Chưa đủ 3 điểm mỗi môn vẫn đỗ lớp 10 trường công Hà Nội
Ở nội thành học sinh cạnh tranh để vào được lớp 10 công lập thì một số trường ngoại thành lấy điểm trúng tuyển chưa đến 3 điểm mỗi môn.
Điểm chuẩn vào 110 trường THPT công lập do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quản lý có sự phân hóa rõ rệt. Trong khi trường THPT Chu Văn An lấy 51,5 điểm thì các trường Đại Cường, Lưu Hoàng (huyện Ứng Hòa), Mỹ Đức C (huyện Mỹ Đức) chỉ lấy 21,5, cách biệt tới 30 điểm. Dù điểm chuẩn thấp nhất trong 5 năm qua, cả ba trường vẫn phải tuyển bổ sung nguyện vọng 3.
Theo cách tính của Hà Nội, học sinh kém nhất – dưới cả mức học lực trung bình trong suốt 4 năm THCS, được cộng 10 điểm vào tổng điểm xét tuyển. Điểm khuyến khích cho chứng nhận nghề phổ thông mà học sinh lớp 9 buộc phải thi là 0,5 cho loại trung bình và 1, 1,5 cho loại khá, giỏi.
Như vậy, với mức cộng tối thiểu 10,5, học sinh chỉ cần đạt 11 điểm (đã nhân hệ số 2) cho hai môn thi Toán, Ngữ văn là đỗ vào lớp 10 công lập ở huyện ngoại thành. Mỗi môn thi do đó chỉ cần 2,75 là đỗ.
‘Theo lý thuyết, nếu là học sinh giỏi (điểm THCS là 20) thì chẳng cần điểm thi nào cũng đỗ vào trường. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn lấy điểm chuẩn thấp để tạo cơ hội nhiều nhất cho các em vào học trường công’, Hiệu trưởng trường THPT Đại Cường – Đào Xuân Hiến nói. Ông khẳng định, đến ngày 4/7 duy nhất một học sinh đỗ vào trường với mức điểm 21,5, số đông được 30-40 điểm.
Năm học 2018-2019 trường THPT Đại Cường được giao 310 chỉ tiêu lớp 10. Sau đợt đầu xét tuyển, trường nhận được 240 hồ sơ nhập học, còn thiếu 70 chỉ tiêu. Con số đã tuyển được chiếm 90% tổng số học sinh trong khu vực đã tốt nghiệp THCS năm nay. Do đó, trường Đại Cường mở rộng khu vực tuyển sinh nguyện vọng 3 sang nhiều quận huyện khác, trong đó có cả quận nội thành như: Đống Đa, Cầu Giấy, Hà Đông, Thanh Xuân…
THPT Mỹ Đức C đã tuyển được 96% học sinh trong khu vực tốt nghiệp THCS năm nay, nhưng vẫn chưa đủ chỉ tiêu được giao. Đợt một, trường có 400 học sinh đến nhập học, còn thiếu 50 chỉ tiêu. Trong số này, có 6 em đạt mức 21,5-25 điểm xét tuyển; 150 em đạt điểm trên 40.
Hiệu trưởng Trần Xuân Thuấn cho biết, đầu vào không cao nhưng đầu ra của THPT Mỹ Đức C luôn đứng tốp 20 các trường tốt nhất Hà Nội, tỷ lệ học sinh giỏi nhiều năm của trường là trên 20%.
Cũng lấy 21,5 điểm đầu vào lớp 10, trưởng THPT Lưu Hoàng (huyện Ứng Hòa) đã tuyển được 356 học sinh, thiếu 94 chỉ tiêu. Số tuyển được phần lớn đạt trên 30 điểm. Một số học sinh đăng ký nguyện vọng 1 trúng tuyển nhưng chưa nhập học, chủ yếu ở cách xa trường như vùng giáp huyện Thanh Oai (xa hơn 15km), Hiệu trưởng Nguyễn Khắc Thuật cho biết.
