Chuẩn bị gì trước khi du học Australia?
Hai tiếng du học nghe sang, nhưng thực tế không hoàn toàn màu hồng, có bạn từng thốt lên “tưởng được một trời tri thức ai dè một trời lo âu”.
Từng học cử nhân Kế toán và thạc sĩ Quản trị kinh doanh ở Đại học Victoria (Melbourne, Australia), chị Trương Nguyễn Thoại Giang (48 tuổi, quê Bình Dương, hiện làm việc cho Chính phủ Australia) chia sẻ kinh nghiệm du học.
Xác định mục đích
Trước tiên bạn nên xác định mục đích du học của mình. Tiếp theo là lên kế hoạch hành động. Mục đích du học của tôi là mở mang kiến thức, nâng cao trình độ tiếng Anh và định cư ở Australia.
Để đạt mục đích cuối cùng đó, tôi chọn ngành học có trong danh sách được ưu tiên xin định cư và đặt ra mục tiêu trước mắt là cố gắng đạt được kết quả học tập tốt, điểm cao, có việc làm trước khi tốt nghiệp.
Chuẩn bị tài chính
Khả năng tài chính là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại khi du học. Trước khi đi, tôi đã chuẩn bị tiền học phí cho cả khóa học, chỉ làm thêm để chi trả phí sinh hoạt, tiền vé máy bay về Việt Nam thăm gia đình mỗi năm.
Nếu bạn phải làm thêm để vừa đóng học phí, vừa lo chi tiêu thì sẽ phải “cày” đầu tắt mặt tối may ra mới vừa đủ. Khi đó bạn sẽ không còn thời gian học, mệt mỏi, kết quả kém, tiếng Anh lơ mơ, sẽ khó tìm việc.
Từ khi nhen nhúm ý định du học, bạn hãy đầu tư học tiếng Anh càng nhiều càng tốt. Kathy Nguyen, cựu sinh viên RMIT, cho biết lúc còn trong nước lười học tiếng Anh vì nghĩ qua Australia sống trong môi trường nói tiếng Anh sẽ tiếp thu nhanh, mau tiến bộ hơn. Cuối cùng Kathy Nguyen phải bỏ ra cả năm luyện tiếng mới được nhận vào đại học, vừa mất thời gian vừa phải trả học phí cao gấp mấy lần so với học trong nước. Trong khi những bạn thi IELTS ở Việt Nam đủ điểm được vào thẳng đại học.
Để giỏi tiếng Anh, bạn cần cả một quá trình lâu dài, nên đừng trì hoãn, hãy học ngay và luôn như Benjamin Franklin đã nói “Never leave that till tomorrow which you can do today” (Đừng bao giờ để đến ngày mai những việc bạn có thể làm ngày hôm nay).
Nâng cao sức khỏe
Du học đa số phải vừa học vừa làm thêm với cường độ cao nên bạn cần sức khỏe dẻo dai. Thời tiết ở Melbourne với bốn mùa trong một ngày sẽ đánh gục những bạn thư sinh yếu đuối.
Mặc dù đã rất cố gắng, hầu như mùa đông nào tôi cũng ngã bệnh ít nhất hai lần, không đi học đi làm được. Những lúc đó chỉ ước gì trước đây mình siêng năng tập luyện cải thiện sức khỏe thay vì ngồi quán tán dóc.
Bạn hãy bắt đầu chơi một môn thể thao nào đó. Nếu điều kiện không cho phép thì có thể chạy xe đạp, đi bộ, tập thể dục. Tôi hay chơi tennis vì gần nhà có sân ngoài trời miễn phí.
Xe tram (xe điện), phương tiện giao thông công cộng phổ biến ở Melbourne. Ảnh: Thoại Giang
Trao dồi kỹ năng sống
Kỹ năng sống nhiều bạn trẻ Việt Nam thiếu do được gia đình bao bọc từ nhỏ. Trước khi du học các bạn nên tập sống tự lập, trang bị cho mình khả năng sinh tồn tối thiểu bằng cách bắt đầu đi chợ, nấu ăn vì bạn không thể ăn ngoài hay mì gói quanh năm suốt tháng. Bạn cũng cần biết dọn phòng, rửa chén, quét nhà, chà toilet.
