Chuẩn bị kỹ càng cho chương trình giáo dục phổ thông mới
Vừa hoàn tất việc công bố sách giáo khoa (SGK) mới cho học sinh (HS) lớp 1 từ năm học 2020 – 2021, các trường tiểu học (TH) tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục bước vào giai đoạn nước rút về chuẩn bị đội ngũ, cơ sở vật chất để triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới.
Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 trong giờ học.
Thận trọng khi chọn sách
Sau khi dành nhiều tháng liền nghiên cứu, phân tích năm bộ SGK được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phê duyệt, phần lớn các trường TH trên địa bàn TP Hồ Chí Minh quyết định chọn bộ “Chân trời sáng tạo”, kế tiếp là bộ “Cánh Diều”. Là một trong số 14 trường TH trên địa bàn quận 1 chọn bộ SGK “Chân trời sáng tạo”, Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm đã công bố nội dung này đến phụ huynh để có sự chuẩn bị chu đáo. Bà Đỗ Ngọc Chi, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhà trường chọn “Chân trời sáng tạo” vì nhận thấy bộ SGK này phù hợp với điều kiện, phương pháp giáo dục mà trường hướng đến cho HS.
Nhà trường cảm thấy an tâm vì quá trình thay SGK lần này có sự chuẩn bị chu đáo, cân nhắc kỹ lưỡng với sự tham gia của nhiều bên, nhất là đại diện cha mẹ HS. “Chúng tôi thấy rõ sự cẩn trọng của Bộ GD-ĐT từ những bước triển khai ban đầu đến việc quyết định lùi thời điểm công bố SGK mới thay vì theo tiến độ bằng mọi cách.
Bản thân nhà trường không quá lo lắng với đổi SGK vì bộ sách thay lần này không phải là sự loại bỏ hoàn toàn mà vẫn giữ được những cái tốt và phát triển cái mới trên nền của cái cũ. Đó không phải là sự xóa bỏ hoàn toàn cho nên không khó để thích nghi. Việc truyền thông đến phụ huynh cũng thực hiện rất tốt”, bà Đỗ Ngọc Chi nhận định.
“Chân trời sáng tạo” cũng là bộ sách được Hội đồng Thẩm định Trường TH Nguyễn Hiền ở quận 2 lựa chọn sau thời gian dài tính toán, cân nhắc. Theo bà Nguyễn Kim Thành, Hiệu trưởng nhà trường, bên cạnh quá trình làm việc nghiêm túc của đội ngũ thẩm định gồm các giáo viên, cán bộ vững chuyên môn, giàu kinh nghiệm, nhà trường còn triển khai đầy đủ thông tin năm bộ SGK đến đại diện phụ huynh để ghi nhận ý kiến.
Với sự đồng thuận cao, nhà trường quyết định lựa chọn “Chân trời sáng tạo” và đã niêm yết bảng lựa chọn SGK trước cổng nhằm công khai thông tin, giúp phụ huynh có sự chuẩn bị chu đáo cho HS sắp vào lớp 1 tại trường. Bà Thành phấn khởi cho hay: “Lần thay đổi SGK này đã có sự thay đổi rất rõ, các trường được chủ động lựa chọn bộ SGK phù hợp. Điều này rất quan trọng vì khi chọn đúng SGK, việc giảng dạy của mỗi trường sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Quá trình, kết quả chọn sách cũng được công bố rộng rãi, dân chủ nên chúng tôi an tâm lắm. Hy vọng bộ sách mới lần này sẽ tạo được sự thay đổi lớn”.
Giáo viên đóng vai trò cốt lõi
Chọn SGK là một công đoạn trong quá trình chuẩn bị cho chương trình GDPT mới sẽ bắt đầu với khối lớp 1 từ năm học 2020 – 2021. Các chuyên gia giáo dục cho rằng, xây dựng được chương trình hay, có SGK phù hợp là một chuyện, quan trọng nhất vẫn là con người. Chính vì điều này, công tác đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới được TP Hồ Chí Minh hết sức quan tâm.