Trường THPT Lưu Hoàng do đó tuyển tiếp nguyện vọng 3 với mức điểm từ 23,5 trở lên, cho thí sinh ở nhiều quận huyện. ‘Đây là chủ trương rất nhân văn, để nhiều học sinh có cơ hội vào học trường công’, ông Thuật nói.
Video đang HOT
Ngoài 3 trường trên, còn một số cơ sở công lập ở ngoại thành như: THPT Bất Bạt, THPT Minh Quang (huyện Ba Vì); THPT Ứng Hòa B (huyện Ứng Hòa), THPT Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức) cũng có điểm chuẩn vào lớp 10 thấp. Với mức trúng tuyển 22-24,5 điểm, học sinh chỉ cần đạt 3-3,5 điểm mỗi môn Toán, Ngữ văn là đỗ vào trường.
‘Tuyển chưa đủ chỉ tiêu mà nguồn tuyển nguyện vọng 1 vẫn dồi dào nên nhà trường hạ điểm chuẩn, để tạo điều kiện cho các em’, ông Đỗ Văn Chiến – Hiệu trưởng THPT Xuân Khanh – một trong 10 trường lấy chuẩn dưới 30 điểm, nói. Trong đợt xét tuyển lần một, trường tuyển được 475 học sinh trên tổng số 495 chỉ tiêu. Trường do đó hạ mức chuẩn từ 28,5 xuống 27,5 để tuyển nốt.
Câu chuyện tuyển sinh lớp 10 của các trường ngoại thành Hà Nội trái ngược với các trường nội đô, đặc biệt một số trường tốp. THPT Chu Văn An, THPT Kim Liên, Phan Đình Phùng, Lê Quý Đôn (Hà Đông), Nguyễn Thị Minh Khai, Yên Hòa, Nhân Chính… có mức trúng tuyển từ 49 điểm trở lên. Với mức chuẩn này, học sinh phải đạt 7,5 điểm mỗi môn thi mới đỗ.
‘Chúng tôi đã tuyển được 534 trên tổng số 675 chỉ tiêu. Sau khi hạ điểm chuẩn, sáng nay có thêm 90 hồ sơ nhập học được gửi đến trường và buổi chiều vẫn có phụ huynh đến nộp hồ sơ’, Hiệu trường THPT Yên Hòa nói. Trường hiện lấy chuẩn đầu vào là 49, thấp hơn 1 điểm so với mức công bố trước đó.
Năm học 2018-2019, số học sinh thi vào lớp 10 công lập của Hà Nội đông kỷ lục, tới gần 94.500, tăng hơn 18.700 em so với năm ngoái. Với chỉ tiêu 63.050, toàn thành phố có khoảng 31.900 em phải vào các trường tư thục có chi phí đắt đỏ hoặc học trường nghề, giáo dục thường xuyên.Cuộc đua giành suất vào lớp 10 công lập do đó trở nên căng thẳng. Nhiều trường đóng ở khu đông dân cư có tỷ lệ chọi rất cao, đứng đầu là Nhân Chính (1 chọi 3), THPT Sơn Tây (thị xã Sơn Tây) 1-2,6; Yên Hòa (Cầu Giấy) 1-2,5; Lê Quý Đôn (Hà Đông) 1-2,4.Theo quy chế tuyển sinh, mỗi thí sinh được đăng ký hai nguyện vọng vào trường công lập. Với phương thức kết hợp xét tuyển và thi tuyển, điểm xét tuyển vào lớp 10 sẽ là tổng của điểm THCS (hệ số 1), điểm thi hai môn Toán, Văn (hệ số 2) và điểm cộng thêm. Năm nay, Hà Nội chỉ cộng điểm khuyến khích cho học sinh có chứng chỉ nghề phổ thông trong kỳ thi do Sở Giáo dục tổ chức.Từ năm 2018-2019, tuyển sinh vào lớp 10 sẽ chỉ bằng hình thức thi tuyển Toán, Văn và một bài tổ hợp Ngoại ngữ – Vật lý – Lịch sử – Giáo dục công dân, hoặc Ngoại ngữ – Địa lý – Hóa học – Sinh học.
