Chưa có Tài liệu GD địa phương, lo khó đánh giá học kỳ 1, Sở GD TP.HCM nói gì?
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh lên tiếng trước việc chưa có tài liệu giáo dục địa phương.
Ngày 25/11, trước thông tin về việc hiện vẫn chưa có tài liệu Giáo dục địa phương cho học sinh khối 7, 10 nên các trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh chưa thể tổ chức giảng dạy, băn khoăn về việc kiểm tra, đánh giá học kỳ 1, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã có những phản hồi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này.
Theo vị này, hiện tài liệu Giáo dục địa phương đã được thành phố trình với Bộ Giáo dục và Đào tạo, đang chờ phê duyệt để bắt đầu tiến hành giảng dạy.
Về việc chưa có tài liệu, các trường không thể tiến hành giảng dạy và tổ chức kiểm tra học kỳ 1 với nội dung này, vị phụ trách cho hay, các trường không có gì phải lo lắng.
Cho tới nay, tại các trường ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa có tài liệu Giáo dục địa phương. (Ảnh minh họa: P.L)
Bởi theo tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các trường được chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy của mình, miễn làm sao hoàn thành chương trình trong năm học.
Không nhất thiết phải kiểm tra tất cả các môn cùng khoảng thời gian, hoặc phải tiến hành kiểm tra ngay theo khung thời gian kế hoạch của học kỳ, mà các trường có thể tổ chức kiểm tra kỳ 1 khi thực hiện xong việc giảng dạy 50% chương trình, kiểm tra cuối năm học khi đã hoàn thành 100% chương trình môn học.
“Các môn có thể kết thúc đồng thời với nhau cũng được, còn nếu không kết thúc đồng thời thì có thể áp dụng nguyên tắc này” – đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định.
Theo tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong học kỳ 1 không tổ chức khen thưởng theo xếp loại danh hiệu cho học sinh, mà chỉ thực hiện một lần duy nhất vào cuối năm học, nên các trường có thể chủ động với kế hoạch giảng dạy từ trước của mình.
Trước đó, như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, theo ý kiến của Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Nguyễn Du, quận 10, cho đến nay, dù đã sắp kết thúc học kỳ 1, nhưng học sinh lớp 10 vẫn chưa có bộ tài liệu Giáo dục địa phương.
Video đang HOT
Chính vì vậy, trường vẫn chưa thể tổ chức giảng dạy nội dung này đối với học sinh khối lớp 10.
Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú giải thích, vì còn phải căn cứ vào các chủ điểm, nội dung giáo dục địa phương được phê duyệt, để giảng dạy. Nhà trường quyết định không xếp nội dung Giáo dục địa phương trong thời khóa biểu cho đến thời điểm này.
Từ đó sẽ nảy sinh ra vấn đề thiếu môn học/hoạt động giáo dục thì việc kiểm tra, đánh giá, tổng kết học kỳ 1 sẽ được tiến hành như thế nào? Đây là vấn đề mà ban giám hiệu nhà trường đang băn khoăn.
TP.HCM: Không có Tài liệu GD địa phương lớp 10, chưa dạy, kiểm tra kỳ 1 kiểu gì?
Sắp hết học kỳ 1 vẫn nhưng chưa có bộ tài liệu Giáo dục địa phương. Đến nay, Trường THPT Nguyễn Du chưa thể tổ chức dạy nội dung này đối với lớp 10.
Năm học 2022-2023, chương trình giáo dục phổ thông 2018 lần đầu tiên được triển khai với lớp 10. Thầy và trò các trường trung học phổ thông đang dần làm quen và thích ứng, tuy nhiên vẫn không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện.
Phụ huynh gọi đến trường phản ánh... vì con phải học quá nhiều
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, sau gần một học kỳ làm quen với chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 10, giáo viên đang dần thích ứng, không còn bỡ ngỡ như những buổi đầu mới triển khai.
Tuy nhiên, ngay từ đầu năm học, các giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu tiếp nhận không ít cuộc gọi phản ánh từ phía phụ huynh học sinh.
"Phụ huynh than phiền về việc giáo viên giao nhiệm vụ, bài tập về nhà cho học sinh nhiều, không chỉ một vài môn mà tất cả các môn. Vì vậy, sau một ngày học trên trường cùng thầy cô, về đến nhà, phần lớn thời gian các em luôn trong trạng thái học tập, nghiên cứu tài liệu trên mạng, không có nhiều thời gian nghỉ ngơi", Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú kể.