Không phải đợi đến thời điểm này mà ngay từ khi Bộ GD-ĐT xây dựng chương trình GDPT mới, Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh và các phòng GD-ĐT 24 quận, huyện đã lên phương án đào tạo đội ngũ nhân sự cho yêu cầu đổi mới. Sở GD-ĐT đã phối hợp với các trường đại học tổ chức các khóa bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên cơ bản hoàn thành các khóa đào tạo bồi dưỡng giáo viên dạy lớp 1.
Nhờ chuẩn bị tâm thế từ hai, ba năm trước cho nên các trường không ngỡ ngàng khi bước vào giai đoạn tăng tốc. Theo đó, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng từ tháng 4, các quận đã triển khai đào tạo chuyên môn, tập huấn trực tuyến cho đội ngũ sư phạm các trường TH.
Đến thời điểm hiện tại, công tác tập huấn cơ bản đã hoàn tất. Nhằm phục vụ chương trình GDPT mới, chỉ tính riêng năm học 2020 – 2021, cấp TH tại TP Hồ Chí Minh dự kiến có 6.313 giáo viên/3.550 lớp học, bảo đảm tỷ lệ và đủ số lượng giáo viên dạy lớp 1, trong đó có 3.683 giáo viên dạy nhiều môn. Không chỉ bảo đảm chuyên môn, nghiệp vụ, các trường còn chủ động lên phương án truyền thông tư tưởng với giáo viên về các yêu cầu trong năm học tới.
Video đang HOT
“Đổi mới chương trình cũng là cách để đội ngũ giáo viên tiệm cận với phương pháp giảng dạy, đánh giá mới, trong đó có dạy trực tuyến. Ở vai trò quản lý, tôi luôn tìm cách làm công tác tư tưởng giúp đội ngũ sư phạm nhà trường nhận thức được việc đổi mới này mang tính tất yếu và đem lại lợi ích cho HS. Có thể nói, tâm thế của các thầy cô đã sẵn sàng cho sự thay đổi lần này”, Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 cho biết thêm.
Cùng việc khẩn trương hoàn thiện đội ngũ nhân sự, điều nhiều trường quan tâm nhất bây giờ làm sao đủ cơ sở vật chất để đáp ứng tốt nhất yêu cầu của chương trình GDPT mới. Riêng về việc thiết kế dạy học hai buổi/ngày, ngành GD-ĐT TP Hồ Chí Minh đang tiến hành rà soát các điều kiện triển khai chương trình GDPT mới, lên phương án cố gắng bảo đảm 100% HS khối 1 được học hai buổi/ngày vào năm học 2020 – 2021, kết hợp đẩy mạnh xây dựng trường lớp để tiếp tục thực hiện cuốn chiếu đối với các khối lớp còn lại vào những năm kế tiếp.
Sẽ có thêm những kế hoạch cho tình huống phát sinh nhằm thực hiện tốt nhất các yêu cầu đổi mới của chương trình. Thành phố cũng đang triển khai Đề án “Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 – 2025″ với những kế hoạch cụ thể cho từng bậc học. Trong đó, việc tập trung đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học thực hiện chương trình GDPT mới được quan tâm hàng đầu.
Tập huấn bồi dưỡng GV dạy lớp 1: Giám sát chặt chẽ chất lượng
Bên cạnh nỗ lực dạy học hoàn thành chương trình, giáo viên dạy lớp 1 còn dồn sức cho việc bồi dưỡng và tự bồi dưỡng để bắt tay vào việc thực hiện Chương trình GDPT 2018.
100% GV đại trà sử dụng SGK lớp 1 sẽ hoàn thành bồi dưỡng trước 30/7. Ảnh: TG
TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) trao đổi với Báo Giáo dục & Thời đại xung quanh vấn đề này.
Tối ưu hóa quá trình tập huấn
- Tập huấn, bồi dưỡng GV trên những bộ SGK đã được chọn rất quan trọng. Bộ GD&ĐT chỉ đạo ra sao với công tác này?