Nếu bạn thuê nhà qua văn phòng thuê nhà (Real Estate Agent) thì mỗi sáu tháng họ sẽ kiểm tra một lần, nếu thấy bừa bộn, bẩn thỉu họ có thể đòi nhà lại. Khi share nhà với nhau, đối với những khu vực chung như phòng khách, bếp, nhà tắm, toilet bạn sẽ được phân công trực vệ sinh, và phải biết tự giác dọn dẹp gọn gàng sạch sẽ sau khi sử dụng. Nếu sinh hoạt bẩn thì sẽ không tránh khỏi xung đột.
Video đang HOT
Học lái xe
Nếu bạn có ý định sống ở Australia lâu dài thì nên học lái xe trước ở Việt Nam. Bạn cũng có thể học luật giao thông online. Học lái xe ở Australia rất mắc ($45 trong 45 phút). Hơn nữa, khi qua đây bạn sẽ bận rộn đi học, đi làm, khó sắp xếp thời gian học lái, học luật. Lưu ý mỗi tiểu bang có những yêu cầu khác nhau về thi lấy bằng lái xe.
Có xe sẽ thuận tiện cho việc đi lại mà không phải phụ thuộc vào xe công cộng, hay nhờ vả bạn bè, tiết kiệm thời gian. Bạn cũng có nhiều lựa chọn việc làm thêm hơn.
Tìm hiểu văn hóa
Khi có thời gian, bạn nên tìm hiểu văn hóa Australia để tránh bị sốc. Đi chơi với bạn bè, người phương Tây không có thói quen bao mà mạnh ai nấy trả. Họ cũng không mời người khác đồ ăn của mình, ví dụ khi học nhóm, thức ăn của ai nấy dùng, không phải mời qua mời lại.
Người Australia cũng không thích tò mò những chuyện đời tư như tuổi tác, tình trạng tài chính, hôn nhân, con cái, trừ khi thân thiết và họ tự chia sẻ.
Khi nhờ người khác việc gì dù nhỏ hãy nhớ nói please. Sorry khi lỡ va chạm nơi công cộng. Chờ xe lửa, xe tram hay xe buýt, bạn nên đứng nép sang một bên chừa chỗ cho hành khách xuống trước rồi mình mới lên sau. Đi bộ trên lề đường, bạn hãy đi phía tay trái để tránh không đâm vào người đi ngược chiều. Lên thang cuốn, bạn đi bên trái dành cho người đứng tại chỗ, bên phải dành cho người đi, nên chú ý để không gây cản trở.
Họ và tên
Như các bạn đã biết người phương Tây có thứ tự tên ngược với người Việt. Tên gọi (first name) đứng trước, rồi tới chữ lót (middle names), sau cùng mới là họ (last name). Khi tới Australia, bạn sẽ phải làm rất nhiều loại giấy tờ nên suy nghĩ thứ tự tên của mình và sử dụng đồng nhất để tránh phiền phức.
Bạn tôi thi lấy bằng lái xe thì hệ thống mặc định là Thi Bich Hang Tran. Khi mở tài khoản ngân hàng bạn ấy lấy tên Hang Bich Thi Tran, nhưng đôi khi không nhớ nên khai những giấy tờ khác là Hang Thi Bich Tran. Bạn gặp vô vàn rắc rối khi cần phải chứng minh nhân thân. Cuối cùng bạn phải đổi hết tên giấy tờ thành Thi Bich Hang Tran (gọi tắt Thi Tran) theo bằng lái vì bằng lái muốn đổi tên rất nhiêu khê.
Tôi may mắn hơn, từ đầu đã lấy tên là Giang Nguyen Thoai Truong (gọi tắt Giang Truong) cho tất cả mọi giấy tờ. Nhờ vậy mọi người vẫn gọi tôi là “Giang”, trong khi bạn tôi không còn là “Hang” nữa mà là “Thi”!
Bạn cũng nên học thuộc lòng cách đánh vần họ, tên, ngày tháng năm sinh, mã số sinh viên, số điện thoại, email, địa chỉ nhà vì chắc chắn sẽ được hỏi thông tin đó liên tục và nếu bạn không chuẩn bị thì sẽ rất bối rối.