Ví dụ, một bài học có 3 phần, trước đó giáo viên sẽ giao phần 1 và 2 cho học sinh về nhà tự tìm hiểu. Đến buổi giảng, thầy cô sẽ hỏi các nội dung mà học sinh tự chuẩn bị, rồi tập trung giảng giải phần 3. Là kiến thức mới, chưa được thầy cô dạy qua nên về nhà học sinh phải dành rất nhiều thời gian tìm hiểu, không chỉ trong sách giáo khoa mà còn phải tìm hiểu thêm trong sách tham khảo, các trang mạng. Thậm chí, có một số phụ huynh bày tỏ bức xúc: nếu con mình tự học, tự hiểu được kiến thức mới thì đã không cần đến trường nghe giáo viên giảng bài.
Gặp nhiều phản ánh từ phía phụ huynh, nhưng để có thể hoàn thành nhiệm vụ của chương trình giáo dục phổ thông 2018, Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú nhấn mạnh, nếu không giao nhiệm vụ hay giao ít hơn thì trong tiết hôm sau giáo viên không thể dạy được hết kiến thức bài mới. Chưa kể, chủ trương của chương trình mới gồm 2 phần là: phần làm việc của học sinh và phần làm việc của thầy cô nên giao nhiệm vụ cho người học là bắt buộc.
Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du. Ảnh: VOV
"Chủ trương của người biên soạn chương trình là giao việc cho học sinh, nghe dễ nhưng khi thực hiện cũng có những bất cập nhất định. Không nên kỳ vọng quá vào học sinh, phải biết năng lực tìm hiểu và tiếp nhận kiến thức của đối tượng mình dạy ra sao, không phải học sinh nào cũng giống nhau.
Mục đích của chương trình rất hay nhưng khi áp dụng đại trà cho tất cả học sinh từ miền núi đến vùng đồng bằng, từ học sinh yếu đến học sinh giỏi thì chưa phù hợp. Cách cho học sinh chuẩn bị bài, nghiên cứu kiến thức bài mới chỉ nên áp dụng cho học sinh trường chuyên, học sinh giỏi. Còn với học sinh học lực yếu, trung bình, đặc biệt là các em học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng biên cương hẻo lánh không có điều kiện, trang thiết bị để tự tìm hiểu nghiên cứu trước tài liệu bài mới thì sẽ rất khó khăn", Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du nói.
Chưa có tài liệu Giáo dục địa phương nên chưa triển khai dạy học
Ghi nhận ý kiến của các thầy cô sau một thời gian triển khai chương trình mới đối với lớp 10, Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú cho hay, hiện nay nhiều giáo viên vẫn còn thiếu phương tiện dạy học, đặc biệt là máy tính. Điều này khiến các thầy cô gặp khó trong tiết dạy vì chương trình mới phải áp dụng công nghệ thông tin nhiều.
Như vậy, mặc dù đang triển khai số hóa ngành giáo dục nhưng ở nhiều trường vẫn phải tiến hành dạy chay vì không có phương tiện và công cụ hỗ trợ.
Ngoài ra, có những giáo viên vừa dạy lớp 10 vừa dạy lớp 11 hoặc vừa dạy lớp 10 vừa dạy lớp 12 nên đôi khi bị chồng chéo về phương pháp dạy, cách kiểm tra, đánh giá giữa chương trình cũ và chương trình mới, khó có thể tách bạch rạch ròi.
Đặc biệt, một trong những vấn đề Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du luôn trăn trở đó là, sắp hết học kỳ 1 nhưng vẫn chưa có bộ tài liệu nội dung Giáo dục địa phương. Chính vì vậy, đến nay, nhà trường chưa thể tổ chức dạy học nội dung này đối với lớp 10.
"Không có tài liệu, nhà trường không thể tiến hành tổ chức dạy học được, vì còn phải căn cứ các chủ điểm, các nội dung giáo dục địa phương được phê duyệt dạy. Trước đó, ban giám hiệu cũng đề xuất để môn khác trám vào tiết trống của nội dung Giáo dục địa phương nhưng sau khi phân tích thì thấy phương án này không khả thi. Vì sẽ ảnh hưởng đến công tác bố trí tiết học các môn khác, giờ dạy của giáo viên bộ môn, thậm chí là kế hoạch điều tiết giờ giảng của học kỳ 2 (nếu lúc đó có tài liệu và triển khai dạy). Bởi vậy, nhà trường quyết định không xếp nội dung Giáo dục địa phương trong thời khóa biểu đến thời điểm này.