- Bộ GD&ĐT yêu cầu Sở GD&ĐT các tỉnh chủ động phối hợp với NXB xây dựng kế hoạch tập huấn sử dụng SGK cho GV dạy học lớp 1 năm học 2020 - 2021và CBQL cơ sở giáo dục. Theo đó, GV được sắp xếp vào lớp học theo môn học/hoạt động giáo dục, bộ SGK, bảo đảm 100% GV dạy lớp 1và CBQL được tập huấn phù hợp với lựa chọn SGK của cơ sở giáo dục.
Khi tổ chức tập huấn bồi dưỡng có thể chia thành 2 nhóm GV (GV dạy các môn Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên - Xã hội, Đạo Đức và GV dạy Mĩ thuật, Âm nhạc, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, Tiếng Anh) nhằm tối ưu hóa hình thức tổ chức trên cơ sở bảo đảm chất lượng bồi dưỡng.
Việc bồi dưỡng sử dụng SGK lớp 1 năm học 2020 - 2021 cũng được lồng ghép trong chương trình Bồi dưỡng thường xuyên GV, CBQL cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và GV trung tâm giáo dục thường xuyên. Hình thức tổ chức có thể là trực tiếp hoặc kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến. Sở GD&ĐT có trách nhiệm điều động GV, CBQL tham gia, chuẩn bị các điều kiện thực hiện và tạo điều kiện thuận lợi cho GV, CBQLGD tham dự.
Về phía các NXB chịu trách nhiệm chuẩn bị đội ngũ báo cáo viên đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng để triển khai bồi dưỡng. Đồng thời biên soạn bộ học liệu điện tử gồm SGK được lựa chọn, tài liệu hướng dẫn sử dụng SGK, các bài dạy mẫu, học liệu bổ trợ liên quan khi sử dụng SGK... Các tài liệu bồi dưỡng phải được số hóa, hoàn thành trước 30/6.
TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT).
Giám sát chặt chẽ quy trình
- Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện chức năng giám sát thế nào để quy trình bồi dưỡng phải đạt hiệu quả thiết thực?
- Cần xác định việc tập huấn, bồi dưỡng thực hiện SGK mới là nhiệm vụ bồi dưỡng thường xuyên của GV. Và đó là nhiệm vụ mà GV phải làm.
Mặt khác, với chương trình bồi dưỡng thường xuyên, sở GD&ĐT phải tham mưu với UBND tỉnh và đóng vai trò chủ trì tổ chức và các NXB có SGK được địa phương lựa chọn chịu trách nhiệm về tài liệu tập huấn, báo cáo viên tập huấn và cùng với địa phương thiết kế lớp học phù hợp theo chuyên môn và bảo đảm thời gian theo sự kiểm soát của Bộ GD&ĐT.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT vẫn sẽ giám sát chặt chẽ việc thực hiện kế hoạch tập huấn bồi dưỡng GV dạy lớp1 của địa phương và NXB trên 2 nội dung chính.
Thứ nhất, về nội dung tập huấn, tài liệu bồi dưỡng của các NXB phải được biên soạn đúng theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT và số hóa để đưa lên hệ thống cho GV tìm hiểu trước 5 ngày trước khi bồi dưỡng và phải gửi về Bộ để thực hiện chức năng giám sát. Cả 5 bộ SGK được địa phương lựa chọn đều phải tiến hành chung các bước này để tránh tình trạng mỗi bộ SGK một kiểu.
Trong đó lưu ý nội dung bồi dưỡng tới các địa phương và NXB cần thực hiện gồm: Hướng dẫn sử dụng SGK; Những điểm mới đáng chú ý trong quá trình sử dụng SGK; Các học liệu GV được khai thác theo SGK; Sự tương tác với tác giả trong quá trình GV thực hiện SGK.
Thứ hai, do đây là chương trình được lồng ghép vào bồi dưỡng thường xuyên nên Bộ GD&ĐT sẽ giao trách nhiệm cho các sở GD&ĐT chủ trì xây dựng kế hoạch phối hợp với NXB để triển khai bồi dưỡng tập huấn một cách khoa học, tiết kiệm thời gian. Việc bồi dưỡng hướng dẫn sử dụng SGK mới cho 100% GV lớp 1 và CBQL nhà trường năm học tới phải hoàn thành trước 30/7.