Trang phục
Đối với quần áo, giày dép, phụ kiện, bạn chỉ nên mang theo những thứ có sẵn. Bạn không nên mua thêm quần áo ở Việt Nam vì sẽ không phù hợp với phong cách và thời tiết ở đây. Nhiều du học sinh ăn mặc kiểu cách, rườm rà, trong khi sinh viên bản xứ chuộng sự đơn giản, thoải mái, năng động với áo thun, quần jean, short, giày thể thao, dép xăng đan. Em họ tôi cứ có thời gian là đi săn hàng sale nên tủ quần áo của em vừa rẻ vừa đẹp.
Bạn nên mang theo vật dụng cá nhân thường ngày để không phải mất thời gian tìm mua khi còn lạ nước lạ cái. Còn lại Australia hầu như đồ đạc gì cũng có, giá cả cũng phải chăng. Tuy nhiên, nếu bạn cần gối ôm thì nhớ đem theo vì tôi chưa thấy bán ở đây.
Bạn Quem Nguyen, du học sinh đến từ TP HCM, vừa xuống sân bay Melbourne, đang chờ người thân đón. Ảnh: Thoại Giang.
Tìm hiểu luật pháp Australia
Luật pháp Australia rất nghiêm khắc. Hải quan cửa khẩu có nhiều quy định thuộc loại gắt gao để bảo vệ môi trường biệt lập của châu lục. Trước khi đi, bạn nên lên mạng tìm hiểu những gì không được mang vào Australia. Để tránh phiền phức, bạn không nên xách theo thức ăn. Đã có hai người Việt bị từ chối nhập cảnh vì đem thịt, trứng với số lượng lớn mà không khai báo.
Nếu bạn vi phạm luật giao thông như vượt đèn đỏ, lái xe quá tốc độ, uống rượu bia thì sẽ bị phạt rất nặng. Cách đây không lâu một bạn du học sinh Việt bị phạt $450 vì dùng điện thoại khi đang lái xe. Mặc dù hiếm khi thấy police nhưng camera có khắp nơi và có cả police mặc thường phục tuần tra trên đường phố.
Chuẩn bị tinh thần
Hai tiếng du học nghe có vẻ sang chảnh, nhưng thực tế không hoàn toàn màu hồng. Có bạn du học sinh phải thốt lên “Tưởng du học là được một trời tri thức ai dè một trời lo âu”. Đụng đâu bạn cũng thấy áp lực, nào là học hành, tiếng Anh, làm thêm, hội nhập và đặc biệt là cảm giác nhớ nhà.
Mặc dù tôi đã quen với cuộc sống xa gia đình, có thời gian gần mười năm ở ký túc xá, ở trọ khi học đại học, rồi đi làm ở Sài Gòn, vậy mà vẫn không tránh khỏi những “chiều chủ nhật buồn, nằm trong căn gác đìu hiu”. Australia không có cảnh tấp nập như ở Việt Nam, phố xá vắng bóng người. Để trụ được ở một đất nước xa lạ, bạn phải chuẩn bị tâm lý vững vàng chứ không đơn giản chỉ xách ba lô lên rồi đi.
Cuối cùng Facebook là nơi cập nhật thông tin hữu ích và nhanh chóng. Bạn nên gia nhập Facebook của hội sinh viên ở thành phố sắp đến để tìm hiểu thông tin về trường lớp, nhà cửa, đi lại, mua đồ secondhand, việc làm.
Tìm việc làm thêm trước để khi vừa tới bạn có thể đi làm ngay, tránh được cảm giác nóng ruột (mới qua chi nhiều mà không có thu). Khi gặp bất kỳ khó khăn, thắc mắc gì, bạn cũng có thể post lên Facebook của hội, lúc nào cũng có du học sinh đi trước sẵn sàng giúp đỡ.
Thoại Giang
Theo VNE
Vui buồn chuyện làm thêm của du học sinh Australia
Du học sinh Việt Nam đi làm thêm ở Australia đối mặt với nhiều chuyện không hay, như: bị nợ, quỵt lương, nhân viên đố kỵ, về khuya đón xe vất vả...