Theo tiin.vn
TP.HCM sẽ giảm dần số học sinh vào học lớp 10 công lập
Trước ngày công bố điểm chuẩn lớp 10, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết TP sẽ giảm dần số học sinh tốt nghiệp THCS vào học lớp 10 công lập từ nay cho đến năm 2020 để thực hiện công tác phân luồng.
Thí sinh dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2018 tại TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Sở GD-ĐT TP sẽ giữ nguyên quan điểm ra đề thi tuyển sinh lớp 10 theo hướng đổi mới, học sinh phải hiểu bài và biết cách vận dụng kiến thức đã học để giải quyết tình huống thực tế chứ không học tủ, học vẹt như trước"
Ông Nguyễn Văn Hiếu
"Sở GD-ĐT TP.HCM đang nỗ lực hoàn thành các thủ tục còn lại để công bố điểm chuẩn lớp 10 vào chiều 4-7, sớm hơn dự kiến 6 ngày", ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hiếu cho biết thêm: Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018-2019 các trường THPT công lập trên địa bàn TP sẽ tuyển 68.690 học sinh trong khi số thí sinh dự thi là 86.881. Như vậy, sẽ có gần 20.000 học sinh không đậu lớp 10 công lập.
"TP.HCM đã và đang cố gắng xây dựng thêm trường lớp để đảm bảo đủ chỗ học cho con em, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập cũng tăng theo mỗi năm. Song song đó, số học sinh cũng tăng nhanh theo thời gian.
Ngoài ra, ngành GD-ĐT TP đã và đang nỗ lực thực hiện công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS", ông Hiếu nói.
* Cụ thể việc phân luồng này như thế nào, thưa ông?
- Lộ trình từ năm 2015 đến năm 2020 TP sẽ phấn đấu có 30% số học sinh tốt nghiệp THCS hoặc THPT sẽ học nghề tại các trường trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề. Do đó, TP sẽ giảm dần số học sinh tốt nghiệp THCS vào học lớp 10 công lập từ nay cho đến năm 2020 để thực hiện công tác phân luồng.
Cũng cần nói thêm, trước khi xác định lộ trình phân luồng học sinh sau trung học, chúng tôi đã có một cuộc khảo sát và nhận thấy những học sinh yếu, trung bình khi vào học tiếp văn hóa ở bậc THPT là rất vất vả. Nhiều em không theo kịp chương trình, việc học tập trở thành áp lực nặng nề.
Ở những trường THPT có điểm chuẩn lớp 10 thấp, số học sinh thi lại, lưu ban, bỏ học khá cao.
* Thưa ông, dư luận cho rằng kỳ thi tuyển sinh lớp 10 thật ra là một kỳ thi chuyển cấp nhưng nó đã tạo ra sự căng thẳng không chỉ cho học sinh mà cả phụ huynh, giáo viên...
- Từ khi học sinh vào học lớp 1 đến lớp 9, các em không phải trải qua một kỳ thi nào để sắp xếp chỗ học. Vì đây là bậc học phổ cập (TP.HCM đã đạt chuẩn THCS mức độ 2), hiện tại hầu hết thanh thiếu niên từ 15-18 tuổi ở TP đều đã tốt nghiệp THCS.
Sau khi tốt nghiệp THCS - sau giai đoạn giáo dục cơ bản, học sinh sẽ có sự lựa chọn con đường học vấn tiếp theo của mình cho phù hợp với năng lực bản thân và điều kiện của gia đình.
* Trên mạng xã hội đang bàn tán TP là khu vực có học sinh lớp 9 đạt học lực khá giỏi hơn 90% nhưng khi thi tuyển sinh lớp 10 thì hơn 50% học sinh của TP có điểm dưới trung bình môn toán...
