Chu Vĩnh Khang nói gì trong ngày nhận án chung thân?
Trong lời cuối cùng trước khi tòa tuyên án, Chu Vĩnh Khang thừa nhận đã “triền miên” phạm pháp, vi phạm kỷ luật của đảng Cộng Sản, và nhận hết trách nhiệm về mình thay cho các “đàn em”.
Chu Vĩnh Khang nhận bản án chung thân sau khi thừa nhận mọi tội trạng (Ảnh: CCTV)
Theo Tân Hoa Xã, Chu Vĩnh Khang thừa nhận đã “triền miên” vi phạm pháp luật và các kỷ luật của đảng Cộng Sản, gây hậu quả nghiêm trọng.
“Các chi tiết cơ bản đã rõ ràng. Tôi thừa nhận có tội và thấy ăn năn về hành vi sai trái của mình”, Chu Vĩnh Khang nói. “Những người có liên quan, những người đã hối lộ gia đình tôi, thực chất là muốn theo đuổi quyền lực tôi nắm giữ, và tôi cần là người chịu trách nhiệm chính”.
“Tôi đã vi phạm pháp luật và kỷ luật của Đảng triền miên, và những sự thật khách quan về tội danh của tôi đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho Đảng và nhà nước. Quá trình xử lý vụ việc của tôi tuân thủ đúng các quy định của Đảng và pháp luật, phản ánh quyết tâm của cơ quan chức năng trong việc quản lý Đảng một cách chặt chẽ và thúc đẩy pháp quyền”, vị cựu Bộ trưởng công an khẳng định.
Lộ rõ “băng đảng dầu khí”
Theo Tân Hoa Xã, việc xét xử Chu Vĩnh Khang, 73 tuổi, diễn ra từ hôm 22/5. Do vụ án có liên quan đến tiết lộ các bí mật nhà nước, nến quá trình xét xử diễn ra bí mật.
Chu từng là ủy viên thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc, chủ nhiệm Ủy ban chính pháp trung ương. Trước đó, “ông trùm” an ninh này từng có thời gian dài công tác tại Tập đoàn dầu khí nhà nước Trung Quốc (CNPC), với cương vị phó tổng giám đốc, bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên.
Theo phán quyết của tòa, Chu đã nhận hối lộ khoảng 130 triệu nhân dân tệ (21,3 triệu USD). Trong đó, có 5 người liên quan, được hưởng lợi từ hành vi lạm dụng quyền lực của Chu Vĩnh Khang, gồm doanh nhân Wu Bing ở tỉnh Tứ Xuyên, người được cho là thân thiết với con trai Chu Bân của Chu Vĩnh Khang; Đinh Tuyết Phong, nguyên thị trưởng thành phố Lữ Lương, tỉnh Sơn Tây; Wen Qingshan – nguyên kế toán trưởng của CNPC, Zhou Hao – nguyên bí thư đảng ủy một công ty con của CNPC, và Tưởng Khiết Mẫn, nguyên chủ tịch của CNPC.
Chu Vĩnh Khang bị kết luận đã trực tiếp nhận hối lộ tiền và bất động sản trị giá 731.100 nhân dân tệ từ Tưởng Khiết Mẫn. Trong khi đó vợ và con trai Chu Bân của vị cựu quan chức này nhận tiền và nhà đất trị giá 129 triệu nhân dân tệ.
Video đang HOT
Hồ sơ vụ án khẳng định, Chu Vĩnh Khang đã chỉ đạo Tưởng Khiết Mẫn và Lý Xuân Thành (Li Chuncheng) – cựu phó bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên – hỗ trợ hoạt động kinh doanh của những người khác, giúp họ thu lợi bất chính khoảng 2,14 tỷ nhân dân tệ (348 triệu USD), và gây thiệt hại cho nhà nước 1,49 tỷ nhân dân tệ (242,6 triệu USD).
Chu Vĩnh Khang cũng bị kết tội để lộ 6 tài liệu mật, trong đó có 5 tài liệu tối mật, cho
Yongzheng, một sư phụ khí công, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin.
Tòa án cũng khẳng định Chu được hưởng khoan hồng dù nhận hối lộ “khổng lồ”, bởi đã thừa nhận tội trạng và yêu cầu người nhà nộp lại hết tiền hối lộ. Toàn bộ tài sản của Chu đã bị tịch thu.
Theo luật pháp Trung Quốc, án phạt tối đa cho tội danh nhận hối lộ là tử hình. Mức án tối đa cho các tội lạm dụng quyền lực và làm lộ bí mật nhà nước đều ở mức 7 năm tù giam.
