Chuẩn bị hàng trăm nghìn kít xét nghiệm người nhập cảnh
Việt Nam sử dụng xét nghiệm kháng nguyên khẳng định nCoV khi mở cửa đường bay quốc tế, không dùng kháng thể mang giá trị sàng lọc.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chiều 10/9 cho biết ngành y tế đang chuẩn bị kế hoạch xét nghiệm người nhập cảnh khi Việt Nam sắp mở cửa một số đường bay quốc tế. Theo ông, việc mở cửa sẽ tiến hành từ từ, không ồ ạt. Thời gian đầu, số lượng khách nhập cảnh ít, ngành y tế triển khai xét nghiệm tại các cơ sở y tế chỉ định. Khi số lượng người nhập cảnh tăng, nhà chức trách tính đến phương án lấy mẫu ở sân bay, hoặc xét nghiệm tại chỗ, lựa chọn kit xét nghiệm có kết quả trong thời gian ngắn nhất và độ chính xác cao.
Theo Thứ trưởng, sẽ sử dụng xét nghiệm kháng nguyên (có giá trị khẳng định) với người nhập cảnh, không dùng xét nghiệm kháng thể (có giá trị sàng lọc). Chủ yếu sẽ sử dụng test kit do doanh nghiệp trong nước sản xuất.
“Ngành y tế đảm bảo đủ năng lực về nhân lực và test kit để triển khai xét nghiệm khi mở cửa đường bay”, Thứ trưởng Sơn nói.
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất mở lại 6 đường bay quốc tế từ ngày 15/9, đến Đài Loan, Quảng Châu (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia, Lào. Dự kiến số khách nhập cảnh cần cách ly mỗi tuần là gần 5.000 người tại Hà Nội và TP HCM.
Nhân viên y tế lấy mẫu bệnh phẩm người nhập cảnh tại sân bay Nội Bài, Hà Nội, để xét nghiệm, hồi tháng 3. Ảnh: Giang Huy.
Video đang HOT
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 chiều 9/9, các chuyên gia nhấn mạnh vấn đề chung sống an toàn với dịch bệnh, phải mở cửa để đón chuyên gia, nhà đầu tư phục vụ phát triển kinh tế. Vì vậy, cần thiết phải xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên ngay tại các cửa khẩu, sân bay, bệnh viện, sự kiện tập trung đông người… để sàng lọc, phát hiện sớm ca nhiễm, không để xâm nhập vào cộng đồng.
Bộ Y tế hôm qua cho biết sẽ “đặt hàng các doanh nghiệp tổ chức xét nghiệm tại sân bay như kinh nghiệm một số nước”.
Các doanh nghiệp Sao Thái Dương, Medicon đang khẩn trương nghiên cứu, sản xuất loại test kit tìm kháng nguyên có giá thành thấp, thời gian thực hiện ngắn hơn nhưng độ nhạy, độ đặc hiệu tương đương hoặc cao hơn phương pháp RT-PCR hiện nay.
Ông Đào Đình Khôi, Giám đốc công ty Medicon, cho biết đã chuẩn bị lượng nguyên liệu sản xuất 500.000 test. Sau khi hoàn tất thử nghiệm, công ty sẽ nộp hồ sơ đăng ký lưu hành và sẵn sàng triển khai sản xuất trên quy mô công nghiệp với khoảng 50.000-100.000 test một ngày. Dự kiến giá thành khoảng 3,5 USD một test, bằng 70% giá so với sản phẩm của nước ngoài.
Đại diện Công ty Sao Thái Dương cũng cho biết đã triển khai sản xuất test kit Realtime LAMP phiên bản mới, gửi cơ quan chức năng đánh giá độ nhạy, độ đặc hiệu… Nhóm nghiên cứu của công ty kỳ vọng test kit này giúp nâng công suất xét nghiệm gấp nhiều lần, thời gian ngắn hơn, có thể triển khai trước hết tại các sân bay.
Theo Cục Y tế Dự phòng, kể từ đầu dịch Covid-19 đến cuối tháng 8, Việt Nam đã thực hiện hơn một triệu xét nghiệm nCoV bằng phương pháp RT-PCR. Đợt dịch bùng phát tại Đà Nẵng, công suất xét nghiệm tăng gấp 5-6 lần so với giai đoạn cao điểm tháng 3 và 4. Số lượng xét nghiệm trong một tháng bằng tổng số xét nghiệm trong 6 tháng của giai đoạn đầu.