- Không có địa phương nào đạt hơn 90% học sinh khá, giỏi cả. Với những báo cáo đã gửi lên có "số đẹp" như kể trên, tôi đã từng nhận định đánh giá học sinh như vậy là không thực chất và không chính xác, năm sau các trường và giáo viên phải rút kinh nghiệm.
Về việc hơn 50% thí sinh có điểm dưới trung bình môn toán, tôi khẳng định lại rằng: đề toán năm nay yêu cầu về học thuật không cao mà chỉ là những dạng toán yêu cầu thí sinh vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề thực tế.
Nhưng cũng cần thừa nhận tình trạng nhiều giáo viên vẫn chưa chịu đổi mới, vẫn dạy theo cách cũ, rập khuôn và máy móc nên khi học sinh gặp bài toán thực tế thì lúng túng, không làm được.
Mà đây không phải là năm đầu tiên đề thi toán đổi mới. Việc đưa bài toán thực tế vào đề thi sở đã thực hiện từng bước một từ ba năm nay. Việc này chúng tôi cũng đã tập huấn, đã thông báo rất kỹ trong các buổi họp chuyên môn.
Sau kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay, Sở GD-ĐT sẽ rà soát lại xem những địa phương nào có số học sinh bị điểm thấp nhiều thì sẽ trực tiếp tập huấn cho các địa phương đó, đồng thời cũng sẽ kiểm tra, thanh tra về kế hoạch dạy học để các giáo viên bắt buộc phải đổi mới phương pháp giảng dạy và cách đánh giá học sinh.
* Năm nay có đến gần 20.000 học sinh không đậu lớp 10 công lập, các em sẽ "đi đâu về đâu" khi mới 16 tuổi?
- Mục tiêu của kỳ thi là sắp xếp chỗ học lớp 10 một cách công khai, công bằng cho học sinh. Ngoài ra, kỳ thi còn là "thước đo" đánh giá chất lượng giáo dục của từng trường THCS, từng quận, huyện.
Học sinh rớt lớp 10 công lập không phải đã bị chặn đứng con đường học vấn. Các em có thể lựa chọn một trong những con đường khác như học tiếp bậc THPT ở các trường tư thục, học hệ bổ túc văn hóa ở các trung tâm giáo dục thường xuyên với số môn ít hơn ở trường THPT nhưng bằng tốt nghiệp THPT có giá trị như nhau, học nghề ở các trường trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tôi khuyên các em nên chọn đường học nghề. Vì theo quy định, học sinh mới tốt nghiệp THCS nếu học nghề sẽ được miễn học phí 100%. Sau khi tốt nghiệp trường nghề, các em có thể đi làm ngay để có thu nhập phụ giúp gia đình. Các em cũng có thể học liên thông lên bậc CĐ, ĐH sau khi đi làm.
Bên cạnh đó, tôi cũng được biết hiện nhiều trường trung cấp chuyên nghiệp cũng cố gắng đổi mới trang thiết bị, nội dung và phương pháp đào tạo, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, hợp tác quốc tế (với Singapore, Úc, Hàn Quốc, Cộng hòa Liên bang Đức...) để chuyển giao giáo trình, phương pháp đào tạo tiên tiến nhằm thực hiện đào tạo nghề theo yêu cầu và tiêu chí của doanh nghiệp.
Theo tuoitre.vn
Thi THPT quốc gia: Đề thi khó hơn nhưng tỷ lệ tốt nghiệp sẽ vẫn cao! Đề thi THPT quốc gia vừa qua dù dư luận đánh giá chung là khó và dài nhưng sẽ không ảnh hưởng đến kết quả tốt nghiệp, mà sẽ tác động mạnh theo hướng giảm điểm chuẩn trúng tuyển ĐH. Thí sinh thi THPT quốc gia 2018 tại TP.HCM - ĐÀO NGỌC THẠCH Với 2 mục tiêu của kỳ thi là để xét...