Chùa khuyến học
Nằm ở trung tâm quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ), chùa Pitu Khôsa Răngsây ( chùa Viễn Quang) là địa chỉ tiếp sức nhiều sinh viên người Khmer học tập, trưởng thành.
Thượng tọa Lý Hùng, Trụ trì chùa Pitu Khôsa Răngsây tặng quà cho sinh viên khó khăn đang ở tại chùa.
“Chùa cử nhân, thạc sĩ”
TP Cần Thơ là trung tâm đào tạo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi năm có hàng chục nghìn sinh viên các tỉnh về học tập. Trong đó, có không ít sinh viên xuất thân nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.
Với tinh thần lá lành đùm lá rách, tốt đời đẹp đạo, nhiều năm qua, chùa Viễn Quang đứng ra cưu mang sinh viên dân tộc, có thời điểm lên đến 50 em ở cùng lúc.
Không chỉ lo nơi ăn, chốn ở, nhà chùa còn động viên sinh viên trong rèn luyện, học tập, kịp thời hỗ trợ trong lúc khó khăn. Nhờ đó, hàng nghìn sinh viên người Khmer khắp các tỉnh miền Tây học thành tài, trở thành kỹ sư, cử nhân, bác sĩ, thạc sĩ… Với nghĩa cử cao đẹp, chùa Pitu Khôsa Răngsây hay chùa Viễn Quang còn được người dân gọi bằng tên thân mật “chùa cử nhân, thạc sĩ”.
Chùa Pitu Khôsa Răngsây được xây dựng từ năm 1948 và gắn liền với sự học. Thượng tọa Lý Hùng, Trụ trì chùa, cho biết với tinh thần mở rộng vòng tay, hơn 20 năm qua, nhà chùa là nơi cưu mang hàng nghìn tăng sinh, sinh viên Khmer ở khắp các tỉnh trong vùng ĐBSCL theo học tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP Cần Thơ. Hiện tại, 15 sinh viên đang ở chùa để học tập.
Theo Thượng tọa Lý Hùng, ngoài việc bảo trợ miễn phí hoàn toàn cho sinh viên ở chùa, nhiều năm qua, có hàng trăm thí sinh đi thi đại học cũng được chùa hỗ trợ chỗ ở. Đồng thời, nhà chùa còn tổ chức lớp dạy chữ Khmer miễn phí cho cán bộ, viên chức và thanh niên Khmer.
“Đã có hàng nghìn học sinh, sinh viên nhận được sự hỗ trợ của chùa, nhiều em học thành tài, tốt nghiệp ra trường trở thành cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ”, Thượng tọa Lý Hùng vui mừng thông báo.
Video đang HOT
Thượng tọa Lý Hùng dạy nhạc cụ truyền thống dân tộc Khmer cho sinh viên ở chùa.
Tiếp sức sinh viên khó khăn
Thượng tọa Lý Hùng cho biết, giáo dục là nền tảng để nâng cao nhận thức. Khi nhận thức tốt thì làm việc tốt, sống có ích cho xã hội. Chính vì suy nghĩ này của Thượng tọa Lý Hùng mà chùa Pitu Khôsa Răngsây là ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer duy nhất ở TP Cần Thơ có ký túc xá dành riêng cho sinh viên dân tộc Khmer đang học tập trên địa bàn thành phố.
Trong các hoạt động từ thiện xã hội, Thượng tọa Lý Hùng đặc biệt chú ý đến việc giúp đỡ học sinh, sinh viên nghèo. “Truyền thống của đồng bào Khmer là thanh niên phải có thời gian tu báo hiếu ở chùa để học đạo đức, lễ nghĩa.
Hầu hết, sinh viên đều không có thời gian tu ở chùa nên những điều mà các em chưa được học sẽ được tiếp cận tại chùa Pitu Khôsa Răngsây”, Thượng tọa Lý Hùng chia sẻ.
Đến Cần Thơ, chi phí học tập, sinh hoạt khá đắt đỏ, nhiều sinh viên hoàn cảnh khó khăn đã nhận được sự giúp đỡ của chùa. Em Thạch Hữu Toàn, sinh viên Trường ĐH Cần Thơ, quê ở huyện Trà Cú (Trà Vinh) là một ví dụ.
