyển ít nhất 15 ngày.
Trước các ngày cuối cùng của tháng chẵn, các trường phải cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và danh sách thí sinh nhập học của các đợt tuyển sinh lên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Dự thảo được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến góp ý đến hết ngày 28/2 tới
Theo Vietnamplus.vn
Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018: Sẽ giảm điểm ưu tiên theo khu vực Bộ GD-ĐT dự kiến điểm ưu tiên giữa hai khu vực kế tiếp là 0,25 (một phần tư) điểm. Như vậy, mức điểm chênh lệch giảm còn một nửa so với trước. ảnh minh họa Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) hệ chính quy; tuyển...