Chuẩn bị thi trên máy tính: Bảo đảm quyền lợi của thí sinh
Theo Đề án tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) hệ chính quy được Bộ GD&ĐT công bố, từ năm 2021, các môn thi THPT quốc gia sẽ được thiết kế phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình GDPT mới và các thí sinh sẽ làm bài thi trên máy tính.
Phương án thi trên máy tính nhận được nhiều ý kiến đồng thuận, vì phù hợp với yêu cầu chung về giáo dục cũng như sự phát triển của CNTT. Nhưng chuẩn bị thi trên máy tính cần nhiều yếu tố, trong đó, tập dượt cho giáo viên và học sinh rất quan trọng.
Ưu điểm của việc thi trên máy tính rất rõ là các em có thể biết điểm ngay sau khi thi, hạn chế tiêu cực trong khâu chấm thi. Đặc biệt, việc được thi nhiều đợt trong năm và lấy kết quả của lần thi cao nhất sẽ giúp giảm áp lực của kỳ thi THPT quốc gia, tạo điều kiện cho học sinh thuận lợi hơn hiện tại rất nhiều khi các em chỉ có một kỳ thi với kết quả được sử dụng để xét tuyển ĐH, CĐ vẫn có tính may rủi nhất định. Nếu được thi nhiều đợt, chắc chắn không thể có chuyện em học giỏi mà làm 5 bài thi đều kém và ngược lại. Đó cũng sẽ là một lần đánh giá thực chất việc học của học sinh đó ra sao để các em cố gắng hơn ở các lần sau.
Trước phương án này, có ý kiến lo ngại việc nhiều học sinh miền núi, ở các địa phương còn khó khăn thì sẽ chịu thiệt thòi khi không có máy tính để làm quen. Tuy nhiên, theo chủ trương của Bộ GD&ĐT, thi trên máy tính không gây sốc cho thí sinh. Những nơi nào thuận lợi sẽ thực hiện trước, còn những nơi nào chưa thi được trên máy sẽ thi trên giấy theo nguyên tắc giảm dần việc thi trên giấy và mở rộng việc thi trên máy tính trên quan điểm phù hợp và công bằng cho tất cả thí sinh.
Thi trên máy tính hoàn toàn khả thi nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tập dượt ngay từ bây giờ. Ảnh: VNU
Tại phiên họp Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD&ĐT phải bảo đảm tiến độ chuẩn hóa, cập nhật, mở rộng ngân hàng đề thi, không trì hoãn lộ trình tổ chức thi trên máy tính.
Video đang HOT
Ông Mai Văn Trinh Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho rằng, có rất nhiều việc cần phải chuẩn bị để đảm bảo có thể thực hiện được phương án thi trên máy tính. Ngoài việc chuẩn bị ngân hàng câu hỏi, xây dựng Test sites (địa điểm tổ chức) hiện cũng đang là một trong những vấn đề trọng tâm được Bộ GD&ĐT triển khai. Trên cơ sở nền tảng các trường ĐH hiện nay, sẽ hình thành dần ở các vùng miền Test sites phù hợp với điều kiện thực tiễn. Sẽ làm dần với tinh thần “nhanh nhưng không vấp, không vội vàng” bảo đảm thành công và quan trọng là duy trì tổ chức song hành cả thi trên giấy và máy tính, đặc biệt phải hướng đến quyền lợi của thí sinh.
Để làm được điều đó, ngay cả các thí sinh đã sử dụng máy tính thành thạo cũng cần phải được tập dượt kỹ không chỉ về mặt kỹ năng thao tác mà cả kiến thức nền tảng. Bởi ngoài các bài thi toán, ngữ văn, ngoại ngữ giữ ổn định như năm 2019, các bài thi tổ hợp tự chọn (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội) sẽ cấu trúc lại câu hỏi theo chuẩn đầu ra của chương trình. Trong đó, phương án tích hợp 3 môn vào 1 bài thi thay vì 3 môn riêng rẽ trong tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội như hiện nay có thể sẽ khiến thí sinh nếu chưa được tập dượt kỹ càng sẽ cảm thấy lúng túng. Cần sự làm quen thành thục và lứa học sinh tốt nghiệp từ năm 2021 trở đi cần chuẩn bị tâm thế, kỹ năng để sẵn sàng với sự thay đổi này. Chính Sở GD&ĐT, các nhà trường cũng cần chủ động lên phương án để học sinh dần tiếp cận với các hình thức thi còn mới mẻ này.
Thực tế là một số trường đã tập cho học sinh cách làm bài kiểm tra trên máy tính như THPT Nguyễn Du, Lê Quý Đôn (TP HCM)… Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (TP HCM) cho rằng, bên cạnh áp dụng hình thức thi trên máy tính, trường THPT Nguyễn Du cũng yêu cầu giáo viên đổi mới phương thức dạy học, tăng cường tổ chức theo nhóm. Học sinh thực tế thi trên máy tính, dùng công nghệ để kiểm tra, đánh giá là một phương pháp mới, đảm bảo được yêu cầu là đổi mới phương pháp đánh giá và chuẩn bị lộ trình cho năm học 2021 khi Bộ GD&ĐT cho học sinh thi trên máy tính cho một số tỉnh thành có điều kiện.
Cách đây 1 tuần, học sinh khối 12, trường THPT Trần Hữu Trang, TP.HCM làm bài thi giữa kỳ môn Toán, thời gian làm bài 45 phút, thông qua ứng dụng công nghệ. Thay vì làm bài thi qua giấy kiểm tra như thông thường, học sinh làm bài trực tiếp trên điện thoại, hoặc máy tính kết nối wifi của nhà trường.
