Chuẩn bị điều kiện áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới: Còn nhiều lo lắng
Ngày 20-1, hơn 3.500 người đã tham dự hội nghị trực tuyến qua 30 điểm cầu về việc triển khai công tác chuẩn bị các điều kiện để áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chủ trì.
Hà Nội sẽ rà soát lại đội ngũ giáo viên, trang thiết bị dạy học để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: Bá Hoạt
Các đại biểu đều thể hiện sự quyết tâm triển khai Chương trình vào năm học 2019-2020, tuy nhiên vẫn còn nhiều lo lắng bởi cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở nhiều trường còn hạn chế, có nguy cơ ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả triển khai.
Lần đầu có môn tích hợp
Theo kế hoạch, tháng 4-2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) sẽ ban hành các chương trình môn học, làm căn cứ để biên soạn sách giáo khoa mới. Hiện nay, dự thảo các chương trình môn học đang được Bộ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trước khi phê duyệt chương trình chính thức. Việc tham gia của các thành viên Ban Phát triển các chương trình môn học tại hội nghị đã giúp các nhà trường có được những hình dung cụ thể về nội dung, phương pháp tiếp cận môn học và điều kiện tối thiểu để triển khai, từ đó có sự chuẩn bị chu đáo hơn.
Một trong những điểm mới đáng chú ý của dự thảo là sự xuất hiện của các môn tích hợp trong Chương trình giáo dục phổ thông mới (gọi tắt là Chương trình). Đây được coi là cơ sở để hình thành khả năng vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề của cuộc sống. GS.TS Nguyễn Viết Thịnh, phụ trách chương trình môn lịch sử và địa lý cho biết, đây là môn học tích hợp của hai môn lịch sử, địa lý hiện nay và sẽ là môn học bắt buộc ở cấp THCS trong Chương trình với thời lượng 105 tiết/năm học. Đáng chú ý, việc kiểm tra, đánh giá môn học này được chuyển đổi theo hướng không lấy việc kiểm tra khả năng tái hiện kiến thức làm trung tâm, mà chú trọng khả năng vận dụng sáng tạo vào thực tế. Ngoài ra, môn học yêu cầu có sự hỗ trợ tích cực của các phương tiện dạy học; học sinh cần được tham gia các buổi học ở thực địa, các hoạt động theo nhóm để thảo luận, phản biện.
Là người phụ trách chương trình môn khoa học tự nhiên, GS.TS Mai Sỹ Tuấn thông tin, đây là môn tích hợp của 3 môn học hiện nay là vật lý, hóa học và sinh học. Môn khoa học tự nhiên được xây dựng với thời lượng 560 tiết/năm học ở cấp THCS. Môn học này nói riêng và các môn học trong Chương trình đều có điểm chung là ngoài kiến thức lý thuyết còn có nhiều thời lượng và yêu cầu dạy học thông qua khám phá khoa học, khám phá cuộc sống, đòi hỏi phải có điều kiện để đáp ứng. Một điểm khác biệt nữa, nếu như trước kia, giáo viên dạy theo cách truyền thụ kiến thức và học sinh học một cách thụ động, thì nay, giáo viên là người phụ trách, hướng dẫn học sinh hoạt động, tổ chức thực hành, thí nghiệm để học sinh tự chiếm lĩnh kiến thức.
Video đang HOT
Băn khoăn lớp đông, trang thiết bị thiếu
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết, một trong những yêu cầu quan trọng để triển khai Chương trình là cơ sở vật chất, trong đó cấp tiểu học phải tổ chức dạy học được 2 buổi/ngày cho toàn bộ học sinh; quy mô học sinh/lớp tuân thủ quy định với mức không quá 35 học sinh/lớp ở cấp tiểu học và không quá 45 học sinh/lớp ở cấp THCS và THPT. Quy định này tưởng chừng chỉ khiến các trường khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa… mới gặp khó, song thực tế, đây cũng là thách thức không nhỏ với không ít trường trên địa bàn Hà Nội.
Bà Bùi Thị Sinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hải Bối (huyện Đông Anh) cho biết, nhà trường hiện đang quá tải về quy mô học sinh với sĩ số lên tới 50 học sinh/lớp và tương lai còn tăng. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của trường đang có chiều hướng xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu, vì vậy, để triển khai có chất lượng Chương trình, rất cần có sự quan tâm, đầu tư.
Cùng nhận định này, bà Phan Kim Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Thành Công (quận Đống Đa) cho rằng, tình trạng quá tải về quy mô học sinh là khó khăn chung của giáo dục tiểu học hiện nay. Vì vậy, dù rất quyết tâm, song thực tế nêu trên vẫn là rào cản không nhỏ trong quá trình triển khai của các nhà trường. “Việc chuẩn bị đồ dùng, trang thiết bị dạy học đóng vai trò quan trọng, nhất là khi các môn học trong Chương trình đều đòi hỏi phải tổ chức cho học sinh thực hành, thí nghiệm và hoạt động trải nghiệm. Những nội dung này đều liên quan đến kinh phí, cần có sự chuẩn bị sớm và chu đáo” – bà Phan Kim Anh đề xuất.