Hữu Toàn chia sẻ: “Gia đình em thuộc diện hộ nghèo, không có đất sản xuất, cha mẹ làm thuê thu nhập không ổn định. Em là sinh viên Khmer nên được miễn giảm nhiều khoản trong học tập.
Tuy nhiên, chi phí thuê nhà trọ ở Cần Thơ khá đắt đỏ nên gia đình em khó kham nổi. Rất may, em được nhà chùa cưu mang, cho ở trọ học tập. Em còn được các sư chỉ dạy, giáo dục đạo đức nên rất yên tâm học tập, rèn luyện”.
Một trong những sinh viên ở chùa học tập khá lâu là em Sơn Phúc, quê ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Phúc đã trọ học ở chùa 6 năm qua, hiện đã hoàn thành xong chương trình thạc sĩ ngành Quản lý Tài nguyên môi trường, Trường Đại học Cần Thơ.
“Gia đình khó khăn, em từ quê đến TP Cần Thơ học đại học, ban đầu ở trọ tốn kém rất nhiều chi phí. Rất may em tìm đến chùa và được cưu mang cho đến ngày hôm nay. Em rất biết ơn các sư đã chăm lo, chỉ dạy và trở thành điểm tựa vững chắc cho em cùng nhiều bạn khác”, Phúc chia sẻ.
Là người dân nhiều năm sống cạnh chùa Pitu Khôsa Răngsây, ông Lê Văn Ngọc, ngụ phường An Cư, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) cho biết, chùa không chỉ là điểm đến tâm linh của đông đảo Phật tử gần xa, mà còn là nơi nuôi dưỡng ước mơ cho các thế hệ sinh viên con em đồng bào Khmer có hoàn cảnh khó khăn hiếu học ở khắp các tỉnh ĐBSCL.
Người dân ai cũng biết đến Thượng tọa Lý Hùng – Trụ trì chùa, bởi lòng nhân ái, chăm lo cho những sinh viên Khmer có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố.
Hơn 20 năm cưu mang học sinh, sinh viên nghèo, Thượng tọa Lý Hùng nói rằng, đó là việc làm xuất phát từ trong tâm thiện nguyện của mình, nhằm hỗ trợ một phần trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho con em đồng bào, để các em có được cái chữ, cái nghề, sau này trở về phục vụ quê hương.
Điều khiến Thượng tọa Lý Hùng vui nhất là mỗi năm nhà chùa tiếp nhận khoảng 40 đến 50 em sinh viên nghèo hiếu học. Tổng chi phí mỗi năm khoảng 900 triệu đồng, hỗ trợ về cơ sở vật chất, ăn, ở, điện nước cho các em.
Nhà chùa luôn sẵn lòng đón nhận, cung cấp nơi ăn, ở để các em có điều kiện học tập, theo đuổi ước mơ. Tuy vậy, lúc vào ở các em phải có sự đồng thuận của gia đình để tiện bề dạy dỗ.
Nhà chùa tuyệt đối không chấp nhận sinh viên có đạo đức kém, tránh việc ảnh hưởng đến các em khác. Hiện, nhiều em đã hoàn thành chương trình đào tạo và trở thành những kỹ sư, bác sĩ, tiếp tục cống hiến cho xã hội, nhất là tại những vùng quê còn nhiều khó khăn.
Tuyên truyền chính sách qua lời hát Then
Với mong muốn nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc nơi mình sinh sống, bà Hà Thị Mỵ, dân tộc Tày, xã Trung Trực, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) đã vượt qua nhiều khó khăn của bản thân và gia đình (chồng là thương binh hạng 1/4, sức khỏe yếu) để gắn bó hết mình với công tác y tế, dân số của thôn bản.
Bà Hà Thị Mỵ được mọi người yêu mến gọi với cái tên "Bà dân số của thôn bản".
Trong 26 năm làm công tác y tế và dân số của thôn bản, bà đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong việc tuyên truyền. Đặc biệt, bà đã dùng lời Then - nét văn hóa đặc sắc không thể thiếu trong đời sống của đồng bào dân tộc Tày để tuyên truyền các chủ trương, chính sách về dân số, y tế... Nhờ vậy, đã giúp người dân dễ hiểu, dễ nhớ nội dung tuyên truyền và tích cực làm theo.
