Chưa có kế hoạch lùi kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2020
Bộ Giáo dục cho biết, căn cứ tình hình thực tiễn sẽ quyết định thời gian thi trung học phổ thông quốc gia và công bố theo đúng quy định.
Nhiều lưu ý quan trọng về công tác tuyển sinh năm 2020 được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đưa ra tại Hội nghị tổng kết tuyển sinh năm 2019, triển khai công tác tuyển sinh năm 2020 trình độ đại học hệ chính quy, trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non hệ chính quy diễn ra ngày 13/2.
Để chuẩn bị cho công tác tuyển sinh năm 2020, về phía Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo Sở chỉ đạo trường trung học phổ thông tập trung dạy học, ôn tập cho học sinh thi trung học phổ thông quốc gia theo hướng dẫn của Bộ, tránh tình trạng học lệch, học tủ.
Việc cho điểm trong học bạ phải đảm bảo trung thực, khách quan, để đảm bảo độ chính xác và chất lượng cho công tác tuyển sinh theo hình thức xét học bạ mà nhiều trường đại học, cao đẳng đang áp dụng.
Bộ Giáo dục cho biết, căn cứ tình hình thực tiễn sẽ quyết định thời gian thi trung học phổ thông quốc gia và công bố theo đúng quy định. (Ảnh minh họa: Dương Hà)
Vừa qua, học sinh các tỉnh thành nghỉ học để phòng chống dịch CoVid -19 nên tới đây các trường cần xây dựng phương án học bù theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Về phía Bộ, căn cứ tình hình thực tiễn sẽ quyết định thời gian thi trung học phổ thông quốc gia và công bố theo đúng quy định.
Đối với công tác hướng nghiệp, Bộ trưởng nhấn mạnh các Sở Giáo dục và Đào tạo cần chú trọng chỉ đạo các trường trung học phổ thông quan tâm sát sao việc tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, bằng nhiều hình thức.
Đây là nhiệm vụ và trách nhiệm của các nhà trường, nhằm giúp học sinh lựa chọn được ngành nghề phù hợp, phát huy được sở trường của bản thân và đáp ứng được nhu cầu thực tế của thị trường lao động.
Các trường đại học, cao đẳng, trong công tác tư vấn hướng nghiệp cần cung cấp thông tin trung thực nhà trường, không “đánh bóng danh tiếng” gây nhiễu thông tin để thí sinh đăng ký xét tuyển.
Video đang HOT
Việc tư vấn tuyển sinh cần đổi mới phương thức, có sự phối hợp chặt chẽ với đơn vị sử dụng lao động để đưa ra các yêu cầu nghề nghiệp chính xác cho học sinh, phụ huynh tham khảo, lựa chọn.
“Tôi đánh giá cao các trường đại học phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Sở Giáo dục và Đào tạo và các trường phổ thông để tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2019.
Năm nay, đề nghị các trường tiếp tục phát huy, sớm có kế hoạch tập huấn cán bộ tham gia làm thi, thanh tra thi… để công tác phối hợp được nhuần nhuyễn, đúng quy chế, để kỳ thi đạt kết quả tốt nhất”, Bộ trưởng nói.
Mở ngành mới phải có cơ sở khoa học
Việc xây dựng phương án tuyển sinh được đánh giá là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của cơ sở giáo dục đại học, ảnh hưởng lớn tới chất lượng tuyển sinh và công tác đào tạo của trường.
Do đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ Phải yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học phải tính toán kỹ lưỡng, có nghiên cứu và phân tích thị trường để đưa ra quyết định về việc mở ngành mới.
“Các ngành đạo tạo khi mở ra cần được tính toán kỹ lưỡng, có căn cứ khoa học và thực tiễn, tránh tình trạng chỉ căn cứ vào nhu cầu nhất thời của một số đơn vị để mở ngành.
Việc làm đó sẽ khiến quyền lợi người học không được bảo đảm, ảnh hưởng đến chất lượng và uy tín của nhà trường, uy tín của hệ thống cũng bị rủi ro”, Bộ trưởng nói và nhấn mạnh “năm 2020 phải chấm dứt tình trạng này”.
Tiếp thu ý kiến một số trường sư phạm và Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương về việc có cơ chế đặc thù cho một số ngành đào tạo giáo viên đang có nhu cầu nhân lực cao để đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cho biết, sẽ có hướng dẫn riêng về vấn đề này. Tuy nhiên, “những ngành đặc thù, chúng ta có cơ chế riêng nhưng không phải vì đặc thù mà hạ chất lượng”.
Căn cứ các ý kiến đồng thuận từ hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kết luận, công tác tuyển sinh năm 2020 về cơ bản giữ ổn định như năm 2019. Ban soạn thảo của Bộ sớm hoàn thiện và ban hành Quy chế tuyển sinh 2020.
Quy chế này sau khi ban hành cần được các trường phổ biến đầy đủ cho cán bộ làm công tác tuyển sinh, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng của trường, nhằm đảm bảo việc tuyển sinh 2020 sẽ diễn ra thuận lợi, thành công, vì lợi ích cao nhất của người học.
Thùy Linh
Theo giaoduc.net
Số hóa sổ điểm, học bạ: Có chấm dứt tình trạng 'làm đẹp' kết quả?
Thời gian tới Bộ GD&ĐT sẽ triển khai sổ điểm điện tử, học bạ điện tử. Việc số hóa dữ liệu học tập liệu có chấm dứt được tình trạng "làm đẹp" học bạ như hiện nay ở các trường từ tiểu học đến trung học phổ thông?
Sổ điểm điện tử sẽ đẩy lùi tình trạng làm đẹp kết quả học tập như hiện nay
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ không có chủ trương bỏ sổ điểm giấy và học bạ giấy trong nhà trường. Việc số hóa sổ điểm, học bạ để sử dụng trong các tình huống giao dịch dịch vụ công trực tuyến.