Thanh Tùng
Theo Dantri/Xinhua
5 điều cần biết sau bản án của Chu Vĩnh Khang
Chu Vĩnh Khang, "con hổ" lớn bị sa lưới trong chiến dịch chống tham nhũng tại Trung Quốc, ngày 11/6 đã bị tuyên án tù chung thân tại một phiên tòa bí mật, sau một loạt diễn biến khiến dư luận thế giới chú ý suốt 2 năm qua.
Dưới đây là 5 điều cần biết về vụ án được miêu tả là lớn nhất Trung Quốc trong vòng ít nhất 40 năm qua.
Chu Vĩnh Khang là ai?
Chu Vĩnh Khang trong lần cuối xuất hiện trước công chúng tháng 10/2013 (Ảnh: Xinhua)
Ông Chu, 73 tuổi, từng là người đứng đầu cơ quan an ninh tại Trung Quốc, nguyên ủy viên thường vụ Bộ chính trị, cơ quan lãnh đạo tối cao của đảng Cộng Sản nước này.
Là một nhân vật được nể sợ và nổi tiếng với vẻ mặt giận dữ, ông Chu thăng tiến từ ngành dầu khí của Trung Quốc, trước khi ngồi vào ghế Bộ trưởng công an, chủ nhiệm ủy ban chính pháp trung ương, đảng Cộng Sản Trung Quốc, quản lý toàn bộ vấn đề an ninh trong nước, từ cảnh sát, tòa án tới các trại giam và hoạt động giám sát trong nước.
Năm 2012 Chu Vĩnh Khang nghỉ hưu.
Chu Vĩnh Khang bị nghi vấn từ khi nào?
Phạm vi ảnh hưởng khổng lồ của Chu Vĩnh Khang trên chính trường Trung Quốc và trong giới doanh nghiệp dầu khí (Ảnh: BBC)
Những đồn đoán về việc ông Chu có thể gặp rắc rối xuất hiện khi một đồng minh chính trị là Bạc Hy Lai bị kết án tù chung thân về tội danh tham nhũng, tháng 9/2013. Lần cuối cùng ông Chu xuất hiện trước công chúng là một tháng sau đó.
Kể từ đó, các thành viên gia đình và những người thân tín quanh ông Chu bắt đầu thu hút sự chú ý từ cơ quan chống tham nhũng. Đến tháng 7 năm ngoái, Chu Vĩnh Khang chính thức bị điều tra vì "vi phạm nghiêm trọng kỷ luật", trước khi chính thức bị khởi tố về tội danh tham nhũng hồi tháng 4/2015.
Chu Vĩnh Khang phạm tội gì?
Chu Vĩnh Khang tóc bạc trắng tại tòa ngày 11/6/2015 (Ảnh: CCTV)
Sau phiên xét xử bí mật tại thành phố Thiên Tân, ông Chu bị kết tội tham nhũng, lạm dụng quyền lực và làm lộ bí mật nhà nước.
Vị cựu quan chức này, cùng vợ và con trai đã nhận hối lộ bằng tiền mặt và tài sản với tổng trị giá 129,8 triệu nhân dân tệ (21 triệu USD), tòa án khẳng định. "Con hổ" bị đả đã ra lệnh cho một số thuộc hạ dưới quyền hỗ trợ cho các thành viên gia đình, và những người khác trục lợi bất chính 2,1 tỷ nhân dân tệ. Chu cũng đưa 6 tài liệu mật cho một doanh nhân, tòa án khẳng định.
Vụ án nghiêm trọng nhất Trung Quốc từ năm 1976
Cho đến nay, Chu là quan chức cấp cao và quyền lực nhất đảng Cộng Sản Trung Quốc bị xét xử và tống giam kể từ sau vụ án "Băng đảng 4 tên" năm 1976. Trong suốt 3 thập niên qua, không có một thành viên thường vụ Bộ chính trị nào, cả đương nhiệm lẫn đã về hưu, bị khởi tố.
Cú "ngã ngựa" của Chu báo hiệu điều gì?
Việc kết án Chu Vĩnh Khang càng củng cố hơn nữa hình ảnh của Chủ tịch Tập Cận Bình, với tư cách nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc những năm gần đây, và là dấu mốc quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng lâu dài của ông Tập.
Tuy nhiên, việc vụ xét xử diễn ra bí mật khiến không ít báo giới và chuyên gia nước ngoài bày tỏ sự hoài nghi về sự cam kết của Bắc Kinh đối với pháp quyền.
Thanh Tùng
Theo Dantri/ WSJ
Trung Quốc tuyên án Chu Vĩnh Khang tù chung thân Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 11/6 khẳng định, nguyên ủy viên thường vụ Bộ chính trị Chu Vĩnh Khang đã bị tuyên án tù chung thân trong một phiên tòa bí mật tại Thiên Tân. Bị cáo thừa nhận mọi tội danh và bị tịch thu mọi tài sản cá nhân. Hình ảnh Chu Vĩnh Khang tại tòa được kênh CCTV...