Trong những ngày đầu năm 2022, ngược dòng sông Lô theo đường Tỉnh lộ 185, chúng tôi tìm đến Thôn 5, xã Trung Trực, ấn tượng đầu tiên là trông bà Mỵ rất phúc hậu. Năm nay, đã bước sang tuổi 63 nhưng bà luôn cần mẫn, hàng ngày đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, tối lại miệt mài ngồi sáng tác, chuyển thể các bài hát Then về các chủ đề dân số, y tế...
Bà Mỵ cho biết, hát Then là "món ăn" không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Tày. Khi nghe hát Then người Tày có thể ngồi nghe, xem mãi cũng không chán. Hơn nữa, khi các chính sách về dân số, y tế được lồng vào trong các bài hát Then, biểu diễn trong các hội nghị, buổi biểu diễn văn nghệ của thôn, bản... sẽ đến được với nhiều người hơn.
Bà Hà Thị Mỵ (giữa) cùng các thành viên Câu lạc bộ Văn nghệ dân tộc hát Then đàn tính do bà làm Chủ nhiệm tập các bài hát Then do chính bà sáng tác để chuẩn bị biểu diễn.
Cũng theo bà Mỵ, mặc dù không được học về sáng tác nhưng bà đã tự tìm tòi, nghiên cứu và tìm đến các nghệ nhân để học hỏi cách đàn, hát, sáng tác. Đến nay, bà đã sáng tác và chuyển thể hàng trăm bài hát Then về các chủ đề khác nhau.
Điển hình như "Bài ca dân số", "Dinh dưỡng mọi nhà", "Chủ trương hợp lòng dân"... với lời Then mượt mà, đi vào lòng người: Lớp trẻ mình luôn luôn ghi nhớ/Trước tiên là hiểu Luật Hôn nhân/Sau thực hiện dân số gia đình... á ơi-á ơi.../Cặp vợ chồng chỉ có hai con.../Dù trai gái cũng là bình đẳng/Không phân biệt nam nữ trọng khinh...
Rồi trong những ngày cả nước gồng mình chống lại đại dịch COVID-19, bà cũng đã sáng tác bài hát Then "COVID-lịch sử". Việt Nam ta khởi đầu chống dịch á ơi, á ơi/Chỉ thị 16 Thủ tướng Chính phủ đề ra/Mọi người không ra khỏi nhà - khi không cần thiết/Dịch bệnh đang gieo giết quanh mình/Mọi người đều đồng tình hưởng ứng/Cùng cách ly theo đúng chủ trương/Những chiến sỹ áo trắng cùng nhau chung sức á ơi, á ơi/Cùng đồng tâm hiệp lực ngày đêm/Không lùi bước trước tên COVID á ơi, á ơi...
Những bài hát Then sau khi bà Mỵ sáng tác, được bà và các thành viên trong Câu lạc bộ Văn nghệ dân tộc hát Then đàn tính do bà làm Chủ nhiệm tập và biểu diễn trong các cuộc họp thôn, buổi giao lưu văn nghệ của thôn bản. Qua đó, giúp người dân dễ hiểu, dễ nhớ nội dung tuyên truyền và tích cực làm theo.
Bà Hà Thị Mỵ tuyên truyền với người dân về việc cần đi tiêm phòng vaccine COVID-19.
Bà Má Thị Hản, thôn 5, xã Trung Trực chia sẻ: "Nhờ được bác Mỵ tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức về dinh dưỡng, y tế qua các bài hát Then nên chúng tôi nắm được kiến thức để chăm sóc sức khỏe cho các con, cho bản thân cũng như người thân trong gia đình. Đặc biệt, trong đợt tiêm phòng COVID -19 vừa qua, tôi bị bệnh nền nên rất lo lắng, sợ không dám tiêm, nhưng được bà Mỵ đến tận nhà tuyên truyền, vận động nên tôi cũng hiểu bớt lo, rồi mới dám đi tiêm...".
