Chuẩn bị triển khai Chương trình GDPT mới: Nhìn thẳng khó khăn để tháo gỡ
Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) mới sẽ chính thức triển khai từ năm học 2020 – 2021. Thời gian để các địa phương chuẩn bị còn một năm nữa, tuy nhiên những chuyển động từ trường học vùng khó cho thấy còn tồn tại khó khăn cả từ đội ngũ đến cơ sở vật chất.
Nhiều trường học vẫn thiếu phòng học chức năng. Ảnh: T.G
Vùng khó vẫn… khó
Cô Trần Thị Hằng – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Ma Li Pho – xã Ma Li Pho, huyện Phong Thổ ( Lai Châu) cho biết: 1 năm nữa sẽ thực hiện CTGDPT mới song các điều kiện cần và đang có tại trường vẫn chưa đáp ứng đủ so với yêu cầu chung. Hiện nay, trong tổng số 27 giáo viên (GV) toàn trường thì chỉ có 1 GV tiếng Anh nhưng phải căng mình đảm nhiệm dạy học cho cả 3 khối lớp 3, 4, 5.
Để đảm bảo việc giảng dạy môn Tiếng Anh bắt buộc cho cả 5 khối lớp vào năm học tới với gần 300 HS tại 1 điểm trường chính và 8 điểm lẻ (mỗi điểm trường cách nhau trung bình 7 – 10km) thì trường cần được bổ sung thêm 1 GV ngoại ngữ.
Tuy nhiên điều lo lắng hơn cả đối với BGH trường chính là các điều kiện về đội ngũ và cơ sở vật chất để triển khai môn Tin học. “Thời đại 4.0 rồi nhưng môn Tin học nhiều năm nay không thể triển khai vì trường “trắng” cả GV lẫn trang thiết bị máy móc, phòng học chuyên dụng. Toàn trường chỉ có 2 bộ máy tính để phục vụ công tác văn phòng. Cũng thương và lo lắng cho HS vì không được tiếp cận với công nghệ thông tin… nhưng “lực bất tòng tâm” dù nhu cầu học tin học của HS không ít…” – cô Hằng trăn trở.
Trường TH Trung Lý 1, xã Trung Lý, huyện Mường Lát – Thanh Hóa cũng thuộc trường vùng cao khó khăn đứng trước nhiều khó khăn cần tháo gỡ trong quá trình chuẩn bị thực hiện CTGDPT mới.
Từ thực tế chuẩn bị các điều kiện thực hiện CTGDPT mới tại địa phương cho thấy vẫn còn thiếu rốt ráo, chậm trễ. Thời gian 1 năm nữa để chuẩn bị không ít nhưng cũng không quá nhiều. Vì vậy địa phương, ban ngành cần nhanh chóng tập trung mọi nguồn lực để cùng tháo gỡ các điều kiện khó nhất như cơ sở vật chất và nguồn nhân lực.
Thầy Lê Quang Tùng – Hiệu trưởng chia sẻ: Số HS vào lớp 1 nhiều năm gần đây luôn dao động từ 90 – 100 em. Năm học vừa qua, toàn trường có 470 HS, 28 lớp học trải dài trên 1 điểm trường chính, 8 điểm lẻ. Trường có tổng số 35 CB, GV (còn thiếu 4 GV); môn Tin học không có GV nào; môn Tiếng Anh chỉ có duy nhất 1 GV nhưng phải đảm nhiệm giảng dạy cho HS ở 6 điểm trường. Ba điểm trường xa nhất BGH không thể bố trí GV tới dạy
Video đang HOT
GD Mường Lát còn nhiều khó khăn. Ảnh minh họa
Vì thiếu GV tiếng Anh nên đồng nghĩa với việc BGH trường không còn cách nào khác là phải cắt giảm bớt số tiết học của HS tại các điểm trường. Như vậy, GV mới có thời gian di chuyển giữa các điểm trường trong một ngày để đến dạy các điểm trường khác…
Như vậy, trước thềm thực hiện CTGDPT mới, trường TH Trung Lý, 1 xã Trung Lý, huyện Mường Lát – Thanh Hóa vẫn đứng trước bộn bề nỗi lo thiếu thốn về cơ sở vật chất trường lớp, phòng học, phòng chức năng, đội ngũ… Nếu không có sự chung tay tháo gỡ sớm và tích cực từ chính quyền các cấp thì việc hòa mình vào cái chung của ngành GD-ĐT toàn quốc sẽ vô cùng khó khăn.
Nơi “bình chân”, nơi chủ động
Đến nay ghi nhận từ thực tế việc chuẩn bị thực hiện CTGDPT mới ở nhiều địa phương đã tích cực nhưng cũng tại không ít địa phương, nhà trường, sự chuẩn bị vẫn diễn ra chậm chạp. Nhiều điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ mới chỉ được tháo gỡ trên đề xuất, chủ trương chung. Trong khi đó vấn đề cơ sở vật chất, đội ngũ GV không thể bù đắp, đáp ứng nhu cầu thực tế trong một vài tháng, vài tuần.