Hiện nay ngành giáo dục đã đẩy mạnh sử dụng sổ điểm điện tử nhưng ở các mức độ khác nhau, đơn giản nhất là sổ điểm điện tử thay sổ điểm giấy. Các trường quản lý điểm của học sinh bằng phần mềm, có thể in ra thành sổ điểm bằng cách xuất ra các định dạng PDF để lưu trữ, đáp ứng các thông tin như sổ điểm truyền thống. Ở mức độ cơ bản này, ông Sơn Hải cho biết, đa số các trường trên cả nước đang sử dụng.
Hiện chưa có địa phương nào dùng sổ điểm điện tử để triển khai dịch vụ công trực tuyến vì chưa có cơ sở pháp lý. Trong đó có vấn đề chứng thực các nội dung trên sổ điểm đó là đúng, hợp pháp, từ đó các giao dịch về trực tuyến mới có giá trị pháp lý.
Ông Nguyễn Sơn Hải nhận định, ngành giáo dục Hà Nội đã đẩy mạnh số hóa sổ điểm, học bạ nhưng mới chỉ dừng ở mức hỗ trợ công tác tuyển sinh, tức là một dạng dịch vụ công trực tuyến. Theo đánh giá của các chuyên gia, điện tử hóa giúp quản lý dễ hơn, công khai minh bạch trong nội bộ của đơn vị, ngành. Nhờ đó có thể giúp đẩy lùi tiêu cực như sửa chữa, làm đẹp sổ điểm.
Trước lo ngại không bảo mật được thông tin của học sinh khi số hóa sổ điểm, học bạ, ông Nguyễn Sơn Hải khẳng định, khi triển khai chính phủ điện tử, nội dung này được đặc biệt quan tâm. Toàn bộ thông tin liên quan đến giáo viên, học sinh được thu thập sẽ do Bộ quản lý, xử lý theo mục đích của ngành đúng với chức trách.
"Chúng tôi cũng phối hợp với các cơ quan liên quan như Ban Cơ yếu Chính phủ để có các giải pháp mã hóa dữ liệu, có cơ sở bảo mật. Đồng thời, phối hợp với các đối tác an toàn thông tin lớn của Chính phủ như Viettel, Cục an toàn thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông để có phương án bảo vệ dữ liệu" - ông Nguyễn Sơn Hải nói.
Không khuyến khích sổ liên lạc điện tử có thu phí
Hiện nay ngành giáo dục có chủ trương số hóa các chương trình, tài liệu trong công tác quản lý phục vụ công tác dạy và học. Hiện Bộ đã số hóa được cơ sở dữ liệu lưu trữ thông tin phục vụ quản lý gần 53.000 trường học từ mầm non đến THPT, Trung tâm giáo dục thường xuyên. Trong đó đã số hóa được hồ sơ của khoảng 23 triệu học sinh, 1,5 triệu giáo viên cán bộ quản lý.
Tiến tới Bộ sẽ thực hiện phân tích dự báo thông tin phục vụ làm chính sách quy hoạch, rà soát thủ tục hành chính. "Ngành giáo dục có khoảng hơn 200 thủ tục hành chính. Trên cơ sở dữ liệu đã có, chúng tôi tính đến chuyện có thể cắt giảm một số giấy tờ trong thực hiện thủ tục hành chính hiện nay. Trong đó, học bạ, sổ điểm, các giấy chứng nhận thông tin lý lịch, kết quả quá trình học tập của học sinh sẽ được số hóa", ông Hải cho biết thêm.
Số hóa giúp giáo viên quản lý tính toán chính xác kết quả học tập. Ngoài ra hoàn toàn có thể thực hiện các giao dịch trao đổi thông tin qua mạng, thiết bị điện tử mà không cần sử dụng bản giấy với nhiều thủ tục hành chính rườm rà như hiện nay.
Bộ GD&ĐT cũng tính đến việc hỗ trợ phần mềm cho các trường. Khó khăn lớn nhất là phải thu thập được cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác những thông tin sẽ số hóa. Tới đây Bộ sẽ hợp tác với các tập đoàn lớn để hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến mở rộng cung cấp miễn phí cho toàn ngành.
Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin cho biết đây là năm thứ ba thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin của ngành GD-ĐT. Năm nào Bộ cũng yêu cầu các trường tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để liên lạc với phụ huynh và khuyến khích sử dụng các hình thức như website, email, tin nhắn OTT... đó là các hình thức liên lạc miễn phí và không khuyến khích các hình thức sổ liên lạc điện tử có thu phí.
Hiện nhiều trường đã áp dụng các hình thức miễn phí, tuy nhiên, vẫn có hiện tượng lạm dụng liên lạc bằng tin nhắn để thu tiền. Ông Hải cho hay: "Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến để có những chỉ đạo sát sao, tiến tới chấm dứt tình trạng này".
Số hóa giúp giáo viên quản lý tính toán chính xác kết quả học tập. Ngoài ra hoàn toàn có thể thực hiện các giao dịch trao đổi thông tin qua mạng, thiết bị điện tử mà không cần sử dụng bản giấy với nhiều thủ tục hành chính rườm rà như hiện nay.
Theo Tiền Phong
Đại học Huế miễn phí đăng ký xét tuyển bổ sung Ngày 16/8, Hội đồng tuyển sinh Đại học Huế cho biết, cơ sở này sẽ miễn lệ phí đăng ký xét tuyển các đợt bổ sung cho tất cả nguyện vọng vào các ngành đào tạo của Đại học Huế năm 2019. Ảnh minh họa Cụ thể, thí sinh đăng ký xét tuyển các đợt bổ sung sẽ được miễn lệ phí cho...