Chuẩn bị chương trình SGK mới, không coi nhẹ nội dung nào
(HQ Online)- Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Vũ Luận- Bộ trưởng cuối cùng thực hiện chất vấn – trong chiều 12-6 “ nóng” lên với các vấn đề liên quan đến chương trình sách giáo khoa (SGK) mới.
Bộ trưởng Bộ GD và ĐT Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn. Ảnh: Anh Tuấn.
SGK mới: Đổi mới nhưng không bỏ tinh hoa cũ
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đặt câu hỏi: Với chương trình SGK hiện hành, Bộ GD-ĐT phải thử nghiệm dạy mỗi lớp trong 4 năm, thế nhưng chương trình vẫn chưa phải suôn sẻ. Trong đợt biên soạn chương trình SGK mới này, Bộ chỉ chủ trương dạy thử nghiệm những nội dung mới và giáo việc đó cho các tổ chức, cá nhân biên soạn thực hiện.
“Đề nghị Bộ trưởng cho biết liệu kết quả thử nghiệm do tác giả thực hiện công bố có bảo đảm tính chính xác, khách quan không? Thứ hai, làm sao cử tri yên tâm về chất lượng và tính khả thi của bộ chương trình SGK mới này?”- ĐB đặt câu hỏi.
Video đang HOT
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Việc biên soạn chương trình SGK theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Quốc hội, là đổi mới nhưng không bỏ cái cũ mà kế thừa những tinh hoa đã có, bổ sung hoàn thiện những cái còn thiếu, chưa đáp ứng, loại bỏ những quá tải, không phù hợp. Nên những cái đã thực nghiệm tốt thì giữ lại, không cần thực nghiệm nữa.
“Những cái mới bổ sung thì cần thực hiện ngay, giao cho các tác giả triển khai vì người viết nắm được ý đồ thực hiện, có một Hội đồng gồm các nhà khoa học, chuyên gia… thẩm định. Việc trực tiếp thao tác, triển khai trên thực tế do các tác giả làm trên lớp, có một quy trình, đánh giá khách quan của các tổ chức có uy tín”- Bộ trưởng khẳng định.
Theo Bộ trưởng, đây là một trong những yêu cầu của quá trình triển khai, quá trình nghiên cứu để đi đến nội dung ý tưởng làm tài liệu trình lên Trung ương ra quyết định, có huy động các nhà khoa học, nhà giáo trong và ngoài nước cùng góp sức.
ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) cũng đặt câu hỏi liên quan đến chương trình SGK mới. Theo ĐB Huỳnh Văn Tính: Để triển khai chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý ngành giáo dục phục vụ cho triển khai chương trình sách giáo khoa mới, Bộ GD-ĐT đã có giải pháp nào để chủ trương triển khai sách giáo khoa mới đạt hiệu quả tốt nhất? Đây cũng là câu hỏi mà ĐB Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) gửi tới Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.
Trả lời vấn đề các ĐB quan tâm, Bộ trưởng nhấn mạnh, cơ sở vật chất, trang thiết bị, tập huấn giáo viên và cả nội dung tổ chức quản lý ở nhà trường và quản lý Ngành rất quan trọng, cần thiết để chuẩn bị cho chương trình SGK mới này. Do đó các vấn đề này cần triển khai đồng bộ, không được phép coi nhẹ một nội dung nào.
“Theo kinh nghiệm của Việt Nam và thế giới, con người là yếu tố quan trọng, thầy cô giáo đóng vai trò rất quan trọng trong giáo dục, nên cần chú trọng việc đào tạo lại, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý”- Bộ trưởng nói.
Trả lời cụ thể hơn về vấn đề trang thiết bị, theo Bộ trưởng, Bộ GD-ĐT đang thực hiện theo nguyên tắc tận dụng triệt để trang thiết bị hiện có, đồng thời, ứng dụng mạnh mẽ CNTT, kỹ thuật số vừa để tiết kiệm nguồn chi đầu tư bổ sung, vừa để phù hợp với xu thế phát triển của các nước có nền giáo dục phát triển và đang triển khai đào tạo theo phát triển năng lực.
Về Đề án đào tạo bồi dưỡng giáo viên, Bộ trưởng cho biết, cần phải đào tạo và đào tạo lại đội ngũ đáp ứng chuẩn chương trình mới. “Nội dung này chúng tôi đang xây dựng. Cũng không thể nhanh được vì phải có chương trình, SGK mới để xem xét lại, giáo viên đã có gì, còn gì thiếu để đào tạo, bổ sung”.
“Đề án này đã nằm trong các đề án mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội. Bộ GD-ĐT và các bộ ngành có liên quan đang triển khai các đề án theo tiến độ triển khai chương trình”- Bộ trưởng khẳng định.
Ngành nhận phần khó về mình
Liên quan đến Kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia 2015, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Kỳ thi THPT quốc gia 2015, các thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT sẽ thi tại địa phương – cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì. Về cơ bản, thí sinh không có gì khó khăn hơn so với các kỳ thi trước đây.
Với các cháu dự thi THPT quốc gia với 2 mục đích là xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) sẽ thi tại cụm thi do các trường ĐH chủ trì.
“Trước đây, khi đi thi ĐH, các cháu phải về Hà Nội, TP.HCM, các thành phố lớn hoặc đến dự thi tại 4 cụm: Quy Nhơn, Vinh, Cần Thơ, Hải Phòng, như vậy, phải đi quãng đường rất xa. Với cách đổi mới kỳ thi như năm nay, các cháu sẽ đi thi gần hơn vì chúng tôi bố trí thành 38 cụm thi trên cả nước.
Thí sinh không chỉ giảm được quãng đường mà giảm cả số lần đi thi, vì năm nay các cháu chỉ phải thi một lần để vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển vào ĐH, CĐ”- Bộ trưởng cho biết.
Theo Bộ trưởng, đổi mới kỳ thi lần này, Bộ GD-ĐT quán triệt các thầy cô giáo, các nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục nhận phần khó khăn về mình, tạo phần thuận lợi tối đa cho học sinh.
“Có thể thấy với kỳ thi THPT quốc gia, số lần đi thi, bài làm, khoảng cách đi đã giảm đi. Các cháu có kết quả thi rồi mới cân nhắc lựa chọn trường có khả năng trúng tuyển.
Với các cháu chỉ đăng ký thi tốt nghiệp, không đăng ký thi đại học thì vẫn có cơ hội vào đại học. Bởi thực hiện tự chủ đại học theo Luật Giáo dục Đại học, các trường được tuyển sinh riêng. Hiện rất nhiều trường đã có phương án tuyển sinh riêng”- Bộ trưởng cho biết.
Cuối phiên chất vấn, các ĐB tiếp tục gửi đến Bộ trưởng Phạm Vũ Luận các câu hỏi về mô hình trường học Việt Nam mới (VNEN), chất lượng dạy và học… Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục thực hiện trả lời chất vấn vào nửa buổi sáng ngày mai (13-6).
Theo baohaiquan.vn