“Gần đây nhất, cán bộ, các tổ trưởng bộ môn nhà trường được Phòng GD&ĐT thông báo cuối tháng 7/2019 tập trung để tiếp cận với một số vấn đề liên quan đến CTGDPT mới. Còn việc bổ sung đội ngũ GV, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho trường lớp… thì trường vẫn chưa nhận được sự chỉ đạo nào dù BGH đã có thống kê và đề xuất lên trên. Chúng tôi vẫn đang chờ đợi, nghe ngóng để cùng nhập cuộc” – cô Trần Thị Hằng – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Ma Li Pho cho biết.
Còn theo thầy giáo Lê Quang Tùng – Hiệu trưởng TH Trung Lý, để tháo gỡ các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ GV thực hiện CTGDPT mới lúc này với trường còn vô vàn khó khăn phải tháo gỡ. Ví như việc dồn các điểm trường lẻ lại để đảm bảo tốt hơn các điều kiện học tập cho HS cũng chưa thể tiến hành. Ngay tại điểm trường trung tâm thì cơ sở vật chất cũng không thể đáp ứng được. Các phòng chức năng dạy học môn Tiếng Anh và Tin học, nhà bán trú, máy tính, đội ngũ GV nhìn đâu cũng thiếu. Trong khi đó, việc huy động XHH đầu tư cơ sở vật chất lớn vô cùng khó khăn và nằm ngoài khả năng mà BGH nhà trường có thể lo được.
Tuy nhiên, trong thực tế bên cạnh nhiều địa phương, nhà trường còn lúng túng trong việc tháo gỡ các điều kiện thực hiện CTGDPT mới cũng ghi nhận sự chủ động tháo gỡ với cách làm hiệu quả cho “bài toán” cơ sở vật chất và đội ngũ GV để đáp ứng đủ yêu cầu triển khai.
Ví như, tại Trường PTDTBT Tiểu học Tả Ván – xã Tả Ván, huyện Quản Bạ (Hà Giang), thầy Nguyễn Thanh Tuyên cho biết: “Trường chưa có GV tin học, GV ngoại ngữ còn thiếu 1. Tuy nhiên, chúng tôi đã có lời giải cho “bài toán” GV. Quá trình “dồn điền đổi thửa” trường đang dôi dư một số lượng nhỏ GV. Chúng tôi sẽ lựa chọn một số GV có năng lực chuyên môn nhất định với tiếng Anh và tin học để cử đi đào tạo văn bằng 2 theo chủ trương chung của ngành GD-ĐT huyện Quản Bạ”.
Thời gian qua với sự huy động và chung tay giúp đỡ từ nhiều tổ chức, cá nhân trong xã hội, trường được tặng một số lượng máy tính mới. “Chúng tôi không vội vàng mang ra sử dụng thay thế các máy tính cũ mà đưa vào bảo quản kĩ càng. Khi hoàn thiện xong các phòng học chức năng thì nhà trường sẽ lắp đặt hệ thống máy tính này. Mọi việc chuẩn bị cho GV và HS toàn trường cùng bước vào thực hiện CTGDPT mới đã cơ bản yên tâm…” – thầy Tuyên cũng cho biết.
Đức Trí
Theo GDTĐ
Bồi dưỡng GV thế nào cho hiệu quả?
Trước yêu cầu đổi mới giáo dục và triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, việc bồi dưỡng giáo viên là rất cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao để việc bồi dưỡng trở thành nhu cầu tự thân của mỗi GV, cần bồi dưỡng những kiến thức nào để thiết thực, hiệu quả, tổ chức các lớp học tại thời gian nào, địa điểm nào cho phù hợp.
Bồi dưỡng giáo viên là công tác thường xuyên tại các cơ sở GD. Ảnh: Hữu Cường
Nghỉ hè là thời gian thích hợp nhất
Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thời điểm GV có nhu cầu được bồi dưỡng cao nhất là vào kì nghỉ hè. Còn nếu việc bồi dưỡng được tổ chức vào các thời điểm khác trong năm học, GV thường rất khó tham gia vì còn bận lên lớp và các kế hoạch khác của cá nhân.
Một giáo viên THPT ở Hà Nội chia sẻ: Nếu các khóa bồi dưỡng ngắn hạn cho GV được tổ chức vào kì nghỉ hè, chúng tôi có thể bố trí các công việc cá nhân để tham gia. Nếu không bận các tiết dạy thì việc tham gia sẽ dễ hơn rất nhiều.
Thời điểm "cuối học kì I, đầu học kì II" được ít GV lựa chọn nhất. Bởi lẽ đây là thời điểm GV bận rộn nhất trong năm học. Thời điểm này họ bận tổ chức ôn tập, chuẩn bị đề thi, chấm thi, giáo án cho kì mới nên sẽ rất khó sắp xếp thời gian để tham gia bồi dưỡng.