Thời gian học cử nhân Kế toán và thạc sĩ Quản trị kinh doanh ở Đại học Victoria (Melbourne, Australia), chị Trương Nguyễn Thoại Giang (47 tuổi, quê Bình Dương, hiện làm việc cho Chính phủ Australia) đã làm thêm nhiều công việc. Chị chia sẻ những góc khuất của việc du học sinh đi làm thêm.
Việc làm thêm đầu tiên của tôi sau vài tuần tới Australia là bán lẻ trái cây ở chợ Queen Victoria. Tôi vốn dở tính nhẩm, tiền bạc cũng chưa quen, lại phải đổi từ tiếng Anh qua tiếng Việt khi cộng trừ nhân chia tính tiền, rồi lại đổi ngược lại từ tiếng Việt qua tiếng Anh lúc nói chuyện với khách, stress quá nên làm được vài ngày thì tôi xin nghỉ.
Nghỉ bán trái cây, tôi xin được một chân chạy bàn cho nhà hàng Vietnam Hut ở Carlton, thời gian từ 7h tới 11h đêm. Tuy nhiên, có một điều bất tiện là đúng 11h thì có một chuyến xe tram (xe điện) về city (trung tâm thành phố), nên tôi thường đi sớm năm phút để nghỉ sớm năm phút. Tới sớm thì bà chủ tươi cười nhưng về sớm thì bà không được vui, tôi cũng phớt lờ.
Trong năm phút đó tôi phải thay quần áo, giày dép, đi toilet rồi phóng ra trạm xe tram gần đó. Nếu không bắt kịp chuyến này thì 20 phút nữa mới có chuyến kế tiếp. Tới city tôi lại phải đổi sang tram khác để về nhà. Những lúc đông khách phải tăng ca hay khi tram bị hủy, về tới city thì chỉ còn chuyến cuối cùng lúc 12h đêm nên tôi phải rượt theo xe.
Có đôi lần tôi còn phải chạy đuổi theo chiếc xe tram đến cả hai trạm, mỗi trạm cách nhau khoảng 500 m và tốc độ tram tầm 30-40 km/h. Cứ tranh thủ nên không khi nào tôi phải đi bộ từ city về nhà (7 km). Còn bắt taxi thì kể như bốc hơi một buổi lương nên tôi chưa bao giờ dám nghĩ tới.
Nhưng lúc làm phục vụ đám cưới ở North Melbourne, tôi đã cuốc bộ về nhà một lần. Tiệc cưới thường bắt đầu lúc 8h mặc dù thiệp mời ghi 6h. Chương trình gồm có làm lễ, đãi 10 món ăn chia làm ba hiệp xen kẽ với ca hát và khiêu vũ, cho nên sớm nhất là 11h khuya tiệc mới tan. Khi khách lục đục ra về thì chúng tôi bắt đầu quét dọn, rồi chuẩn bị cho tiệc ngày hôm sau nên khoảng 1h sáng mới xong.
Tôi đi ké bạn ở gần nhà có xe hơi nhưng tối đó bạn không đi làm, cũng không có ai tiện đường cho quá giang, mà giờ này thì đã hết xe tram nên tôi đành lê lết bốn cây số về nhà. Đường sá vắng tanh vắng ngắt như trong phim ma của Mỹ. Tôi nghĩ thầm nếu ai ở trong bụi nhào ra thì mình phải vừa chạy vừa la làng. Có điều lao động cật lực từ 4h chiều, thân xác rã rời, đi còn muốn không nổi thì lấy đâu ra hơi sức mà chạy. Cũng may không có chuyện gì xảy ra.
Du học sinh Việt làm thêm ở tiệm bánh mì Như Lan vùng Footscray, Melbourne. Ảnh: Thoại Giang
Em của bạn tôi thì không được may mắn như vậy. Một buổi sáng, hai chị em tăng ca nên đi làm sớm. Mùa đông 6h trời vẫn tờ mờ. Vừa đậu xe trong bãi của công ty ở Collingwood thì có một người đàn ông Tây trờ tới nói phía sau xe bị gì. Em tưởng thật đi xuống xem thì bị ông ta sàm sỡ rồi bỏ chạy. Mặc dù Melbourne nằm trong top 10 thành phố an toàn nhất thế giới, tỷ lệ tội phạm đang có chiều hướng giảm, du học sinh vẫn nên cẩn thận khi ở nơi vắng vẻ, tối tăm.