Ông Lương Văn Tùng, Trưởng thôn 5, xã Trung Trực cho biết, thôn 5 có 162 hộ dân, trong đó 97% là đồng bào dân tộc Tày. Do được bà Mỵ tuyên truyền vận động tốt, nên nhiều năm trở lại đây, thôn 5 không có người sinh con thứ 3; phụ nữ mang thai, trẻ em sơ sinh được khám, chăm sóc tại Trạm Y tế; tỷ lệ tiêm chủng đạt 100%, các loại bệnh như sốt rét, tiêu chảy, kiết lị... đã hoàn toàn được đẩy lùi. Người dân biết ăn, ở hợp vệ sinh; ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân cũng được nâng cao. Do có sức khỏe ổn định nên người dân trong thôn an tâm chăm lo phát triển kinh tế, đời sống ngày càng được nâng lên.
Theo bà Đào Thị Huế, Trưởng Trạm y tế xã Trung Trực, bà Mỵ có cách tuyên truyền về công tác dân số, y tế rất phù hợp với phong tục tập quán, văn hóa của người dân địa phương. Do vậy, các chủ trương, chính sách về dân số đi vào đời sống của người dân rất tự nhiên, các thủ tục lạc hậu bị đẩy lùi, đời sống người dân cải thiện rất nhiều. Đặc biệt, trong chiến dịch phòng, chống COVID-19, thôn 5 luôn là điển hình của xã.
Được biết, bà Mỵ bắt đầu làm nhân viên y tế, cộng tác viên dân số thôn 5 từ năm 1995. Những năm đó, đời sống của người dân trong thôn còn nhiều khó khăn, việc chăm sóc sức khỏe vẫn chưa được người dân chú trọng; thôn 5 nằm cách xa Trạm Y tế xã, Trung tâm Y tế huyện nên việc tiếp cận các dịch vụ y tế còn nhiều hạn chế... Do đó, bà phải thường xuyên đến từng hộ dân để tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con, đặc biệt là chị em trong việc chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, bà phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xã tuyên truyền, vận động bà con thực hiện các chương trình y tế, như: Nuôi con bằng sữa mẹ, phòng chống bệnh suy dinh dưỡng trẻ em, tiêm chủng mở rộng, phòng chống sốt rét, giữ vệ sinh môi trường...
Với những đóng góp tích cực trong công tác mặt trận, dân số, y tế thôn bản, bà Mỹ đã được nhiều bằng khen, giấy khen của các cơ quan chức năng; trong đó, năm 2019 bà Mỵ được UBND huyện Yên Sơn tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc, giai đoạn 2014-2019.
Chia sẻ về kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cũng như phát triển kinh tế gia đình, bà Mỵ cho biết: "Muốn vận động được người dân, bản thân mình phải là người gương mẫu, thực hiện trước. Ngoài ra, cũng phải kiên trì, đa dạng các hình thức tuyên truyền đến bà con. Khi đã hiểu rõ được lợi ích trong các chính sách dân số, y tế, chăm sóc sức khỏe... thì người dân sẽ tích cực thực hiện theo".
Theo Chủ tịch UBND xã Trung Trực Hoàng Kim Hiếu, Trung Trực là xã 135 của huyện Yên Sơn, đời sống của đồng bào các dân tộc nơi đây còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao, chiếm hơn 36%. Việc bà Mỵ - một đảng viên tận tâm và có 24 năm tuổi Đảng, hết mình với công tác dân số, y tế của địa phương đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân thôn 5 nói riêng, người dân trên địa bàn xã nói chung về chăm sóc sức khỏe, dân số, kế hoạch hóa gia đình. Bà Mỵ là tấm gương điển hình cho người dân trên địa bàn xã học tập và làm theo.
Khơi dậy ý chí thoát nghèo ở vùng nông thôn miền núi - Bài 2: Đi tìm nguyên nhân dẫn đến tái nghèo Ở một số nơi đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tập quán canh tác lạc hậu, thiếu kiến thức về khoa học, kỹ thuật. Một số thể chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến khu vực này vẫn còn bất cập, thiếu đồng bộ, nguồn lực đầu tư hạn hẹp, chưa đáp ứng được yêu...