Chưa nên triển khai đại trà
KTĐT – Đào tạo phải gắn với nhu cầu của doanh nghiệp (DN) là đương nhiên, bởi DN giải quyết đầu ra cho trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ).
Thế nhưng, bài toán đầu tư của các trường trực thuộc DN lại đang nảy sinh nhiều vấn đề bất cập trong đào tạo.
Giờ thực hành của sinh viên trường Đại học FPT. Ảnh: Anh Thư
Chủ trương trước đây là xây dựng nhà trường tại những DN lớn như ĐH Điện lực thuộc Tập đoàn Điện lực, ĐH Dầu khí thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và một số trường khác. Giai đoạn đầu, các trường ĐH này được đầu tư rất tốt nên có điều kiện xây dựng cơ sở vật chất, tuyển dụng người giỏi về làm việc.
Tuy nhiên, gần đây do chịu ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế, các tập đoàn gặp khó khăn buộc phải ưu tiên đầu tư cho hoạt động chuyên ngành. Vì vậy, nhiều trường trực thuộc DN không nhận được sự đầu tư như trước, dẫn đến chất lượng đào tạo chững lại. Đồng nghĩa khi đó thương hiệu không được duy trì, trường không còn được nhiều học viên lựa chọn dù mức học phí hạ. Để tồn tại, một số trường thuộc DN đang mong muốn thay đổi cơ quan trực thuộc về Bộ chủ quản.
Trao đổi về mô hình hoạt động trường ĐH là đơn vị thành viên của DN, GS.TS Trịnh Minh Thụ – Phó Hiệu trưởng ĐH Thủy lợi cho rằng: “Đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội là cả quá trình. Nhiều khi việc đào tạo là vì nhiệm vụ chính trị, xã hội, nhưng DN thì phải tính tới yếu tố lợi nhuận, phải nhìn thấy lợi nhuận mới làm. Còn mỗi trường có mục tiêu, nhiệm vụ đào tạo riêng, cho nên nhiều ngành biết lỗ vẫn phải tuyển sinh. Vì vậy, tôi cho rằng trong thời gian hiện nay và ngay cả trong tương lai gần, mô hình trường ĐH thuộc DN là chưa phù hợp”.
Cùng quan điểm, PGS.TS Lê Hữu Lập – nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông (trực thuộc Bộ TT&TT) cho hay: “Khi thành lập, Học viện trực thuộc Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam, bởi thực hiện mô hình gắn kết giữa nghiên cứu đào tạo và sản xuất. Lúc mới thành lập, Học viện chỉ tuyển 200 chỉ tiêu khu vực miền Bắc nên điểm trúng tuyển lên tới 28,5 điểm, tức là 9,5 điểm/môn. Nhưng mô hình này hiện đang rất khó khăn”.
PGS.TS Lê Hữu Lập phân tích, sở dĩ mô hình này gặp trở ngại là do trường trực thuộc DN, đã tuyển sinh thì phải đầu tư nhà xưởng, cơ sở sản xuất, trang thiết bị phục vụ đào tạo. Nhưng có rất nhiều em sau khi tốt nghiệp, ra nước ngoài du học, rồi định cư và làm việc ở bên đó. Có em khi về nước thì lại làm việc cho DN đối thủ cạnh tranh của cơ quan chủ quản, việc này cũng cần suy nghĩ. Bởi nếu nhà trường chỉ đào tạo phục vụ cho DN thì lượng chỉ tiêu hàng năm rất ít. Nếu đào tạo cho xã hội thì phải thu học phí cao mới đủ để đầu tư. Nhưng học phí cao đồng nghĩa với ít người vào học, trong khi hệ thống trường công có mức thu rất thấp.
Hơn nữa, có thể khi DN làm ăn tốt thì nhà trường được đầu tư nhiều, làm ăn thất bại thì trường bị “bỏ rơi”. Ví như ĐH Dầu khí thuộc Tập đoàn Dầu khí đang thất bại vì chỉ đào tạo ngành Dầu khí. Các em học ngành Dầu khí, sau khi tốt nghiệp xin việc rất khó vì quy mô ngành nghề không lớn. Mà, trường ĐH có quy mô bé thì không thể phát triển được. Muốn đào tạo có chất lượng thì phải đầu tư giáo trình, trang thiết bị, phòng thực hành… Do đó, nếu không nhận được sự hỗ trợ từ DN, từ Nhà nước thì nhà trường rất khó hoạt động.
Một lý do nữa khiến nhiều chuyên gia không đồng tình với mô hình DN có trường học là bởi khi ấy hoạt động của nhà trường giống như kinh doanh. Nếu chẳng may DN phá sản, thì lúc đó sinh viên đi đâu? Và hoạt động của trường luôn bị chi phối bởi một ban lãnh đạo phía DN, không có sự chủ động khi đề ra phương hướng phát triển giáo dục đào tạo thì rất khó phát triển.
Nhìn lại bức tranh trường học trực thuộc DN hiện nay, thấy chỉ có duy nhất ĐH FPT thuộc Tập đoàn FPT vẫn đang phát triển; các ngành đào tạo của trường thực sự là hoạt động kinh doanh của tập đoàn này đang phát triển trên mạng lưới lớn. Khẳng định đây là một mô hình đáng để suy ngẫm, song các chuyên gia giáo dục vẫn cho rằng, mô hình DN có trường học chưa thích hợp ở thời điểm này.
Theo KTĐT