Đi làm thêm, du học sinh không tránh khỏi chuyện người làm ghen ghét, đố kỵ. Khi tôi làm phục vụ đám cưới, nhân viên là người local (Việt kiều, dân lao động) và du học sinh (chỉ làm thêm tạm thời trong lúc đi học) rất ghét nhau. Bữa đó đang giữa tiệc, tôi chán nản quá nên xin nghỉ ra về. Tôi rủ người bạn cùng cảnh ngộ tẩy chay nghỉ luôn, nhưng bạn ấy rơm rớm nước mắt trả lời "làm chỗ khác biết ra làm sao, không khéo tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa".
Qua bạn bè tôi biết có một bạn từng làm cho nhà hàng nổi tiếng ở Melbourne được một cửa tiệm mới khai trương ở South Yarra (khu thượng lưu) thu nhận với mức lương cao như Tây. Không may quán vắng, lượng khách ít hơn mong đợi nên sau khi học hết những bí quyết nấu ăn từ nhân viên này, bà chủ kiếm cớ cho nghỉ việc mà không trả lương. Sau mấy tháng bị áp lực từ nhiều phía thì họ đành trả nhưng chỉ hơn phân nửa số tiền đã thỏa thuận.
Bạn tôi mới vào làm ở một lò bánh mì ở khu Footscray thì xin nghỉ vì không quen dậy sớm (1h sáng). Còn tuần lương cuối, ngày nào bạn ấy cũng kiếm bà chủ để đòi. Phàn nàn thì họ nói có mấy trăm đồng ai mà giựt, làm gì dữ vậy!
Cách đây vài tháng có một thành viên Hội Sinh viên Việt Nam Australia cũng bị nợ lương tuần cuối khi xin nghỉ. Bạn ấy kiên trì nhắn tin đòi lương thì bà chủ cũ nổi xung đòi đánh. Phải cho đến khi Hội can thiệp, bà ta mới phân trần là chỉ dọa giỡn thôi và bận quá quên trả chứ không cố ý làm khó dễ hay muốn quịt.
Chuyện thử việc không lương rất phổ biến đối với chủ người Việt. Tôi đi thử việc ở một tiệm fish and chips (cá và khoai chiên) ở Braybrook. Sau ba tiếng bà chủ nói em về đi khi nào cần chị gọi. Tôi hỏi tiền công thì họ nói ở đây thử việc làm gì có trả lương.
Có bạn làm bartender ở một tiệm cà phê ở Richmond, quản lý nói ngày đầu thử việc không lương, hai ngày tiếp training cũng không lương. Hỏi thăm mấy bạn nhân viên cũ thì được biết khi nào nhớ hết tên sản phẩm trong tiệm thì mới bàn tới chuyện tiền bạc. Bạn ấy đã làm được bốn ngày vẫn chưa rành rọt nên đang băn khoăn không biết có nên phóng lao thì phải theo lao hay nghỉ tìm việc khác.
Rút kinh nghiệm, bạn tôi xin việc chạy bàn cho một quán ăn ở Footscray liền hỏi trước là thử việc có trả lương không. Chủ quán khẳng định trả đầy đủ nên bạn ấy vào làm. Nhưng lương tám tiếng có $30, trong khi tiền xe buýt hơn $7.
Nhưng nói qua thì cũng nên nói lại cho công bằng. Du học sinh Việt Nam đa số là nhà có điều kiện, ở quê nhà chỉ có học và chơi là chính, việc nhà đã có người làm đảm trách, không quen lao động, không chịu khó, không biết việc nên huấn luyện mất rất nhiều thời gian.