Những năm trước, ĐHQG Hà Nội đã từng tổ chức thi đánh giá năng lực học sinh bằng bài thi trên máy tính. Việc thi trên máy tính diễn ra khá suôn sẻ, nhưng để phổ biến đối với thí sinh cả nước, đề thi, hạ tầng thông tin và thói quen sử dụng máy tính của học sinh phải đồng bộ, đồng đều. Vì thế những bước chuẩn bị và tập dượt từ bât giờ là rất cần thiết.
Phan Thủy
Theo PLXH
Thi trên máy tính: Cần có lộ trình chắc chắn
Với việc thi trên máy tính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần phải có lộ trình để thực hiện trên tinh thần tạo điều kiện tối đa cho học sinh; làm thận trọng trên quy mô nhỏ để đánh giá và có lộ trình mở rộng dần.
Phiên họp sáng 25-9
Tại phiên họp này 25-9 của Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì để nghe Bộ GD-ĐT báo cáo dự thảo phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ sau năm 2020, nhiều ý kiến thống nhất cần áp dụng công nghệ vào kỳ thi; chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy tính theo lộ trình đảm bảo tính khả thi. Tuy nhiên vẫn còn nhiều băn khoăn về cơ sở vật chất, ngân hàng đề thi.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - bày tỏ ủng hộ dự thảo phương án của Bộ GD-ĐT nhưng để triển khai thi trên máy tính, cần chuẩn bị về địa điểm thi, hạ tầng, trang thiết bị. Cùng với đó là xây dựng ngân hàng đề thi - đây là việc khó, cần huy động trí tuệ rộng rãi. Năng lực của cán bộ tham gia tổ chức thi và các thầy cô giáo cũng phải được quan tâm; chú trọng bồi dưỡng đội ngũ về ngoại ngữ, năng lực công nghệ thông tin, tập huấn cho đội ngũ trước kỳ thi.
GS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đề nghị cần phải xem tác động đối với xã hội, người học. "Muốn hay không muốn cũng phải đưa công nghệ vào nhưng cần quan tâm các điều kiện đảm bảo tính khả thi: hình thức tổ chức ra sao, ngân hàng đề thi như thế nào, hạ tầng cơ sở vật chất trang thiết bị và cuối cùng là các chế tài và lộ trình thực hiện cho phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam", GS Nguyễn Văn Minh nói.
Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội Hoàng Minh Sơn ủng hộ áp dụng công nghệ vào kỳ thi và cho rằng việc này cần làm khẩn trương nhưng có lộ trình từng bước chắc chắn. "Nếu đến năm 2025, chúng ta cơ bản áp dụng thi trên máy tính thì đó là thành công lớn mà nhiều nước chưa làm được" - ông Hoàng Minh Sơn cho hay.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thanh Long đồng tình có lộ trình phù hợp áp dụng thi trên máy tính; đồng thời cho rằng cần sớm hoàn chỉnh ngân hàng đề thi và có cập nhật, bổ sung hàng năm. Lộ trình đổi mới, hoàn thiện kỳ thi cần được công bố để người dân hiểu rõ.
GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới đề nghị, cần cải tiến nội dung đề thi theo hướng đánh giá được năng lực người học, như kiểu thi PISA, tránh chỉ kiểm tra kiến thức đơn thuần.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, sẽ kết hợp thi trên giấy và trên máy tính, tăng dần thi trên máy ở nơi có điều kiện. Để thực hiện thi trên máy cần trước hết là ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa, phải tăng cả về số lượng và chất lượng. Ngoài hạ tầng, phần mềm, hệ thống vận hành phải tính toán, tránh khâu quản lý vận hành không thống nhất, trục trặc. Cần đặc biệt quan tâm đến năng lực tổ chức thực hiện thi, bởi máy móc không thể thay thế con người; không quá nhấn mạnh vai trò của máy móc mà nhẹ về phần chuẩn bị, đặc biệt đội ngũ cán bộ khảo thí.
"Dù công nghệ tốt, nhưng quản lý không tốt có thể lại là kẽ hở cho tiêu cực. Do đó, cần quan tâm chuẩn bị cả đội ngũ khảo thí. Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các sở GD-ĐT kiện toàn đội ngũ này, tăng cường cả về năng lực và phẩm chất để khi áp dụng công nghệ vào thì phải chắc chắn", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp và tiếp tục xin ý kiến để hoàn thiện phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ sau năm 2020.
Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu quan điểm cần làm chắc chắn, nhưng cũng phải rất tích cực. Phải chuẩn bị kỹ phương án trước khi lấy ý kiến góp ý rộng rãi. Với việc thi trên máy tính, Phó Thủ tướng cho rằng cần phải có lộ trình để thực hiện trên tinh thần tạo điều kiện tối đa cho học sinh; làm thận trọng trên quy mô nhỏ để đánh giá và có lộ trình mở rộng dần.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngân hàng đề thi phải làm tích cực hơn, làm sao huy động được nhiều nguồn lực cho việc xây dựng ngân hàng câu hỏi; nhưng không vì ngân hàng câu hỏi mà trì hoãn việc tổ chức thi trên máy.
Theo SGGP
Học sinh lớp 12 kiểm tra giữa kỳ trên máy tính và điện thoại Trước lộ trình sau năm 2020, kỳ thi THPT quốc gia sẽ tổ chức thí điểm thi trên máy tính, các trường THPT đã có bước chuẩn bị cho học sinh, bắt đầu ngay từ bài kiểm tra giữa kỳ. Học sinh Trường THPT Trần Hữu Trang (Q.5, TP.HCM) làm bài kiểm tra trên điện thoại - B.THANH Biết kết quả ngay sau...