Liên quan đến vấn đề cơ sở vật chất, bà Nguyễn Hà Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì) cho biết, dự án xây dựng trường đã có từ 16 năm qua nhưng nay chưa triển khai được. Vì vậy, dù hằng năm nhà trường có đầu tư cải tạo, song cũng chỉ mang tính chắp vá, rất khó khăn để đáp ứng chương trình hiện hành. Nay trước những yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới, nhà trường chưa biết xoay xở ra sao.
Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, để triển khai tốt Chương trình, Hà Nội sẽ rà soát lại đội ngũ, xác định nhu cầu giáo viên theo lộ trình thực hiện; xây dựng kế hoạch phối hợp, liên kết với các cơ sở đào tạo giáo viên trên địa bàn để đặt hàng đào tạo, bồi dưỡng; chỉ đạo các nhà trường kiểm tra, rà soát việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, trong đó ưu tiên mục tiêu dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học.
Ngoài ra, Sở GD-ĐT Hà Nội đề xuất Bộ sớm ban hành các văn bản chỉ đạo cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; yêu cầu, tiêu chuẩn về đội ngũ; cơ chế tài chính cho việc mua sắm, bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ…; đề nghị UBND thành phố tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, dành quỹ đất xây mới trường học.
Theo Hanoimoi.com
Khi nào ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới?
GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, dự kiến tháng 4/2018, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành Chương trình GDPT mới.
GS. Nguyễn Minh Thuyết
Chiều 19/1, Bộ GD-ĐT công bố Dự thảo chương trình môn học mới từ cấp tiểu học đến THPT.
Phát biểu tại buổi hợp báo, GS. Nguyễn Minh Thuyết cho biết, chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới có 4 đặc điểm.
Trước tiên, các chương trình môn học có nội dung gắn với mỗi cấp học và những yêu cầu cần đạt cụ thể. Chương trình tập trung phát triển năng lực học sinh, trong đó, năng lực là sự kết hợp tố chất, phân hóa phát triển kỹ năng của học sinh.
Chương trình mới thực hiện tích hợp các môn và liên môn. Một số môn học tích hợp mới như lịch sử và địa lý (cấp THCS), khoa học (cấp tiểu học), khoa học tự nhiên (THCS), giáo dục kinh tế và pháp luật....
Cuối cùng, các chương trình đều áp dụng phương pháp tổ chức hoạt động. Theo đó, học sinh thông qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo sẽ chiếm lĩnh lý thuyết môn học, rèn luyện các kỹ năng phù hợp lứa tuổi, trình độ mỗi lớp.
GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết thêm, Chương trình GDPT bao gồm chương trình GDPT tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục (gọi tắt là chương trình môn học).
Theo GS Thuyết, vì năng lực là sự kết hợp giữa tố chất sẵn có và quá trình rèn luyện, học tập nên các chương trình đều đáp ứng yêu cầu phân hóa ở những mức độ khác nhau để phát triển tiềm năng của mỗi học sinh.
Được biết, sau khi công bố Dự thảo các chương trình môn học trong chương trình GDPT mới, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của mọi người và đưa chương trình môn học đi thẩm định tại các hội đồng Quốc gia.
GS. Nguyễn Minh Thuyết cho biết thêm, dự kiến tháng 4/2018 Bộ GD-ĐT sẽ ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới.
Về hình thức thi tốt nghiệp THPT, từ nay đến năm 2020 ,hình thức thi tốt nghiệp được giữ ổn định như hiện nay.
Cụ thể, đến năm 2020 trở đi sẽ có sự thay đổi để phù hợp với chương trình GDPT mới. Bộ GD-ĐT đã tìm các tổ chức đo lường, nghiên cứu về vấn đề này.
Qua đấu thầu, Trung tâm đo lường kiểm định chất lượng giáo dục đã trúng thầu. Đơn vị này sẽ có nghiên cứu và báo cáo Bộ GD-ĐT về đổi mới hình thức đánh giá năng lực học sinh, trong đó có thi tốt nghiệp THPT.
Theo VTC
Chương trình giáo dục phổ thông mới: Thay đổi từng môn học Chương trình giáo dục phổ thông mới được đổi mới theo hướng trang bị những năng lực, phẩm chất cụ thể cho học sinh nên chương trình của mỗi môn học cũng dự kiến thay đổi mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu này. Môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới mà học sinh phải học...