Từ đó, nảy sinh vấn đề: thiếu môn học/hoạt động giáo dục thì kiểm tra, đánh giá, tổng kết học kỳ 1 như thế nào. Đây là vấn đề ban giám hiệu nhà trường đang băn khoăn", Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú tâm sự.
Kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn vẫn lấy các văn bản trong sách giáo khoa
Riêng với môn Ngữ văn, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du cho biết, hiện nay các giáo viên của trường chưa hoàn toàn thoát ra khỏi văn bản trong sách giáo khoa khi tiến hành kiểm tra, đánh giá.
Nếu lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa thì vấn đề định lượng, định tính, đặc biệt là công tác chính trị, tư tưởng của văn bản, tác giả không ai kiểm định sẽ rất nguy hiểm. Sẽ có tác phẩm, ngữ liệu trong thời điểm nào đó đúng nhưng trong thời điểm khác lại không đúng. Vì vậy, thầy cô chọn cách an toàn nhất là dựa vào các văn bản trong sách giáo khoa.
Nhiều khó khăn khi triển khai chương trình mới đối với lớp 10. Ảnh minh họa: Trần Lý
Tuy nhiên, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du cũng có những phương pháp rất đặc biệt để môn Ngữ văn không nhàm chán, thu hút học sinh.
"Trước đó, trường đã mời một số giảng viên, nghệ sĩ, đạo diễn về tập huấn cho đội ngũ giáo viên cũng như học sinh về phương pháp sân khấu hóa tác phẩm văn học, chuyển thể tác phẩm văn học thành kịch bản sân khấu. Không chỉ mang ý nghĩa bồi dưỡng chuyên môn cho thầy cô giáo, tiếp sức, động viên để thầy cô nhìn rõ bản chất đổi mới, mạnh dạn hơn trong đổi mới mà còn giúp mỗi học sinh có niềm yêu thích hơn với môn Ngữ văn", Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú chia sẻ.
Từ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện chương trình mới, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du bày tỏ mong muốn:
Thứ nhất, ngành giáo dục quan tâm nhiều hơn tới đời sống giáo viên, hỗ trợ trang thiết bị phục vụ việc truyền đạt kiến thức tới học sinh và đáp ứng được yêu cầu đổi mới.
Thứ hai, sớm cung cấp tài liệu Giáo dục địa phương và có kế hoạch hướng dẫn các trường triển khai, đảm bảo đúng tiến độ năm học.
Thứ ba, với các môn như Giáo dục quốc phòng an ninh nên để các trường tự linh động thời gian giảng dạy. Cụ thể, bộ môn này có 35 tiết/năm, có thể tiến hành cho học sinh học tập trung trong một khoảng thời gian nhất định, phù hợp. Việc dàn trải số tiết học từ đầu năm đến cuối năm như hiện nay không đem lại nhiều hiệu quả.
Thứ tư, công tác biên soạn kế hoạch giảng dạy, chuẩn bị giáo án chiếm phần lớn thời gian của giáo viên nên thầy cô không có thời gian đọc sách, tìm thêm các ngữ liệu để trích dẫn. Vì vậy, hi vọng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh sớm ban hành danh mục, liệt kê tài liệu uy tín để giáo viên yên tâm tham khảo; đồng thời cũng để nhà trường sớm có cơ sở ngữ liệu vững chắc triển khai đổi mới kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn.
Thứ năm, gần hết học kỳ 1 nhưng trường chưa được cấp trang thiết bị phục vụ chương trình mới, vẫn phải tận dụng của chương trình cũ. Vì vậy, mong rằng các bộ, ban, ngành liên quan sớm cung cấp đầy đủ cho các nhà trường, chọn đơn vị đấu thầu trang thiết bị chất lượng để việc triển khai chương trình mới được hiệu quả.
Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk tổ chức dạy CT GDTX bậc THPT 'tiền trảm hậu tấu' Hơn 200 học sinh tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk đã được trường này dạy Chương trình GDTX cấp THPT từ ngày 5/9/2022 đến nay. Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của độc giả về việc, Trường cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk đã tổ chức tuyển sinh và hiện đang dạy văn hóa cấp...