Hiện cả nước có 123 cơ sở đủ khả năng xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR, công suất tối đa hơn 46.000 mẫu một ngày. Trong số đó, 71 phòng xét nghiệm khẳng định, công suất hơn 36.000 mẫu một ngày. Bộ Y tế đã thành lập hệ thống hỗ trợ xét nghiệm tại ba khu vực để giúp các địa phương nâng công suất xét nghiệm trong trường hợp cần thiết.
Ca nghi nhiễm ở Đà Nẵng từng nhiễm nCoV
Kết quả xét nghiệm kháng thể cho thấy nam bệnh nhân 65 tuổi ở quận Ngũ Hành Sơn từng nhiễm nCoV, hiện tại hai lần xét nghiệm đều âm tính.
Tối 6/9, Sở Y tế Đà Nẵng cho biết xét nghiệm kháng thể bằng phương pháp test nhanh và phương pháp Mac Elisa cho thấy bệnh nhân nghi nhiễm có kết quả dương tính với kháng thể.
Ngành y tế xét nghiệm kháng thể bằng phương pháp Mac Elisa với em trai, vợ, con gái của bệnh nhân và cũng cho kết quả dương tính. Còn kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR là âm tính với nCoV.
"Kết quả xét nghiệm dương tính với kháng thể, nghĩa là trong quá khứ bệnh nhân từng nhiễm SARS-CoV-2", Sở Y tế Đà Nẵng nhận xét.
Các bác sĩ tại Đà Nẵng trao đổi trong đợt dịch nCoV tái bùng phát, tháng 7/2020. Ảnh: Nguyễn Đông.
Kết quả xét nghiệm của bệnh nhân và ba người nhà dương tính với kháng thể cần có thêm cơ sở khoa học và ý kiến chuyên môn, Sở Y tế Đà Nẵng nói và cho biết sẽ báo cáo Bộ Y tế để xin ý kiến chỉ đạo.
Bệnh nhân hiện được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Hoà Vang và tiếp tục được lấy mẫu xét nghiệm trong những ngày tới. Những người có liên quan tiếp tục được rà soát để xét nghiệm, trong đó sáu người đã được cách ly tập trung.
Trước đó, bệnh nhân nghi nhiễm từng điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng đầu tháng 7. Ngày 5/9, ông bị ho, sốt và được đưa vào Bệnh viện C Đà Nẵng cấp cứu.
Bệnh viện C đã lấy mẫu xét nghiệm nCoV và sáng ngày 6/9 có kết quả dương tính. Mẫu bệnh phẩm này tiếp tục được chuyển đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng làm xét nghiệm, kết quả dương tính.
Trong ngày 6/9, Bệnh viện Dã chiến Hoà Vang, nơi đang điều trị cho bệnh nhân, lấy mẫu lức 8h45; kỹ thuật viên CDC Đà Nẵng lấy mẫu lúc 9h và hai kết quả xét nghiệm được CDC thực hiện đều cho kết quả âm tính vào chiều cùng ngày.
Quận Ngũ Hành Sơn đã phong toả toàn bộ khu vực 7 hộ dân xung quanh nơi ở của ca nghi nhiễm, phun hoá chất khử khuẩn để đảm bảo quy trình về phòng chống dịch bệnh.
Kết quả xét nghiệm kháng nguyên bằng phương pháp RT-PCR với 7 người khác, gồm con rể, hai cháu ngoại ở cùng nhà ít tiếp xúc với bệnh nhân; em dâu và ba người có liên quan cũng âm tính với nCoV.
RT-PCT là phương pháp xét nghiệm mục đích để tìm kháng nguyên (tác nhân gây bệnh - nCoV) có tồn tại trong cơ thể và có khả năng lây nhiễm tại thời điểm lấy mẫu xét nghiệm hay không.
Xét nghiệm tìm kháng thể là khi người từng mắc bệnh do kháng nguyên gây ra, cơ thể sẽ sinh ra kháng thể để đáp ứng lại kháng nguyên đó.
Xét nghiệm tìm kháng nguyên là xác định tại thời điểm xét nghiệm, cơ thể có nhiễm kháng nguyên hay không. Xét nghiệm kháng thể là để tìm kháng thể, được sinh ra khi cơ thể từng tiếp nhận kháng nguyên.
Những chiến sĩ '3 không' ngày đêm truy lùng COVID-19 Hơn một tháng ròng rã từ ngày dịch COVID-19 bùng phát tại Đà Nẵng, các kỹ thuật viên xét nghiệm tại CDC Đà Nẵng và các phòng xét nghiệm đã cố gắng hết khả năng để kịp xử lý hàng ngàn mẫu bệnh phẩm mỗi ngày. CDC Đà Nẵng tiếp nhận các lô mẫu bệnh phẩm cần xét nghiệm tìm virus SARS-CoV-2 từ...