Về thời gian bồi dưỡng, các GV chủ yếu lựa chọn phương án "tùy theo từng nội dung". Bởi lẽ mỗi nội dung khác nhau cần thời gian bồi dưỡng phù hợp. Nội dung nào phức tạp cần đầu tư nhiều thời gian hơn. Nên căn cứ vào nội dung cụ thể mới lên được kế hoạch về thời gian bồi dưỡng bao nhiêu cho hợp lí. Bên cạnh đó, phương án ít được GV lựa chọn nhất là "từ 3 đến 5 ngày".
Một GV khi được phỏng vấn cho biết: Trong năm học, nếu thời gian bồi dưỡng kéo dài từ 3 ngày trở lên sẽ gây trở ngại cho GV, bởi ảnh hưởng đến lịch công tác. Nếu muốn tổ chức thì phải có thông báo từ rất sớm mới sắp xếp được. Do đó, căn cứ lựa chọn thời gian bồi dưỡng của GV phụ thuộc vào nội dung và việc bố trí, sắp xếp công việc cá nhân khác của họ.
Theo ý kiến của GV, địa điểm bồi dưỡng phù hợp nhất là tại các trường nơi họ đang giảng dạy. Bởi lẽ với GV, việc bồi dưỡng tại chính nơi họ đang dạy sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để tham gia. Theo chia sẻ của đa số GV, nếu bồi dưỡng tại các trường, GV sẽ đi lại thuận tiện hơn, dễ dàng hơn, có thể tranh thủ thu xếp công việc cá nhân, bố trí thời gian tham gia bồi dưỡng.
Bên cạnh đó, địa điểm "trường ĐHSP" được ít GV lựa chọn hơn. Nhiều thầy cô cho rằng, thực trạng trên là do GV đến từ ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước nên việc tổ chức bồi dưỡng tại địa điểm này sẽ gây khó khăn trong việc đi lại và sinh hoạt trong suốt thời gian diễn ra các khóa bồi dưỡng.
GV cần bồi dưỡng gì?
Trong những năm qua, chương trình bồi dưỡng đã giúp GV cập nhật kiến thức và các phương pháp mới để vận dụng vào thực tế dạy học. Tuy nhiên, việc bồi dưỡng còn phụ thuộc vào kế hoạch của Sở GD&ĐT hoặc Bộ GD&ĐT, chưa xuất phát từ nhu cầu của chính GV.
Do đó, cần phải đổi mới nội dung và hình thức, cách thức để việc bồi dưỡng và nâng cao năng lực nghề nghiệp cho GV trở thành nhu cầu học tập thường xuyên.
GV có nhu cầu cao đối với việc bồi dưỡng do nhận thức rõ được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc này đối với việc nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn. Tuy nhiên cũng có một số ít GV cho rằng không cần thiết bởi họ cảm thấy tự bản thân có thể trau dồi, học hỏi qua nhiều kênh khác nhau.
Tuy nhu cầu ở mỗi nội dung cần bồi dưỡng có sự khác biệt, nhưng mức độ nhu cầu cần được bồi dưỡng của GV ở các nội dung cụ thể là rất cao. Ví dụ như những nhu cầu bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm, các kĩ năng dạy học, giáo dục, quản lí lớp học theo yêu cầu đổi mới giáo dục...
Trong đó, các nội dung GV có nhu cầu cần bồi dưỡng cao nhất là: Thiết kế và tổ chức dạy học phân hóa phù hợp với các đối tượng học sinh; Thiết kế và tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực cho HS.
Các kĩ năng về nghiệp vụ sư phạm được GV hết sức chú trọng. GV có nhu cầu bồi dưỡng những kĩ năng này để giúp cho họ thực hiện tốt hoạt động giảng dạy của mình, bởi đây là những kĩ năng GV sử dụng xuyên suốt trong quá trình dạy học trên lớp.
Một số nội dung cần bồi dưỡng khác cũng được rất nhiều GV quan tâm như: Phát triển chương trình nhà trường, chương trình môn học; Thiết kế, sử dụng các đồ dùng dạy học, phương tiện dạy học một cách có hiệu quả; Nâng cao kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin và một số phần mềm tin học để nâng cao chất lượng dạy học - giáo dục như Microsoft Power Point, Violet, Moviemaker, Imindmap...
Vân Anh
Theo GDTĐ
Chương trình GDPT mới: Khó triển khai học 2 buổi/ngày Cơ sở vật chất không đảm bảo, dân số đông...là những trở ngại khiến nhiều tỉnh thành khó thực hiện việc học 2 buổi/ngày theo chương trình GDPT mới. Sáng 20-5, tại TP.HCM, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Hướng dẫn dạy học lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới bắt đầu...