Trước đây tôi có người bạn ở TP HCM, dáng dấp thư sinh, qua Australia cũng thử đi làm farm. Sáng 4h bạn đã ra khỏi nhà vì farm ở xa thành phố. Bạn bị say xe nên lên tới nơi thì khật khừ. Lại không quen nắng gió, cộng thêm hái dâu cứ phải đi lom khom đau lưng, nên bạn nghỉ nhiều hơn làm. Kết quả là không hái được bao nhiêu, sau khi trừ tiền xe anh bạn còn $40, trong khi trung bình người ta kiếm được hơn $100 một ngày.
Một bạn nam khác làm dọn phòng khách sạn ở city. Quy định một phòng 15 phút nhưng bạn mất tới nửa tiếng mới xong nên không có thời gian nghỉ ngơi hay ăn uống. Bạn ấy hoang mang, hỏi thăm mấy anh chị đi trước thì họ chỉ cho vài mánh trong nghề nhưng cũng nhấn mạnh điều quan trọng là phải thay đổi tác phong làm việc, cố gắng làm nhanh, không được lề mề.
Du học sinh Việt làm thêm ở siêu thị Coles vùng Yarraville, Melbourne. Ảnh: Thoại Giang
Tôi từng ở trọ cùng với một em con nhà có điều kiện. Công việc đầu tiên em ấy xin được là phụ bán trong tiệm thịt. Trong khi ông bà chủ và hai nhân viên khác tay làm miệng đon đả chào mời khách hàng còn em cứ lơ ngơ. Nhìn đống thịt máu me là em co rúm người lại. Sau hai tiếng thì ông chủ đuổi khéo: "Anh nghĩ chắc việc này không thích hợp với em".
Kế đó em ấy xin được việc phụ bếp ở một tiệm bánh mì ở Sunshine, ai sai gì làm đó, làm xong lại đứng chờ người khác chỉ dẫn trong khi ai nấy đều tất bật với hàng núi công việc của họ. Được hai ngày chủ cũng cho em ấy nghỉ.
Rút kinh nghiệm, khi xin được chân phụ bếp ở một tiệm giò chả ở Footscray, em ấy thấy việc gì cứ nhào vô làm thoăn thoắt không ngơi tay, buông chỗ này làm liền chỗ khác, quần quật cả ngày nào là rửa chén, nhặt rau, rồi cắt chả. Tới lúc gọt cà rốt thì được ông chủ khen "quá nhanh, quá nguy hiểm" (chiêu gọt cà rốt mới học được ở tiệm bánh mì).
Chia sẻ như vậy, nhưng du học sinh chớ nên lo sợ. Việc làm thêm không khó, cứ cố gắng thì sẽ sớm thích nghi. Ngoài ra, đi làm thêm cũng có nhiều chuyện vui. Ông chủ nhà hàng thấy tôi sinh viên nghèo nên hay cho đồ ăn thức uống mang về. Thời gian tôi làm ở đây hầu như không phải nấu nướng gì nhiều.
Bạn tôi làm ở tiệm bánh mì, cuối ngày hàng bán còn lại được chia đều cho nhân viên. Dịp lễ, Tết bà chủ cũng tặng bánh trái, hoa quả. Cuối năm thì dẫn nhân viên và gia đình đi nhà hàng. Người bạn khác bán seafood ở chợ South Melbourne kể ông chủ Tây thỉnh thoảng cao hứng lì xì cho nhân viên vài chục. Làm farm thì ăn trái cây tươi thỏa thích, không giới hạn.
Nhưng vui nhất có lẽ là khi về Việt Nam bạn nào cũng được gia đình khen nhờ đi du học mà giỏi giang, nhanh nhẹn, siêng năng hơn hẳn.
Thoại Giang
Theo VNE
IELTS FACE OFF mùa 4 vừa trình làng đã hot trở lại, khách mời đam mê tập gym và học Tiếng Anh gây sốt Sau nhiều ngày trông ngóng, chương trình truyền hình tiếng Anh quốc dân được khán giả trẻ yêu mến, IELTS FACE OFF (IFO) đã chính thức quay trở lại với diện mạo hoàn toàn mới mẻ trên VTV7. Sự quay trở của IELTS face off mùa 4 có lẽ đang nóng hơn bao giờ hết khi tập 1 vừa chính thức lên sóng....