Đáng nói, quá trình bồi dưỡng, GV sẽ có những bài kiểm tra, thu hoạch để đánh giá chất lượng. Bộ sẽ kiểm soát chặt chẽ chất lượng bồi dưỡng qua những bài thu hoạch, kiểm tra này. Với những GV tham gia bồi dưỡng không nghiêm túc hoặc chưa đạt yêu cầu, Bộ GD&ĐT sẽ đề nghị địa phương chưa bố trí GV dạy lớp 1 theo Chương trình GDPT 2018 trong năm học 2020 - 2021 cho tới khi đáp ứng được yêu cầu giảng dạy sau bồi dưỡng.
Giáo viên trao đổi lựa chọn SGK. Ảnh minh họa/INT
- Qua ghi nhận, GV đều mong muốn được tập huấn, bồi dưỡng trực tiếp trên SGK mới. Tuy nhiên, nhiều người lo lắng về tiến độ cung cấp sách. Ông có lưu ý gì về vấn đề trên?
- Song song với việc chỉ đạo tập huấn SGK, Bộ GD&ĐT yêu cầu NXB phối hợp với địa phương để lên phương án cung ứng SGK kịp thời.
Đến 30/7 và muộn nhất 15/8, SGK phải đến tận tay phụ huynh, HS, GV. Như vậy, tập huấn xong GV sẽ có SGK mới để thực hiện chuyên môn từ 1/8 đến 15/8. Từ 15/8 đã có thể đón HS tới trường với những điều kiện được chuẩn bị: Tập huấn xong GV, SGK mới và tâm thế sẵn sàng cho năm học mới.
- Các địa phương, NXB cần làm gì trong việc tập huấn GV sử dụng SGK mới để đạt hiệu quả?
- Trong khoảng thời gian ngắn mà chúng ta làm nhiều việc và có nhiều lực lượng tham gia khác nhau... các địa phương cần nghiêm túc nghiên cứu văn bản hướng dẫn của Bộ và làm theo đúng tinh thần trách nhiệm. Cần triển khai ngay kế hoạch và thông báo đến GV chuẩn bị tinh thần và có trách nhiệm phối hợp với lực lượng liên quan để cùng tiến hành tập huấn, bồi dưỡng.
Về phía NXB ngoài việc cung ứng đầy đủ SGK phải chuẩn bị đầy đủ số lượng báo cáo viên và tài liệu liên quan đáp ứng đầy đủ chất lượng để khi triển khai công việc không bị vướng các điều kiện bảo đảm.
Đối với GV, đây là việc làm có thể vất vả giai đoạn đầu nhưng Bộ đã tính toán để chương trình bồi dưỡng SGK nằm trong bồi dưỡng thường xuyên mà GV phải làm để nâng cao chất lượng nghề nghiệp của mình. Vì vậy, GV xem đây là quyền lợi nhưng đồng thời là vinh dự, trách nhiệm để chủ động với phương án của mình. Hãy coi những cống hiến, vất vả của mình trong thời gian tới là cần thiết để cùng toàn ngành vượt qua năm học "bản lề", triển khai Chương trình GDPT mới thành công.
- Xin cảm ơn ông!
Thời gian bồi dưỡng 100% GV đại trà sử dụng SGK lớp 1 sẽ hoàn thành trước ngày 30/7. Trước ngày 31/12, Bộ GD&ĐT tiếp tục bồi dưỡng Mô đun 2 về đổi mới phương pháp dạy học cho tất cả GV. Bộ đang tiến hành các bước triển khai trong thời gian tới.
Sử dụng SGK tại Long An: Tôn trọng lựa chọn của giáo viên Các trường tiểu học ở Long An bắt đầu xây dựng kế hoạch tập huấn và làm việc với nhà xuất bản có sách được giáo viên lựa chọn để cung ứng. Giáo viên tiểu học tỉnh Long An tìm hiểu SGK lớp 1. Ảnh: N. Thạch Mỗi trường có lựa chọn khác nhau nhưng việc được dạy trên bộ sách do mình...